Nghệ An: Sản xuất dăm gỗ dưới chiêu bài chạy thử máy.

Địa phương
08:46 AM 25/10/2020

Nhà máy chế biến gỗ do Công ty TNHH Phát triển Đông Hồi làm chủ đầu tư tại Khu công nghiệp Đông Hồi hiện nay đang hoạt động có dấu hiệu sản xuất hàng hóa quy mô lớn khi chưa được cơ quan có thẩm quyền nghiệm thu, có dấu hiệu trái giấy chứng nhận đầu tư cùng dấu hiệu trốn thuế.

Xe chở gỗ keo đến nhà máy mỗi ngày hàng trăm tấn dùng "chạy thử liên động để nghiệm thu bàn giao A-B"

Chạy thử máy băm dăm gỗ cần thời gian bao lâu ?

Từ đầu tháng 03/2020, đã có dư luận phản ánh về việc Công ty TNHH Phát triển Đông Hồi sẩn xuất gỗ dăm quy mô lớn. Ban Quản lý Khu kinh tế Đông Nam Nghệ An đã kiểm tra và cho rằng doanh nghiệp này "đang trong quá trình chạy thử liên động để nghiệm thu bàn giao A-B". Tuy nhiên, đến nay đã gần 8 tháng trôi qua, doanh nghiệp này vẫn cật lực chạy thử và chưa biết đến bao giờ quá trình chạy thử mới kết thúc.

Trước đây, chúng tôi đã có bài trên Báo Kinh doanh và Pháp luật số ra ngày 19/03/2020 với nhan đề: "Nghệ An – Chế biến gỗ dăm "chui" hàng trăm tấn mỗi ngày" phản ảnh hiện tượng bất thường ở Nhà máy chế biến gỗ - Công ty TNHH Phát triển Đông Hồi. Từ bài viết đó, Cơ quan Cảnh sát kinh tế Công an Nghệ An đã vào cuộc. Kết quả, Cơ quan Cảnh sát Kinh tế đã làm rõ: Nhà máy nói trên đã thực sự đi vào sản xuất quy mô lớn với sản lượng hàng trăm tấn dăm gỗ mỗi ngày dù việc đầu tư chưa hoàn thành. Cho đến thời điểm này, qua quan sát thực tế, doanh nghiệp vẫn đang còn "chạy thử liên động" với lượng nguyên liệu nhập vào và lượng hàng hóa xuất ra với những xe tải trọng lớn.

Nghệ An:  SẢN XUẤT DĂM GỖ DƯỚI CHIÊU BÀI CHẠY THỬ MÁY  - Ảnh 1.

Xe ô tô tải đang cân để chuyển dăm sang cảng PTSC Nghi Sơn - Thanh Hóa ( ảnh cắt từ Clip)

Công ty TNHH Phát triển Đông Hồi thuê đất thực hiện "Dự án đầu tư xây dựng xưởng chế biến gỗ dân dụng và xuất khẩu" tại Khu công nghiệp Đông Hồi, thuộc Khu kinh tế Đông Nam Nghệ An, tại xã Quỳnh Lập, thị xã Hoàng Mai. Giấy chứng nhận đầu tư ghi nhận mục tiêu dự án là sản xuất gỗ ván dân dụng và xuất khẩu, sản xuất viên nén Wood Pellets xuất khẩu, sản xuất sơ chế gỗ và các sản phẩm từ gỗ với quy mô dự án là sản xuất gỗ ván dân dụng và xuất khẩu 80.000m3/năm, sản xuất viên nén Wood Pellets xuất khẩu 40.000m3/ năm cùng với sơ chế gỗ 40.000 tấn/năm và đăng ký tổng vốn đầu tư dự án là 50 tỷ VNĐ. Hợp đồng thuê đất cũng như giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cấp cho doanh nghiệp này cũng đều ghi rõ mục tiêu, mục đích của dự án và cũng yêu cầu doanh nghiệp này phải sử dụng đất 19.997.5m2 đúng mục đích là đến quý II/2016 dự án đi vào hoạt động.

