Nghệ An: Tháo gỡ khó khăn, đẩy mạnh hoạt động xuất khẩu trên địa bàn
Mới đây, UBND tỉnh Nghệ An đã tổ chức Hội nghị đối thoại doanh nghiệp, đẩy mạnh hoạt động xuất khẩu năm 2022.
- Nghệ An: Thực hiện bàn giao mặt bằng cho dự án phải đúng theo cam kết
- Nghệ An: Tham dự Hội nghị trực tuyến toàn quốc triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo bền vững
- Nghệ An: Nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động tiếp xúc cử tri của đại biểu Quốc hội
- Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An làm việc với Sở Giao thông vận tải
Phó Giám đốc Sở Công thương tỉnh Nghệ An Cao Minh Tú tại hội nghị cho biết, mặc dù chịu ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch COVID-19, song hoạt động xuất khẩu của Nghệ An trong năm qua đạt thành tựu vượt bậc với 2,43 tỷ USD, tăng 60,77% so với năm 2020 và vượt 102,5% so với chỉ tiêu kế hoạch năm 2021. Trong đó, xuất khẩu hàng hóa đạt 2,11 tỷ USD, tăng 76,04%, vượt 132,2% kế hoạch năm 2021.
Trong đó, nhiều mặt hàng có thế mạnh của tỉnh có kim ngạch tăng trưởng mạnh như: Tôn, thép các loại tăng 157% so với cùng kỳ năm trước; Xi măng tăng 17,8%; Hàng dệt may tăng 38,1%; Linh kiện điện tử tăng gấp hơn 17 lần; Gỗ và sản phẩm gỗ đạt 184,8 triệu USD; Hàng thủy sản tăng 66,7%; Sắn và sản phẩm sắn các loại tăng 42%.
Đáng chú ý, tỷ lệ hàng hoá xuất khẩu qua chế biến ngày càng tăng, nhất là hàng lâm sản, khoáng sản, vật liệu xây dựng, thuỷ sản chế biến và một số hàng nông sản chế biến như chè khô, nước hoa quả chế biến. Hàng hóa được xuất khẩu đi đến hơn 125 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới với nhiều thị trường mới như: Đông Timor, Sierra Leone, Burundi, Marshall Islands, Luxembourg…
Số lượng doanh nghiệp tham gia xuất khẩu tăng, với 270 doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh, bao gồm 188 doanh nghiệp nội tỉnh và 82 doanh nghiệp ngoại tỉnh tham gia xuất khẩu hàng hóa của tỉnh Nghệ An. Thu ngân sách từ hoạt động xuất, nhập khẩu đạt 1.657 tỷ đồng, tăng 32,4% dự toán HĐND tỉnh điều chỉnh và tăng 40,5% so với năm 2020.
Với tình hình kinh tế thế giới và khu vực hiện nay dự báo tiếp tục có những biến động khó lường: Đại dịch COVID-19 vẫn còn diễn biến phức tạp; cạnh tranh giữa các nước lớn chưa có dấu hiệu kết thúc. Đáng chú ý hiện nay là những quy định mới của Trung Quốc về biện pháp siết chặt dịch COVID-19; tăng cường giám sát, thực hiện nghiêm các quy định đối với hoạt động nhập khẩu nông thủy sản trên tuyến biên giới đất liền đã khiến doanh nghiệp của tỉnh gặp nhiều khó khăn trong việc vận chuyển, thông quan, xuất khẩu hàng hóa sang Trung Quốc.
Tại hội nghị, các doanh nghiệp phản ánh giá nhiên liệu tăng gây ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp; bên cạnh đó, cước phí tăng cao, các lô hàng xuất khẩu lợi nhuận rất thấp, thậm chí là không có lợi nhuận nhưng doanh nghiệp cũng phải làm để giữ mối quan hệ với khách hàng.
