Nghệ An: Thúc đẩy doanh nghiệp tham gia trực tiếp vào các mạng phân phối nước ngoài
Mới đây, UBND tỉnh Nghệ An đã ban hành Kế hoạch số 120/KH-UBND ngày 1/3 về việc thực hiện Đề án “Thúc đẩy doanh nghiệp Việt Nam tham gia trực tiếp các mạng phân phối nước ngoài đến năm 2030” trên địa bàn tỉnh Nghệ An.
Theo Quyết định số 1415/QĐ-TTg ngày 14/11/2022 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Đề án "Thúc đẩy doanh nghiệp Việt Nam tham gia trực tiếp các mạng phân phối nước ngoài đến năm 2030", UBND tỉnh yêu cầu các cơ quan, đơn vị cụ thể hóa và vận dụng có hiệu quả Đề án nhằm hỗ trợ doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh tham gia trực tiếp các mạng phân phối nước ngoài.
Trong đó, UBND tỉnh nêu rõ: Hỗ trợ về thông tin thị trường cho 500 – 1.000 lượt doanh nghiệp, hỗ trợ đào tạo, tư vấn cho trên 500 lượt doanh nghiệp, nâng cao năng lực cạnh tranh, năng lực cung ứng để từng bước tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu. Hỗ trợ 200 lượt doanh nghiệp xây dựng năng lực tham gia thương mại điện tử xuyên biên giới, tổ chức 200 lượt doanh nghiệp kết nối, giao thương với các mạng phân phối nước ngoài. Phấn đấu hỗ trợ từ 100 - 300 lượt sản phẩm xuất khẩu trực tiếp vào các mạng phân phối nước ngoài. Phấn đấu đến năm 2030, đưa sản phẩm chủ lực của tỉnh có mặt tại các chuỗi phân phối truyền thống và trực tuyến tại tất cả các quốc gia đã ký kết Hiệp định thương mại tự do (FTA) với Việt Nam.
Ngoài ra, để đạt được những mục tiêu trên, UBND tỉnh yêu cầu các cơ quan, đơn vị thực hiện 08 nhiệm vụ và giải pháp gồm: Hỗ trợ doanh nghiệp về thông tin thị trường; hỗ trợ doanh nghiệp xây dựng năng lực cung ứng cho thị trường nước ngoài; hỗ trợ doanh nghiệp từng bước thích nghi, chuyển đổi sản xuất đáp ứng xu hướng tiêu dùng bền vững; hỗ trợ doanh nghiệp xây dựng năng lực tham gia thương mại điện tử xuyên biên giới; hỗ trợ xây dựng và phát triển thương hiệu; tổ chức các hoạt động kết nối, giao thương với các mạng phân phối nước ngoài; tổ chức các hoạt động truyền thông; xây dựng cơ chế chính sách thúc đẩy doanh nghiệp nước ngoài xây dựng chiến lược thu mua bền vững với thị trường Việt Nam.
Mặt khác, hằng năm tổ chức 3-5 cuộc tập huấn đào tạo doanh nghiệp nâng cao năng lực trong phát triển sản phẩm phù hợp với nhu cầu thị trường và yêu cầu của mạng phân phối. Hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng lực tổ chức sản xuất, năng suất, chất lượng sản phẩm, đáp ứng những yêu cầu, quy định, tiêu chuẩn chất lượng của mạng phân phối nước ngoài thông qua các chương trình đào tạo, phổ biến thông tin. Hướng dẫn doanh nghiệp áp dụng các hệ thống quản lý, công cụ cải tiến năng suất chất lượng, công cụ hỗ trợ cho sản xuất, dịch vụ thông minh. Định hướng, hỗ trợ doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh sử dụng nguồn nguyên liệu xanh - sạch để nâng cao giá trị và sức cạnh tranh của sản phẩm trong chuỗi giá trị toàn cầu.
Song song thúc đẩy việc đưa sản phẩm hàng hóa tỉnh lên các sàn thương mại điện tử xuyên biên giới như Amazon, Alibaba...; phối với với các tập đoàn thương mại điện tử quốc tế từng bước nâng cao khả năng chuyển đổi số, tập huấn kỹ năng thương mại điện tử xuyên biên giới cho các doanh nghiệp tỉnh. Thúc đẩy phát triển loại hình dịch vụ logistics hiện đại phục vụ xuất khẩu vào các hãng phân phối quốc tế qua nền tảng thương mại điện tử xuyên biên giới. Cùng phối hợp với các tập đoàn phân phối và chuyên gia tư vấn hỗ trợ các địa phương, doanh nghiệp phát triển từ thương hiệu của các nhà phân phối…
Tại các cơ quan, đơn vị tổ chức hội thảo kết nối giao thương giữa doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu với các Thương vụ Việt Nam tại nước ngoài và nhà phân phối nước ngoài. Hỗ trợ doanh nghiệp tham gia Chương trình tuần hàng Việt Nam tại các mạng phân phối nước ngoài; hỗ trợ doanh nghiệp trong tỉnh tham gia các Hội chợ, Triển lãm, Chương trình tuần hàng Việt Nam tại nước ngoài theo quy định. Tổ chức các buổi làm việc giữa tập đoàn phân phối nước ngoài với các doanh nghiệp sản xuất và xuất khẩu của tỉnh. Tuyên truyền phổ biến nhằm nâng cao nhận thức của doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh về mô hình tham gia trực tiếp vào mạng phân phối nước ngoài, coi đây là một kênh xuất khẩu, quảng bá sản phẩm và thương hiệu một cách hiệu quả.
Đặc biệt, UBND tỉnh Nghệ An yêu cầu các cơ quan, đơn vị bám sát Đề án để triển khai thực hiện Kế hoạch, đảm bảo phù hợp với tình hình, điều kiện cụ thể của tỉnh. Các cấp, các ngành xây dựng Kế hoạch hoặc lồng ghép vào Chương trình, Kế hoạch công tác của đơn vị, lộ trình và bố trí nguồn lực để tổ chức thực hiện có hiệu quả. Hàng năm, có rà soát, đánh giá việc thực hiện Kế hoạch, tổng hợp khó khăn vướng mắc để điều chỉnh bổ sung cho phù hợp.
Ngọc TúCông ty CP Vận tải đường sắt cho biết tổ chức chạy tăng cường thêm nhiều chuyến tàu tuyến Bắc - Nam phục vụ người dân về quê, đón tết Nguyên đán 2025.