Ngày 16/4/2020, Tại Nhà máy chế biến gỗ Đông Hồi, cơ quan Cảnh sát Kinh tế tiếp tục làm rõ được việc "chạy thử máy liên động" của doanh nghiệp này với quy mô hàng trăm tấn mỗi ngày và trong thời gian dài. Tương ứng với việc xuất hàng, hoạt động nhập nguyên liệu (gỗ tràm) cũng rất lớn và liên tục. Theo số liệu của cơ quan chức năng đã làm rõ, từ 15/3/2020 đến 16/4/2020 doanh nghiệp này đã chế biến dăm gỗ với khối lượng khoảng 14.000 – 15.000 tấn. Toàn bộ số lượng dăm gỗ chế biến được Công ty ký gửi ở kho bãi của Công ty TNHH Thanh Hòa tại Cảng PTSC Nghi Sơn. Ông Trần Ngọc Thịnh đại diện Công ty xác định chưa xuất hóa đơn bán ra đối với mặt hàng dăm gỗ tại nhà xưởng dăm gỗ trong buổi làm việc với cơ quan Cảnh sát kinh tế tỉnh Nghệ An.

Theo Tiêu chuẩn Việt Nam TCVN 5639:1991 về chạy thử máy móc, thiết bị, dây chuyền, việc nghiệm thu không quá 72h (3 ngày) liên tục. Các mức mang tải và thời gian chạy thử thường quy định trong tài liệu hướng dẫn vận hành thiết bị. Nếu trong tài liệu hướng dẫn không quy định, sau khi thiết bị mang tải 72 giờ liên tục không ngừng máy, bảo đảm các thông số kỹ thuật về thiết bị và thông số kỹ thuật sản xuất thì kết thúc chạy thử có tải.

Không một lý lẽ, cơ sở pháp lý nào có thể giải thích được tại sao chạy thử vài máy băm dăm gỗ với sản lượng hàng trăm tấn mỗi ngày và diễn ra liên tục từ tháng 3/2020 đến nay đã gần hết tháng 10/2020 mà vẫn chưa kết thúc trong khi các hạng mục khác của dự án vẫn chưa hoàn thành?

Báo cáo có chính xác ?

Sau khi sự việc được phản ánh, ngày 30/3/2020, Ủy ban nhân dân tỉnh Nghệ An đã có công văn hỏa tốc số 1888/UBND-CN gửi Ban Quản lý Khu kinh tế Đông Nam Nghệ An yêu cầu kiểm tra xem xét các nội dung báo đã nêu. Ngày 07/04/2020, Ban Quản lý Khu kinh tế Đông Nam Nghệ An (Ban QLKKT Đông Nam) đã có văn bản báo cáo gửi Ủy ban nhân dân tỉnh Nghệ An cũng như các cơ quan, ban ngành liên quan với nhận định không có việc Nhà máy chế biến gỗ sản xuất hàng trăm tấn mỗi ngày mà nhà máy chỉ đang chạy thử liên động để bàn giao A – B.

Điều đáng nói, Ban QLKKT Đông Nam đã sử dụng thông tin cũ để báo cáo Lãnh đạo Ủy ban tỉnh, sử dụng thông tin kết quả kiểm tra trước khi cơ quan truyền thông, báo chí phản ánh sự việc. Như vậy các thông tin đó có theo kịp thực tế hoạt động của doanh nghiệp hay không ?

Nghệ An:  SẢN XUẤT DĂM GỖ DƯỚI CHIÊU BÀI CHẠY THỬ MÁY  - Ảnh 2.

