Nghệ An: Tích cực áp dụng khoa học công nghệ vào sản xuất công nghiệp
Nhờ áp dụng khoa học công nghệ, ứng dụng công nghệ số vào sản xuất, các doanh nghiệp tại Nghệ An đã nâng cao hiệu quả hoạt động, khả năng cạnh tranh và chất lượng dịch vụ.
Sự hình thành và phát triển của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đã mang lại sự phát triển mạnh mẽ của các công nghệ mới, tập trung chủ yếu vào sản xuất thông minh dựa trên các thành tựu đột phá trong công nghệ thông tin, công nghệ sinh học, công nghệ nano... Công nghệ được xem là một trong những "cứu cánh" giúp doanh nghiệp vượt qua nhiều giai đoạn khó khăn.
Những tháng đầu năm 2024, xuất khẩu dệt may phục hồi so với năm ngoái. Tuy nhiên, bên cạnh sự phục hồi về đơn hàng, ngành dệt may vẫn còn một số khó khăn phải đối mặt như rủi ro về chuỗi cung ứng, xu hướng chuyển đổi số, kinh tế tuần hoàn, xanh hóa sản xuất… Để phát triển bền vững không còn cách nào khác là phải dựa trên chuyển đổi số, tăng trưởng xanh.
Theo chia sẻ của ông Trần Văn Hóa - Phó Chủ tịch Công đoàn Công ty cổ phần May Vinatex Hoàng Mai, công ty đã áp dụng những công nghệ tiên tiến, như đưa công nghệ cắt tự động có độ chính xác cao, máy nâng vải, máy trải vải tự động, bàn trải vải băng chuyền, máy dán nhãn tự động và máy cắt vải tự động. Những giải pháp mới cho phòng cắt đã mang lại nhiều lợi ích cho doanh nghiệp may, như tiết kiệm thời gian, nhân lực, tiết kiệm vải và tối ưu chi phí sản xuất. So với trước đây, khi khâu trải vải cần ít nhất 2 nhân công thực hiện thì với máy trải vải tự động, chỉ cần 1 người điều khiển nhưng năng suất lại cao hơn rất nhiều.
Một số doanh nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng cũng ứng dụng công nghệ được nhập khẩu từ các nước châu Âu, tạo ra sản phẩm chất lượng cao. Chẳng hạn, nhờ đổi mới công nghệ mà dấu mốc lớn nhất là Khu Liên hợp sản xuất vật liệu xây dựng tại xã Nghi Văn (Nghi Lộc), Công ty CP Trung Đô trở thành doanh nghiệp hàng đầu cả nước về sản xuất vật liệu xây dựng và doanh nghiệp tiên phong trong sản xuất đá nung kết khổ lớn Slab Stone "made in Việt Nam". Quan điểm của doanh nghiệp là một dây chuyền công nghệ mới thường có chu kỳ nhất định, nên khi đầu tư phải lựa chọn công nghệ mới nhất thì hiệu suất mới tối ưu.
Việc áp dụng khoa học và công nghệ cũng đang được các doanh nghiệp ở nhiều lĩnh vực khác chú trọng để nâng cao năng suất, chất lượng và năng lực cạnh tranh, giúp duy trì đà tăng trưởng, tạo cơ hội phát triển, mở rộng hoạt động sản xuất, kinh doanh. Lĩnh vực khai thác, chế biến khoáng sản đổi mới công nghệ trong hoạt động khai thác, sử dụng công nghệ sản xuất bột đá siêu mịn phủ axit stearic của Tây Ban Nha.
Lĩnh vực chế biến nông, lâm, thủy sản, thực phẩm được đầu tư với công nghệ hiện đại gắn với nông nghiệp công nghệ cao và áp dụng mô hình kinh tế tuần hoàn. Điển hình như: chế biến sữa của TH và Vinamilk; chế biến đường kính, sản xuất thực phẩm của Tập đoàn Massan; chế biến cá hộp của Tập đoàn Royal Foods. Hay lĩnh vực sản xuất và cung cấp điện đã làm chủ công nghệ giám sát điều khiển trạm biến áp và quản lý vận hành hệ thống điện với các giải pháp lưới điện thông minh, thu hút được một số dự án sản xuất thiết bị điện, thiết bị truyền tải.
Dự báo năm 2024 và những năm tới, ngành Công nghiệp gặp nhiều khó khăn, thách thức do ảnh hưởng của suy thoái kinh tế toàn cầu và xung đột giữa các quốc gia, khu vực trên thế giới khiến nhu cầu tiêu dùng giảm và ảnh hưởng đến hoạt động thu hút đầu tư, sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.
Theo Sở Công Thương, để phát triển khoa học, công nghệ trong sản xuất công nghiệp cần tạo điều kiện để doanh nghiệp tiếp cận các nguồn vốn, chuyên gia, các tiến bộ công nghệ từ các nước tiên tiến. Tăng cường hợp tác đào tạo nguồn nhân lực với các công ty, tập đoàn lớn như Samsung; nâng cao tính liên kết giữa các cơ sở đào tạo và doanh nghiệp sản xuất, giữa các doanh nghiệp sản xuất trong nước và nước ngoài…
Ở góc độ quản lý, tiếp tục thu hút các dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài vào các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo (ngành ô tô, cơ khí, giày da, may mặc, điện tử, công nghệ thông tin...); công nghiệp hỗ trợ; năng lượng tái tạo; công nghiệp chế biến sản phẩm gắn với phát triển nông nghiệp, nông thôn; các dự án sử dụng công nghệ hiện đại, thân thiện với môi trường theo danh mục dự án đã ban hành.
Văn QuyềnTừ 11/11/2024, người dân có thể sử dụng tài khoản VNeID để đăng nhập trên ứng dụng iHanoi. Việc tích hợp VNeID lên iHanoi có thể coi là 1 bước tiến lớn khi mang lại nhiều lợi ích hơn tới người dân Thủ đô.