Nghệ An: Tăng cường phát triển thương mại điện tử
Ngày 9/9/2024, UBND tỉnh Nghệ An vừa ban hành Văn bản số 7696/UBND-KT về việc yêu cầu Sở Công Thương và UBND các huyện, thành phố, thị xã tăng cường thực hiện nhiệm vụ phát triển thương mại điện tử trên toàn tỉnh.
Theo đó, Sở Công Thương được giao nhiệm vụ chủ trì, phối hợp với các sở, ngành và cơ quan liên quan để thực hiện Kế hoạch số 400/KH-UBND ngày 21/7/2021 của UBND tỉnh và Công điện số 56/CĐ-TTg ngày 06/6/2024 của Thủ tướng Chính phủ; có trách nhiệm định kỳ báo cáo kết quả lên UBND tỉnh trước ngày 25/12 hàng năm, và đột xuất khi có yêu cầu.
Ngoài ra, UBND các huyện, thành phố và thị xã cần tăng cường công tác tuyên truyền, đào tạo và tập huấn nhằm nâng cao kiến thức và kỹ năng ứng dụng thương mại điện tử cho cán bộ, công chức, viên chức và các doanh nghiệp, hộ sản xuất kinh doanh cũng như người dân. Hoạt động này giúp các bên liên quan hiểu rõ hơn về vai trò của thương mại điện tử trong công tác quản lý nhà nước cũng như quảng bá, tiêu thụ sản phẩm.
UBND tỉnh cũng chỉ đạo các địa phương tiếp tục hỗ trợ các doanh nghiệp tham gia vào các sàn giao dịch thương mại điện tử uy tín trong và ngoài nước. Đồng thời, đẩy mạnh việc cập nhật thông tin, quảng bá thương hiệu và sản phẩm của địa phương trên các sàn thương mại điện tử. Các huyện, thành phố, thị xã cần phối hợp chặt chẽ với Sở Công Thương và các ngành chức năng để triển khai các biện pháp phát triển thương mại điện tử. Tăng cường quản lý nhà nước trong việc đảm bảo an toàn, an ninh mạng, phòng chống gian lận thương mại, hàng giả và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
Các địa phương cũng được khuyến khích tham gia tích cực vào các chương trình, đề án do Bộ Công Thương, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số, Hiệp hội Thương mại điện tử và các cơ quan khác triển khai. Qua đó, nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, làng nghề và hộ kinh doanh địa phương trong việc áp dụng thương mại điện tử và kinh tế số để phát triển hoạt động sản xuất và kinh doanh.
Với sự chỉ đạo quyết liệt từ UBND tỉnh và sự phối hợp chặt chẽ giữa các sở, ngành và địa phương, thương mại điện tử sẽ trở thành công cụ hiệu quả để kết nối tiêu thụ sản phẩm, dịch vụ của tỉnh đến với thị trường trong nước và quốc tế, góp phần nâng cao đời sống kinh tế - xã hội cho người dân, phát triển kinh tế địa phương.
Việc đẩy mạnh phát triển thương mại điện tử không chỉ giúp nâng cao năng lực cạnh tranh cho các doanh nghiệp địa phương mà còn góp phần thúc đẩy kinh tế số, tạo động lực phát triển bền vững.
Theo số liệu từ Ngân hàng Nhà nước (NHNN), tổng lượng tiền gửi của cả dân cư và doanh nghiệp, tổ chức kinh tế tại thời điểm tháng 8 vào ngân hàng thương mại đạt mức kỷ lục từ trước đến nay với hơn 13.763.230 tỷ đồng.