Nghệ An: Kỳ vọng đầu tư công “kéo” tăng trưởng đi lên.

Địa phương
07:16 AM 18/07/2025

Giới chức trách Nghệ An kỳ vọng đầu tư công sẽ tiếp tục thúc đẩy nền kinh tế tăng trưởng mạnh trong bối cảnh các ngành, lĩnh vực còn gặp nhiều khó khăn.

Tuy nhiên, "chướng ngại" của đầu tư công lâu nay là công tác đền bù, giải phóng mặt bằng (GPMB) và thi công ở một số công trình, dự án trọng điểm trên địa bàn vẫn còn khá chậm, tạo áp lực tăng trưởng cho địa phương này trong quãng thời gian còn lại của năm 2025.

Trong đó, một phần nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên đến từ việc sắp xếp tổ chức bộ máy và đơn vị hành chính theo mô hình chính quyền địa phương 2 cấp. Vì vậy, tin tưởng rằng, sau khi bộ máy chính quyền địa phương 2 cấp vận hành ổn định, thông suốt và hiệu quả, những "điểm nghẽn" liên quan đến các dự án đầu tư công sẽ được Nghệ An tháo gỡ triệt để…

Áp lực đền bù, giải phóng mặt bằng

Mới đây, trong khuôn khổ nội dung buổi họp báo về tình hình kinh tế - xã hội, quốc phòng – an ninh 6 tháng đầu năm 2025, đại diện Sở Tài chính Nghệ An cho biết: Trong 6 tháng đầu năm việc triển khai thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội còn gặp nhiều khó khăn, thách thức; thực hiện đồng thời nhiều nhiệm vụ trọng tâm, nhất là sắp xếp tổ chức bộ máy và đơn vị hành chính theo mô hình chính quyền địa phương 2 cấp.

Nghệ An: Kỳ vọng đầu tư công “kéo” tăng trưởng đi lên.- Ảnh 1.

Mới đây, UBND tỉnh Nghệ An đã tổ chức họp báo về tình hình kinh tế - xã hội, quốc phòng – an ninh trong 6 tháng đầu năm 2025.

Trong bối cảnh đó, với sự lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt, kịp thời, hiệu quả của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh; sự nỗ lực của các cấp, các ngành, cộng đồng doanh nghiệp và Nhân dân, tình hình kinh tế - xã hội tiếp tục duy trì đà tăng trưởng tích cực, đạt nhiều kết quả quan trọng trên các ngành, lĩnh vực.

Qua công bố của Cục Thống kê - Bộ Tài chính, tăng trưởng kinh tế 6 tháng đầu năm của tỉnh Nghệ An đạt 8,24% (quý I tăng 6,99%; quý II tăng 9,24%), cao hơn mức tăng 5,35% của cùng kỳ 6 tháng đầu năm 2024. Thu ngân sách nhà nước ước thực hiện 13.909 tỷ đồng, đạt 78,5% dự toán, tăng 14,7% so với cùng kỳ năm 2024. Chi ngân sách địa phương ước thực hiện 26.568 tỷ đồng, đạt 63,3% dự toán.

Riêng về vấn đề đầu tư công, tính đến ngày 30/6/2025, toàn tỉnh đã thực hiện giải ngân 3.907,363 tỷ đồng, đạt 43,09% so với kế hoạch vốn đã giao và đạt 39,06% so với tổng kế hoạch, cao hơn so với cùng kỳ năm 2024. Một số nguồn vốn đạt khá, điển hình như: Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới đạt 75,23%, Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giải ngân 48,08%, nguồn thu sử dụng đất đạt 51,18%...

Bên cạnh kết quả khá tích cực nêu trên, ở chiều hướng ngược lại, đại diện Sở Tài chính cũng thẳng thắn nhìn nhận, tiến độ thực hiện một số công trình, dự án trọng điểm trên địa bàn tỉnh Nghệ An còn gặp khó khăn, vướng mắc nhất định. Đặc biệt là trong công tác giải phóng mặt bằng, với trọng tâm là việc xác định nguồn gốc đất, giá đất, người dân chưa đồng thuận với phương án bồi thường. Bên cạnh đó, việc giải ngân ở một số nguồn vốn đầu tư công khác còn chậm, gây áp lực cho địa phương trong những tháng còn lại của năm 2025.

