Nghệ An: Phản hồi của Sở TNMT “Quản lý khoáng sản có thất thoát?”
Sau khi Tạp chí Doanh nghiệp & Tiếp thị phản ánh về hoạt động khoáng sản của Công ty TNHH Toàn Thắng và hoạt động quản lý nhà nước của cơ quan chức năng, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Nghệ An (Sở TNMT) đã có văn bản phản hồi và ghi nhận “Sở Tài nguyên và Môi trường luôn tiếp thu, cảm ơn sự quan tâm phán ánh, góp ý của Tạp chí”.
- Các huyện miền núi Nghệ An đối diện với khó khăn “kép” trong đại dịch
- Quê hương xứ Nghệ và những chuyến trở về từ tâm dịch
- Nghệ An: Quản lý khoáng sản có thất thoát?
- Chung sức, đồng lòng quyết tâm chống dịch, trong khó khăn càng sáng ngời tinh thần dân tộc!
- Nghệ An: Công ty TNHH Phát triển Đông Hồi có dấu hiệu trốn thuế và hoạt động sai giấy phép?
Ai được thăm dò mỏ Lèn Chu trước khi Công ty Toàn Thắng khai thác?
Ngày 17/8/2021, ông Võ Văn Ngọc, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Nghệ An, đã ký Văn bản phản hồi số 4707/STN&MT-KS gửi Tạp chí Doanh nghiệp và Tiếp thị. Đáng chú ý, mặc dù Văn bản phản hồi 4707 này cũng được gửi để báo cáo UBND tỉnh Nghệ An, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Nghệ An, đồng thời gửi tới Giám đốc Sở TNMT, Sở Thông tin và Truyền thông của tỉnh Nghệ An, thế nhưng nội dung văn bản còn thiếu nhiều thông tin quan trọng, có thể làm người đọc hiểu lầm nếu không nắm rõ sự việc. Văn bản 4707 cũng thể hiện: Sở TNMT luôn tiếp thu và cảm ơn sự quan tâm phản ánh, góp ý của Tạp chí Doanh nghiệp và Tiếp thị.
Cụ thể, trong mục 3.4 của Văn bản phản hồi 4707 có nêu: "Theo báo cáo của UBND huyện Quỳ Hợp, UBND xã Minh Hợp và kiểm tra hồ sơ, tài liệu cho thấy: Khu vực mỏ này từ năm 1996 được UBND tỉnh cho phép Nông trường 3/2 khai thác khoáng sản theo Quyết định số 306 QĐ/UB ngày 07/02/1996. Sau khi cấp phép nông trường triển khai hoạt động khai thác trong thời gian dài, đồng thời Nông trường 3/2 cho nhiều người dân vào khai thác với khối lượng lớn; do vậy, khi quan sát thực tế tại khu vực mỏ cho thấy có khối lượng khoáng sản đã bị khai thác là do phần lớn Nông trường 3/2 và người dân đã khai thác".
Thông tin rất cần biết: Sau khi Nông trường 3/2 ngừng khai thác, Công ty TNHH Toàn Thắng được cấp giấy phép thăm dò số 1225/GP-BTNMT ngày 2/8/2012, và sau đó lại được cấp phép khai thác. Vậy Sở TNMT có biết sự việc này không?
Đã năm thứ 10 từ khi Nông trường ngừng khai thác và doanh nghiệp này được cấp phép thăm dò. Thật khó mà nói việc khai thác của Nông trường 3/2 và người dân liên quan đến trữ lượng cấp phép cho Công ty TNHH Toàn Thắng. Theo Luật Khoáng sản 2010, "Thăm dò khoáng sản là hoạt động nhằm xác định trữ lượng, chất lượng khoáng sản và các thông tin khác phục vụ khai thác khoáng sản".
Giấy phép thăm dò mỏ Lèn Chu cấp cho Công ty TNHH Toàn Thắng được Bộ Tài nguyên và Môi trường gửi đích danh Sở TNMT. Doanh nghiệp phải báo cáo, phối hợp với Sở TNMT để thực hiện công việc trong quá trình thăm dò, trình phê duyệt trữ lượng. Tại sao Sở TNMT không cung cấp thông tin này?
