Nghệ An: Thảo luận một số nội dung kinh tế - xã hội triển khai Nghị quyết số 39-NQ/TW

Địa phương
02:28 PM 29/09/2023

Mới đây, UBND tỉnh Nghệ An làm việc với Tổ Tư vấn kinh tế - xã hội tỉnh để thảo luận một số nội dung triển khai thực hiện Nghị quyết số 39-NQ/TW ngày 18/7/2023 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển tỉnh Nghệ An đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Đồng hành cùng buổi làm việc, Tổ Tư vấn kinh tế - xã hội của tỉnh có đồng chí Trương Đình Tuyển - Nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Bộ trưởng Bộ Thương mại, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Nghệ An, Tổ trưởng và các thành viên của Tổ.

Về phía tỉnh Nghệ An gồm: Đồng chí Thái Thanh Quý - Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh, Chủ tịch HĐND tỉnh; Nguyễn Đức Trung - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; Nguyễn Văn Đệ - Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh cùng lãnh đạo các Sở, ngành.

Nghệ An: Thảo luận kinh tế - xã hội để triển khai thực hiện Nghị quyết số 39-NQ/TW - Ảnh 1.

Quang cảnh buổi làm việc

Theo các thành viên Tổ Tư vấn, tỉnh Nghệ An triển khai Nghị Quyết số 39 cần làm rõ 3 nội dung. Thứ nhất, cần chọn ra những đề án ưu tiên nhất để thực thi và những tọa độ phát triển cần thúc đẩy nhanh theo cách tiếp cận "việc cụ thể tạo ra xoay chuyển đột phá". 

Cụ thể: Khu kinh tế Cảng nước sâu Cửa Lò hiện đại và đầy đủ, cần điều chỉnh lại giai đoạn thực hiện 2023-2030 thay vì 2026-2030 và cần có cơ chế cũng như sự ủng hộ nhất quán quan điểm để thực hiện ngay. Nâng cấp, mở rộng Cảng hàng không quốc tế Vinh. Mở rộng TP Vinh, cần kêu gọi, thu hút các tập đoàn lớn đến đầu tư. Mời gọi đầu tư cụm điện khí LNG tại thị xã Hoàng Mai - cực tăng trưởng phía Bắc của tỉnh. Đầu tư nâng cấp ga Vinh, hướng ưu tiên kết nối với cảng biển.

Thứ hai, về cơ chế tạo nguồn lực thực thiện và cơ chế đặc thù: Cần làm rõ nguồn lực thực hiện từ ngân sách Trung ương, ngân sách địa phương hay xã hội hóa. Về cơ chế đặc thù, Nghệ An cần chọn một số ưu tiên để viết đề án "thực thi" trong đó xác định rõ đề xuất cơ chế chính sách hỗ trợ gì.

Thứ ba, cơ chế phân cấp, phân quyền, trao quyền cho địa phương đang là xu hướng của thời đại, vì vậy cần xác định rõ trong các đề án ưu tiên thực thi, Trung ương trao quyền cho Nghệ An ở khâu nào, quyền gì? Bộ máy thực hiện cần đẩy mạnh cải cách hành chính, làm rõ các "điểm nghẽn".

Nghệ An: Thảo luận kinh tế - xã hội để triển khai thực hiện Nghị quyết số 39-NQ/TW - Ảnh 2.

Đồng chí Trương Đình Tuyển - Tổ trưởng Tổ Tư vấn phát biểu

Trong đó, dự thảo Đề án mở rộng địa giới hành chính và không gian đô thị TP Vinh, các thành viên Tổ Tư vấn đánh giá dự thảo đề án đã được thực hiện một cách công phu, chi tiết với cấu trúc mạch lạc, số liệu cập nhật mới, các chỉ tiêu phản ánh tương đối khách quan và đầy đủ. Nội dung của đề án đã đánh giá một cách toàn diện các vấn đề nền tảng cốt lõi quan trọng để mở rộng địa giới hành chính TP Vinh, chi tiết đến cấp phường xã (lịch sử, hiện trạng phát triển, phương án mở rộng và đánh giá tác động, định hướng phát triển). Đặc biệt, phần thứ tư của dự thảo đề án đã đánh giá tác động và định hướng phát triển của các đơn vị hành chính sau khi điều chỉnh, thành lập; bám sát nhiệm vụ mà tỉnh giao phó hiện nay.

Tại phần thứ 4 "Đánh giá tác động..." cần thực sự sâu sắc hơn, cần làm rõ trên nhiều khía cạnh để xứng tầm với một đề án phát triển. Có thể đánh giá theo kiểu chi phí - lợi ích trên phương diện: Cơ hội, vị thế mới, điều kiện mới và sức hấp dẫn sau khi mở rộng TP Vinh; mặt trái bao gồm các khía cạnh xã hội cần có phương án cụ thể, chi phí điều chỉnh mở rộng cần được xem xét chi tiết.

