Nghệ An: Nhiều doanh nghiệp giải thể, lãnh đạo tỉnh đưa ra giải pháp

Địa phương
02:37 PM 06/12/2024

Năm 2024, số doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Nghệ An giải thể tăng đến 32,9% so với năm cùng kỳ năm trước.

Chiều 5/12, tại Kỳ họp thứ 25, HĐND tỉnh Nghệ An khóa XVIII, các đại biểu đã thảo luận tại hội trường với nhiều vấn đề “nóng” được người dân, cử tri quan tâm.

Theo đó, các đại biểu đã nêu ra nhiều vấn đề liên quan đến môi trường, quản lý đất đai, khai thác khoáng sản, đền bù giải phóng mặt bằng quốc lộ 1A… và yêu cầu các cơ quan chức năng giải quyết quyết liệt, có giải pháp cụ thể.

Một số ý kiến bày tỏ sự “sốt ruột” khi tình hình doanh nghiệp vẫn còn gặp nhiều khó khăn, tỉ lệ doanh nghiệp phải chấm dứt hoạt động, dừng hoạt động nhiều.

Nghệ An: Nhiều doanh nghiệp giải thể, lãnh đạo tỉnh đưa ra giải pháp- Ảnh 1.

Kỳ họp thứ 25, HĐND tỉnh Nghệ An khóa XVIII diễn ra trong hai ngày 5 và 6-12.

Về vấn đề này, ông Phạm Hồng Quang, Giám đốc Sở KH&ĐT tỉnh Nghệ An, cho biết trên địa bàn Nghệ An hiện có khoảng hơn 16.000 doanh nghiệp hoạt động, chủ yếu là doanh nghiệp vừa và nhỏ, siêu nhỏ.

Trong năm qua, tình hình giải thể doanh nghiệp tăng 32,9% so với năm cùng kỳ, doanh nghiệp đăng ký tạm dừng hoạt động tăng 8,6%. Trong khi đó, doanh nghiệp hoạt động trở lại giảm 19,4% so với cùng kỳ, số thành lập mới doanh nghiệp chỉ tăng 3,9%.

Nghệ An: Nhiều doanh nghiệp giải thể, lãnh đạo tỉnh đưa ra giải pháp- Ảnh 2.

Ông Nguyễn Đức Trung- Bí thư Tỉnh ủy- Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An phát biểu tại kỳ họp.

Về nguyên nhân, Giám đốc Sở KH&ĐT Nghệ An cho biết doanh nghiệp rút khỏi thị trường trong 11 tháng năm 2024 tăng là do tổng nhu cầu tiêu dùng trong nước và thế giới phục hồi chậm, doanh nghiệp khó khăn trong tìm kiếm thị trường.

Qua khảo sát, đa số doanh nghiệp giải thể, tạm dừng hoạt động là các doanh nghiệp kinh doanh nhỏ lẻ, hiệu quả hoạt động thấp trong nhiều năm và đang trong quá trình cơ cấu lại.

Ông Quang cho hay với quan điểm doanh nghiệp phát triển thì tỉnh mới phát triển, thời gian qua UBND tỉnh Nghệ An đã chỉ đạo các ban, ngành, địa phương tập trung quan tâm hỗ trợ, tạo điều kiện cho doanh nghiệp.

Về giải pháp, ông Phạm Hồng Quang cho biết cần thực hiện đồng bộ, hiệu quả các giải pháp để cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh. Tăng cường đối thoại với doanh nghiệp và hiệp hội doanh nghiệp nhằm nắm bắt, tập trung tháo gỡ kịp thời, dứt điểm các khó khăn, vướng mắc.

Kế đó là rà soát và tiếp tục cắt giảm các thủ tục hành chính và thời gian xử lý công việc của doanh nghiệp, cũng như tiếp tục các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp…

Nghệ An: Nhiều doanh nghiệp giải thể, lãnh đạo tỉnh đưa ra giải pháp- Ảnh 3.

Ông Phạm Hồng Quang- Giám đốc Sở KH&ĐT tỉnh Nghệ An giải trình, làm rõ các vấn đề đại biểu nêu.

Phát biểu tại phiên thảo luận, ông Nguyễn Đức Trung, Bí thư Tỉnh ủy Nghệ An, Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An, nhìn nhận các doanh nghiệp giải thể, ngừng hoạt động trên địa bàn tỉnh thời gian qua chủ yếu là doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ.
Trong khi đó, năng lực tài chính, năng lực tổ chức thực hiện, ngành nghề lựa chọn cũng không phải là ngành nghề phát triển bền vững, điều này dẫn đến hoạt động không hiệu quả.

“Giải pháp cần nhất lúc này là làm sao thúc đẩy được liên kết giữa doanh nghiệp nội tỉnh và các doanh nghiệp FDI đang đầu tư vào Nghệ An. UBND tỉnh sẽ có các giải pháp để triển khai trong thời gian tới" - ông Trung nói.

Thái Quảng
Ý kiến của bạn
Việt Nam là sự lựa chọn “chiến lược” của đa số các doanh nghiệp Nhật Bản Việt Nam là sự lựa chọn “chiến lược” của đa số các doanh nghiệp Nhật Bản

Với vị trí địa lý thuận lợi, sức phát triển cùng các chính sách thu hút đầu tư có chọn lọc và nguồn nhân lực chất lượng cao đang trở thành những lợi thế cạnh tranh cho Việt Nam trong thu hút đầu tư nước ngoài.