Nghệ An sẽ mạnh tay với doanh nghiệp khoáng sản 'lách luật' để trốn thuế
Chiều 8/12, tại Kỳ họp thứ 4, HĐND tỉnh khóa XVIII, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Nghệ An Hoàng Quốc Việt đã đăng đàn trả lời chất vấn về công tác quản lý Nhà nước trong lĩnh vực khoáng sản trên địa bàn tỉnh.
- Phản hồi kiến nghị Công ty TNHH Toàn Thắng về hoạt động khoáng sản
- Nghệ An: Phản hồi của Sở TNMT “Quản lý khoáng sản có thất thoát?”
- Nghệ An: Quản lý khoáng sản có thất thoát?
- Nghệ An: Cần làm rõ dấu hiệu doanh nghiệp sai phạm hoạt động khai thác khoáng sản?
- Nghệ An: Công ty TNHH Phát triển Đông Hồi có dấu hiệu trốn thuế và hoạt động sai giấy phép?
Chống thất thu thuế khai thác khoáng sản
Tại phiên chất vấn, nhiều đại biểu đã nêu lên vấn đề chống thất thu thuế trong hoạt động khai thác khoáng sản. Bà Nguyễn Thị Thúy An, đại biểu huyện Anh Sơn đề nghị Giám đốc Sở TN&MT cho biết trách nhiệm chính để chống thất thu thuế trong hoạt động khai thác khoáng sản thuộc ngành nào, cấp nào? Cần tập trung giải pháp nào đủ mạnh để tránh lãng phí nguồn ngân sách Nhà nước?
Trả lời đại biểu Thúy An, ông Hoàng Quốc Việt cho biết: Thường trực Tỉnh ủy, lãnh đạo UBND tỉnh chỉ đạo rất quyết liệt để thực hiện chống thất thu ngân sách trong vấn đề khai thác khoáng sản. UBND tỉnh đã có phân công, phân nhiệm rõ ràng cho các ngành liên quan như ngành Thuế, Quản lý thị trường, Cục Hải quan…
Theo đó, việc chống thất thu thuế được thực hiện thông qua các giải pháp như kiểm soát sản lượng tính thuế bằng các biện pháp thông thường như kiểm tra chứng từ, trạm cân, sổ sách doanh nghiệp kê khai nộp thuế, kiểm soát đầu vào các nhà máy khi sử dụng sản phẩm.
Bên cạnh đó, thực hiện thanh tra, kiểm tra, lập chốt để ngăn chặn trốn thuế, đặc biệt địa bàn có nhiều khoáng sản như Quỳ Hợp luôn có 2 chốt đoàn liên ngành; đồng thời kiểm soát nguyên liệu đầu vào các dự án, các hóa đơn, chứng từ hoạt động mua bán, sử dụng cát, sỏi, đá xây dựng.
Ông Hoàng Quốc Việt cũng cho biết: UBND tỉnh đã có Công văn số 8725 ngày 11/11/2021, trong đó giao Cục Thuế Nghệ An chủ trì phối hợp với một số sở, ngành để có giải pháp chống thất thu thuế đối với lĩnh vực khai thác khoáng sản.
Hiện nay, UBND tỉnh đã thành lập Đoàn liên ngành kiểm tra việc chấp hành pháp luật trong hoạt động khoáng sản đối với 12 doanh nghiệp có quy mô lớn và nhiều nhận định liên quan các hoạt động khoáng sản, đặc biệt liên quan đến khai thác sai thiết kế, thất thu thuế. Đoàn đã tiến hành kiểm tra doanh nghiệp đầu tiên tại Quỳ Hợp và truy thuế hơn 1,2 tỷ đồng; tiến tới trình UBND tỉnh xử phạt 345 triệu đồng.
Liên quan đến vấn đề này, ông Trịnh Thanh Hải - Cục trưởng Cục Thuế Nghệ An cho biết, hiện nay ngành Thuế đang quản lý 294 tổ chức, doanh nghiệp có khai thác khoáng sản, nộp thuế tài nguyên và phí bảo vệ môi trường. Năm 2020, các doanh nghiệp này đã nộp 869 tỷ đồng và trong 11 tháng năm 2021 đã nộp 1.125 tỷ đồng, bằng gần 8% tổng thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn tỉnh. Thu ngân sách từ hoạt động khai thác khoáng sản tăng trưởng qua các năm và đang đóng góp rất quan trọng vào thu ngân sách Nhà nước.
