Nghệ An: Quyết liệt chống khai thác hải sản bất hợp pháp

Địa phương
04:15 PM 31/03/2023

Mới đây, UBND tỉnh Nghệ An đã ban hành Kế hoạch số 181/KH-UBND ngày 22/3 về việc triển khai thực hiện Đề án “Phòng, chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định đến năm 2025” nhằm ngăn chặn, giảm thiểu và loại bỏ khai thác IUU, góp phần cùng cả nước gỡ cảnh báo “Thẻ vàng” của Ủy ban châu Âu (EC).

Với mục tiêu đã đề ra, kế hoạch được ban hành nhằm triển khai đồng bộ, hiệu lực, hiệu quả các quy định pháp luật về thủy sản. Đồng thời tập trung triển khai quyết liệt các giải pháp về phòng, chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (khai thác IUU) trên địa bàn tỉnh. 

Tích cực triển khai các giải pháp có hiệu quả để ngăn chặn, giảm thiểu và loại bỏ khai thác IUU, góp phần cùng cả nước gỡ cảnh báo "Thẻ vàng" của Ủy ban châu Âu (EC). Cùng với đó, quản lý hoạt động khai thác và bảo vệ nguồn lợi hải sản, các hệ sinh thái biển, phát triển nghề cá Nghệ An theo hướng bền vững, có trách nhiệm nhằm nâng cao đời sống sinh kế của người dân vùng ven biển. Và còn có ý nghĩa góp phần đảm bảo an ninh, quốc phòng và bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc.

Theo đó, mục tiêu cụ thể của kế hoạch đặt ra: Với các tàu cá có chiều dài lớn nhất từ 15m trở lên hoạt động thủy sản, đảm bảo hoàn thành 100% việc đánh dấu tàu cá và lắp đặt thiết bị giám sát hành trình. Trước khi rời cảng đi khai thác trên biển được kiểm tra đảm bảo đầy đủ các giấy tờ và trang thiết bị theo quy định. Được theo dõi, giám sát qua Hệ thống giám sát hành trình tàu cá khi tham gia hoạt động trên biển theo quy định và được thanh tra, kiểm tra, kiểm soát tại cảng.

Nghệ An: Triển khai quyết liệt các giải pháp về phòng, chống khai thác hải sản bất hợp pháp. - Ảnh 1.

Ngư dân huyện Quỳnh Lưu (Nghệ An) đánh cá trên Vịnh Bắc bộ. Ảnh: Tư liệu

Đảm bảo 100% sản lượng thủy sản từ khai thác trong nước, hoặc có nguồn gốc từ khai thác của nước ngoài khi cập cảng biển Nghệ An phải được kiểm tra, giám sát theo quy định. Đồng thời, ngăn chặn, chấm dứt tình trạng tàu cá, ngư dân Nghệ An vi phạm khai thác hải sản trái phép ở vùng biển nước ngoài và không để tái diễn ở các năm tiếp theo.

Để đạt được các mục tiêu trên, UBND tỉnh yêu cầu các cơ quan, đơn vị thực hiện các chương trình thông tin truyền thông về tác hại của khai thác IUU đối với sự phát triển bền vững của hoạt động khai thác hải sản. 

Tổ chức có hiệu quả đồng bộ, thống nhất các hội thảo, tập huấn nghiệp vụ, hội nghị thường niên chỉ đạo triển khai thực thi pháp luật thủy sản và quản lý nghề cá. Xây dựng, triển khai một số chính sách về phát triển thủy sản bền vững theo hướng giảm cường lực khai thác, tăng không gian và thời gian cấm, hạn chế khai thác nhằm phục hồi và tái tạo nguồn lợi thủy sản.

Nghệ An: Triển khai quyết liệt các giải pháp về phòng, chống khai thác hải sản bất hợp pháp. - Ảnh 2.

Lực lượng chức năng tổ chức kiểm tra tàu cá hoạt động khai thác thuỷ sản

Các cơ quan, đơn vị ưu tiên bố trí kinh phí để đầu tư, nâng cấp, duy tu, bảo dưỡng cơ sở hạ tầng nghề cá tại các bến cá, cảng cá, khu neo đậu tránh trú bão theo quy hoạch. Triển khai các dự án, nhiệm vụ ưu tiên theo Đề án phát triển hạ tầng và cơ sở dịch vụ hậu cần nghề cá trên địa bàn tỉnh Nghệ An đến năm 2030. 

