Nghệ An: Những con số tích cực về phát triển kinh tế
Mới đây, tại phiên họp báo về tình hình kinh tế xã hội 6 tháng đầu năm 2022, Uỷ ban Nhân dân tỉnh Nghệ An đã công bố những kết quả đã đạt được. Trong đó Nghệ An lần đầu lọt top 10 địa phương thu hút FDI lớn nhất cả nước trong 6 tháng đầu năm với 580 triệu USD.
- Nghệ An: Phó Chủ tịch Thường trực UBND dâng hoa, dâng hương tưởng niệm các Anh hùng liệt sỹ
- Nghệ An: Họp Ban chỉ đạo Cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam"
- Nghệ An: Khởi công xây cầu vượt lũ tại bản Xốp Cốc
- Nghệ An: Đóng tuyến đường dân sinh cũ cắt ngang KCN WHA Nghi Lộc
- Nghệ An: Nhiều nội dung kinh tế, xã hội được giải trình tại kỳ họp HĐND
Trong 6 tháng đầu năm 2022, tình hình chung của thế giới có những biến động, trong nước cũng chịu những bất lợi của thời tiết, dịch bệnh diễn biến phức tạp; giá cả nguyên vật liệu đầu vào tăng cao đã ảnh hưởng lớn đến hoạt động sản xuất kinh doanh và đời sống nhân dân. Tuy vậy, cùng khắc phục những khó khăn, cùng sự nỗ lực chung, tình hình kinh tế 6 tháng đầu năm 2022 trên địa bàn toàn tỉnh Nghệ An đạt được những kết quả khả quan, có những bứt phá trong thu hút đầu tư. Theo đó, thu hút đầu tư đạt kết quả tích cực, đã cấp mới cho 58 dự án và điều chỉnh 63 lượt dự án. Tổng số vốn cấp mới và tăng thêm 28.101,2 tỷ đồng. So với cùng kỳ năm 2021, các dự án tăng thêm 13,72%, tổng số cấp mới tăng 1,39 lần.
Đặc biệt, trong 6 tháng đầu năm, tỉnh Nghệ An thu hút được 580 triệu USD vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), đây là mức cao nhất từ trước đến nay. Một số dự án thu hút FDI lớn đó là đầu tư xây dựng khu nhà ở xã hội cho công nhân, người lao động làm việc trong Khu công nghiệp Nam Cấm tại vị trí số 3 của Công ty cổ phần điện mặt trời miền Trung MK (với tổng mức đầu tư 3.495,16 tỷ đồng); đầu tư xây dựng khu nhà ở xã hội cho công nhân, người lao động làm việc trong Khu công nghiệp Nam Cấm tại vị trí số 4 của Công ty cổ phần Thương mại quốc tế BMC (với tổng mức đầu tư 3.385,38 tỷ đồng); Nhà máy chế biến lâm sản, tiêu thụ nội địa và xuất khẩu tại Khu D - Khu công nghiệp Nam Cấm của Công ty TNHH MTV năng lượng An Việt Phát Nghệ An (với tổng mức đầu tư 1.277,32 tỷ đồng)...
Những con số thực tế này, có thể khẳng định sự bứt phá của tỉnh Nghệ An trong công tác thu hút đầu tư nói chung và thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài nói riêng.
Và với những quả này đã đưa Nghệ An lần đầu lọt top10 địa phương thu hút FDI lớn nhất cả nước trong 6 tháng đầu năm 2022, theo thứ tự là: Bình Dương, Thành phố Hồ Chí Minh, Bắc Ninh, Thái Nguyên, Hải Phòng, Hà Nội, Bắc Giang, Long An, Nghệ An, Đồng Nai.
