Nghệ An: Phấn đấu tăng về lượng và chất mô hình kinh tế tập thể trong năm 2024

Địa phương
03:49 PM 09/08/2023

Trong báo Báo cáo số 529/BC-UBND ngày 19/7 của UBND tỉnh Nghệ An về kế hoạch phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã cho biết, năm 2024 toàn tỉnh phấn đấu thành lập mới 58 hợp tác xã, 01 liên hiệp hợp tác xã và 21 tổ hợp tác. Để đạt được các mục tiêu trên, UBND tỉnh đề ra 06 giải pháp trọng tâm phát triển kinh tế tập thể năm 2024.

Theo số liệu báo cáo, trong 6 tháng đầu năm và dự kiến cả năm 2023, khu vực Kinh tế tập thể (KTTT), Hợp tác xã (HTX) trên địa bàn tỉnh Nghệ An tiếp tục được củng cố, phát triển trên các lĩnh vực. Đến ngày 30/6/2023, trên địa bàn tỉnh có 878 HTX, ước tính cả năm có 885 HTX, đạt 100% kế hoạch. Doanh thu bình quân của một HTX trong 6 tháng đầu năm đạt 1.117 triệu đồng, ước thực hiện cả năm đạt 2.280 triệu đồng/năm, bằng 100,2% kế hoạch...

Một số mô hình HTX quy mô lớn hoạt động trong các lĩnh vực chế biến nông sản, hải sản, dược liệu được hình thành. Trên địa bàn 21/21 huyện, thành, thị, mỗi đơn vị cấp huyện có ít nhất 01 mô hình HTX hoạt động hiệu quả, sản xuất theo chuỗi giá trị. Cấp ủy, chính quyền địa phương đã quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo phát triển KTTT, HTX. Công tác tuyên truyền, triển khai thực hiện các văn bản chỉ đạo của cấp trên được thực hiện kịp thời, nhận thức của cán bộ, nhân dân và người lao động trong HTX về vị trí, vai trò của HTX ngày được nâng lên.

Nghệ An: Phấn đấu tăng về lượng và chất mô hình kinh tế tập thể trong năm 2024. - Ảnh 1.

HTX nông dược Tĩnh Sáng Đường tại huyện Quỳ Hợp, tỉnh Nghệ An phát huy hiệu quả trong việc phát triển cây dược liệu và chế biến thành phẩm tại địa phương.

Đó là những kết quả khả quan để UBND tỉnh Nghệ An ban hành kế hoạch phát triển KTTT, HTX trong năm 2024 hướng đến mục tiêu phát triển KTTT, HTX năng động, hiệu quả bền vững, tăng về số lượng, quy mô, chất lượng, hiệu quả. Đồng thời đa dạng về loại hình, hình thức hợp tác trong các ngành, nghề, lĩnh vực.  Đẩy mạnh chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ vào sản xuất theo chuỗi giá trị, chú trọng phát triển sản phẩm, chế biến sâu, đạt tiêu chuẩn, chất lượng, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong nước và xuất khẩu. 

Đồng thời, thu hút đại bộ phận nông dân tham gia HTX và huy động ngày càng nhiều các tổ chức, doanh nghiệp tham gia hoặc liên kết với hợp tác xã. Tăng cường hoạt động hỗ trợ cho các tổ chức KTTT, HTX nhằm nâng cao năng lực sản xuất, sức cạnh tranh và khả năng thích nghi trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế, cách mạng công nghiệp lần thứ tư và biến đổi khí hậu. 

Nghệ An: Phấn đấu tăng về lượng và chất mô hình kinh tế tập thể trong năm 2024. - Ảnh 2.

HTX trồng rau an toàn ở xã Hữu Kiệm, huyện Kỳ Sơn

Một số mục tiêu, chỉ tiêu cụ thể năm 2024 gồm: Phấn đấu thành lập mới 58 HTX, 01 liên hiệp HTX và 21 tổ hợp tác (THT); số lượng thành viên HTX đạt 269.080 thành viên, số lượng thành viên THT đạt 40.525 thành viên. Doanh thu bình quân một HTX đạt 2.285 triệu đồng/năm, doanh thu bình quân một THT đạt 355 triệu đồng/năm. Thu nhập bình quân của người lao động trong HTX đạt 58,5 triệu đồng/năm. Tỷ lệ cán bộ quản lý HTX có trình độ đại học, cao đẳng trở lên đạt 25%; cán bộ có trình độ trung, sơ cấp đạt 60%. 

