Nghệ An: Tập trung ưu tiên phát triển 6 lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ

Địa phương
09:41 AM 26/12/2022

UBND tỉnh Nghệ An vừa ban hành Quyết định số 4109/QĐ-UBND ban hành Đề án phát triển công nghiệp hỗ trợ (CNHT) trên địa bàn tỉnh Nghệ An đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.

Phấn đấu tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất công nghiệp hỗ trợ bình quân hàng năm đạt 12-13%

Mục tiêu chung của Đề án là ưu tiên phát triển CNHT nhằm nâng cao giá trị gia tăng và sức cạnh tranh của các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh; tạo sức hút để các nhà đầu tư, các tập đoàn lớn lựa chọn đầu tư vào Nghệ An. Đến năm 2025, một số lĩnh vực CNHT có khả năng tham gia sản xuất và cung cấp được một số vật liệu, linh kiện, phụ tùng, dịch vụ bảo trì, sửa chữa cho các ngành công nghiệp chính. Đến năm 2030, có nhiều doanh nghiệp đủ khả năng tham gia vào chuỗi cung ứng của các tập đoàn.

Nghệ An: Tập trung ưu tiên phát triển 06 lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ - Ảnh 1.

Công ty Thanh Thành Đạt ứng dụng công nghệ số trong quản lý, điều hành, thực hiện sản xuất

Mục tiêu cụ thể là phấn đấu tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất công nghiệp hỗ trợ (GO) bình quân hàng năm đạt 12-13%, chiếm trên 20% giá trị sản xuất công nghiệp vào năm 2025 và tăng dần tỷ trọng trong những năm tiếp theo. Tăng cường thu hút đầu tư các tập đoàn công nghiệp nhất là khu vực FDI để thúc đẩy phát triển nhanh các doanh nghiệp CNHT nội địa. 

Đến năm 2025, phấn đấu số lượng doanh nghiệp CNHT nội địa chiếm từ 10-12% tổng số doanh nghiệp toàn ngành công nghiệp. Có từ 20 - 30 doanh nghiệp CNHT đóng trên địa bàn tỉnh có thể tham gia vào chuỗi giá trị cung ứng của các tập đoàn. Nâng dần tỷ lệ nội địa hóa, đến năm 2030 phấn đấu tỷ lệ nội địa hóa một số ngành công nghiệp ưu tiên phát triển như: Điện tử; cơ khí lắp ráp; năng lượng đạt từ 30 - 35%; Dệt may đạt trên 45%. 100% doanh nghiệp CNHT ứng dụng công nghệ số trong quản lý, điều hành, thực hiện sản xuất và kinh doanh trên sàn thương mại điện tử vào 2030.

Đẩy nhanh tiến độ xây dựng và hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật công nghiệp đồng bộ

Đến năm 2025 và tầm nhìn đến năm 2030, Nghệ An sẽ tập trung ưu tiên phát triển 6 lĩnh vực chính phù hợp với sự chuyển dịch của dòng vốn đầu tư và đang có nhu cầu thị trường cao.

Về công nghiệp hỗ trợ ngành điện, điện tử - tin học - viễn thông: Giai đoạn đến năm 2025, thu hút dự án sản xuất, lắp ráp hoàn chỉnh các sản phẩm thiết bị điện tử, tin học, máy văn phòng, các thiết bị thông tin viễn thông vào Khu kinh tế Đông Nam tạo nền tảng thúc đẩy phát triển các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ. Thu hút các dự án sản xuất linh kiện, cụm linh kiện thiết bị điện, điện tử, máy tính và thiết bị ngoại vi trong các Khu công nghiệp (KCN), cụm công nghiệp (CCN) địa bàn các huyện Hưng Nguyên, Nghi Lộc, Diễn Châu, Hoàng Mai, Cửa Lò… làm vệ tinh đủ khả năng tham gia vào chuỗi giá trị cung cấp cho các tập đoàn.

