Nghệ An: Những tố cáo về Công ty CP Đầu tư và Thương mại Dầu khí Nghệ An đã được làm rõ
Dự án Nhà ở tại xã Hưng Lộc (Tp. Vinh, Nghệ An) do Công ty CP Đầu tư và Thương mại Dầu khí Nghệ An làm chủ đầu tư, bị tố cáo chủ đầu tư và người liên quan lừa đảo... Tuy nhiên, sự thật đã được cơ quan có thẩm quyền làm sáng tỏ.
Doanh nhân bị tố cáo lừa đảo?
Ngày 17/3/2021, sau 2 tháng thận trọng xác minh tin tố giác tội phạm của bà Trần Thị T., Cơ quan Cảnh sát Điều tra Công an tỉnh Nghệ An ban hành Quyết định số 02/HS-DS không khởi tố vụ án hình sự theo Đơn tố giác tội phạm của bà Trần Thị T. về việc bị lừa đảo "chiếm đoạt Dự án nhà ở cho người có thu nhập thấp và cán bộ công nhân viên tại xã Hưng Lộc, thành phố Vinh". Tiếp đó, ngày 18/3/2021, Cơ quan Cảnh sát Điều tra Công an tỉnh Nghệ An ban hành văn bản số 713/HS-DS Thông báo Kết quả giải quyết tin tố giác tội phạm, theo đó "không có yếu tố chiếm đoạt tài sản", tranh chấp giữa các bên là quan hệ dân sự.
Theo một thỏa thuận với bà Trần Thị T. được lập thành văn bản năm 2019, bà Lê Thị Bạch Tuyết là người được đứng ra mua giúp cổ phần của Công ty CP Đầu tư và Thương mại Dầu khí Nghệ An (Công ty Dầu khí Nghệ An) và Công ty CP Havin Land thay cho bà Trần Thị T..
Theo kế hoạch, ở giai đoạn 1, bà Trần Thị T. đầu tư 150 tỷ đồng và giai đoạn 2 đầu tư 200 tỷ đồng. Vậy nhưng, vào tháng 5/2020 khi mới đầu tư chưa được một nửa số tiền ở giai đoạn một (hơn 71 tỷ đồng), bà Trần Thị T. dừng việc đầu tư và muốn rút vốn. Việc rút vốn được tiến hành ráo riết. Mọi rắc rối phát sinh từ đây.
Khó khăn chưa dừng lại. Công ty Dầu khí Nghệ An cũng như bà Lê Thị Bạch Tuyết bị bà Trần Thị T. tố cáo vi phạm pháp luật, lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Cần nói thêm, số tiền khoảng 12 tỷ đồng bồi thường, giải phóng mặt bằng thông qua Công ty Havin Land đã được Công ty Dầu khí Nghệ An chuyển lại Công ty Havin Land ngày 29/10/2020 sau khi bà Trần Thị T. đòi rút vốn.
Kết quả giải quyết tin tố giác tội phạm theo hồ sơ pháp lý đã chứng minh cho bà Lê Thị Bạch Tuyết "không có yếu tố chiếm đoạt tài sản", tranh chấp giữa các bên là quan hệ dân sự.
Nhầm lẫn mua cổ phần với mua dự án?
Theo hồ sơ pháp lý thể hiện thỏa thuận, trong tổng số tiền hơn 71 tỷ mà bà Trần Thị T. đã giải ngân thực hiện mua 8 tầng văn phòng cho thuê tại tòa nhà Dầu khí đang là tài sản thế chấp khoản vay theo hợp đồng thế chấp số 01/2011/BIDV-PVFC ngày 12/11/2011 giữa Công ty CP Đầu tư và TM dầu khí Nghệ An với BIDV Nghệ An và PVFC Thanh Hoá (Nay là PVCombank) với tổng chi phí 32 tỷ đồng do Công ty Nga Hồng Khánh đứng tên và mua cổ phần Công ty Dầu khí Nghệ An, cổ phần Công ty Havin Land cùng các quyền lợi, nghĩa vụ liên quan của Havin Land là 27 tỷ đồng; Riêng các tài liệu, con dấu, hồ sơ pháp lý Công ty CP Havin Land đã được bàn giao cho kế toán của bà Trần Thị T. trong tháng 6/2020, từ trước khi có các đơn tố cáo.
Không có tài liệu nào cho thấy bà Trần Thị T. nhận sang nhượng dự án và hơn nữa số tiền giải ngân chưa được một nửa kế hoạch đầu tư giai đoạn một và theo thỏa thuận của bà Trần Thị T. và theo chứng từ pháp lý với 16 dòng tiền chuyển đi đã được sử dụng đúng mục đích.
