Nghệ An: Thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19

Địa phương
10:08 AM 05/05/2021

Ngày 4/5, UBND tỉnh ban hành công văn hỏa tốc số 2647/UBND về việc tiếp tục thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch bệnh COVID-19 trong tình hình hiện nay.

Thực hiện Công điện số 570/CĐ-TTg ngày 02/5/2021 của Thủ tướng Chính phủ về việc chấn chỉnh, nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống dịch COVID-19 và Công điện số 538/CĐ-BYT ngày 02/5/2021 của Bộ Y tế về việc thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19, tại văn bản này, UBND tỉnh yêu cầu Giám đốc các Sở, Thủ tưởng các ban, ngành, đoàn thể cấp tỉnh. Chủ tịch UBND các huyện, thành phố, thị xã theo chức năng nhiệm vụ được giao thực hiện nghiêm nội dung chỉ đạo tại hai Công điện nêu trên. 

Đồng thời thực hiện nội dung chỉ đạo tại Thông báo số 89/TB-VPCP ngày 01/5/2021 của Văn phòng Chính phủ thông báo kết luận của Thủ tướng Chính phủ. Thông báo số 82/TB-VPCP ngày 29/4/2021 của Văn phòng Chính phủ thông báo kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam, Trưởng Ban chỉ đạo Quốc gia tại cuộc họp Ban chỉ đạo Quốc gia về phòng chống COVID-19. Thông báo số 237-TB/TU ngày 29/4/2021 của Tỉnh uỷ thông báo kết luận của Ban Thường vụ Tỉnh uỷ về tăng cường công tác phòng chống dịch COVID-19 và các văn bản của UBND tỉnh đã ban hành.

Nghệ An: Thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch bệnh Covid-19 trong tình hình hiện nay  - Ảnh 1.

UBND tỉnh Nghệ An.

Trong điều kiện cả nước đang tích cực chuẩn bị cho công tác bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026, để kịp thời chấn chỉnh những bất cập và tăng cường công tác phòng chống dịch, tại Công điện 570/CĐ-TTg ngày 02/5/2021, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các Bộ trưởng, Bí thư, Chủ tịch UBND, Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tiếp tục thực hiện nghiêm các chỉ đạo của Ban Bí thư, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 và các quy định, quy chế về phòng, chống dịch của Bộ Y tế. Mọi trường hợp lơ là, chủ quan, mất cảnh giác, thiếu trách nhiệm, thực hiện không nghiêm các quy định, chỉ đạo về phòng, chống dịch phải được xác định trách nhiệm tập thể và cá nhân để xử lý nghiêm minh theo quy định của Đảng và pháp luật của Nhà nước.

Trên cơ sở bám sát tình hình thực tiễn, kinh nghiệm phòng chống dịch của các nước và các địa phương trong thời gian qua, bám sát chỉ đạo của Ban Bí thư, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 để rà soát, bổ sung, hoàn thiện các quy định hiện hành về phòng, chống dịch COVID-19 theo tinh thần phân cấp, phân quyền tối đa đi đôi với tăng cường kiểm tra, giám sát và cá thể hóa trách nhiệm cho các cấp, các ngành, các địa phương chủ động, sáng tạo, linh hoạt phòng, chống dịch có hiệu quả nhất, đồng thời chịu trách nhiệm về kết quả công tác phòng chống dịch và phát triển kinh tế - xã hội trong tình hình hiện nay.

Các bộ, ngành, địa phương, đặc biệt người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp siết chặt kỷ luật, kỷ cương, nhất là trong công tác quản lý nhập cảnh. Tổ công tác liên ngành gồm 05 Bộ: Y tế, Ngoại giao, Quốc phòng, Công an, Giao thông vận tải tập trung thống nhất xử lý, kiểm soát chặt chẽ việc nhập cảnh của người Việt Nam ở nước ngoài, của các chuyên gia, công nhân kỹ thuật cao nước ngoài.

Bí thư cấp ủy, Chủ tịch UBND, Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể tại địa phương tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý, động viên tập hợp khối đại đoàn kết toàn dân để tập trung cho việc phòng chống dịch hiệu quả. Tuyệt đối không được lơ là, chủ quan, mất cảnh giác để phải trả giá đắt. Mọi sự chủ quan, lơ là, mất cảnh giác sẽ phải trả giá về tính mạng con người, sức khỏe cộng đồng, tiền của, cơ hội phát triển kinh tế - xã hội, trật tự an toàn xã hội và niềm tin, uy tín với nhân dân.

Cấp ủy, chính quyền các cấp, các cơ quan báo chí tăng cường công tác tuyên truyền, không chủ quan, lơ là, mất cảnh giác nhưng cũng không gây tâm lý hoang mang, lo sợ, mất bình tĩnh, nhất là gây mất ổn định và hoảng loạn trong xã hội.

Nhanh chóng tăng cường phối hợp hơn nữa giữa các cơ quan trong công tác phòng chống dịch; luôn tỉnh táo, sáng suốt bám sát thực tế, tích cực, chủ động, sáng tạo, linh hoạt, kịp thời, hiệu quả trong việc xử lý tình huống.

Các lực lượng chức năng trên tuyến đầu chống dịch nêu cao tinh thần trách nhiệm, xả thân, cống hiến vì danh dự, nghĩa vụ thiêng liêng, cao quý, vì lợi ích quốc gia, dân tộc, sức khỏe cộng đồng, vì hạnh phúc của nhân dân. Chính phủ ghi nhận, đánh giá cao và sẽ có hình thức động viên, khen thưởng kịp thời, phù hợp…

Còn tại Công điện số 538/CĐ-BYT ngày 02/5/2021, Bộ Y tế đề nghị các địa phương không tổ chức các hoạt động tập trung đông người không cần thiết (các lễ hội, phố đi bộ, chợ đêm…). Trường hợp tổ chức phải đảm bảo an toàn phòng, chống dịch; thực hiện nghiêm các biện pháp dự phòng theo đúng quy định, đặc biệt phải đeo khẩu trang khi đi ra ngoài và tại nơi công cộng.

Cùng với đó, xem xét chỉ đạo dừng một số dịch vụ không thực sự cần thiết (quán bar, karaoke, vũ trường, game) có nguy cơ cao lây lan dịch COVID-19. Tiếp tục đẩy mạnh truyền thông thực hiện thông điệp 5K (khẩu trang, khoảng cách, không tập trung, khử khuẩn, khai báo y tế) theo hướng dẫn của Bộ Y tế về phòng chống dịch COVID-19.

Tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện đeo khẩu trang, giữ khoảng cách tại các nơi công cộng để phòng chống dịch COVID-19; thực hiện xử phạt nghiêm các trường hợp vi phạm theo quy định.

Minh Tú - Lê Dung
Ý kiến của bạn
Việt Nam thuộc nhóm 15 nước đang phát triển thu hút FDI lớn nhất thế giới Việt Nam thuộc nhóm 15 nước đang phát triển thu hút FDI lớn nhất thế giới

Theo số liệu từ Bộ Kế hoạch và Đầu tư, thu hút vốn FDI cả năm 2024 đạt gần 38,23 tỷ USD, con số này đưa Việt Nam thuộc nhóm 15 nước đang phát triển thu hút FDI lớn nhất thế giới; đặc biệt vốn FDI thực hiện khoảng 25,35 tỷ USD, tăng 9,4%, cao nhất từ trước đến nay. Giá trị thương hiệu quốc gia năm 2024 đạt 507 tỷ USD, xếp thứ 32 thế giới, tăng 1 bậc so với năm 2023.