Đơn cử như dự án Đường ven biển từ Nghi Sơn (Thanh Hóa) - Cửa Lò (Nghệ An) đoạn từ Km7-Km76 có quy mô đường cấp III đồng bằng là một trong những dự án giao thông trọng điểm của tỉnh. Toàn dự án có 8 cầu, trong đó có 5 cầu lớn. Tổng mức đầu tư hơn 4.650 tỷ đồng, trong đó, xây lắp hơn 3.200 tỷ đồng, GPMB hơn 930 tỷ đồng.

Thời gian qua, các nhà thầu đã nỗ lực tập trung nhân lực, thiết bị để triển khai thi công, đến nay đạt khoảng 90% giá trị hợp đồng, các cầu lớn đã cơ bản hoàn thành. Tuy nhiên, một số hạng mục còn chậm so với kế hoạch; đặc biệt, công tác GPMB một số đoạn bàn giao chưa đảm bảo theo kế hoạch như đoạn qua phường Tân Mai, các xã Quỳnh Phú, Trung Lộc.

Nghệ An: Kỳ vọng đầu tư công “kéo” tăng trưởng đi lên.- Ảnh 2.

Dự án Đường ven biển từ Nghi Sơn (Thanh Hóa) - Cửa Lò (Nghệ An) đoạn từ Km7-Km76 sẽ kết nối liền mạch với tuyến đường ven biển khu vực Bắc Trung Bộ, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội - du lịch của tỉnh trong thời gian tới.

Theo lãnh đạo UBND xã Trung Lộc thông tin, hiện đang tiếp tục tổ chức vận động 2 hộ bàn giao mặt bằng. Còn 6 hộ đang vướng mắc ở xã Quỳnh Phú, hiện 2 hộ có đất ở đã nhận tiền đền bù nhưng chưa bàn giao hết mặt bằng; 2 hộ có đất vườn độc lập chưa nhận tiền, đang khiếu nại yêu cầu bồi thường đất vườn, đất ở; 1 hộ đất vườn độc lập, 1 thửa đất tổ chức chưa phê duyệt dù đã công khai phương án, tổ chức đối thoại 2 lần nhưng chưa đạt được thỏa thuận…

Ngoài các điểm vướng mắc mặt bằng, dự án Đường ven biển từ Nghi Sơn (Thanh Hóa) - Cửa Lò (Nghệ An) vẫn còn tình trạng một số nhà thầu vẫn chưa tập trung, quyết liệt trong công tác huy động thiết bị, nhân lực, tài chính để tập trung thi công, đặc biệt là Công ty CP Tập đoàn xây dựng Miền Trung khi giá trị thực hiện hợp đồng đến nay mới chỉ đạt 71%.

Quyết liệt xử lý các vướng mắc

Liên quan đến nội dung trên, sáng ngày 15/7, ông Hoàng Phú Hiền - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An đã tiến hành kiểm tra tiến độ thi công và công tác GPMB dự án Đường ven biển từ Nghi Sơn đến Cửa Lò. Qua kiểm tra, Phó Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu các sở, ngành liên quan, Ban Quản lý dự án phối hợp cùng các địa phương phải giải quyết dứt điểm những vướng mắc và bàn giao toàn bộ mặt bằng trong tháng 7 này.

Riêng đối với các hộ dân cố tình không chấp hành, tổ chức làm việc, chốt phương án, thỏa thuận, nếu vẫn không đồng thuận thì tiến hành các bước thủ tục pháp lý để tổ chức cưỡng chế thu hồi theo quy định của pháp luật.

Ngoài ra, ông Hoàng Phú Hiền cũng đề nghị các đoạn, tuyến đã hoàn thành thảm mặt đường khẩn trương sơn, kẻ vạch, cắm biển báo; quan tâm thi công hoàn thiện nhanh nhất ở những đoạn qua khu dân cư để tránh ảnh hưởng đến cuộc sống, sinh hoạt của Nhân dân. Đặc biệt, đối với những nhà thầu thiếu tập trung, quyết liệt trong công tác huy động thiết bị, nhân lực thi công khiến giá trị hợp đồng đạt thấp thì cần xem xét điều chuyển khối lượng để đảm bảo dự án về đích đúng dịp kỷ niệm 80 năm ngày Quốc khánh của đất nước.