Để biết có khai thác đúng công suất (là trữ lượng được phép khai thác mỗi năm) cần làm rõ trữ lượng khoáng sản còn lại và một số yếu tố khác. Số liệu này doanh nghiệp kê khai trong các Báo cáo định kỳ, Báo cáo thống kê, kiểm kê trữ lượng khoáng sản, Bản đồ hiện trạng, Bản vẽ mặt cắt doanh nghiệp phải nộp cho các cơ quan chức năng với thời hạn chậm nhất là ngày 1/2 mỗi năm.
Văn bản phản hồi 4707 của Sở TNMT trả lời chỉ dựa trên báo cáo của doanh nghiệp về sản lượng khai thác trong năm 2020 là 597,49 m3 (chưa được kiểm tra, đánh giá). Đây cũng là số liệu doanh nghiệp kê khai với Chi cục Thuế Phủ Quỳ I trực thuộc Cục Thuế tỉnh Nghệ An.
Cơ quan Thuế đánh giá "có rủi ro rất cao về thuế" tại Công ty TNHH Toàn Thắng, nghĩa là các số liệu kê khai có dấu hiệu không trung thực, nên đã gửi công văn cho Sở TNMT cũng như Tổng cục Địa chất và Khoáng sản (Bộ Tài nguyên và Môi trường) để phối hợp chống thất thu ngân sách. Theo đề nghị của Chi cục Thuế Phủ Quỳ I, Cục Thuế tỉnh Nghệ An đã gửi công văn từ ngày 19/3/2021 nhưng cho tới tháng 8/2021 Sở TNMT vẫn không có văn bản trả lời.
Chỉ dựa vào số liệu doanh nghiệp báo cáo về sản lượng khai thác thành phẩm (chưa được đánh giá sự chính xác, trung thực) và kê khai thuế (đã bị chính cơ quan thuế nghi vấn), không dựa vào số liệu trữ lượng khoáng sản còn lại và nhiều yếu tố khác... Thế nhưng Sở TNMT vẫn nhanh chóng kết luận: "Theo thông báo từ Cục thuế Nghệ An và thông tin báo cáo định kỳ của Công ty tại Sở Tài nguyên và Môi trường cho thấy công ty khai thác không vượt công suất cho phép".
Sản lượng khoáng sản thành phẩm doanh nghiệp báo cáo cơ quan chức năng và công suất khai thác (trữ lượng khai thác mỗi năm) là hai khái niệm hoàn toàn khác nhau. Công suất khai thác lớn hơn sản lượng khoáng sản thành phẩm vì liên quan tới hệ số thu hồi, có đủ cơ sở, căn cứ để kết luận như vậy? (theo hồ sơ thiết kế hệ số thu hồi mỏ Lèn Chu chỉ 22% dù cấp trữ lượng là 121 và 122 trong khi, theo đánh giá trong giới khai thác, hệ số thu hồi trên thực tế có thể lên tới hơn 50%).
Nếu làm đúng, với sản lượng thành phẩm chưa đầy 600 m3 thì trữ lượng chưa khai thác gần như còn nguyên vẹn. Do đó, công bố trữ lượng khoáng sản còn lại tại mỏ Lèn Chu là việc nên làm, vì đó có phải là dữ liệu không được hay bị hạn chế công bố? Đồng thời bảo vệ được uy tín doanh nghiệp cũng như cơ quan quản lý tài nguyên, môi trường và cán bộ, công chức có liên quan.
Sở TNMT cho biết Công ty TNHH Toàn Thắng chưa lắp đặt trạm cân như phản ánh. Đầu năm 2019, Sở TNMT từng nhắc nhở doanh nghiệp nhưng quy định lặp đặt trạm cân có hiệu lực hơn 4,5 năm vẫn không được thực hiện. Sở TNMT đã báo cáo UBND tỉnh Nghệ An nội dung này để thành lập Đoàn kiểm tra liên ngành, "báo cáo UBND tỉnh xem xét, xử lý các tổ chức vi phạm". Đáng chú ý, xử lý vi phạm hành chính đối với việc không lắp đặt thiết bị giám sát thuộc thẩm quyền của Sở (Điều 40, 63 Nghị định 36/2020).