Giai đoạn 2026 - 2030: Phát triển các dự án sản xuất thiết bị đồng bộ cho các nhà máy điện, máy phát điện; dây cáp điện, máy biến áp. Nhà máy sản xuất các cụm linh kiện và các mạch điện tử, bo mạch, chíp điện tử tại các KCN, CCN trên địa bàn tỉnh. Thu hút các dự án sản xuất linh kiện, cụm linh kiện cho các thiết bị điện tử gia dụng, điện lạnh tại các Khu công nghiệp Thọ Lộc, Hoàng Mai 1,2; các Cụm công nghiệp Hưng Yên, Đô Lăng 2, Nghi Diên, Quỳnh Lộc, Diễn Thắng, Thượng Sơn...

Về công nghiệp hỗ trợ ngành dệt - may: Đối với những dự án đầu tư có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường cao như dệt vải, giặt là bố trí vào các khu công nghiệp có hạ tầng đồng bộ như KCN VSIP, WHA, Hoàng Mai 1 được đầu tư hệ thống xử lý môi trường hiện đại. Đối với các dự án khác như sản xuất sợi, sản xuất phụ liệu, thiết bị phụ tùng cơ khí... ưu tiên đầu tư vào các CCN vệ tinh khu vực ven biển như: CCN Đô Lăng, Đô Lăng 2, Đồng Thái, Nghi Diên, Quỳnh Lộc, Quỳnh Châu, Quỳnh Hoa, Quỳnh Mỹ và khu vực có các nhà máy may như CCN: Nghĩa Mỹ, Lạc Sơn, Thanh Liên, Vĩnh Thành, Nam Giang…

Thu hút các doanh nghiệp trong nước và khuyến khích các nhà máy hiện có trên địa bàn đầu tư thêm dây chuyền sản xuất các sản phẩm công nghiệp hỗ trợ phù hợp với năng lực của từng đơn vị. Liên kết, hợp tác với các doanh nghiệp FDI quy mô nhỏ và vừa thuộc các nước phát triển như: Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan (Trung Quốc)… có tiềm lực thực sự về vốn và công nghệ, phương pháp quản lý… đầu tư các sản phẩm công nghiệp hỗ trợ để từng bước học hỏi kinh nghiệm quản lý, dần thay thế doanh nghiệp FDI.

Về hỗ trợ ngành cơ khí, chế tạo: Thu hút các doanh nghiệp trong và ngoài nước đầu tư vào CNHT ngành cơ khí chế tạo trong các KCN thuộc KKT Đông Nam; các CCN Hưng Yên, Hưng Mỹ (Hưng Nguyên), Nghi Diên, Đô Lăng 2 (Nghi Lộc), Đồng Thái, Diễn Thắng (Diễn Châu), Quỳnh Lộc (Hoàng Mai), Quỳnh Châu, Quỳnh Hòa, Quỳnh Mỹ (Quỳnh Lưu), Nghĩa Mỹ (Thái Hòa)... 

Đầu tư các cơ sở sản xuất trang thiết bị cơ khí phục vụ ngành công nghiệp khai thác, sàng nghiền và làm sạch khoáng sản phi kim loại làm nguyên liệu sản xuất vật liệu xây dựng ở khu vực các huyện miền núi; các dự án cơ khí sản xuất phụ tùng, khuôn, đồ gá, bu lông, ốc vít, vòng bi trong các dây chuyền sản xuất vật liệu xây dựng; sản xuất phụ tùng máy xây dựng và phương tiện vận chuyển chuyên dụng phục vụ ngành công nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng vào các KCN, CCN. Hỗ trợ các doanh nghiệp cơ khí hiện có trên địa bàn nâng cao năng lực sản xuất và kết nối với các tập đoàn, các dự án đầu tư lớn có nhu cầu thay thế phụ tùng, thiết bị để cung cấp thường xuyên các sản phẩm đảm bảo tiêu chuẩn, chất lượng.

Về công nghiệp hỗ trợ sản xuất, lắp ráp ô tô: Thu hút ít nhất 01 tập đoàn sản xuất xe tải, xe ô tô khách hoặc xe hơi vào một trong các KCN như VSIP, WHA, Thọ Lộc, Hoàng Mai 1. Các tập đoàn dự kiến tiếp cận thu hút đầu tư gồm: Mitsubishi, Nissan, Dongfeng, MG, Feugoet... Đẩy nhanh tiến độ đầu tư dự án sản xuất linh kiện điện tử và phụ tùng ô tô Juteng tại KCN Hoàng Mai 1 để làm tiền đề thu hút các tập đoàn lớn quan tâm đầu tư vào Nghệ An. Kết nối với các tập đoàn như: Trường Hải, Huyndai Thành Công, Toyota để thu hút đầu tư các dự án phát triển sản xuất dây điện, cụm điện, ác quy...; các dự án phát triển sản xuất linh kiện nhựa, cao su cho ô tô tại các khu công nghiệp, cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh.