03 máy băm dăm đang " Chạy thử liên động" nhiều tháng nay với nhiều công nhân không mang thiết bị bảo hộ lao động

Khi làm việc với Cơ quan Cảnh sát Kinh tế (giữa tháng 04/2020), đại diện doanh nghiệp cho biết theo hồ sơ thiết kế, xưởng chế biến gỗ lắp đặt 4 máy băm dăm gỗ nhưng trên thực tế doanh nghiệp mới lắp đặt và chạy thử 3 máy băm dăm gỗ, 01 máy chưa lắp đặt. Tuy nhiên, trong báo cáo gửi Ủy ban nhân dân tỉnh Nghệ An, số 383/KKT-KHĐT ngày 07/4/2020, Ban QLKKT Đông Nam báo cáo doanh nghiệp "đã lắp đặt xong 4 máy băm gỗ (băm dăm gỗ) và đang trong quá trình chạy thử liên động để nghiệm thu bàn giao A-B " (trích nguyên văn). Vậy thông tin của doanh nghiệp hay của Ban QLKKT Đông Nam là đúng ??? mặc dù với 03 chiếc máy băm dăm gỗ rất lớn lắp đặt trong nhà xưởng nhưng Ban QLKKT Đông Nam còn không nắm được, thử hỏi những vấn đề khác liệu Ban QLKKT Đông Nam có khả năng nắm được không?

Dự án có sạn hay không?

Khi lập dự án nguồn nguyên liệu được lấy từ Doanh nghiệp trồng rừng Lê Duy Nguyên trên địa bàn. Tuy nhiên, thực tế hiện nay cho thấy Công ty TNHH Phát triển Đông Hồi nhập nguyên liệu từ nhiều nguồn khác nhau để đưa vào nhà xưởng. Mặc dù doanh nghiệp này có ý kiến rằng họ đang chạy thử máy và có đơn vị khác cung cấp gỗ cho họ.

Về thực hiện dự án, Báo cáo của Ban QLKKT Đông Nam cũng cho biết tại thời điểm kiểm tra (tháng 3 năm 2020) doanh nghiệp vẫn còn trong thời hạn đầu tư xây dựng nhà xưởng. Theo Quyết định số 09/QĐ-KKT ngày 03/01/2019 của Ban QLKKT Đông Nam về việc giãn tiến độ đầu tư dự án cho doanh nghiệp, thời hạn doanh nghiệp phải hoàn thành dự án đưa vào hoạt động là ngày 13/06/2019.

Tại thời điểm lập biên bản kiểm tra (ngày 05/3/2020), doanh nghiệp vẫn chưa hoàn thành việc xây dựng. Theo giấy phép xây dựng số 09/GPXD-KKT do Ban QLKKT Đông Nam Nghệ An, tỉnh Nghệ An cấp ngày 04/05/2019 với hiệu lực 12 tháng, nhưng đến thời điểm này đã trung tuần tháng 10/2020, hiện trạng nhà xưởng doanh nghiệp vẫn không có gì thay đổi. Kể từ khi đưa vào lắp đặt các máy băm dăm gỗ tới nay, doanh nghiệp vẫn liên tục "chạy thử liên động" các máy băm dăm gỗ, vẫn cân nguyên liệu nhập vào và cân sản phẩm đầu ra vận chuyển sang cảng Nghi Sơn – Thanh Hóa.

Nghệ An:  SẢN XUẤT DĂM GỖ DƯỚI CHIÊU BÀI CHẠY THỬ MÁY  - Ảnh 3.

Nhà xưởng của Nhà máy chế biến gỗ Đông Hồi thực tế hiện nay

Sau khi được cấp chứng nhận đầu tư, doanh nghiệp này đã triển khai làm nhà xưởng hết sức đơn giản, lắp đặt máy móc công nghệ, kỹ thuật phù hợp với việc sản xuất băm dăm gỗ mà chưa thấy lắp đặt máy móc thiết bị khác phù hợp với việc sản xuất hàng hóa theo giấy chứng nhận đầu tư mặc dù có thêm quyết định giãn tiến độ thực hiện dự án.