Sở TNMT cho biết "nguyên nhân chủ quan" dẫn đến chưa lắp đặt là"kinh phí mua trạm cân lớn". Vậy Sở TNMT có biết doanh nghiệp này đã hoạt động từ năm 1998, trước khi khai thác mỏ Lèn Chu đã khai thác mỏ Lèn Một và núi Ba Không?
Ngoài ra, còn hàng loạt vấn đề phải làm rõ: Đã chuyển đổi mục đích sử dụng đất ở mỏ Lèn Chu theo quy định trong Giấy phép khai thác? Có thông báo cho cơ quan chức năng ngày bắt đầu xây dựng cơ bản mỏ, ngày bắt đầu khai thác? Đã nghiệm thu xây dựng mỏ? Việc xả thải khai thác có đúng đánh giá tác động môi trường? Có báo cáo về khối lượng chất thải khai thác? Có chấp hành các quy định về nộp các báo cáo, bản đồ, bản vẽ, giám đốc điều hành mỏ, v.v…
Liệu cá nhân Giám đốc Công ty TNHH Toàn Thắng có đủ điều kiện được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng 4.000 m2 đất rừng sản xuất mà doanh nghiệp đang dùng làm nơi xả thải, trong khi diện tích này đã được Bộ Tài nguyên và Môi trường cấp cho Công ty An Lộc Sơn thăm dò? Huyện Quỳ Hợp đã có công văn hỏa tốc yêu cầu dừng các thủ tục có thể dẫn đến việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho Giám đốc Công ty. Công ty TNHH Toàn Thắng xả thải như vậy có đúng?
Văn bản phản hồi 4707 ngày 17/8/2021 của Sở TNMT cũng cho biết, do điều kiện dịch bệnh nên Tổng cục Địa chất và Khoáng sản (Bộ Tài nguyên và Môi trường) đề nghị Sở TNMT phối hợp với các cơ quan đơn vị liên quan kiểm tra hoạt động của Công ty TNHH Toàn Thắng. Đồng thời, Sở TNMT tham mưu UBND tỉnh lập Đoàn kiểm tra liên ngành kiểm tra hoạt động của các tổ chức khai thác khoáng sản trên địa bàn.
Kết quả thăm dò: Trữ lượng gần 6 triệu m3 được phê duyệt
Công ty TNHH Toàn Thắng thăm dò, trình phê duyệt trữ lượng và Hội đồng đánh giá trữ lượng khoáng sản quốc gia đã phê duyệt tổng trữ lượng 5.438.000 m3 và 574.000 tấn trên diện tích thăm dò 11,75 ha (Quyết định số 952/QĐ-HĐTLQG ngày 9/9/2014 của Hội đồng đánh giá trữ lượng khoáng sản quốc gia). Trong đó, phân cấp trữ lượng khoáng sản 121 là 1.359.000 m3, phân cấp trữ lượng 122 là 4.079.000 m3 và 574.000 tấn.
Theo Quyết định 06/2006/QĐ-BTNMT (thay thế bởi Thông tư 60/2017/TT-BTNMT), mức độ nghiên cứu địa chất được phân làm 4 mức có độ tin cậy khác nhau: chắc chắn, tin cậy, dự tính và dự báo. Mức độ tin cậy địa chất phân cấp trữ lượng 121 là chắc chắn và bảo đảm tối thiếu 80% (ngang phân cấp 111), phân cấp trữ lượng 122 là tin cậy và bảo đảm tối thiểu 50%. Trong giấy phép khai thác với diện tích 5,6 ha (gần 50% diện tích thăm dò), trữ lượng cấp phép khai thác chỉ hơn 1,3 triệu mét khối.
