Nghệ An: Nhà đầu tư có bị “ Tỉnh mở, sở thắt”?

Địa phương
11:30 PM 21/05/2021

Dự án phải dừng thi công đã 06 tháng, trong khi chưa có bất cứ một Biên bản vi phạm hành chính nào được Cơ quan quản lý nhà nước về đất đai lập ra, ghi nhận doanh nghiệp vi phạm pháp luật về đất đai. Những thiệt hại đối với doanh nghiệp là rất lớn, mất đi nhiều cơ hội với nhiều đối tác…

Tiếp tục kiểm tra doanh nghiệp?

Ngày 19/05/2021, ông Hoàng Quốc Việt, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường đã ban hành quyết định số 408/QĐ-STNMT thành lập Đoàn để kiểm tra việc chấp hành pháp luật về đất đai đối với Công ty Cổ phần Đầu tư và Thương mại Dầu khí Nghệ An - Chủ đầu tư dự án Nhà ở tại xã Hưng Lộc, thành phố Vinh, Nghệ An. Hành trình kiểm tra, rà soát để xem xét doanh nghiệp có vi phạm hay không vẫn chưa chấm dứt. Phó Chánh thanh tra Cao Thị Vân Anh được giao làm trưởng đoàn.

Nghệ An: Nhà đầu tư có bị “ Tỉnh mở, sở thắt” ? - Ảnh 1.

Quyết định ngày 19/5/2021 thành lập đoàn kiểm tra để kiểm tra pháp luật về đất đai của doanh nghiệp

Tính từ khi có Đơn tố cáo của công dân đến nay đã 06 tháng, Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) đã nhiều lần làm việc với doanh nghiệp, với các Sở Tư pháp, Sở Kế hoạch Đầu tư, Sở Xây dựng, Sở Giao thông vận tải, UBND thành phố Vinh nhưng Sở này vẫn nhận chưa thấy doanh nghiệp có chấp hành đúng pháp luật về đất đai hay không. Lập đoàn kiểm tra như vậy dẫn đến việc phải yêu cầu doanh nghiệp tiếp tục cung cấp các tài liệu, hồ sơ, báo cáo.

Về việc xác định doanh nghiệp có hành vi chiếm đất hay không, trong Văn bản số 1714/STNMT-TTr  ngày 02/04/2021 báo cáo UBND tỉnh Nghệ An, Sở Tài nguyên và Môi trường cho biết: tại buổi làm việc ngày 26/03/2021 đại diện Sở TN&MT đã báo các Sở, ngành liên quan, UBND thành phố Vinh sự việc đầy đủ toàn diện: "đã báo cáo đầy đủ, toàn diện về quá trình thực hiện Dự án Khu nhà ở cho người thu nhập thấp và cán bộ nhân viên tại xã Hưng Lộc, thành phố Vinh do Công ty Cổ phần đầu tư và Thương mại dầu khí Nghệ An làm chủ đầu tư; báo cáo về quá trình xem xét việc Công ty Cổ phần Đầu tư và Thương mại dầu khí Nghệ An sử dụng đất khi chưa có Biên bản bàn giao đất trên thực địa; trao đổi về ý kiến chỉ đạo của Tranh tra Bộ Tài nguyên & Môi trường tại Văn bản số 107/TTr-P2 ngày 05/03/2021 và cung cấp hồ sơ, tài liệu có liên quan cho đại diện các Sở …" (Trích).

Sau 02 lần chủ trì làm việc với các Sở và UBND thành phố Vinh theo chỉ đạo của UBND tỉnh, Sở Tài nguyên và Môi trường đều báo cáo: các Sở cũng như UBND thành phố Vinh đã thống nhất chưa đủ căn cứ kết luận doanh nghiệp có hành vi chiếm đất, nói cách khác, doanh nghiệp không vi phạm. Vậy nhưng sau đó, chính Sở TN&MT lại tiếp tục đề xuất UBND tỉnh giao Sở Tư pháp chủ trì đề xác định doanh nghiệp có vi phạm hành chính hay không dù Sở Tư pháp luôn nhất quán chưa đủ căn cứ kết luận doanh nghiệp vi phạm.

Với cách làm việc như vậy, liệu sau khi kết thúc lần kiểm tra này, Sở TN&MT có tiếp tục đề xuất giao Sở, ngành nào tiếp tục thanh tra, rà soát, xác minh gì nữa hay không? Không ai có thể trả lời được câu hỏi này với cách làm việc như vậy.