Đồng chí Trương Đình Tuyển - Tổ trưởng Tổ Tư vấn ghi nhận và đánh giá cao kết quả tỉnh Nghệ An đạt được trong thời gian qua. Các đồng chí lãnh đạo tỉnh đã rất quyết liệt, linh hoạt và nỗ lực để chỉ đạo, điều hành tổ chức triển khai thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội. Đặc biệt là trong thu hút đầu tư, tỉnh đã tạo được môi trường đầu tư thuận lợi và hấp dẫn các nhà đầu tư, điều này được minh chứng qua số vốn thu hút các dự án đầu tư nước ngoài (FDI) với hơn hơn 1,27 tỷ USD. 

Khẳng định Nghị quyết 39-NQ/TW của Bộ Chính trị là tài sản lớn, thể hiện sự quan tâm đặc biệt của Bộ Chính trị, Quốc hội, Chính phủ đối với tỉnh. Nghị quyết số 39 đang mở cửa để Nghệ An có tâm thế mới, có sự bứt phá mạnh mẽ trong phát triển để trở thành Trung tâm của vùng Bắc Trung bộ. Và để thực hiện thành công Nghị quyết số 39, cần phải có cơ chế, chính sách đặc thù để cụ thể hóa các mục tiêu được đề ra.

Tổ trưởng Tổ tư vấn nhấn mạnh, theo nội dung Nghị quyết số 39, Nghệ An có nhiều việc phải làm, bởi vậy cần phải lựa chọn những việc trọng tâm, trọng điểm để ưu tiên tập trung thực hiện. Cho rằng việc đầu tiên tỉnh cần làm là thực hiện mở rộng địa giới TP Vinh; cùng với đó là đầu tư cảng nước sâu; xây dựng quy hoạch phát triển khu cửa khẩu Thanh Thủy; xây dựng Nam Đàn trở thành khu du lịch văn hóa, lịch sử đúng tầm của quê hương lãnh tụ Hồ Chí Minh; nâng cấp sân bay Vinh hoạt động đúng tầm quốc tế một cách thực chất.

Đồng chí Thái Thanh Quý - Bí thư Tỉnh ủy khẳng định, thời gian vừa qua, tỉnh Nghệ An có sự chuyển biến mạnh mẽ và đạt nhiều kết quả tích cực. Có được kết quả đó nhờ sự nỗ lực của toàn tỉnh, bên cạnh đó, có sự tham gia hiệu quả và các ý kiến xác đáng, tâm huyết của các thành viên Tổ Tư vấn... Nhờ đó, tỉnh đã chọn các nhiệm vụ trọng tâm, trọng điểm, không dàn trải, chọn "điểm nghẽn" để giải quyết; trong đó, tập trung đẩy mạnh cải cách hành chính, trong thu hút đầu tư các dự án có cơ chế riêng và giao việc cụ thể cho từng Sở, ngành để thực hiện các nhiệm vụ hiệu quả; phát triển miền Đông là động lực, phát triển miền Tây bền vững, tạo sinh kế.

Nghệ An: Thảo luận kinh tế - xã hội để triển khai thực hiện Nghị quyết số 39-NQ/TW - Ảnh 3.

Đồng chí Thái Thanh Quý - Bí thư Tỉnh ủy phát biểu

Việc tổ chức Hội nghị quán triệt Nghị quyết số 39 cùng với có quy hoạch tỉnh tạo ra bước khởi đầu rất tốt. Tuy nhiên, Nghị quyết bao trùm toàn diện, rộng, mục tiêu lớn nhưng điều kiện, khả năng thực hiện là điều cần nhất, nhất là hạn chế về nguồn lực, về vốn, con người, cùng với đó có sự áp lực về thời gian; bên cạnh đó, đây là lần thứ 2 Nghệ An được ban hành Nghị quyết của Bộ Chính trị. Vì vậy, vinh dự tự hào phải gắn với trách nhiệm, phải xứng đáng là quê hương của Chủ tịch Hồ Chí Minh; "cần thấy rõ quyết tâm của tỉnh trong thực hiện Nghị quyết số 39".

Thống nhất với các ý kiến phát biểu của Tổ Tư vấn và đồng chí Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh khẳng định, tỉnh sẽ lựa chọn nội dung ưu tiên, tập trung nghiên cứu, đề xuất, bổ sung ngay cơ chế chính sách đặc thù, vượt trội, thí điểm thực hiện các mục tiêu đề ra trong Nghị quyết số 39; hoàn thành trong quý IV/2023. Chủ tịch UBND tỉnh mong muốn tiếp tục nhận được sự tham gia đóng góp tích cực, hiệu quả của Tổ Tư vấn về nội dung này.

Ngọc Tú
Ý kiến của bạn
Hơn 56% doanh nghiệp Nhật Bản muốn mở rộng kinh doanh tại Việt Nam trong 1- 2 năm tới Hơn 56% doanh nghiệp Nhật Bản muốn mở rộng kinh doanh tại Việt Nam trong 1- 2 năm tới

Theo khảo sát thực trạng doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư tại nước ngoài cho năm tài chính 2024, do Tổ chức Xúc tiến Thương mại Nhật Bản (JETRO) thực hiện, có đến 56,1% số doanh nghiệp được khảo sát trả lời sẽ “mở rộng” kinh doanh trong 1-2 năm tới.