Tuy nhiên, hoạt động khai thác khoáng sản luôn là lĩnh vực nhạy cảm, nhiều rủi ro. Vì vậy, thời gian qua, ngành Thuế tham mưu nhiều biện pháp để chống thất thu thuế như: Xây dựng định mức tiêu hao vật liệu nổ trong khai thác đá, định mức tiêu hao năng lượng trong chế biến đá, xác minh hàng hóa qua cảng, thành lập các đoàn liên ngành ở địa bàn huyện Quỳ Hợp. Các giải pháp đó đã góp phần quan trọng trong việc chống thất thu ngân sách; theo đó năm 2020 đã triển khai truy thu xử phạt hơn 25 tỷ, 11 tháng của năm 2021 đã truy thu xử phạt 15,6 tỷ đồng.
Tuy nhiên, theo Cục trưởng Cục Thuế Nghệ An, công tác quản lý tài nguyên nói chung, quản lý thu ngân sách nói riêng đối với hoạt động khoáng sản còn rất nhiều bất cập, hiện tượng lãng phí, thất thoát tài nguyên, thất thu thuế vẫn còn diễn ra.
Để minh chứng cho nhận định trên, ông Trịnh Thanh Hải chỉ ra hai hiện tượng. Trước hết là hiện tượng khai thác trái phép, hoặc khai thác vượt công suất thiết kế diễn ra ở các hoạt động khai thác đất, đá, cát, sỏi, kể cả quặng thiếc ở Quỳ Hợp. Nguyên nhân là do nhu cầu thực tế về tài nguyên, khoáng sản lớn hơn trữ lượng, công suất được cấp phép khai thác hàng năm.
Ông Trịnh Thanh Hải cũng chỉ ra hiện tượng khai thác nhiều nhưng nhưng kê khai thuế và sản lượng thực tế khai thác rất ít. Ngành Thuế đã rà soát và phát hiện ra hiện tượng này nhưng ngành không đủ thẩm quyền, không có nghiệp vụ để xác định sản lượng thực tế khai thác chính xác.
Cũng liên quan đến vấn đề này, qua công tác kiểm tra, ông Chu Thế Huyền - Chánh Thanh tra tỉnh, đại biểu huyện Diễn Châu bày tỏ phân vân giữa trữ lượng khai thác khoáng sản trong quyết định cấp phép và thực tế khai thác của doanh nghiệp có sự vênh nhau. Qua đó, ông đề nghị Giám đốc Sở TN&MT cho biết giải pháp để giải quyết dứt điểm tình trạng này?
Trả lời nội dung này, Giám đốc Sở TN&MT Nghệ An cho biết đã nắm được tình trạng này ở doanh nghiệp khai thác mỏ thiếc tại Quỳ Hợp và đã cho kiểm tra; qua đó yêu cầu kê khai bổ sung để tránh thất thoát ngân sách Nhà nước. Nguyên nhân theo ông Hoàng Quốc Việt cho biết là trước đây thăm dò, đánh giá trữ lượng ở mức được cấp phép nhưng trong quá trình khai thác phát hiện thêm sản lượng.
Người đứng đầu ngành TN&MT tỉnh cũng khẳng định: UBND tỉnh đang chỉ đạo để rà soát lại các trường hợp này nhằm xử lý và yêu cầu doanh nghiệp phải thực hiện kê khai lại theo trữ lượng thực tế khi phát hiện thêm sản lượng.
Nêu cao trách nhiệm người đứng đầu
Để giải quyết các bất cập đang đặt ra trong hoạt động khai thác khoáng sản trên địa bàn tỉnh, Giám đốc Sở TN&MT Hoàng Quốc Việt đã nêu ra các giải pháp cụ thể.
Theo đó, khi trả lời ông Nguyễn Hồng Sơn, đại biểu huyện Kỳ Sơn về công tác cải cách hành chính, ông Hoàng Quốc Việt cho biết đã chỉ đạo các phòng, ban rà soát lại các thủ tục hành chính để cắt giảm tối đa nhằm tạo thuận lợi nhất cho người dân và doanh nghiệp. Theo đó, đối với lĩnh vực khoáng sản đã cắt giảm 323 ngày. Đây là đợt cắt giảm nhiều nhất trong lịch sử ngành. Việc giải quyết các hồ sơ đều hoàn thành trước thời gian cho phép. Về công vụ, Giám đốc thường xuyên đôn đốc, rà soát, làm gương, ngày nào xử lý dứt điểm ngày đó để đảm bảo thủ tục nhanh nhất.
