Nghệ An: Tập trung phát triển một số ngành công nghiệp văn hóa quan trọng

Địa phương
10:46 AM 24/12/2023

Dựa vào tình hình cụ thể cũng như tiềm năng văn hóa địa phương, Nghệ An đã xác định tập trung phát triển một số ngành công nghiệp văn hóa quan trọng như du lịch văn hoá, nghệ thuật biểu diễn, mỹ thuật nhiếp ảnh, quảng cáo, điện ảnh, thủ công mỹ nghệ, phát thanh và truyền hình…

Sáng 22/12, Chính phủ tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc "Phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam". Đồng chí Phạm Minh Chính - Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo hội nghị.

Tại điểm cầu Nghệ An, đồng chí Nguyễn Đức Trung – Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì. Tham dự hội nghị có lãnh đạo các Sở, ngành liên quan.

Nghệ An: Tập trung phát triển một số ngành công nghiệp văn hóa quan trọng- Ảnh 1.

Quang cảnh điểm cầu Nghệ An

Nhận thức về vai trò, tầm quan trọng của công nghiệp văn hóa đã từng bước được nâng cao

Giai đoạn 2018-2022, các Bộ, ngành, địa phương đã kịp thời chỉ đạo và phê duyệt các kế hoạch, đề án, quy hoạch liên quan đến phát triển 12 ngành công nghiệp văn hóa; bước đầu đã tạo cơ sở pháp lý, điều kiện cho đầu tư, phát triển một số ngành nghề, lĩnh vực có tiềm năng, lợi thế. Nhận thức của toàn xã hội về vai trò, tầm quan trọng của công nghiệp văn hóa đã từng bước được nâng cao.

Công nghiệp văn hóa đang trở thành xu hướng và được xác định là phần quan trọng, bền vững, đóng góp vào sự tăng trưởng của đất nước và quảng bá hình ảnh Việt Nam với thế giới. Qua số liệu ước tính, giá trị tăng thêm (giá hiện hành) của các ngành công nghiệp văn hóa đóng góp vào nền kinh tế năm 2018 ước đạt 5,82%; năm 2019 ước đạt 6,02%; năm 2020 và 2021 do ảnh hưởng của đại dịch nên chỉ còn khoảng 4,32% và 3,92%; đến năm 2022 các ngành đã bắt đầu phục hồi và giá trị đóng góp có sự tăng trưởng ước đạt 4,04%. Giá trị sản xuất của các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam giai đoạn 2018-2022 đóng góp ước bình quân đạt 1,059 triệu tỷ đồng (tương đương khoảng 44 tỷ USD).

Bình quân 5 năm tốc độ tăng trưởng về số lượng các cơ sở kinh tế hoạt động trong các ngành công nghiệp văn hóa ước đạt 7,2%/năm; năm 2022 thống kê có khoảng 70.321 cơ sở đang hoạt động có liên quan đến các ngành công nghiệp văn hoá. Lực lượng lao động thuộc các ngành công nghiệp văn hóa tăng khá nhanh, bình quân 5 năm lao động tăng 7,4%/năm, năm 2022 thu hút khoảng 2,3 triệu lao động, chiếm tỷ trọng 4,42% trong tổng lực lượng lao động của nền kinh tế. Xuất nhập khẩu sản phẩm, dịch vụ của các ngành công nghiệp văn hóa trong giai đoạn 2018-2022 tạo ra giá trị xuất siêu, năm 2018 xuất siêu ước đạt 37 tỷ USD, đến năm 2022 xuất siêu tiếp tục tăng, ước đạt 41,9 tỷ USD.

Tại hội nghị, đại diện các Bộ, ngành tập trung thảo luận vào các nội dung gồm: Bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa góp phần thực hiện Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam; phát triển nghệ thuật truyền thống trong các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam; vai trò của không gian văn hóa sáng tạo trong phát triển công nghiệp văn hóa Việt Nam...

Các đại biểu tập trung đề xuất các giải pháp, cơ chế, chính sách phù hợp, đặc thù nhằm thúc đẩy phát triển công nghiệp văn hóa. Trong đó, từ nay đến 2025, đầu tư mạnh mẽ vào các dự án sáng tạo công tư như một cách nghiên cứu thực tế, từ đó tiếp tục hoàn thiện hạ tầng và chính sách, để có những thay đổi căn bản về thuế và hạn mức chi. Tạo lập quỹ công tư ươm mầm các dự án văn hóa sáng tạo có sự thúc đẩy của công nghệ, nhằm kết nối nguồn lực với khu vực đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp công nghệ. 