Bỏ quên trách nhiệm của mình?

Như trước đây chúng tôi đã nhiều lần phản ánh, việc thực hiện thủ tục bàn giao thực địa cho doanh nghiệp và việc xác định doanh nghiệp có vi phạm hành chính là 02 việc khác nhau. Về cơ sở pháp lý, Sở Tài nguyên và Môi trường không chỉ ra được trong trường hợp này quy định nào của pháp luật yêu cầu: phải dừng thủ tục hành chính để chờ kết luận doanh nghiệp có vi phạm hành chính hay không.

Trên thực tế, dù Sở TN&MT Nghệ An có báo cáo Bộ Tài nguyên và Môi trường đầy đủ sự việc (trong đó có đơn tố cáo của bà Trần Thị T.) nhưng Bộ Tài nguyên và Môi trường vẫn chỉ đạo bàn giao thực địa cho doanh nghiệp đồng thời yêu cầu xem xét sự việc trong bối cảnh dịch Covid-19. Cho đến thời điểm này, UBND tỉnh Nghệ An vẫn chưa có văn bản nào chỉ đạo dừng thực hiện văn bản số 1583/UBND-NC  ngày 24/03/2021 (có nội dung đồng ý với đề xuất của Sở TN & MT bàn giao đất trên thực địa cho doanh nghiệp).

Đã gần tròn 02 tháng kể từ ngày UBND tỉnh Nghệ An ban hành chỉ đạo số 1583/UBND-NC  ngày 24/03/2021, cũng đã gần 3 tháng kể từ khi Thanh tra Bộ Tài nguyên và Môi trường có Văn bản số 107/TTr-P2 ngày 05/03/2021 và tròn 2 tháng 10 ngày kể từ ngày chính Sở Tài nguyên và Môi trường có Văn bản số 1198/STNMT ngày 10/3/2021 báo cáo UBND tỉnh Nghệ An để bàn giao đất trên thực địa cho doanh nghiệp nhưng đến nay Sở này vẫn không chịu thi hành nhiệm vụ và viện dẫn những lý do không có cơ sở.

Sở Tài nguyên và Môi trường viện cớ sự việc phức tạp vì hành vi của doanh nghiệp chưa rõ có vi phạm hay không và luôn cho rằng các đơn khiếu nại, tố cáo của bà Trần Thị T. là vướng mắc khi thực thi công vụ. Tuy nhiên, Sở TN&MT không nêu ra được căn cứ pháp lý nào hay ý kiến chỉ đạo của cấp trên để làm cơ sở cho việc dừng bàn giao thực địa cho doanh nghiệp.

Nghệ An: Nhà đầu tư có bị “ Tỉnh mở, sở thắt” ? - Ảnh 2.

Biên bản bàn giao cắm 60 mốc ranh giới tại hiện trường của Sở TN& MT cùng các ban ngành

Dù có phức tạp hay không phức tạp trong việc xác định hành vi của doanh nghiệp có vi phạm hay không là trách nhiệm của cơ quan chức năng, đặc biệt là cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành và nó không liên quan đến việc bàn giao thực địa cho doanh nghiệp.

Việc viện cớ hành vi của một số cá nhân có liên quan chưa được làm rõ có phạm tội hay không cũng hoàn toàn không đúng sự thật vì Cơ quan Cảnh sát Điều tra đã ban hành quyết định không khởi tố vụ án, sự việc giữa các bên là quan hệ dân sự. Hơn nữa, trước đây khi Cơ quan Cảnh sát Điều tra chưa ban hành Quyết định không khởi tố vụ án thì chính Sở Tài nguyên và Môi trường vẫn đề xuất bàn giao thực địa cho doanh nghiệp nhưng đến nay khi UBND tỉnh, Thanh tra Bộ Tài Nguyên và Môi trường đều chỉ đạo bàn giao thực địa cho doanh nghiệp thì Sở Tài nguyên và Môi trường lại không chịu bàn giao?

Dựa vào văn bản 1017/CAT-PC01 ngày 26/03/2021 của Công an tỉnh Nghệ An về đơn khiếu nại của bà Trần Thị T. nhưng Công an tỉnh chỉ dùng từ "phối hợp" mà không đề nghị "tạm dừng" các thủ tục với Công ty CP ĐT&TM Dầu khí Nghệ An hay yêu cầu giữ nguyên hiện trạng và UBND tỉnh Nghệ An dù nhận được báo cáo của Công an tỉnh nhưng vẫn không thay đổi chỉ đạo trong văn bản số 1583/UBND-NC  ngày 24/03/2021.

