Nghệ An: Thực hiện đồng bộ, quyết liệt nhằm chấm dứt hoàn toàn các hành vi vi phạm khai thác IUU
Sau gần 5 năm Ủy ban Châu Âu (EC) cảnh báo “Thẻ vàng” (từ ngày 23/10/2017 đến nay) đối với hoạt động khai thác hải sản bất hợp pháp. Tỉnh Nghệ An đã nỗ lực chỉ đạo thực hiện hàng loạt các biện pháp nhằm khắc phục cảnh báo ”Thẻ vàng” của EC và xem đây là nhiệm vụ quan trọng cũng như cơ hội để chấn chỉnh công tác quản lý ngành thủy sản trên địa bàn tỉnh nhằm chấm dứt hoàn toàn các hành vi vi phạm khai thác IUU.
Trong thời gian qua, tỉnh Nghệ An được cấp 1.242 Giấy phép khai thác thủy sản ở vùng khơi; 654 Giấy phép khai thác vùng lộng; 1.953 Giấy phép khai thác thủy sản vùng ven bờ với các nghề như lưới kéo, lưới rê, lưới vây, câu, chụp, hậu cần đánh bắt nguồn lợi thủy sản, lồng bẫy và nghề khác.
Với số tàu cá toàn tỉnh là 3.415 tàu, trong đó tàu cá thuộc diện phải đăng ký (có chiều dài lớn nhất từ 6m trở lên) là 2.518 chiếc. Số tàu đã được cấp đăng ký 2.518 chiếc, bằng 100%. Số tàu còn hạn đăng kiểm là 1.246/1.704 chiếc thuộc diện phải đăng kiểm, đạt 73,12% số tàu ≥ 12m, đạt 100% số tàu đang hoạt động khai thác. Hiện tại công tác đánh dấu tàu cá tại các địa phương đã được thực hiện đảm bảo theo đúng quy định.
Đến ngày 10/10, tổng số cơ sở đã được cấp giấy chứng nhận nhận an toàn thực phẩm là 1.120/1.162 cơ sở, đạt 96,39% so với tổng số cơ sở phải cấp. Số tàu đã cấp phép đang còn hạn là 2.167/2.518 tàu thuộc diện phải cấp phép, đạt 86,06% số tàu ≥ 6m, đạt 100% số tàu đang hoạt động khai thác.
Do đó, việc cập nhật dữ liệu tàu cá lên phần mềm VNFishbase được thực hiện thường xuyên và đầy đủ. Tổng số tàu cá đã cập nhật lên phần mềm đạt 100% tổng số tàu cá đã đăng ký. 1.134/1.162 tàu cá đã lắp đặt thiết bị giám sát hành trình, đạt tỷ lệ 97,59%. Tuy nhiên, trên Hệ thống Giám sát tàu cá, số lượng tàu cá đã lắp đặt VMS của tỉnh Nghệ An là 1.083 chiếc, đạt 93,20%. Số tàu cá chưa thực hiện việc lắp đặt VMS vẫn còn 28 chiếc, chiếm tỷ lệ 2,41%.
Việc chấp hành pháp luật của ngư dân từng bước được nâng cao; ngư dân đã chủ động thông báo trước khi tàu cập, rời cảng cá; ghi, nộp nhật ký khai thác thủy sản theo quy định; hầu hết ngư dân đã chủ động lắp thiết bị VMS. Hiện nay, ngư dân đã chủ động ghi nhật ký khai thác và nộp cho cảng cá khá kịp thời. Cảng cá đã tiếp nhận và kiểm tra các thông tin trong nhật ký khai thác, đảm bảo nhật ký khai thác đầy đủ theo đúng quy định. Năm 2020, thu 5.714 nhật ký khai thác thủy sản; năm 2021 thu 4.327 nhật ký khai thác thủy sản; 9 tháng đầu năm 2022 đã thu 2.246 nhật ký khai thác thủy sản.