Năm 2025, đưa ra được các giải pháp hỗ trợ thuế cụ thể. Năm 2030, hoàn thiện các trung tâm và tổ hợp văn hóa sáng tạo với đầy đủ nhân lực, nguồn lực và kỹ năng chuyên nghiệp có tầm nhìn toàn cầu, chú trọng giáo dục, hợp tác và nghiên cứu. Các khu và tổ hợp này theo mô hình hợp tác công tư hoặc tư nhân, tuy nhiên tất cả đều cần được tiếp cận các nguồn lực công và tư một cách minh bạch.

Bên cạnh đó, các đại biểu đề nghị cần đầu tư xây dựng những thiết chế văn hóa như Nhà hát, Trung tâm nghệ thuật truyền thống hiện đại đáp ứng được tình hình mới. Có cơ chế, chính sách nâng cao đời sống và vị thế xã hội cho văn nghệ sỹ. Có giải pháp khuyến khích đào tạo, phát triển nguồn nhân lực trẻ chất lượng cao cho nghệ thuật truyền thống. Kêu gọi, khuyến khích và có chính sách đãi ngộ cho các tổ chức, cá nhân đầu tư phát triển các doanh nghiệp văn hóa nghệ thuật. Có cơ chế, chính sách để văn hóa, nghệ thuật truyền thống được phổ biến rộng rãi trong đời sống xã hội hôm nay. Đưa các loại hình nghệ thuật truyền thống vào giáo trình giảng dạy tại các cấp phổ thông.

Nghệ An tập trung phát triển một số ngành công nghiệp văn hóa quan trọng

Trong những năm qua, tỉnh Nghệ An luôn quan tâm đến việc triển khai thực hiện Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa thông qua việc ban hành Kế hoạch số 214/KH-UBND ngày 19/4/2017 của UBND tỉnh về triển khai Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030. Dựa vào tình hình cụ thể cũng như tiềm năng văn hóa địa phương, Nghệ An đã xác định tập trung phát triển một số ngành công nghiệp văn hóa quan trọng như du lịch văn hoá, nghệ thuật biểu diễn, mỹ thuật nhiếp ảnh, quảng cáo, điện ảnh, thủ công mỹ nghệ, phát thanh và truyền hình…

Nghệ An: Tập trung phát triển một số ngành công nghiệp văn hóa quan trọng- Ảnh 2.

Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Đức Trung chủ trì tại điểm cầu Nghệ An

Cụ thể, sản phẩm du lịch văn hóa ngày càng đa dạng hơn, chất lượng được đổi mới đáng kể, trong đó du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng, du lịch văn hóa - lịch sử tiếp tục khẳng định vị thế. Các doanh nghiệp lữ hành đã xây dựng các chương trình tham quan du lịch trong đó kết nối các điểm du lịch văn hóa, di sản, lịch sử nổi bật như: Khu Di tích Kim Liên, Đền ông Hoàng Mười, Đền thờ Hoàng đế Quang Trung, Khu di tích lịch sử Truông Bồn, Chùa Đại Tuệ, Vườn quốc gia Pù Mát, khám phá miền Tây Nghệ An... nhằm khai thác và phát huy hiệu quả các tour du lịch di sản.

Tỉnh tập trung bảo tồn và phát huy di sản Dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh và nghệ thuật truyền thống các dân tộc thiểu số của tỉnh Nghệ An; quảng bá các di sản nghệ thuật truyền thống, xây dựng các chương trình nghệ thuật biểu diễn phục vụ các nhiệm vụ của tỉnh, phục vụ nhân dân. Gắn với việc nâng cao chất lượng hoạt động hơn 180 đội nghệ thuật quần chúng, câu lạc bộ bảo tồn di sản nghệ thuật truyền thống ở các địa phương đã góp phần bảo tồn, phát huy di sản nghệ thuật truyền thống tại các địa phương gắn với phát triển du lịch…

Bên cạnh đó, tỉnh cũng đã tổ chức thành công các cuộc triển lãm chuyên đề tuyên truyền phục vụ các ngày lễ, sự kiện lớn của đất nước, của tỉnh; phê duyệt quy hoạch hệ thống tuyên truyền, quảng cáo ngoài trời trên địa bàn tỉnh Nghệ An, giai đoạn 2016 – 2025, tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân trong hoạt động quảng cáo, đồng thời phục vụ công tác tuyên truyền nhiệm vụ chính trị.

