Nghệ An: Nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho công nhân lao động
Sáng 12/6, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã có cuộc gặp gỡ, đối thoại với công nhân lao động trong chương trình có chủ đề “Công nhân Việt Nam với khát vọng phát triển đất nước” với hình thức trực tuyến
Điểm cầu Nghệ An, các đồng chí: Lê Hồng Vinh - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh; Ngọc Kim Nam - Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy; Võ Thi Minh Sinh - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh; Kha Văn Tám – Tỉnh ủy viên, Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh đồng chủ trì hội nghị. Cùng tham dự chương trình có đại diện lãnh đạo các Sở, ban, ngành và 50 công nhân lao động đại diện cho hàng nghìn công nhân của tỉnh Nghệ An.
Là lần thứ 6 Thủ tướng Chính phủ đối thoại với công nhân lao động. Chương trình là hoạt động tiếp tục khẳng định sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, người sử dụng lao động và cộng đồng xã hội đối với công nhân lao động; tiếp tục triển khai chương trình Công đoàn đồng hành với Chính phủ nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, phát triển bền vững đất nước, chăm lo đời sống, việc làm cho đoàn viên, người lao động. Đồng thời, khẳng định quyết tâm, khát vọng của công nhân lao động tích cực thi đua lao động sáng tạo, nâng cao năng suất, góp phần phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội của địa phương và đất nước.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đánh giá, qua hai năm trải qua dịch bệnh COVID- 19, đất nước và nhân dân, trong đó có đội ngũ công nhân lao động đã phải đối diện với nhiều khó khăn, có cả mất mát. Nhưng với tinh thần đoàn kết và truyền thống tốt đẹp của giai cấp công nhân, các anh chị em công nhân lao động đã đồng hành, sát cánh cùng Đảng, Nhà nước, cấp ủy, chính quyền, cả hệ thống chính trị để vượt qua giai đoạn khó khăn nhất. Đến nay, tình hình dịch bệnh đã cơ bản được kiểm soát, cả nước bước vào giai đoạn bình thường mới, anh chị em công nhân tiếp tục là lực lượng nòng cốt, giữ vai trò quan trọng trong quá trình phục hồi và phát triển kinh tế.
Cũng tại đâ, Thủ tướng Chính phủ đề nghị các anh chị em công nhân dân chủ, thẳng thắn đặt các câu hỏi liên quan đến các vấn đề mà mình quan tâm, nhất là các ý kiến, đề xuất góp ý với Chính phủ, các cơ quan, chính quyền các địa phương. Thủ tướng Chính phủ cũng đề nghị các Bộ, ngành, cơ quan thuộc Chính phủ ghi nhận đầy đủ các ý kiến của các anh chị em công nhân lao động, trả lời rõ ràng, thẳng thắn, trách nhiệm, đúng trọng tâm với tinh thần hỏi thẳng, trả lời thật, sát, trúng các vấn đề được hỏi.
Tất cả các đoàn viên, công nhân lao động đã đặt nhiều câu hỏi liên quan đến việc nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của công nhân lao động. Cụ thể: Đề nghị tăng lương tối thiểu; sửa đổi chính sách bảo hiểm theo hướng tạo được niềm tin lâu dài để người lao động gắn bó với bảo hiểm xã hội (BHXH), hạn chế tình trạng rút BHXH 1 lần; chỉ đạo, đôn đốc giải quyết chính sách cho người lao động chưa được hưởng chính sách hỗ trợ khi bị ảnh hưởng do COVID-19; hỗ trợ các em học sinh mầm non là con công nhân lao động ở các khu công nghiệp (KCN) theo Nghị định 105/2020/NĐ-CP; hỗ trợ tiền thuê nhà theo Quyết định 08/2022/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.