Để đạt được các mục tiêu trên, UBND tỉnh đề ra 6 giải pháp trọng tâm phát triển kinh tế tập thể năm 2024. Đó là, tiếp tục thực hiện và hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về HTX, theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện các quy định trong Luật HTX. Tăng cường tuyên truyền, tập huấn các chính sách, văn bản quy phạm pháp luật mới ban hành và nâng cao năng lực nguồn nhân lực HTX. Tiếp tục tổ chức triển khai thực hiện chính sách hỗ trợ, ưu đãi phát triển HTX theo quy định. Chú trọng nâng cao hiệu quả hoạt động của khu vực KTTT, HTX. Tăng cường công tác quản lý nhà nước về KTTT. Huy động các lực lượng xã hội, các tổ chức đoàn thể trong nước và quốc tế tham gia thúc đẩy phát triển KTTT.

Trong đó, tiếp tục rà soát các quy định, chính sách hiện hành về lồng ghép các nguồn vốn. Trong đó lưu ý nguồn vốn sự nghiệp từ ngân sách Trung ương hỗ trợ thực hiện Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo bền vững để phát triển các HTX sản xuất nông nghiệp. Tiếp tục chỉ đạo xử lý đối với các HTX không hoạt động, khó khăn trong giải thể, không để các HTX tồn tại hình thức. Tăng cường công tác rà soát, chuẩn hóa số liệu HTX trên hệ thống thông tin Quốc gia về đăng ký HTX. 

Tỉnh chỉ đạo các Sở, ngành, UBND cấp huyện bố trí đủ cán bộ, công chức tham mưu, theo dõi, quản lý, giám sát và báo cáo hoạt động của HTX, liên hiệp HTX. Xây dựng kế hoạch thanh tra, kiểm tra việc thực hiện quy định pháp luật về HTX, liên hiệp HTX. Tiếp tục nghiên cứu, kiến nghị biện pháp xử lý và hướng dẫn xử lý các hành vi vi phạm pháp luật của HTX, liên hiệp HTX, của cá nhân và tổ chức có liên quan theo quy định của pháp luật. Tập trung giải quyết hoặc hướng dẫn giải quyết những vướng mắc trong việc thực hiện các quy định của pháp luật về HTX, liên hiệp HTX. Tiếp tục kêu gọi sự trợ giúp của các tổ chức trong nước và quốc tế trong hỗ trợ phát triển HTX. Tăng cường huy động các nguồn lực của ngành, địa phương tham gia hỗ trợ phát triển KTTT...

Nghệ An: Phấn đấu tăng về lượng và chất mô hình kinh tế tập thể trong năm 2024. - Ảnh 3.

Mô hình nuôi cá lăng của HTX nông nghiệp, dịch vụ Hủa Na, huyện Quế Phong.

Lâu nay, vai trò, hoạt động của HTX ở Nghệ An được xem như là "bà đỡ" của người dân, đặc biệt ở các huyện miền núi. Ngoài việc làm cầu nối quy tụ, tập hợp những người sản xuất vào HTX, đưa ra mô hình sản xuất và tạo ra sản phẩm có quy mô lớn hơn; đồng thời làm cầu nối đưa sản phẩm ra thị trường và cung ứng các dịch vụ đầu vào cho người sản xuất. 

Thông qua việc thành lập và hoạt động của HTX góp phần khai thác, phát huy lợi thế kinh tế của từng vùng miền, địa phương; đẩy chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi; chuyển đổi hình thức sản xuất, nâng cao giá trị sản phẩm. Việc triển khai kế hoạch phát triển về chất và lượng HTX của tỉnh sẽ tạo điều kiện hỗ trợ, thúc đẩy thực hiện các dự án, trong đó có dự án hỗ trợ phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp bền vững, phát huy tiềm năng, thế mạnh của các vùng miền núi để sản xuất hàng hoá theo chuỗi giá trị. 

Trong điều kiện thu hút doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp đang còn khó khăn, thì giải pháp trước mắt là tập trung nâng cao năng lực hoạt động của HTX hiện có và thành lập thêm các HTX mới để thực hiện vai trò "bà đỡ" cho người dân và thúc đẩy sản xuất theo chuỗi giá trị ở các địa phương trong toàn tỉnh.

Lê Dung
Ý kiến của bạn
Hơn 56% doanh nghiệp Nhật Bản muốn mở rộng kinh doanh tại Việt Nam trong 1- 2 năm tới Hơn 56% doanh nghiệp Nhật Bản muốn mở rộng kinh doanh tại Việt Nam trong 1- 2 năm tới

Theo khảo sát thực trạng doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư tại nước ngoài cho năm tài chính 2024, do Tổ chức Xúc tiến Thương mại Nhật Bản (JETRO) thực hiện, có đến 56,1% số doanh nghiệp được khảo sát trả lời sẽ “mở rộng” kinh doanh trong 1-2 năm tới.