Nghệ An: Thu từ xuất nhập khẩu đạt hơn 1.200 tỷ đồng

Địa phương
12:13 PM 06/01/2024

Năm 2023, tỉnh Nghệ An có GRDP ước đạt 7,14%, thu từ hoạt động xuất nhập khẩu là 1.277 tỷ đồng. Các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Nghệ An đã xuất khẩu sang hơn 136 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới.

Hiện nay, việc phục hồi kinh tế được thực hiện trong những điều kiện không dễ dàng bởi ảnh hưởng của xung đột Nga-Ukraine cùng với những hậu quả của đại dịch COVID-19, kinh tế thế giới phục hồi chậm hơn so với dự báo trước đó. Lạm phát diễn ra ở nhiều nước, đặc biệt các nước đối tác quan trọng của Việt Nam tăng cao, giá dầu và một số hàng hóa quan trọng biến động mạnh. Cùng với đó là tình hình khu vực và thế giới diễn biến phức tạp, chi phí đầu vào sản xuất tăng, nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn về thị trường tiêu thụ, gây ảnh hưởng lớn đến tình hình kinh tế nói chung và hoạt động xuất khẩu trên địa bàn tỉnh Nghệ An nói riêng.

Nghệ An: Thu từ xuất nhập khẩu đạt hơn 1.200 tỷ đồng- Ảnh 1.

Nhà máy may An Hưng tại huyện Yên Thành ( Nghệ An)

Mặc dù vậy, được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của UBND tỉnh Nghệ An các sở, ban, ngành địa phương, đơn vị thường xuyên theo dõi, đôn đốc hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn vướng mắc cho các doanh nghiệp, nhà đầu tư tham gia khai thác hiệu quả thị trường các FTA, năm 2023, thu từ hoạt động xuất nhập khẩu đạt 1.277 tỷ đồng, tổng thu nhân sách Nhà nước tính đến ngày 04/01/2024 là 21.275 tỷ đồng và tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh năm 2023 ước đạt 7,14%.

Về thị trường xuất khẩu, năm 2023, các doanh nghiệp đã xuất khẩu sang hơn 136 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. Một số thị trường xuất khẩu mới như: Mozambique, Serbia, Tunisia, Rwanda, Belize, Benin, Mauritania, Cộng hòa Dominica, Maldives, Paraguay,…

Mặt khác, hoạt động kim ngạch nhập khẩu hàng hoá trong năm 2023 đạt 857,9 triệu USD, giảm 1,73% so với kim ngạch cùng kỳ 2022 (chủ yếu giảm nguyên phụ liệu đầu vào phục vụ sản xuất các ngành dệt may, linh kiện điện tử,...). 

Các mặt hàng nhập khẩu chủ yếu là nguyên phụ liệu dệt may, da giày, linh kiện điện tử, xăng dầu, máy móc, thiết bị, thép các loại, nguyên phụ liệu phục vụ sản xuất khác,... và một số mặt hàng nhập khẩu tăng trưởng so với cùng kỳ năm 2022 như: Thép các loại, nguyên phụ liệu dệt may, da giày, ngô hạt,... 

Tuy nhiên, nhiều mặt hàng có kim ngạch giảm so với cùng kỳ 2022 như: linh kiện điện tử, máy móc thiết bị, dụng cụ phụ tùng, xăng dầu, hạt nhựa,....

Nguyên nhân giảm sút chủ yếu do nhu cầu hàng xuất khẩu giảm, đơn hàng giảm, các nhà máy cắt giảm một số nguyên phụ liệu sản xuất. Lạm phát còn ở mức cao, khủng hoảng kinh tế ở các thị trường xuất khẩu chủ lực đối với các sản phẩm công nghiệp của tỉnh nên chi tiêu mua sắm giảm, chiến tranh Nga - Ukraine kéo dài,… khiến giá nhiên liệu đầu vào, năng lượng, chi phí vận chuyển tăng ở mức cao làm cho chi phí sản xuất tăng lên. Vì vậy thị trường tiêu thụ các sản phẩm tiêu dùng như dệt may, da giày, linh kiện điện tử,… giảm mạnh do đơn hàng xuất khẩu giảm. 

Sản phẩm như ván gỗ MDF, ván ghép thanh gặp khó khăn do Hoa Kỳ và các quốc gia Châu Âu thực hiện điều tra lẩn tránh thuế chống bán phá giá và thuế chống trợ cấp đối với gỗ dán sử dụng nguyên liệu gỗ cứng nhập khẩu từ Việt Nam nên hoạt động sản xuất của các nhà máy trên địa bàn khó khăn, một số doanh nghiệp như Tân Việt Trung, Thế giới gỗ phải ngừng hoạt động. 