Về công nghiệp hỗ trợ ngành chế biến gỗ và sản xuất nội thất: Đối với sản xuất gỗ nguyên liệu, đẩy nhanh hoàn thành và đưa vào hoạt động Nhà máy gỗ MDF Nghệ An tại KCN Tri Lễ (Anh Sơn). Hình thành các cụm công nghiệp chuyên ngành sản xuất và cung cấp ván MDF, HDF, ván ghép thanh, ván dán tại các địa phương có tiềm năng, lợi thế về nguồn nguyên liệu keo như: Thanh Chương, Anh Sơn, Tân Kỳ, Nghĩa Đàn... Thu hút các dự án sản xuất linh kiện, phụ kiện cơ khí phục vụ công nghiệp chế biến gỗ; sản xuất keo dán, sơn chuyên dụng cho đồ gỗ vào phân khu chế biến thuộc Khu lâm nghiệp ứng dụng CNC Bắc Trung bộ tại Nghệ An và các CCN vệ tinh như: Đô Lăng, Đô Lăng 2, Nghi Diên, Hưng Yên, Thượng Sơn.

Nghệ An: Tập trung ưu tiên phát triển 06 lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ - Ảnh 2.

Sản xuất gỗ MDF bằng hệ thống tự động

Về lĩnh vực sản xuất bao bì, in ấn, nhãn dán, hạt phụ gia: Đẩy mạnh phát triển các doanh nghiệp sản xuất vật liệu, bao bì sử dụng cho quá trình đóng gói, hoàn tất sản phẩm; sản xuất hạt phụ gia nhựa Taical để tận dụng lợi thế nguồn nguyên liệu sẵn có là bột đá trắng siêu mịn CaCO3 từ các mỏ đá của Quỳ Hợp được cung cấp từ các doanh nghiệp chế biến khoáng sản trên địa bàn dùng trong sản xuất màng, bao bì nhựa, tấm trần, khung cửa nhựa, ống nhựa PVC và phụ kiện nhựa, dây cáp điện.

Đề án cũng đề ra 7 giải pháp phát triển công nghiệp hỗ trợ đến năm 2025 và tầm nhìn đến năm 2030. Trong đó, tỉnh Nghệ An chú trọng đẩy mạnh hợp tác liên kết vùng, khu vực để tạo cơ hội hợp tác cho các doanh nghiệp của tỉnh trở thành mắt xích cung cấp nguyên liệu, bán thành phẩm cho các doanh nghiệp lớn tạo thành mạng lưới vệ tinh sản xuất, cung ứng nguyên liệu, linh kiện. Đẩy nhanh tiến độ xây dựng và hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật công nghiệp đồng bộ tạo mặt bằng thuận lợi đáp ứng nhu cầu thuê đất của các nhà đầu tư; quy hoạch và thu hút nhà đầu tư hạ tầng KCN hỗ trợ phù hợp với danh mục phát triển các KCN đã được tích hợp trong Quy hoạch tỉnh. 

Trước mắt, đối với các KCN có lợi thế về thu hút đầu tư và có khả năng liên kết vùng cao như KCN Hoàng Mai 1, Hoàng Mai 2, VSIP 2, WHA Nghệ An 2, Thọ Lộc, Yên Quang đề nghị dành tối thiểu 05 ha đất công nghiệp hoặc tối thiểu 3% tổng diện tích đất công nghiệp theo quy định. Đẩy nhanh tiến độ triển khai xây dựng Khu lâm nghiệp ứng dụng công nghệ cao vùng Bắc Trung Bộ tại Nghệ An để thu hút các doanh nghiệp chế biến gỗ và lâm sản ngoài gỗ đăng ký vào đầu tư thúc đẩy công nghiệp chế biến lâm sản phát triển, tạo điều kiện để thúc đẩy công nghiệp hỗ trợ ngành chế biến gỗ và trang trí nội thất phát triển...

Thái Quảng
Ý kiến của bạn