Quay trở lại vấn đề mấu chốt, ngay từ đầu năm 2025, những người đứng đầu tỉnh Nghệ An kỳ vọng đầu tư công sẽ là một trong những động lực chính thúc đẩy tăng trưởng nền kinh tế. Tuy nhiên, đứng trước áp lực giải quyết những khó khăn, vướng mắc trong việc thực hiện các công trình, dự án trọng điểm trên địa bàn, liệu rằng địa phương này có giữ vững mục tiêu tăng trưởng GRDP đạt 10,5% như đã đề ra?

Điểm đáng chú ý, nhìn lại năm 2024, bài học vẫn còn nguyên giá trị khi tỉnh Nghệ An đặt mục tiêu từ 95% trở lên, nhưng tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công tập trung của toàn tỉnh chỉ đạt 91,37% so với kế hoạch Thủ tướng giao và 84,31% so với tổng kế hoạch được phân bổ. Công tác lập hồ sơ, giải phóng mặt bằng chậm, năng lực thi công yếu, sự phối hợp thiếu đồng bộ giữa các đơn vị... đã được chỉ rõ là những nguyên nhân chủ yếu gây ra tình trạng chậm trễ.

Trong khi đó, ông Phạm Văn Hoá – Giám đốc Sở Công thương Nghệ An cũng từng nhấn mạnh rằng: Các dự án đầu tư sẽ tác động tích cực đến ngành xây dựng và dịch vụ, tiêu dùng khi triển khai thi công xây dựng. Các hoạt động xây dựng, lắp đặt hạ tầng sẽ thúc đẩy nhu cầu lao động, vật liệu xây dựng, dịch vụ vận tải và các ngành liên quan, từ đó góp phần đưa Nghệ An đến gần hơn với mục tiêu tăng trưởng kinh tế ở mức 2 con số trong năm 2025.

Nghệ An: Kỳ vọng đầu tư công “kéo” tăng trưởng đi lên.- Ảnh 3.

Đầu tư công được xem là một trong những động lực chính, thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội toàn tỉnh Nghệ An.

Liên quan đến nội dung này, trong buổi họp báo mới đây, với kỳ vọng tăng trưởng đạt mức 2 con số, hoàn thành mục tiêu đề ra, ông Bùi Đình Long – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An cho biết đã yêu cầu các cấp, các ngành cần tập trung, nỗ lực thực hiện đồng bộ, thống nhất, kịp thời và hiệu quả 11 nhiệm vụ, giải pháp đã được HĐND tỉnh thông qua tại Kỳ họp thứ 31.

Trong đó, triển khai quyết liệt, mạnh mẽ, hiệu quả các giải pháp đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, phấn đấu giải ngân vốn đầu tư công năm 2025 đạt 100% kế hoạch theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Ngoài ra, cần xây dựng kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2026 – 2030 và kế hoạch năm 2026 bảo đảm có chất lượng, hiệu quả, trong đó rà soát kỹ, bảo đảm nhu cầu đầu tư thật sự cần thiết, có sắp xếp thứ tự ưu tiên, lựa chọn các dự án có trọng tâm, trọng điểm…

Tin tưởng rằng, với những giải pháp thiết thực và kịp thời, cùng việc bộ máy chính quyền địa phương 2 cấp được vận hành ổn định, thông suốt và hiệu quả, những "điểm nghẽn" liên quan đến các dự án đầu tư công sẽ được Nghệ An tháo gỡ triệt để. Qua đó, sẽ góp phần tạo ra hiệu ứng lan toả mạnh mẽ, kích hoạt các thành phần kinh tế khác tăng trưởng và xa hơn nữa là cơ sở vững chắc để kinh tế Nghệ An bứt phá, vươn mình lớn mạnh trong những năm tiếp theo.

Thái Quảng - Hồng Quang
Ý kiến của bạn