Hồ sơ cấp phép khai thác phải có Quyết định phê duyệt trữ lượng. Như vậy, trữ lượng cấp phép cho Công ty TNHH Toàn Thắng khai thác mỏ Lèn Chu dựa trên kết quả thăm dò trữ lượng, chất lượng, v.v… của chính doanh nghiệp này và được Hội đồng quốc gia phê duyệt (Điều 2 Quyết định phê duyệt trữ lượng). Trữ lượng khai thác là căn cứ để tính tiền cấp quyền khai thác Công ty TNHH Toàn Thắng phải nộp cho ngân sách theo công thức T = Q x G x K1 x K2 x R (Nghị định 203/2013, hết hiệu lực ngày 15/09/2019) trong đó, Q là trữ lượng, T là tiền cấp quyền. Trữ lượng càng lớn số tiền phải nộp càng nhiều. Không thể doanh nghiệp phải chịu trách nhiệm về khoáng sản đã bị người khác khai thác.
Trước khi khai thác, doanh nghiệp phải "báo cáo Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Nghệ An để kiểm tra tại thực địa, xác định tọa độ, mặt bằng khai thác và cắm mốc giới phạm vi khu vực được phép khai thác". Được thăm dò, được cấp phép khai thác, vậy Công ty TNHH Toàn Thắng có bị người khác khai thác trái phép?
Công ty CP Khoáng sản An Lộc Sơn đã làm văn bản yêu cầu đo đạc lại. Vì nếu không đo lại sẽ làm ảnh hưởng đến trách nhiệm của doanh nghiệp này khi phát hiện bị khai thác trái phép.Trên thực địa, điểm mỏ Lèn Chu của Công ty TNHH Toàn Thắng sát ngay điểm mỏ Lèn Một và núi Ba Không, nơi doanh nghiệp cũng được UBND tỉnh Nghệ An cấp giấy phép khai thác số 5215/ GP-UBND ngày 4/11/2013. Đường vào điểm mỏ Lèn Chu là đường cụt, độc đạo sát mỏ khu vực Lèn Một và khu vực núi Ba Không do Công ty TNHH Toàn Thắng đầu tư.
Đáng nói, trong Văn bản phản hồi 4707 ngày 17/8/2021, Sở TNMT cho biết: "Trước đây, ở những thời điểm nhất định, một số địa bàn xảy ra tình trạng khai thác khoáng sản trái phép, trong đó có địa bàn huyện Quỳ Hợp, UBND tỉnh đã giao Công an tỉnh tổ chức lực lượng mở các đợt cao điểm để xử lý tình trạng này, như các Đoàn kiểm tra vào năm 2007, 2010, 2012,…; sau khi lực lượng Cảnh sát môi trường được thành lập, lực lượng này thường xuyên kiểm tra, phát hiện và xử lý tình trạng khai thác khoáng sản trái phép trên địa bàn. Do đó, tình trạng khai thác trái phép đã được đẩy lùi trong đó có khu vực này".
Nằm sát điểm mỏ Lèn Chu của Công ty TNHH Toàn Thắng, điểm mỏ Công ty An Lộc Sơn bị khai thác trộm 5.364 m3 (đánh giá của đơn vị có chức năng). Mỗi mét khối đá tại mỏ Lèn Chu đang được tính 10 triệu đồng để tính thuế tài nguyên. Như vậy, thiệt hại có thể ước tính không dưới hàng chục tỷ đồng và đồng nghĩa ngân sách bị thất thoát khá lớn. Sự việc đến nay vẫn chưa được làm rõ.
Những bất thường trong hoạt động kế toán
Từ năm 2016 đến năm 2019, dù mỏ Lèn Chu chưa được cấp phép khai thác, chưa được thuê đất, Công ty TNHH Toàn Thắng kê khai khoáng sản tại mỏ Lèn Một và Ba Không là đá sỏi, đá dolomit, đá khối dolomit dùng để xẻ theo nhiều diện tích bề mặt "giống" với loại khoáng sản tại giấy phép trữ lượng của mỏ Lèn Chu. Kê khai như vậy không đúng, không khớp với loại khoáng sản đã ghi nhận trong Giấy phép khai thác số 5215/CP-UBND ngày 4/11/2013, do UBND tỉnh Nghệ An cấp phép tại mỏ Lèn Một và núi Ba Không (Đá vôi làm vật liệu xây dựng thông thường, khoáng sản đi kèm là đá vôi làm đá chẻ, đá xẻ…).
