Nghệ An: Lãnh đạo UBND tỉnh kiểm tra hoạt động khai thác khoáng sản trên địa bàn

Địa phương
08:55 PM 15/07/2023

Mới đây, Đoàn công tác của UBND tỉnh Nghệ An đã đi kiểm tra thực tế hoạt động khai thác khoáng sản trên địa bàn huyện Yên Thành và huyện Nghi Lộc.

Đoàn công tác của UBND tỉnh do đồng chí Nguyễn Văn Đệ - Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh làm trưởng đoàn. Cùng đi có lãnh đạo các Sở: Tài nguyên và Môi trường, Kế hoạch và Đầu tư, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công Thương, Ban Quản lý Khu kinh tế Đông Nam, Công an tỉnh, Cục thuế tỉnh; lãnh đạo huyện Yên Thành và huyện Nghi Lộc.

Nghệ An: Lãnh đạo UBND tỉnh kiểm tra hoạt động khai thác khoáng sản trên địa bàn - Ảnh 1.

Đoàn công tác của UBND tỉnh Nghệ An đã đi kiểm tra thực tế hoạt động khai thác khoáng sản trên địa bàn huyện Yên Thành và huyện Nghi Lộc.

Báo cáo của huyện Yên Thành, tài nguyên khoáng sản của huyện không nhiều về chủng loại cũng như trữ lượng. Địa bàn huyện có 15 doanh nghiệp hoạt động khai thác khoáng sản. Trong đó, có 11 doanh nghiệp hoạt động khai thác khoáng sản đá xây dựng nhưng có 03 doanh nghiệp dừng hoạt động do hết thời hạn Giấy phép khai thác khoáng sản và thông báo tạm dừng hoạt động khai thác khoáng sản. Còn 2 doanh nghiệp hoạt động khai thác mỏ đất sét gạch ngói, trong đó có 01 mỏ đang hết thời hạn khai thác khoáng sản và 1 doanh nghiệp hoạt động khai thác mỏ cát sỏi, hiện đang dừng hoạt động để hoàn thiện thủ tục thuê đất, 1 doanh nghiệp hoạt động khai thác mỏ đất san lấp, hiện đang dừng hoạt động khai thác khoáng sản do cơ bản đã hết trữ lượng khai thác. 

Ngoài ra, trên địa bàn huyện Yên Thành đã được UBND tỉnh phê duyệt kết quả trúng đấu giá quyền khai thác 7 điểm mỏ đất san lấp từ năm 2021-2022. Nhưng hiện nay cả 7 điểm mỏ này chưa hoạt động khai thác do đang thực hiện các thủ tục thăm dò khoáng sản, giải phóng mặt bằng và chuyển mục đích đất trồng rừng. 

Mặt khác, UBND huyện Yên Thành đã chỉ đạo và thực hiện công tác quản lý nhà nước đối với các doanh nghiệp hoạt động khai thác khoáng sản trên địa bàn. Song song, UBND huyện đã tham gia phối hợp với các Sở, ban, ngành liên quan về kiểm tra, kiến nghị việc nạo vét hồ đập để tận thu khoáng sản; đôn đốc các doanh nghiệp trúng đấu giá quyền khai thác khoáng sản đối với 05 điểm mỏ đất san lấp trên địa bàn huyện thực hiện các thủ tục để triển khai thực hiện dự án theo quy định. Thường xuyên dôn đốc các doanh nghiệp hoạt động khai thác khoáng sản trên địa bàn thực hiện ký quỹ cải tạo phục hồi môi trường theo quy định pháp luật.

Vậy nhưng, trong quá trình thực hiện đầu tư dự án, một số doanh nghiệp được cấp phép khai thác đá làm vật liệu xây dựng thông thường liền kề, đối lưng. Hồ sơ thiết kế khai thác ban đầu thiếu tính khả thi nên việc khai thác còn chưa đúng theo hồ sơ thiết kế đã được cơ quan có thẩm quyền thẩm duyệt và có nguy cơ ảnh hưởng mất an toàn giữa các khu vực mỏ đá liền kề như tại khu vực mỏ đá Lèn Cò, xã Đồng Thành; Mỏ đá Lèn Voi, xã Trung Thành, Nam Thành.

Các doanh nghiệp đã được cấp giấy phép hoạt động khai thác khoáng sản từ lâu và xây dựng các hạng mục công trình phụ trợ nhưng chưa thực hiện thủ tục thuê đất theo quy định đối với khu vực chế biến khoáng sản, bãi thải, khu vực văn phòng do trước đây không quy hoạch sử dụng đất tại khu vực mỏ Lèn Cò, xã Đồng Thành; Lèn Voi, xã Trung Thành, Nam Thành; Lèn Vũng Dạ, xã Tân Thành; Lèn Kỳ, xã Phúc Thành, Đồng Thành...  

Qua kiểm tra phát hiện khu vực một số mỏ khai thác vượt ranh giới mốc giới, vượt độ sâu dừng khai thác... đã tiến hành xử lý vi phạm hành chính. Tuy nhiên, do không có các phương tiện, máy móc, thiết bị để xác định cũng như phương pháp tính toán và tham mưu biện pháp khắc phục hậu quả, nhất là tính toán để buộc đối tượng vi phạm nộp lại số lợi bất hợp pháp lĩnh vực khoáng sản có được do thực hiện vi phạm hành chính. Do đó, công tác tham mưu của địa phương gặp khó khăn, lúng túng.