Có thể, bà Trần Thị T. bị nhầm lẫn vì cho rằng số tiền hơn 71 tỷ đồng đã giải ngân để mua dự án nên tố cáo bà Lê Thị Bạch Tuyết và các cá nhân khác lừa đảo chiếm đoạt Dự án nhà ở tại xã Hưng Lộc, thành phố Vinh. Vì vậy, đã có lúc bà Trần Thị T. đòi dự án để thực hiện trong khi trước đây bà đã đột ngột dừng việc đầu tư theo thỏa thuận ban đầu.
Bà Trần Thị T. nửa chừng rút vốn trong khi bên được nhờ đứng tên luôn sẵn sàng bàn giao lại toàn bộ tài sản hình thành từ vốn đầu tư. Thiết nghĩ, đây là thiện chí của một bên, là cơ sở để các bên có thể ngồi lại thương lượng cùng thống nhất quyền lợi, tránh việc kiện tụng không ai mong muốn.
Phản hồi kịp thời của UBND tỉnh
Ngày 24/03/2021, UBND tỉnh Nghệ An có văn bản số 1583/UBND-NC gửi Sở Tài nguyên và Môi trường truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh với nội dung "Căn cứ theo thẩm quyền quy định của pháp luật hiện hành, Sở Tài nguyên và Môi trường thực hiện nội dung đề nghị tại điểm 2.2 Công văn số 1198/STNMT-QLĐĐ ngày 10/3/2021 bảo đảm theo đúng quy định của pháp luật". Được biết điểm 2.2 của Công văn số 1198/STNMT-QLĐĐ có nội dung "Sở Tài nguyên và Môi trường tiến hành giao đất thực địa cho Công ty Cổ phần Đầu tư và Thương mại Dầu khí Nghệ An trong tháng 3/2021" .
Lãnh đạo UBND tỉnh đã có chỉ đạo kịp thời để tháo gỡ khó khăn vướng mắc của doanh nghiệp, đồng thời cũng chỉ rõ việc bàn giao trên thực địa nằm trong phạm vi trách nhiệm của Sở. Đồng thời, UBND tỉnh cũng chỉ đạo Sở Tài nguyên và Môi trường tiếp tục chủ trì phối hợp với các cơ quan liên quan để xác định có vi phạm hành chính hay không.
Hiện có ý kiến cho rằng không thể giao đất cho Công ty Dầu khí Nghệ An khi chưa làm rõ có vi phạm hay không. Việc xác định doanh nghiệp có vi phạm hay không thuộc trách nhiệm của cơ quan có thẩm quyền. Không thể vì chưa xác định có hay không có vi phạm mà doanh nghiệp phải dừng hoạt động dẫn đến bị thiệt hại là không có cơ sở. Dừng hoạt động có thể coi như bị áp dụng một chế tài trong khi chưa xác định được có vi phạm hay không là hoàn toàn không phù hợp với nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa.
Trước đó, doanh nghiệp đã nhận được "quyết định giao đất", chỉ còn thiếu thủ tục cuối cùng là "bàn giao đất trên thực địa" sau khi doanh nghiệp đã hoàn thành mọi nghĩa vụ. Dư luận đã có sự nhầm lẫn giữa "giao đất" và "bàn giao đất trên thực địa" nên dẫn đến những suy diễn tiêu cực, không đúng với sự thật, trong khi các cơ quan chức năng ở địa phương hết sức thận trọng.
Lấn chiếm đất có nhiều biểu hiện, hành động khác nhau trong thực tế. Trong trường hợp Công ty Dầu khí Nghệ An, vi phạm (nếu có) của doanh nghiệp thể hiện bởi các hành động đưa máy móc thiết bị, nhân công, vật tư để thi công. Tuy nhiên, các hành động này của doanh nghiệp lại được các cơ quan có thẩm quyền cấp phép theo đúng quy định. Do đó, dựa vào sự chưa rõ ràng của các văn bản dưới luật để cho rằng doanh nghiệp sai phạm trong khi doanh nghiệp đã thực hiện đầy đủ các trách nhiệm, nghĩa vụ. Quy định cụ thể trong văn bản hướng dẫn của các cơ quan hành chính trái với văn bản pháp lý cao hơn thì quy định cụ thể đó không có giá trị, phải bị sửa đối. Không thể đưa ra một quy định của Luật xác định môt cơ quan cụ thể có trách nhiệm hướng dẫn rồi cho rằng các quy định hướng dẫn có giá trị pháp lý ngang với các quy định của văn bản luật là hoàn toàn không đúng.
