Nghệ An: Nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2025
Mới đây, UBND tỉnh Nghệ An đã ban hành Quyết định số 112/QĐ-UBND về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2025.
Tiếp tục đổi mới phương thức chỉ đạo, điều hành theo hướng đồng bộ, thống nhất, chủ động, linh hoạt, đúng thời điểm, hiệu quả
Quan điểm và trọng tâm chỉ đạo điều hành được UBND tỉnh xác định: Bám sát và triển khai thực hiện kịp thời, hiệu quả các Nghị quyết, chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Tỉnh ủy và HĐND tỉnh. Tiếp tục đổi mới phương thức chỉ đạo, điều hành theo hướng đồng bộ, thống nhất, chủ động, linh hoạt, đúng thời điểm, hiệu quả. Tập trung thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm: Triển khai đồng bộ, hiệu quả Chương trình hành động của Chính phủ và của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Kế hoạch của UBND tỉnh về thực hiện Nghị quyết số 39-NQ/TW ngày 18/7/2024 của Bộ Chính trị và Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; tập trung chỉ đạo triển khai kịp thời, hiệu quả các Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm, bổ sung thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Nghệ An. Hoàn thành hồ sơ thủ tục để triển khai các dự án: Cảng nước sâu Cửa Lò, Cảng hàng không quốc tế Vinh, LNG Quỳnh Lập.
Triển khai đồng bộ các giải pháp thúc đẩy tăng trưởng trong từng ngành, lĩnh vực theo kịch bản tăng trưởng đề ra. Phát triển văn hóa ngang tầm với kinh tế, chính trị, xã hội. Phát huy truyền thống, văn hóa mang đậm bản sắc xứ Nghệ trở thành động lực, nguồn lực nội sinh cho phát triển. Tiếp tục củng cố, giữ vững quốc phòng, an ninh; bảo đảm ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội, tạo môi trường ổn định, an toàn cho phát triển kinh tế - xã hội. Đẩy mạnh, nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại, thực hiện có hiệu quả liên kết vùng trong phát triển. Tăng cường công tác thông tin, truyền thông chính sách, tạo đồng thuận xã hội, củng cố niềm tin trong Nhân dân.
Các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu gồm: Tiếp tục đổi mới, tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo điều hành; tập trung rà soát, đánh giá các mục tiêu, chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng các cấp, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025; đẩy mạnh thực hiện chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 39-NQ/TW của Bộ Chính trị; tổ chức Đại hội Đảng các cấp, tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng.
Đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế, phát triển các ngành sản xuất, dịch vụ trên cơ sở ứng dụng mạnh mẽ khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số; tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để đẩy mạnh sản xuất kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng các ngành, lĩnh vực.
Tiếp tục triển khai hiệu quả Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới (NTM) theo hướng gắn với quá trình đô thị hoá, đi vào chiều sâu, hiệu quả, bền vững. Phấn đấu năm 2025, toàn tỉnh có thêm ít nhất 03 xã đạt chuẩn NTM (đưa tổng số xã đạt chuẩn NTM toàn tỉnh lên 330 xã đạt chuẩn (chiếm tỷ lệ 80,29%), 19 xã đạt NTM nâng cao, 08 xã đạt NTM kiểu mẫu. Nâng cao chất lượng sản phẩm OCOP, đẩy mạnh việc tiêu thụ sản phẩm OCOP tại các trung tâm thương mại, siêu thị và sàn thương mại điện tử.
Tập trung thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 07-NQ/TU ngày 23/12/2021 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về phát triển nhanh và bền vững ngành công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp giai đoạn 2021-2030. Đẩy mạnh phát triển các ngành sản xuất công nghiệp dựa trên nền tảng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, có giá trị gia tăng cao, tiết kiệm nguyên liệu, thân thiện với môi trường, có khả năng tham gia sâu vào mảng sản xuất, chuỗi giá trị khu vực và toàn cầu; ưu tiên thu hút đầu tư các dự án công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp sạch, chế biến chế tạo, nhất là dự án quy mô lớn.
Tập trung đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng, hoàn thành xây dựng các dự án hạ tầng khu công nghiệp đã được chấp thuận chủ trương đầu tư trong Khu kinh tế Đông Nam; tăng cường thu hút đầu tư các dự án đầu tư hạ tầng cụm công nghiệp. Tiếp tục theo dõi diễn biến thị trường vật liệu xây dựng, bảo đảm cân đối cung cầu, bình ổn thị trường, đặc biệt là các vật liệu chủ yếu.
Phát triển nhanh khu vực dịch vụ theo hướng đa dạng, hiện đại, bền vững trên cơ sở ứng dụng khoa học công nghệ để nâng cao năng lực, hiệu quả và chất lượng dịch vụ. Triển khai các giải pháp kích cầu tiêu dùng, thúc đẩy thương mại trong nước; thúc đẩy, khuyến khích tiêu dùng, hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm, hàng hoá sản xuất tại địa phương. Phấn đấu năm 2025, tổng mức bán lẻ hàng hóa khoảng 125 nghìn tỷ đồng, tăng 16,8% so với năm 2024.
Đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công và 3 chương trình mục tiêu quốc gia; tăng cường quản lý hiệu quả thu, chi ngân sách
Tập trung đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công ngay từ đầu năm 2025, lấy đầu tư công dẫn dắt, kích hoạt đầu tư xã hội. Nâng cao chất lượng công tác chuẩn bị đầu tư, thực hiện dự án và đấu thầu, lựa chọn các đơn vị tư vấn, thi công có năng lực, thực hiện bảo đảm chất lượng và tiến độ. Triển khai đầy đủ, kịp thời, quyết liệt các biện pháp quản lý nợ và cưỡng chế nợ thuế theo quy định.
Tăng cường công tác quy hoạch; huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng; phát triển đô thị, nhà ở. Đổi mới và nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo; phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao gắn với thúc đẩy đổi mới sáng tạo, ứng dụng và phát triển khoa học, công nghệ. Phát triển văn hóa, xã hội; thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội, nâng cao đời sống nhân dân, bảo đảm an sinh xã hội.
Quản lý, khai thác, sử dụng có hiệu quả, bền vững tài nguyên thiên nhiên; chủ động ứng phó có hiệu quả với thiên tai, biến đổi khí hậu. Nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước; đẩy mạnh cải cách hành chính (CCHC); thúc đẩy chuyển đổi số. Nâng cao hiệu quả hoạt động đối ngoại và hội nhập quốc tế; thúc đẩy hợp tác, liên kết phát triển vùng với các địa phương. Bảo đảm vững chắc quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội; tăng cường công tác thanh tra, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo. Đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền, nâng cao hiệu quả công tác dân vận, tạo đồng thuận xã hội…
Thái QuảngLiên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đề nghị cơ quan soạn thảo lựa chọn phương án áp dụng mức giảm 30% tiền thuê đất phải nộp cho năm 2025.