Cùng với đó, khi trả lời đại biểu Quế Thị Trâm Ngọc (huyện Quỳ Châu) về giải pháp để nâng cao chất lượng, hiệu quả thực hiện quy chế phối hợp giữa các sở, ban, ngành cũng như UBND các cấp trong công tác quản lý tài nguyên khoáng sản, Giám đốc Sở TN&MT Nghệ An khẳng định, các văn bản tỉnh ban hành rất đầy đủ để thực hiện các luật, nghị định của Chính phủ về quản lý khai thác khoáng sản, đặc biệt là xử lý khai thác trái phép. Các địa phương cũng ký quy chế phối hợp giữa các địa phương trong khai thác khoáng sản.
Song theo ông Hoàng Quốc Việt, dù văn bản đã rõ ràng nhưng tình hình khai thác khoáng sản trái phép vẫn diễn ra do một số địa phương thực hiện chưa nghiêm, chưa quyết liệt.
Trong thời gian tới, Sở TN&MT đang tham mưu cho UBND tỉnh để trình Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành Chỉ thị tăng cường công tác quản lý Nhà nước về khoáng sản trên địa bàn, trong đó sẽ yêu cầu bổ sung thêm vấn đề trách nhiệm, đặc biệt là trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy, để đưa hệ thống chính trị vào cuộc, đưa công tác quản lý khoáng sản tốt hơn, đặc biệt bảo vệ khoáng sản chưa khai thác.
Mặt khác, Sở đang đẩy nhanh cấp thủ tục cấp phép các mỏ đất, cát để phục vụ các dự án nhằm hạn chế khai thác trái phép trên địa bàn; đồng thời tiếp tục phối hợp với các sở, ngành, địa phương để tham mưu cho UBND tỉnh xử lý nghiêm hoạt động khai thác khoáng sản trái phép.
Liên quan đến vấn đề này, trả lời đại biểu Hồ Sỹ Nguyệt (huyện Quỳnh Lưu) đề nghị cho biết: Công an tỉnh đã có giải pháp gì giao trách nhiệm cho công an chính quy xã trong việc ngăn chặn từ đầu hoạt động khai thác khoáng sản trái phép? Thiếu tướng Phạm Thế Tùng - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Giám đốc Công an tỉnh cho biết đã triển khai 2.000 cán bộ công an chính quy về 428 xã trên địa bàn tỉnh. Lực lượng công an xã cũng đã kiểm tra, bắt giữ, xử lý 238 vụ với 254 đối tượng.
Giám đốc Công an tỉnh cũng cho biết đã giao lực lượng công an thống kê số lượng điểm mỏ, bến bãi tập kết vật liệu khoáng sản trái phép, qua đó giao trách nhiệm cho các trưởng công an xã, thị trấn có hoạt động khai thác trái phép tham mưu cho cấp ủy chính quyền giải quyết vụ việc; đồng thời nếu xảy ra các vụ việc vi phạm mà các cơ quan chức năng khác kiểm tra phát hiện, bắt giữ thì xử lý trách nhiệm với trưởng công an xã để xảy ra tình trạng khai thác trái phép.
HĐND tỉnh sẽ giám sát về hoạt động khai thác khoáng sản
Kết luận nội dung này, ông Nguyễn Nam Đình - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh đánh giá phiên chất vấn diễn ra sôi nổi, cơ bản bám sát nội dung, có trọng tâm, trọng điểm với tinh thần thẳng thắn, khách quan, xây dựng và trách nhiệm cao đối với cử tri.
Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Nghệ An cũng nhấn mạnh 5 nội dung cần tập trung thực hiện tốt công tác quản lý Nhà nước trong hoạt động khoáng sản thời gian tới, đặc biệt cần đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát, xử lý nghiêm các vi phạm trong hoạt động khai thác khoáng sản.
Ông Nguyễn Nam Đình cũng cho biết, HĐND tỉnh sẽ tổ chức Đoàn giám sát chuyên đề về hoạt động khai thác khoáng sản trên địa bàn tỉnh, theo kế hoạch sẽ diễn ra vào 6 tháng cuối năm 2022.
Quảng BìnhTừ 11/11/2024, người dân có thể sử dụng tài khoản VNeID để đăng nhập trên ứng dụng iHanoi. Việc tích hợp VNeID lên iHanoi có thể coi là 1 bước tiến lớn khi mang lại nhiều lợi ích hơn tới người dân Thủ đô.