Ngoài ra, người lao động cũng bày tỏ nguyện vọng về các vấn đề hỗ trợ tín dụng cho công nhân, khi có tín dụng tốt sẽ hạn chế được tình trạng vay "tín dụng đen"; vấn đề học nghề, đào tạo nghề và mong muốn được học nghề rất lớn trong công nhân lao động; xử lý doanh nghiệp vi phạm pháp luật lao động như không ký hợp đồng lao động, nợ lương, nợ BHXH. Bên cạnh đó, công nhân cũng kiến nghị những vấn đề liên quan đến khám chữa bệnh.
Công nhân Nguyễn Đình Biên - Tổ sản xuất lắp ráp 3, Công ty TNHH Woosin Vina, Khu công nghiệp VSIP Nghệ An, đại diện cho khu vưcj miền trung cho biết: Anh chị em công nhân lao động luôn nỗ lực lao động hăng say, không ngừng nâng cao năng suất với mong muốn thu nhập ngày càng cao, doanh nghiệp ngày càng phát triển và đất nước ngày càng giàu đẹp, nhưng hiện nay công nhân đang còn gặp nhiều vấn đề khó khăn, không yên tâm làm việc, đó là vấn đề về nhà ở, trường học cho con. Đề nghị Chính phủ quan tâm chỉ đạo quyết liệt công tác quy hoạch, triển khai xây dựng nhà ở, nhà trẻ, trường học, nơi sinh hoạt văn hóa cho công nhân lao động, nhất là tại các khu công nghiệp, khu chế xuất. Hiện nay, nhiều doanh nghiệp và cả tổ chức Công đoàn muốn làm nhà cho công nhân của đơn vị mình thuê hoặc cho ở miễn phí nhưng vẫn chưa có cơ chế trong khi công nhân hầu hết phải thuê nhà ở chật hẹp, chất lượng thấp, xa chỗ làm việc.
Kết luận đối thoại, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đánh giá, chương trình đối thoại là sự kiện cần làm và thiết thực; tiếp nối công việc đã, đang làm và cụ thể hóa Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng; thực hiện mục tiêu đến năm 2025 nước ta trở thành nước đang phát triển có công nghiệp theo hướng hiện đại, vượt qua trung bình thấp; năm 2030 là nước đang phát triển, có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao.
Bên cạnh đó, hủ tướng Chính phủ gửi lời cảm ơn đến đội ngũ công nhân lao động đã gửi tới chương trình 10 nhóm vấn đề. "Tôi trân trọng cảm ơn những đóng góp của anh chị em công nhân ngày hôm nay. Lãnh đạo Đảng, Nhà nước đã tiếp thu, lắng nghe đầy đủ. Một cuộc trao đổi không giải quyết hết được các vấn đề, do đó thời gian tới cần phải tiếp tục lắng nghe, tiếp nhận ý kiến, nhóm vấn đề của công nhân lao động" - Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính khẳng định.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cũng bày tỏ mong muốn anh chị em công nhân phát huy truyền thống lịch sử của giai cấp công nhân, tiếp tục phát huy vai trò, đóng góp vào sự nghiệp xây dựng Tổ quốc. Đồng thời tiếp tục đóng góp những vấn đề xuất phát từ thực tiễn để có những giải pháp kịp thời.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đề nghị các Bộ, ban, ngành thẳng thắn thừa nhận những điều chưa làm được thời gian qua, làm tốt hơn trong thời gian tới, đáp ứng được mong muốn của công nhân lao động cả về đời sống việc làm, lương thưởng, nhu cầu ăn ở, sinh hoạt, học hành của con em công nhân; tập trung rà soát thể chế, cơ chế chính sách, bổ sung sửa đổi để hoàn thiện; chú ý đến tâm tư, nguyện vọng chính đáng, hợp pháp của người lao động.
Ngọc TúTheo khảo sát thực trạng doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư tại nước ngoài cho năm tài chính 2024, do Tổ chức Xúc tiến Thương mại Nhật Bản (JETRO) thực hiện, có đến 56,1% số doanh nghiệp được khảo sát trả lời sẽ “mở rộng” kinh doanh trong 1-2 năm tới.