Bên cạnh đvó, ẫn còn tình trạng các doanh nghiệp hoạt động khai thác khoáng sản chưa thực hiện đầy đủ quy định pháp luật về thực hiện cắm mốc giới phạm vi khu vực mỏ được cấp phép. Các khu vực mỏ đất san lấp đã được phê duyệt kết quả trúng đấu giá quyền khai thác khoáng sản nhưng các doanh nghiệp thực hiện việc hoàn thiện hồ sơ để được giao đất, thuê đất còn chậm, ảnh hưởng đến việc cung cấp đất san lấp cho các dự án trọng điểm trên địa bàn. Một số mỏ trong quá trình khai thác, vận chuyển thực hiện chưa nghiêm túc kế hoạch bảo vệ môi trường, đánh giá tác động môi trường được phê duyệt, vẫn còn để phát tán bụi, rơi vãi đất, đá ra môi trường.

Còn tại huyện Nghi Lộc, Đoàn công tác đã kiểm tra các mỏ đất tại xã Nghi Hưng hiện đang cung cấp đất đắp cho dự án cao tốc Bắc Nam và san lấp mặt bằng cho Khu công nghiệp WHA.

Kiểm tra thực tế, lãnh đạo huyện Nghi Lộc cho biết: Trên địa bàn huyện hiện có 18 đơn vị được UBND tỉnh cấp Giấy phép khai thác, tận thu khoáng sản đá xây dựng và đất san lấp. Trong đó có 4 đơn vị khai thác mỏ đá, 3 đơn vị nạo vét lòng hồ và 11 đơn vị khai thác mỏ đất. Tất cả các mỏ khai thác khoáng sản địa bàn huyện Nghi Lộc cơ bản thực hiện khai thác đúng tiến độ, thời hạn cho phép. Trong giai đoạn từ năm 2016 – 2022, trên địa bàn huyện không có dự án mỏ phải đóng cửa mỏ.

Việc giám sát sản lượng khai thác gặp nhiều khó khăn khi một số doanh nghiệp kê khai sai, thiếu sản lượng khai thác thực tế, sai hệ số quy đổi nhưng cơ quan nhà nước chưa có biện pháp kiểm soát chặt chẽ; nhất là việc chấp hành quy đinh về lắp trạm cân, camera giám sát tại các mỏ. Một số doanh nghiệp chưa tuân thủ nghiêm các quy định pháp luật về khai thác khoáng sản, về an toàn, vệ sinh lao động, chế độ chính sách về lao động… nhưng công tác kiểm tra khó duy trì được thường xuyên để có thể xử lý kịp thời.

Nghệ An: Lãnh đạo UBND tỉnh kiểm tra hoạt động khai thác khoáng sản trên địa bàn - Ảnh 2.

Hình ảnh sử dụng máy móc trong khai thác tại các mỏ đá

UBND các xã nơi có mỏ khoáng sản được cấp phép, đang hoạt động khai thác nhận thức chưa đầy đủ về thẩm quyền, trách nhiệm của mình, thiếu nhân lực để thường xuyên kiểm tra, kịp thời phát hiện vi phạm tại các khu vực có hoạt động khai thác khoáng sản; khi kiểm tra không đủ phương tiện, máy móc, nhân lực để xác định hành vi, mức độ vi phạm. Quy trình cấp phép khai thác tận thu khoáng sản chưa rõ ràng, cụ thể, nên khó khăn khi UBND huyện tiến hành kiểm tra các hồ sơ thủ tục liên quan đến hoạt động tận thu khoáng sản.

Qua thực tế kiểm tra, đoàn công tác cũng đã nghe ý kiến của các doanh nghiệp về những bất cập trong khai thác khoáng sản. Đồng thời, các doanh nghiệp đề nghị tỉnh hướng dẫn, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp đã được cấp Giấy phép khai thác mỏ sớm hoàn thiện hồ sơ thuê đất (cả phần diện tích phục vụ khai thác mỏ và các công trình phụ trợ…). Đối với các doanh nghiệp còn vướng mắc các thủ tục hồ sơ để gia hạn Giấy phép khai thác khoáng sản, thủ tục thuê đất, đề nghị UBND tỉnh, các Sở, ngành liên quan tạo điều kiện hỗ trợ để sớm hoàn thành các thủ tục, hồ sơ dự án để đi vào hoạt động hiệu quả. Đề nghị UBND tỉnh, Sở TN&MT ban hành quy trình cấp phép khai thác tận thu khoáng sản...

Qua kiểm tra thực tế và qua nghe ý kiến của các doanh nghiệp, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Đệ yêu cầu: Đối với những vấn đề liên quan đến vi phạm quy trình khai thác mỏ đã được phê duyệt cũng như không đảm bảo an toàn lao động đối với công nhân trong quá trình làm việc, đề nghị các địa phương giám sát, yêu cầu doanh nghiệp chấn chỉnh khắc phục ngay. Đối với những vấn đề các doanh nghiệp đề xuất, đề nghị các Sở, ngành liên quan tham mưu giải quyết kịp thời những vấn đề thuộc thẩm quyền; các vấn đề khó khăn khác thì đề xuất tham mưu UBND tỉnh phương án giải quyết.


Ngọc Tú
Ý kiến của bạn
Hơn 56% doanh nghiệp Nhật Bản muốn mở rộng kinh doanh tại Việt Nam trong 1- 2 năm tới Hơn 56% doanh nghiệp Nhật Bản muốn mở rộng kinh doanh tại Việt Nam trong 1- 2 năm tới

Theo khảo sát thực trạng doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư tại nước ngoài cho năm tài chính 2024, do Tổ chức Xúc tiến Thương mại Nhật Bản (JETRO) thực hiện, có đến 56,1% số doanh nghiệp được khảo sát trả lời sẽ “mở rộng” kinh doanh trong 1-2 năm tới.