Trước đây, trong Văn bản số 5871/STNMT-QLĐĐ ngày 13/11/2020 của Sở TN&MT do ông Phạm Văn Toàn ký có nhận định chính xác: "Bản chất sự việc bà Trần Thị T. kiến nghị là tranh chấp trong hoạt động của doanh nghiệp, về quyền hạn của người góp vốn và quy chế hoạt động của doanh nghiệp. Các nội dung này không thuộc chức năng của Sở Tài nguyên và Môi trường nên Sở không thể xác minh, làm rõ để xử lý Đơn kiến nghị của bà Trần Thị T.".

Thời gian qua, có nhiều doanh nghiệp phải dừng hoạt động vì thiên tai, dịch bệnh Covid-19, đó là yếu tố khách quan và Chính phủ từ Trung ương xuống địa phương đã có những chính sách để hỗ trợ doanh nghiệp. Vậy nhưng, dư luận sẽ suy nghĩ như thế nào khi trong hoàn cảnh kinh tế khó khăn, doanh nghiệp phải dừng hoạt động để chờ Sở Tài nguyên & Môi trường xem xét có vi phạm hành chính hay không dù chính Sở này đã từng 02 lần báo cáo UBND tỉnh chưa đủ cơ sở để xác định doanh nghiệp có hành vi chiếm đất và chính bản thân Sở này cũng đã đề xuất bàn giao đất trên thực địa cho doanh nghiệp.

Nghệ An: Nhà đầu tư có bị “ Tỉnh mở, sở thắt” ? - Ảnh 3.

Tiếp tục kiểm tra việc chấp hành pháp luật về đất đai đối với Công ty CP Đầu tư và Thương mại Dầu khí Nghệ An chủ đầu tư dự án Nhà ở tại xã Hưng Lộc - Tp Vinh.

Tiếp tục rà soát, kiểm tra để xem xét trách nhiệm pháp lý doanh nghiệp nhưng tại sao Sở Tài nguyên và Môi trường lại vô tình hay cố ý bỏ quên trách nhiệm, nghĩa vụ của mình? Ai sẽ xem xét trách nhiệm của Sở Tài nguyên và Môi trường? Dựa vào đâu để Sở Tài nguyên và Môi trường thực thi công vụ như vậy?

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc (khi đó đang là Thủ tướng) tới dự và chỉ đạo Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Nghệ An lần thứ XIX nhiệm kỳ 2020 - 2025 được tổ chức tại TP Vinh vào sáng 17/10/2020 đã phân tích những tiềm năng, thế mạnh của Nghệ An về quy mô đất đai, dân số, môi trường đầu tư, vốn quý của con người xứ Nghệ, quyết tâm của Đảng bộ và nhân dân tỉnh nhà, tin tưởng Nghệ An sẽ biến "khát vọng Sông Lam" thành "kỳ tích Sông Lam" trong phát triển kinh tế, xã hội; đưa tỉnh vào Top 10 về thu hút đầu tư kinh doanh.

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc khi đó đã nhắc đến thực tế "Tỉnh mở, sở thì thắt" và đã yêu cầu tỉnh Nghệ An phải tiếp tục cải thiện chất lượng điều hành của bộ máy chính quyền, xây dựng môi trường thuận lợi cho đầu tư, kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh, từng bước khẳng định được thương hiệu "điểm đến đầu tư, kinh doanh hấp dẫn. Đây là trách nhiệm và sứ mệnh cao cả của Đảng bộ tỉnh các nhiệm kỳ tới".

Thái Quảng - Cẩm Tú
Ý kiến của bạn
Tổng nhu cầu vốn ngành năng lượng khoảng hơn 4.000 nghìn tỷ đồng Tổng nhu cầu vốn ngành năng lượng khoảng hơn 4.000 nghìn tỷ đồng

Theo Kế hoạch thực hiện Quy hoạch tổng thể về năng lượng quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, tổng nhu cầu vốn đầu tư của ngành năng lượng toàn giai đoạn 2021 - 2030 cần khoảng 4.133 - 4.808 nghìn tỷ đồng.