Doanh nghiệp đề nghị UBND tỉnh, lãnh đạo các sở, ngành liên quan quan tâm, hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, như: Có các chính sách phù hợp để hỗ trợ doanh nghiệp giải quyết vấn đề thiếu hụt nguồn nhân lực; thành lập câu lạc bộ kết nối các doanh nghiệp xuất khẩu trên địa bàn tỉnh; hỗ trợ tìm đầu ra cho sản phẩm của các doanh nghiệp...
Đại diện Công ty TNHH Royal Foods Nghệ An – doanh nghiệp chế biến thực phẩm cá đóng hộp cho biết, những năm gần đây, do tình hình nguyên liệu cá Nục, cá Trích ở trong nước không đủ để phục vụ sản xuất. Do đó, công ty phải nhập khẩu nguyên liệu cá trích từ nước ngoài về để phục vụ sản xuất, trong đó nguồn nguyên liệu cá trích từ các tàu đánh bắt của Nga sẽ gặp khó khăn trong việc khai thác do chiến sự Nga - Ukraina vừa qua.
Công ty đề nghị tỉnh có cơ chế hỗ trợ doanh nghiệp trong lúc khó khăn về nguồn nguyên liệu, đồng thời đề xuất với các Ban, ngành Trung ương có cơ chế hỗ trợ và gia hạn thêm thời gian đối với danh mục miễn thuế; hỗ trợ giảm thang thuế thu nhập, miễn thuế, cho chậm thuế với doanh nghiệp nhằm hỗ hỗ trợ về mặt tài chính hoặc hỗ trợ các gói vay ưu đãi cho doanh nghiệp để vực dậy sản xuất.
Thay mặt lãnh đạo tỉnh, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Lê Hồng Vinh ghi nhận, đánh giá cao và biểu dương sự nỗ lực phấn đấu, những kết quả đạt được cùng với những đóng góp quan trọng của các ngành, các địa phương, các doanh nghiệp xuất nhập khẩu cho sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh nhà trong thời gian qua.
Bên cạnh những kết quả đạt được, song theo Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh, xuất khẩu năm 2021 tuy có sự tăng trưởng vượt bậc nhưng vẫn chưa thực sự bền vững, hiệu quả chưa cao. Mặt hàng xuất khẩu tuy đa dạng nhưng quy mô còn nhỏ bé, còn phụ thuộc vào nguồn hàng ngoại tỉnh và thị trường ngoài nước. Doanh nghiệp xuất nhập khẩu trên địa bàn tỉnh đa phần là doanh nghiệp nhỏ và vừa, quy mô sản xuất - kinh doanh nhỏ. Hạ tầng và dịch vụ logistics phục vụ xuất khẩu hạn chế...
Cùng với đó, tích cực đẩy mạnh xúc tiến đầu tư kêu gọi các nhà đầu tư trong và ngoài nước vào Nghệ An đầu tư sản xuất hàng xuất khẩu; đẩy mạnh công tác phát triển thị trường xuất khẩu thông qua hoạt động kết nối cung cầu xuất khẩu, tham gia hội chợ triển lãm quốc tế... Phấn đấu để đưa thêm một số sản phẩm của Nghệ An xuất khẩu để vừa giải quyết việc làm, vừa nâng cao giá trị của sản phẩm, xây dựng và quảng bá được thương hiệu hàng hóa của Nghệ An ở thị trường quốc tế.
Về phía các doanh nghiệp, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh đề nghị thường xuyên có trao đổi, thông tin về tình hình sản xuất, xuất nhập khẩu với các cơ quan hữu quan để kịp thời giải quyết những khó khăn, vướng mắc trong quá trình xuất khẩu hàng hóa. Doanh nghiệp cần đổi mới tư duy, xây dựng chiến lược sản xuất kinh doanh dài hạn. Trong đó, việc đổi mới, sáng tạo, phát triển sản phẩm có chất lượng gắn với xây dựng thương hiệu phải được chú trọng hơn bao giờ hết.
Ngọc TúCông ty CP Vận tải đường sắt cho biết tổ chức chạy tăng cường thêm nhiều chuyến tàu tuyến Bắc - Nam phục vụ người dân về quê, đón tết Nguyên đán 2025.