Điều 14. Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật quy định những hành vi bị nghiêm cấm trong đó có "Ban hành văn bản quy phạm pháp luật trái với Hiến pháp, trái với văn bản quy phạm pháp luật của cơ quan nhà nước cấp trên." Quy định này không loại trừ trường hợp văn bản hướng dẫn luật nhưng trái với quy định trong văn bản luật.
Đáng chú ý, trong văn bản ngày 10/3/2021 gửi UBND tỉnh Nghệ An, Sở TN&MT vẫn tiếp tục đưa ra vấn đề bà Trần Thị T. có đơn tố cáo lừa đảo, dù không nói rõ nhưng có thể coi như là một vướng mắc. Tuy nhiên, về nội dung tranh chấp, UBND tỉnh Nghệ An đã hướng dẫn công dân nộp đơn tại Tòa án để giải quyết. Vậy tại sao Sở TN&MT vẫn tiếp tục đưa nội dung này vào báo cáo?
Ngoài ra, Cơ quan Cảnh sát điều tra cũng như các cơ quan chức năng khác không có văn bản nào đề nghị tạm dừng thực hiện thủ tục hành chính. Như vậy, liệu Sở TN&MT có tích cực quá dẫn đến có dấu hiệu nhầm lẫn về thẩm quyền hay không ?
Trước khi có văn bản chỉ đạo ngày 24/03/2021 của UBND tỉnh Nghệ An, Sở Giao thông Vận tải vẫn cấp giấy phép thi công cho Công ty Dầu khí Nghệ An ngày 04/03/2021. Có ý kiến cho rằng Sở Giao thông Vận tải "hợp thức hóa sai phạm" là chưa đủ cở sở pháp lý. Công ty Dầu khí Nghệ An bị tố thi công trước khi được cấp phép, tuy nhiên, trong hoàn cảnh nguồn vốn đầu tư công thiếu hụt, doanh nghiệp tự bỏ vốn đầu tư thay cho Nhà nước, không yêu cầu hoàn trả là việc nên khuyến khích, biểu dương hơn là chỉ trích.
Về thủ tục, khi chưa có Biên bản vi phạm hành chính nghĩa là chưa có hành vi vi phạm được ghi nhận theo thủ tục xử lý vi phạm hành chính, nếu hồ sơ hợp lệ và UBND tỉnh hay Cơ quan chức năng khác không có yêu cầu tạm dừng, việc Sở GTVT cấp phép cho doanh nghiệp là có căn cứ. Ngoài ra, theo Luật Xử lý vi phạm hành chính, việc xử phạt vi phạm hành chính (nếu có) không làm mất quyền được cấp Giấy phép thi công trong trường hợp này.
Trong quá trình xem xét sự việc ở các cơ quan chức năng địa phương, chỉ có Phòng Quản lý đất đai thuộc Sở TN&MT cho rằng Công ty Dầu khí Nghệ An vi phạm hành chính, trong khi Thanh tra Sở TN&MT cũng như Sở Tư pháp các Sở khác, UBND thành phố Vinh cho rằng chưa đủ căn cứ.
Trong chương trình công tác tại Nghệ An vừa qua, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cùng đoàn công tác có cuộc làm việc với lãnh đạo tỉnh Nghệ An về tình hình phát triển kinh tế - xã hội năm 2020 và nhiệm vụ năm 2021. Lãnh đạo tỉnh Nghệ An đã phát biểu khẳng định kiên quyết xóa bỏ tình trạng "tỉnh mở, sở thắt", đồng hành với doanh nghiệp, nhà đầu tư với phương châm "tỉnh mở, sở hỗ trợ"…
Cải cách thủ tục hành chính có tiến bộ nhưng ở một số cơ quan vẫn còn nút thắt, vẫn còn tình trạng giải quyết chậm hồ sơ của người dân, doanh nghiệp - người đứng đầu UBND tỉnh Nghệ An trong ngày 24/3 đã nêu trong buổi họp thường kỳ tháng 3 để đánh giá tình hình phát triển kinh tế - xã hội quý I và nhiệm vụ giải pháp quý II năm 2021.
Thái Quảng - Minh TúMới đây, một trong những nhật báo lớn nhất Ấn Độ - Times of India, đã vinh danh những bãi biển tại đảo Phú Quốc trong top 9 đẹp nhất Châu Á.