Thuế suất thuế tài nguyên lẫn giá trị kinh tế khoáng sản tại mỏ Lèn Chu cao hơn mỏ Ba Không – Lèn Một rất nhiều. Tại sao doanh nghiệp kê khai bất thường như vậy? Qua kiểm tra, Chi cục Thuế Phủ Quỳ I đã phát hiện vấn đề và xử lý vi phạm. Số liệu từ cơ quan thuế cho thấy từ năm 2016 đến 2019, dù kinh tế vĩ mô cả nước phát triển tốt nhưng sản lượng kê khai rất thấp, năm 2016: 1.639 m3, năm 2017: 3.741 m3, năm 2018: 6.347 m3, năm 2019: 3.784 m3 (các con số đã được làm tròn).
Theo tài liệu thể hiện khách hàng được mua nhiều nhất là Công ty TNHH DVTM XNK Đức Bảo (MST 5200890454); Công ty TNHH TMDV XNK Đại Dương Xanh (MST 5200891698); Công ty TNHH DVTM XNK Phương Nam (MST 5200890574); Công ty TNHH DVTM XNK Uy Vũ (MST 520081139); Công ty TNHH Đầu tư phát triển vận tải Quảng Châu (MST 5200887821); Công ty TNHH Khoáng sản đá tự nhiên Việt Nam (MST 0107543619). Đơn vị vận tải cho các công ty trên là Công ty TNHH Hoàng Phương (MST 2900707853) ở phường Quang Tiến (TX Thái Hòa, Nghệ An) và đơn vị này cũng đã mua hàng 91,12m3 đá vôi dạng khối dùng để xẻ kích thước bề mặt trên 1m2 cùng thông tin với 2 xe chuyển hàng bị tạm giữ nhiều tháng tại cửa khẩu Lạng Sơn…
Những doanh nghiệp có trụ sở tại TP. Yên Bái có "bất thường" đều tạm dừng hoạt động trong cùng ngày 16/11/2020. Đặc biệt hơn, Chi Cục thuế Phủ Quỳ I gửi công văn ra Cục Thuế tỉnh Yên Bái xác minh không kê khai đầu vào đối với các hóa đơn mua hàng từ Công ty TNHH Toàn Thắng đã nhiều năm nay.
Thiết nghĩ, để pháp luật được thực hiện nghiêm minh, bảo đảm chống thất thu ngân sách, các cơ quan chức năng cần vào cuộc làm rõ các bất thường của các doanh nghiệp nêu trên, đã mua đá từ Công ty TNHH Toàn Thắng để xuất khẩu sang nước ngoài từ Cảng Hải Phòng, kê khai chủng loại đá loại gì và khối lượng từ hồ sơ Hải quan? Đồng thời, cần kiểm tra toàn diện hoạt động tuân theo pháp luật của Công ty TNHH Toàn Thắng và đo đạc xác định trữ lượng còn lại tại mỏ Lèn Chu đã cấp phép cho Công ty, để làm rõ hơn các vi phạm pháp luật cũng như nghi vấn.
Tài nguyên quốc gia để phục vụ sự phát triển của đất nước, không thể làm lợi bất hợp pháp cho một vài cá nhân, tổ chức nào đó. Nếu trữ lượng khoáng sản đã cấp cho doanh nghiệp mà bị khai thác trái phép trước khi cấp phép khai thác, hay doanh nghiệp khai báo không đầy đủ, thì nhất thiết phải truy tìm địa chỉ chịu trách nhiệm, truy thu cho ngân sách.
Quang Minh và nhóm PVTheo số liệu từ Ngân hàng Nhà nước (NHNN), tổng lượng tiền gửi của cả dân cư và doanh nghiệp, tổ chức kinh tế tại thời điểm tháng 8 vào ngân hàng thương mại đạt mức kỷ lục từ trước đến nay với hơn 13.763.230 tỷ đồng.