Tăng cường hoạt động tuần tra, kiểm tra, kiểm soát chung giữa các lực lượng thực thi pháp luật trên biển. Thường xuyên đào tạo, tập huấn chuyên môn nghiệp vụ cho các lực lượng thực thi pháp luật trên biển về tuần tra, kiểm tra, xử lý vi phạm, chống khai thác IUU. 

Về quản lý đội tàu và cường lực khai thác, UBND tỉnh yêu cầu phải quản lý chặt chẽ hạn ngạch giấy phép khai thác thủy sản. Tập trung nguồn lực hoàn thành 100% việc lắp đặt thiết bị giám sát hành trình cho tất cả các tàu cá còn lại.

Nghệ An: Triển khai quyết liệt các giải pháp về phòng, chống khai thác hải sản bất hợp pháp. - Ảnh 3.

Lực lượng BĐBP Nghệ An kéo các tàu cá vi phạm vào bờ. Ảnh: Hải Thượng

Tăng cường kiểm tra, kiểm soát điều kiện hoạt động của toàn bộ tàu cá khi rời cảng và cập cảng, đặc biệt các tàu có nguy cơ cao vi phạm khai thác IUU. Kiên quyết ngăn chặn, xử lý tàu cá không đủ điều kiện theo quy định tham gia khai thác hải sản. Phối hợp với các tỉnh có liên quan để quản lý tàu cá hoạt động thường xuyên trên địa bàn ngoài tỉnh. Khai thác, sử dụng và vận hành có hiệu quả hệ thống giám sát tàu cá hiện có. Kiên quyết xử lý các hành vi vi phạm về sử dụng thiết bị VMS. 

Tăng cường tuần tra, kiểm tra, kiểm soát trên các vùng biển; tăng cường phối hợp với các lực lượng của các tỉnh có vùng biển giáp ranh thực hiện tuần tra chung nhằm tăng sự thống nhất trong kiểm tra, xử phạt. Thiết lập cơ chế trao đổi thông tin giữa tàu và bờ, thường xuyên phát các bản tin cảnh báo thông qua hệ thống đài thông tin duyên hải để tiếp nhận, xử lý kịp thời thông tin.

Nghệ An: Triển khai quyết liệt các giải pháp về phòng, chống khai thác hải sản bất hợp pháp. - Ảnh 4.

Ngư dân Hoàng Mai vận chuyển cá đốm trên tàu xuống bến tiêu thụ. Ảnh: Thanh Yên

Các cơ quan, đơn vị lập danh sách, khoanh vùng đối tượng, nắm chắc địa bàn để theo dõi, quản lý chặt chẽ. Công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng để tuyên truyền, răn đe, giáo dục. Tăng cường công tác phối hợp, trao đổi thông tin với các lực lượng chức năng của 28 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương ven biển đảm bảo thực hiện triệt để, đồng bộ, thống nhất trong công tác điều tra, xử lý các hành vi khai thác IUU theo quy định của pháp luật. 

Phát huy ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong truy xuất nguồn gốc, đảm bảo số hóa quy trình nghiệp vụ theo dõi, giám sát sản phẩm hải sản từ khai thác theo toàn bộ chuỗi giá trị phù hợp với yêu cầu của thị trường tiêu thụ trong nước và quốc tế. Minh bạch hóa toàn bộ quá trình luân chuyển của sản phẩm hải sản từ khai thác đảm bảo được xác nhận, chứng nhận không vi phạm khai thác IUU và truy xuất được nguồn gốc để chống gian lận thương mại.

Thái Quảng
Ý kiến của bạn
Năm 2025, lãi suất cho vay nhà ở xã hội giảm xuống 4,7%/năm Năm 2025, lãi suất cho vay nhà ở xã hội giảm xuống 4,7%/năm

Lãi suất cho vay nhà ở xã hội của năm 2025 giảm xuống còn 4,7%/ năm. Đây là nội dung trong Quyết định số 2690/QĐ-NHNN về mức lãi suất áp dụng trong năm 2025, đối với các khoản cho vay hỗ trợ nhà ở của các ngân hàng thương mại, do Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam vừa ban hành.