Với một doanh nghiệp chế biến gỗ, việc phòng cháy chữa cháy là hết sức quan trọng. Đến thời điểm hiện tại, Nhà máy chế biến gỗ Đông Hồi chưa lắp đặt đầy đủ và đúng hệ thống phòng cháy đã được thẩm duyệt theo giấy chứng nhận thẩm duyệt số 116/TD –PCCC (2018) do Cảnh sát PCCC tỉnh Nghệ An cấp ngày 13/07/2018 nhưng nhiều tháng qua, doanh nghiệp vẫn liên tục "chạy thử liên động" với lượng nguyên liệu và sản phẩm đầu ra hàng trăm tấn gỗ dăm mỗi ngày. Việc chạy thử với lượng nguyên liệu lớn trong thời gian dài như vậy liệu có đảm bảo việc phòng cháy, chữa cháy ???

Nghệ An:  SẢN XUẤT DĂM GỖ DƯỚI CHIÊU BÀI CHẠY THỬ MÁY  - Ảnh 4.

Sản phẩm dăm " Chạy thử liên động" được xúc lên xe 36C 206.00 để vận chuyển sang cảng Thanh Hóa

Khi làm việc với các cơ quan chức năng, ông Nguyễn Văn Nho - Chủ tịch UBND xã Quỳnh Lập cũng cho biết trong quá trình thực hiện dự án, Công ty Đông Hồi không tiến hành tham vấn ý kiến Ủy ban nhân dân xã Quỳnh Lập cũng như đại diện cộng đồng dân cư.

Trong khi đó, theo quy định tại điểm Điểm b Khoản 4 Điều 1 Nghị định 40/2019/NĐ-CP thì trong quá trình thực hiện đánh giá tác động môi trường, chủ dự án phải tiến hành tham vấn Ủy ban nhân dân cấp xã nơi thực hiện dự án, các tổ chức và cộng đồng chịu tác động trực tiếp bởi các vấn đề môi trường của dự án (nước thải, khí thải, bụi, chất thải rắn, chất thải nguy hại, sụt lún, sạt lở, bồi lắng, tiếng ồn, đa dạng sinh học); nghiên cứu, tiếp thu, giải trình những ý kiến của các đối tượng liên quan được tham vấn để hạn chế thấp nhất tác động bất lợi của dự án đến chất lượng môi trường sống, đa dạng sinh học.

Các chủ thể kinh doanh đều bình đẳng với nhau về quyền và nghĩa vụ trước pháp luật. Do đó, một doanh nghiệp cùng nghành nghề lợi dụng chính sách thu hút vốn đầu tư để được hưởng các ưu đãi là không công bằng, ảnh hưởng tới các doanh nghiệp cùng ngành nghề khác. Thiết nghĩ, cần sự vào cuộc của các cơ quan chức năng để làm rõ những bất thường dự án ở doanh nghiệp này, đặc biệt là Ban quản lý Khu kinh tế Đông Nam Nghệ An với chức năng quản lý nhà nước trong Khu kinh tế Đông Nam Nghệ An, từ khâu thẩm định, cấp phép, kiểm định, nghiệm thu đi vào hoạt động.

Thái Quảng và nhóm PV
Ý kiến của bạn
Việt Nam thuộc nhóm 15 nước đang phát triển thu hút FDI lớn nhất thế giới Việt Nam thuộc nhóm 15 nước đang phát triển thu hút FDI lớn nhất thế giới

Theo số liệu từ Bộ Kế hoạch và Đầu tư, thu hút vốn FDI cả năm 2024 đạt gần 38,23 tỷ USD, con số này đưa Việt Nam thuộc nhóm 15 nước đang phát triển thu hút FDI lớn nhất thế giới; đặc biệt vốn FDI thực hiện khoảng 25,35 tỷ USD, tăng 9,4%, cao nhất từ trước đến nay. Giá trị thương hiệu quốc gia năm 2024 đạt 507 tỷ USD, xếp thứ 32 thế giới, tăng 1 bậc so với năm 2023.