Các doanh nghiệp khó khăn trong việc tiếp cận vốn bao gồm vốn lưu động và vốn đầu tư trung, dài hạn. Lãi suất tiền gửi và lãi suất vay trong hệ thống ngân hàng tăng cũng làm tăng chi phí vốn sản xuất, làm giảm sức cạnh tranh.

Mặt hàng bột đá vôi trắng cũng giảm sút do xuất khẩu chủ yếu sang các nước như Ấn Độ. Hiện nay, mặt hàng này đang chịu sự cạnh tranh rất gay gắt từ các đối thủ nước ngoài, đặc biệt là Malaysia do giá từ các nước này rẻ hơn nhiều (Malaysia và Ấn Độ có hiệp định thương mại riêng, thuế xuất khẩu từ Malaysia là 3% và thuế nhập khẩu vào Ấn Độ là 0%). Chi phí điện, nước, nhiên liệu cao kèm theo áp lực thanh toán ngay làm cho doanh nghiệp bột đá khó khăn trong khâu khai thác, chế biến.

Năm 2023, dù Bộ Công Thương đã thông tin, hỗ trợ doanh nghiệp tham dự các sàn giao dịch thương mại quốc tế nhưng chưa được các doanh nghiệp quan tâm đăng ký. Chưa có nhiều doanh nghiệp và sản phẩm của Nghệ An được quảng bá, tiêu thụ trên các sàn giao dịch TMĐT lớn, uy tín của quốc tế (như Alibaba, Amazon, …) do tiêu chuẩn tham gia và hàng rào kỹ thuật của các sàn này rất cao. Các sản phẩm OCOP, nông sản, hải sản tươi sống… của người dân có hạn sử dụng ngắn thường không được lên sàn; mặt khác các Doanh nghiệp nhỏ, HTX nông nghiệp chưa có cán bộ kỹ thuật để trực sàn, tương tác với người mua khi có sự hỏi đáp hoặc lên đơn… cũng là thách thức lớn.

Tỉnh đặt mục tiêu năm 2024, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa đạt 2,5 tỷ USD. Hướng dẫn doanh nghiệp vận dụng hiệu quả ưu đãi từ các Hiệp định thương mại tự do EU, Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc, ASEAN... đồng thời khai thác các thị trường còn tiềm năng Đông Âu, Bắc Âu, châu Phi, Trung Đông và châu Mỹ La tinh.... Tập trung mở rộng, phát triển một số thị trường tiềm năng như: Hàn Quốc, Hồng Kông (Trung Quốc), Ấn Độ, Đài Loan (Trung Quốc), Đông Nam Á, Châu Âu,… tham mưu đoàn xúc tiến thương mại tại nước ngoài.

Ngoài ra, hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận mạng lưới phân phối nước ngoài. Tập trung đổi mới và tăng cường các hoạt động xúc tiến thương mại, kết nối cung cầu, ứng dụng thương mại điện tử đặc biệt là đẩy mạnh hỗ trợ doanh nghiệp tham gia Sàn thương mại điện tử xuyên biên giới như Amazon, Alibaba,… kết nối, giới thiệu doanh nghiệp tham gia các chương trình xúc tiến thương mại tại nước ngoài theo Chương trình xúc tiến thương mại quốc gia, Chương trình kết nối hàng Việt với cộng đồng Việt Nam ở nước ngoài. 

Đẩy mạnh thực hiện các giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn vướng mắc trong việc triển khai thực hiện các dự án đầu tư sản xuất kinh doanh, đặc biệt có sản xuất để xuất khẩu nhằm kịp thời hỗ trợ để tạo lập nguồn hàng cho xuất khẩu, trong năm nay và kế hoạch xuất khẩu năm sau. 

Phối hợp chặt chẽ Thương vụ Việt Nam tại nước ngoài tăng cường nắm bắt thông tin thị trường và các vấn đề phát sinh ảnh hưởng đến xuất khẩu của Việt Nam như sự thay đổi chính sách của nước nhập khẩu, các rào cản kỹ thuật, rủi ro trong thanh toán, các hoạt động tuyên truyền thiếu thiện chí đối với hàng hóa xuất khẩu Việt Nam để kịp thời thông tin để các đơn vị liên quan và doanh nghiệp của tỉnh có giải pháp ứng phó kịp thời.

Thái Quảng ( TH)
Ý kiến của bạn