Hiện trên địa bàn tỉnh có nhiều hệ thống rạp chiếu phim có thương hiệu được đầu tư đồng bộ, hiện đại gắn liền với các trung tâm mua sắm, vui chơi, giải trí do đó chất lượng phục vụ ngày càng tốt hơn để cạnh tranh thu hút khán giả đến với bộ môn nghệ thuật thứ 7, đáp ứng nhu cầu giải trí ngày càng cao của nhân dân. Hoạt động xuất bản, thiết kế, thời trang, kiến trúc, phần mềm và các trò chơi giải trí… tuy đang có nhiều tiềm năng nhưng chưa có nhiều lợi thế trong việc khai thác, tìm thị trường phát triển.

Đa dạng sản phẩm, chuỗi cung ứng, thị trường nhằm góp phần phát triển công nghiệp văn hóa

Phát biểu kết luận hội nghị, đồng chí Phạm Minh Chính – Thủ tướng Chính phủ đánh giá tuy kết quả về công nghiệp văn hóa chưa tương xứng với tiềm năng sẵn có nhưng đã đạt được một số nội dung nhất định. Đó là, có sự thống nhất chung trong chủ trương, đường lối của Đảng và Nhà nước, góp phần nâng cao nhận thức chung của xã hội về công nghiệp văn hóa. Cơ chế chính sách pháp luật được bổ sung, hoàn thiện. 

Ngành công nghiệp văn hóa có đóng góp tích cực vào sự phát triển chung của đất nước. Sản phẩm công nghiệp văn hóa trên các lĩnh vực ngày càng đa dạng, phong phú, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu của công chúng. Thu hút được các nhà đầu tư vào lĩnh vực công nghiệp văn hóa; lực lượng lao động thuộc các ngành công nghiệp văn hóa ngày càng tăng nhanh. Đào tạo nhân lực cho lĩnh vực văn hóa từng bước được quan tâm, đầu tư...

Thủ tướng Chính phủ đánh giá, công nghiệp văn hóa là lĩnh vực rộng, tiềm năng lớn, đa dạng, là ngành đổi mới sáng tạo, khoa học công nghệ, văn hóa nghệ thuật lành mạnh, phù hợp với xu thế thời đại... Tuy nhiên, cơ chế chính sách còn hạn hẹp, chưa tương xứng với tiềm năng sẵn có, vì vậy, trong thời gian tới, cần tập trung cắt giảm và đơn giản hóa thủ tục hành chính, tiếp tục xây dựng các cơ chế chính sách có tính ưu đãi để thúc đẩy phát triển công nghiệp văn hóa; hỗ trợ doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân hoạt động trong các lĩnh vực liên quan đến công nghiệp văn hóa. 

Hoàn thiện chính sách khuyến khích, hỗ trợ tài năng trong lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật. Cần quyết tâm cao, nỗ lực hơn, chủ động, phối hợp chặt chẽ các ngành công nghiệp văn hóa, khuyến khích sự tìm tòi, tự do, sáng tạo... Mở rộng thị trường cho các ngành công nghiệp văn hóa thông qua hoạt động thúc đẩy tính liên ngành, gắn kết chặt chẽ giữa các ngành công nghiệp văn hóa có liên quan.

Phát triển văn hóa cần bám sát đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước; phát triển văn hóa phải đặt trong phát triển kinh tế - xã hội đảm bảo tính thống nhất, hài hòa, đảm bảo quyền sở hữu trí tuệ. Công nghiệp văn hóa phải được tiếp cận bình đẳng như những loại công nghiệp khác như tiếp cận vốn, đất đai, thuế... Phát triển có trọng tâm, trọng điểm, có tính cạnh tranh cao, đa dạng sản phẩm, đa dạng chuỗi cung ứng, đa dạng thị trường.

Giao nhiệm vụ cụ thể cho các Bộ, ngành liên quan, Thủ tướng Chính phủ đề nghị các Bộ, ngành, địa phương căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ được giao quản lý khẩn trương đề xuất các cấp có thẩm quyền ban hành cơ chế, chính sách hỗ trợ một số lĩnh vực công nghiệp văn hóa theo hướng đầu tư tập trung phát triển có trọng tâm, trọng điểm...

Thái Quảng
Ý kiến của bạn
Kết hợp VNeID với iHanoi: Bước tiến đột phá trong triển khai Đề án 06 Kết hợp VNeID với iHanoi: Bước tiến đột phá trong triển khai Đề án 06

Từ 11/11/2024, người dân có thể sử dụng tài khoản VNeID để đăng nhập trên ứng dụng iHanoi. Việc tích hợp VNeID lên iHanoi có thể coi là 1 bước tiến lớn khi mang lại nhiều lợi ích hơn tới người dân Thủ đô.