Nghệ An: Phải đổi mới cách thức, phương pháp giải quyết kiến nghị của doanh nghiệp
Là nhấn mạnh trong phát biểu chỉ đạo của Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Đức Trung tại buổi giao ban giữa UBND tỉnh Nghệ An với Hiệp hội Doanh nghiệp
Sáng 25/3, UBND tỉnh tổ chức giao ban với Hiệp hội Doanh nghiệp và các Hội Doanh nghiệp, doanh nhân. Các đồng chí: Nguyễn Đức Trung - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; Lê Ngọc Hoa - Phó Chủ tịch UBND tỉnh đồng chủ trì buổi giao ban. Tham dự giao ban có lãnh đạo các sở, ngành, địa phương liên quan. Đại diện các Hiệp hội Doanh nghiệp, Hội Doanh nghiệp, các doanh nghiệp.
Tại buổi giao ban, Sở Kế hoạch và Đầu tư đã báo cáo tình hình giải quyết các kiến nghị theo Thông báo kết luận số 06 ngày 7/1/2021 của UBND tỉnh. Theo đó, có 6 kiến nghị cụ thể yêu cầu giải quyết thuộc thẩm quyền chủ trì giải quyết của Văn phòng UBND tỉnh, Sở Tài chính, Sở Tài nguyên và Môi trường, Ban quản lý KKT Đông Nam, Cục Thuế tỉnh và UBND huyện Nghi Lộc. Các nội dung kiến nghị liên quan đến việc đề nghị thanh toán công nợ, xác định lại đơn giá cho thuê đất, đẩy nhanh công tác GPMB, không thu tiền sử dụng đất, không thu thuế đối với Doanh nghiệp. Trong 6 kiến nghị thì có 4 kiến nghị đã được các sở, ngành trả lời.
Từ tháng 1/2021 đến tháng 3/2021, Sở Kế hoạch và Đầu tư nhận được 4 kiến nghị của Doanh nghiệp và 1 kiến nghị của Sở Giao thông Vận tải đề nghị hỗ trợ cho doanh nghiệp. Và đến nay, Sở Kế hoạch và Đầu tư đã nhận được văn bản trả lời của 8/8 đơn vị có thẩm quyền giải quyết.
Đại diện lãnh đạo các sở, ngành: Tài chính, Cục Thuế tỉnh, GTVT, Tài nguyên và Môi trường, Ban quản lý KKT Đông Nam đã báo cáo, trả lời các kiến nghị của các Hiệp hội, Hội, Doanh nghiệp.
Cũng tại buổi giao ban, đồng chí Nguyễn Đức Trung - Chủ tịch UBND tỉnh đã trao đổi thông tin cơ bản về tình hình phát triển kinh tế - xã hội quý I năm 2021 và khẳng định, trong kết quả đó có đóng góp rất lớn của cộng đồng Doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh.
Khẳng định quan điểm của tỉnh là đồng hành cùng Doanh nghiệp để tháo gỡ các vướng mắc, khó khăn trên tinh thần là hỗ trợ, phục vụ Doanh nghiệp; xem Doanh nghiệp là đối tượng để các cơ quan chính quyền phục vụ, đặc biệt là các Doanh nghiệp đã và đang hoạt động trên địa bàn. Theo Chủ tịch UBND tỉnh, Doanh nghiệp chính là những người đóng góp lớn nhất vào kết quả phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, cụ thể là đã đóng góp khoảng 50% thu ngân sách của tỉnh, giải quyết hàng chục ngàn việc làm cho người lao động.
Trong thời gian qua, UBND tỉnh đã chỉ đạo các sở, ngành, địa phương phải tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc của Doanh nghiệp, làm sao tạo môi trường thuận lợi nhất để Doanh nghiệp phát triển, đóng góp hiệu quả cho xã hội. Ví dụ như khi có Doanh nghiệp phản ánh, các Doanh nghiệp đến nộp hồ sơ tại Trung tâm phục vụ hành chính công thì vẫn phải đến các sở, ngành để bổ sung hồ sơ. Ngay sau khi nhận được phản ánh, UBND tỉnh đã yêu cầu các sở, ngành chấn chỉnh ngay tình trạng này.
Chủ tịch UBND tỉnh cũng tiếp tục khẳng định, tỉnh đã yêu cầu các sở, ngành trong quá trình xử lý các vấn đề của Doanh nghiệp là phải tiếp cận theo phương pháp là hạn chế giải thích và giải trình, tăng cường giải pháp và giải quyết. Chỉ rõ nhiều sở, ngành vẫn chưa tích cực trong giải quyết kiến nghị của doanh nghiệp, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu phải rút kinh nghiệm và cần đổi mới cách thức, phương thức giải quyết các kiến nghị của các doanh nghiệp.
Điều chỉnh thuế xuất, nhập khẩu một số mặt hàng; 3 hình thức công bố thông tin của doanh nghiệp phát hành trái phiếu từ 25/12/2024; Quy định mới về hạn mức tối đa về giá trị hàng hóa, dịch vụ dùng để khuyến mại,… là một số chính sách đáng chú ý có hiệu lực từ tháng 12/2024.