UBND tỉnh Nghệ An đã chọn năm 2022 là năm "Tập trung chuyển đổi số trong các cơ quan nhà nước" và đã ban hành Kế hoạch cải cách hành chính để hàng quý rà soát, chỉ đạo khắc phục những tồn tại, hạn chế, nhằm tạo thuận lợi tối đa cho người dân, doanh nghiệp. Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI) năm 2021 của Nghệ An thuộc nhóm 15 tỉnh, thành đạt chỉ số cao nhất cả nước. Chỉ số cải cách hành chính (Par Index) năm 2021 của Nghệ An đạt 87,59 điểm, xếp thứ 17/63 tỉnh, thành, tăng 1 bậc so với năm 2020.
Đồng thời, để cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư, kinh doanh, UBND tỉnh Nghệ An sẽ ưu tiên bố trí vốn để triển khai các công trình hạ tầng trọng điểm. Đồng hành với các nhà đầu tư hạ tầng để kêu gọi xúc tiến các nhà đầu tư thứ cấp. Tích cực hỗ trợ, đôn đốc đẩy nhanh tiến độ về hồ sơ thủ tục, triển khai thực hiện các dự án đầu tư, nhất là các dự án lớn trong khu kinh tế Đông Nam và các khu công nghiệp (VSIP, WHA, Hoàng Mai I,..). Tập trung nguồn lực, kêu gọi đầu tư xây dựng hai nút thắt hạ tầng là cảng nước sâu và sân bay Vinh.
Uỷ ban Nhân dân tỉnh cũng đang chỉ đạo Sở Kế hoạch và Đầu tư xây dựng phần mềm quản lý dự án đầu tư, dự kiến đưa vào vận hành trong tháng 9/2022. Bên cạnh đó, xây dựng sổ tay hướng dẫn quy trình thực hiện dự án đầu tư; quy chế phối hợp quản lý dự án. Đồng thời, chỉ đạo các ngành, địa phương triển khai kịp thời, đồng bộ các cơ chế, chính sách hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp.
Đặc biệt, tỉnh ưu tiên các dự án có công nghệ tiên tiến, công nghệ sạch, quản trị hiện đại, có tác động lan tỏa, kết nối chuỗi sản xuất và cung ứng toàn cầu. Nghệ An sẽ không xem xét mở rộng, gia hạn hoạt động đối với những dự án khai thác tận dụng tài nguyên khoáng sản trên địa bàn tỉnh, sử dụng công nghệ lạc hậu, tiềm ẩn nguy cơ gây ô nhiễm môi trường.
Riêng trong 6 tháng đầu năm, tỉnh Nghệ An thành lập mới 1.080 doanh nghiệp, tăng 7,2% so với cùng kỳ, với tổng số vốn đăng ký là 11.204 tỷ đồng; có 564 doanh nghiệp đăng ký hoạt động trở lại, tăng 14,2%; 79 doanh nghiệp giải thể, giảm 7,1% so với cùng kỳ năm 2021.
Thu ngân sách Nhà nước ước đạt 10.100 tỷ đồng, hoàn thành 67,4% dự toán (đạt 100,6% so với cùng kỳ năm ngoái). Trong đó, thu nội địa 9.162 tỷ đồng; thu từ hoạt động xuất, nhập khẩu 937 tỷ đồng. Chi ngân sách 15.303 tỷ đồng (đạt 49,3% dự toán).
Tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm (GRDP) ước tăng 8,44%, cao hơn so với cùng kỳ năm 2021, đứng thứ 2 khu vực Bắc Trung Bộ. Trong đó công nghiệp và xây dựng ước tăng 11,65%, riêng công nghiệp ước tăng 12,67%.
Với những kết quả tích cực đã đạt được trong 6 tháng đầu năm, sẽ là bước đà để tỉnh Nghệ An tự tin và quyết tâm hoàn thành tốt các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội trong 6 tháng tiếp theo, từng bước đưa Nghệ An phát triển lên tầm cao mới, xứng đáng là quê hương của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Lê DungCông ty CP Vận tải đường sắt cho biết tổ chức chạy tăng cường thêm nhiều chuyến tàu tuyến Bắc - Nam phục vụ người dân về quê, đón tết Nguyên đán 2025.