Hiện có 04 Tổ công tác Liên ngành được bố trí tại 04 cảng cá, đối với các tàu cá mất kết nối GSHT, sau khi có Thông báo của Chi cục Thủy sản, các Tổ công tác Liên ngành đã phối hợp với Đồn Biên phòng, Chính quyền địa phương làm việc với các chủ tàu cá để xác định nguyên nhân, có biện pháp nhắc nhở và cam kết không tái phạm.
Ngoài ra, công tác truyền thông, tuyên truyền được đẩy mạnh từ tỉnh đến các huyện, thị ven biển. Các cơ quan truyền thông tăng cường thông tin, tuyên truyền cả về số lượng, thời lượng, chất lượng về hoạt động chống khai thác IUU. Trong thời gian qua, đã tổ chức 53 lớp tập huấn với trên 9.090 lượt người tham gia, phát 11.740 tờ rơi. Các Đồn Biên phòng đã tổ chức 274 đợt tuyên truyền trên loa phát thanh của phường/xã; tuyên truyền tập trung tại thôn xóm 378 buổi với 5.630 lượt người tham gia; phát 5.992 tờ rơi. UBND các huyện, thị ven biển đã chỉ đạo UBND các xã/phường tổ chức tuyên truyền vận động đến tận từng Tổ đồng quản lý, Hợp tác xã, Tổ đội sản xuất và đến tận từng hộ dân về chống khai thác IUU.
Song song, lập danh sách theo dõi, quản lý chặt chẽ tàu cá không có Giấy phép khai thác thủy sản, không lắp đặt hoặc có thiết bị VMS nhưng không kích hoạt, vận hành, mất kết nối VMS. Khai thác, vận hành có hiệu quả Hệ thống giám sát tàu cá để theo dõi, kiểm soát hoạt động tàu cá trên biển, kịp thời xử lý các hành vi khai thác IUU. Tập trung hoàn thiện, đầu tư cơ sở hạ tầng nghề cá, hệ thống thông tin quản lý nghề cá trên biển đồng bộ, hiện đại; kiện toàn và nâng cao năng lực cho bộ máy quản lý thủy sản bảo đảm kiểm soát tàu cá ra vào cảng, kiểm soát sản lượng thủy sản bốc dỡ qua cảng theo quy định, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ chống khai thác IUU.
Mặt khác, tiếp tục tuyên truyền, phổ biến pháp luật liên quan đến chống khai thác IUU; kiên quyết xử phạt các hành vi khai thác IUU theo quy định. Thực hiện các biện pháp mạnh, đồng bộ, quyết liệt nhằm chấm dứt hoàn toàn tình trạng tàu cá Nghệ An vi phạm vùng biển nước ngoài. Tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát; gắn trách nhiệm người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp, sở, ban, ngành đặc biệt là cấp cơ sở (xã/phường/thị trấn), kiểm điểm, xử lý nghiêm tổ chức, cá nhân thiếu tinh thần, trách nhiệm trong công tác chống khai thác IUU.
Cùng nỗ lực chỉ đạo thực hiện hàng loạt các biện pháp nhằm khắc phục cảnh báo "Thẻ vàng" của EC, cũng để tháo gỡ khó khăn vướng mắc trong khai thác thủy sản cho bà con ngư dân, UBND tỉnh Nghệ An đã chỉ đạo các Sở, ngành, địa phương triển khai xây dựng "Nghị quyết về chính sách hỗ trợ cho tàu cá khai thác thủy sản vùng khơi trên địa bàn tỉnh Nghệ An" nhằm kịp thời động viên ngư dân yên tâm vươn khơi bám biển, ổn định sản xuất.
Ngọc TúTrong báo cáo cập nhật kinh tế mới nhất về Việt Nam, Standard Chartered dự báo kinh tế Việt Nam sẽ tăng trưởng ở mức vừa phải, lãi suất được duy trì ở mức thấp. GDP của Việt Nam được kỳ vọng sẽ tăng trưởng ở mức 6,8% năm 2024, nhờ xuất khẩu và công nghiệp giữ đà tích cực.