Nghệ An: Tích cực trong phòng, chống mua bán người

Địa phương
10:59 AM 30/10/2020

Đấu tranh phòng chống tội phạm mua bán người là một trong những nhiệm vụ quan trọng được Quốc hội, Chính phủ Việt Nam quan tâm và tập trung chỉ đạo quyết liệt.

Công an huyện Tương Dương thăm và tặng quà nhân dịp tết trung thu 2020 tại bản Nà Bè, xã Xá Lượng

Những năm gần đây, mua bán người đã trở thành một vấn nạn, gây bức xúc trong toàn xã hội, không chỉ ở Việt Nam mà trên phạm vi toàn thế giới. Tình hình tội phạm mua bán người nói chung và mua bán phụ nữ, trẻ em nói riêng diễn biến ngày càng phức tạp; tính chất và thủ đoạn hoạt động ngày càng nghiêm trọng, tinh vi, xảo quyệt; nhiều trường hợp có tổ chức chặt chẽ và có tính xuyên quốc gia.

Trên địa bàn tỉnh Nghệ An, công tác phòng chống mua bán người ngày càng quyết liệt, nhiều vụ được phát hiện và xử lý kịp thời. Địa phương này đã huy động mọi nguồn lực để tập trung làm tốt công tác phòng ngừa, đấu tranh có hiệu quả với loại tội phạm này.

Năm 2016, Cháu bé Moong Thị Tân Mão, ở bản Nà Bè, xã Xá Lượng, huyện Tương Dương từng là nạn nhân của một vụ bắt cóc người bán sang Trung Quốc, khi đó Mão mới 4 tuổi. Lợi dụng không có người trông coi, các đối tượng đã bắt cóc cháu bé bán sang bên kia biên giới làm con nuôi với giá 70 triệu đồng, nhận thông tin mất tích của cháu, sau 20 ngày đêm kiên trì lần theo dấu vết các đối tượng, Ban chuyên án do đồng chí Thượng tá Trần Phúc Tú, Trưởng Công an huyện làm trưởng ban, bằng các biện pháp nghiệp vụ Công an huyện Tương Dương đã giải cứu thành công, đưa cháu bé trở về an toàn và xử lý hình sự 5 đối tượng liên quan. Vụ việc đã làm xôn xao miền Tây xứ Nghệ suốt một thời gian.

NGHỆ AN: TÍCH CỰC TRONG PHÒNG, CHỐNG MUA BÁN NGƯỜI  - Ảnh 1.

Cháu bé Moong Thị Tân Mão, ở bản Nà Bè, xã Xá Lượng từng là nạn nhân của một vụ bắt cóc người bán sang Trung Quốc khi mới 4 tuổi năm 2016, đã được Công an huyện Tương Dương giải cứu. ( Ảnh: Thái Quảng)

Từ sau khi giải cứu thành công cháu bé, đến nay lực lượng Công an huyện Tương Dương vẫn thường xuyên dành sự quan tâm, hỗ trợ về vật chất cũng như tinh thần đối với gia đình cháu Mão. Mới đây, cùng với sự vào cuộc của cấp ủy, chính quyền địa phương, sự chung tay các tổ chức đoàn thể, gia đình cháu Mão đã được cất dựng một ngôi nhà mới để có nơi sinh hoạt ổn định. 

Việc giải cứu thành công cháu bé Tân Mão của lực lượng công an huyện Tương Dương đã tác động tích cực, định hướng rõ nét hơn cho công tác phòng, chống mua bán người của tỉnh Nghệ An. Trong đó kết hợp song song, nhuần nhuyễn giữa đấu tranh và tuyên truyền phòng, ngừa dưới nhiều hình thức đã cho hiệu quả rõ rệt.

Thượng tá Trần Phúc Tú, Trưởng Công an huyện Tương Dương, tỉnh Nghệ An cho biết "Qua tổng kết trong vòng 5,6 năm trở lại đây, những năm bị bán nhiều nhất, nạn nhân bị lừa đi sang Trung Quốc nhiều nhất là những năm 2013, 2014, 2015, giai đoạn sau này hầu như là ít...".

Để quyết liệt đấu tranh với loại tội phạm này, những năm qua, Công an huyện Tương Dương đã mở các đợt cao điểm tấn công loại tội phạm. Mỗi năm Công an huyện phát hiện và xử lý từ 6 đến 10 vụ, có vụ 4 đến 5 đối tượng, có vụ chỉ 1 đến 2 đối tượng, nạn nhân chủ yếu là phụ nữ. Nếu như các năm 2015, 2016 trên địa bàn huyện số nạn nhân bị lừa bán nhiều, thì những năm gần đây đã giảm đi đáng kể.

NGHỆ AN: TÍCH CỰC TRONG PHÒNG, CHỐNG MUA BÁN NGƯỜI  - Ảnh 2.

Công an huyện Tương Dương vẫn thường xuyên dành sự quan tâm, hỗ trợ về vật chất cũng như tinh thần đối với gia đình cháu Mão. ( Ảnh: Thái Quảng)

Năm 2018, các lực lượng Công an Nghệ An đã phát hiện, khởi tố, điều tra 16 vụ, 27 đối tượng, liên quan đến 24 nạn nhân; phối hợp, giải cứu, tiếp nhận 26 nạn nhân; năm 2019 phát hiện, khởi tố, điều tra 18 vụ, 34 đối tượng, liên quan 27 nạn nhân; phối hợp giải cứu, tiếp nhận 23 nạn nhân. Ngoài ra, đã khám phá, bắt, xử lý 2 vụ, 5 đối tượng vì có hành vi tổ chức cho người khác trốn đi nước ngoài mà cụ thể là đưa hai phụ nữ đang mang thai sang Trung Quốc nhằm mua bán bào thai; 9 tháng đầu năm 2020 phát hiện, khởi tố, điều tra 13 vụ, 20 đối tượng, liên quan đến 17 nạn nhân; phối hợp giải cứu, tiếp nhận 19 nạn nhân. Khám phá, bắt, xử lý 2 vụ, 2 đối tượng vì có hành vi đưa 4 phụ nữ sang Trung Quốc để mua bán bào thai hoặc mang thai hộ. Việc đẩy nhanh tiến độ điều tra, truy tố, xét xử, đưa ra xét xử lưu động công khai đã mang lại hiệu quả răn đe các đối tượng có ý đồ và phòng ngừa chung cho xã hội.

Không chỉ riêng ở Nghệ An, hiện nay, ở tất cả các tỉnh trên cả nước, công tác phòng chống mua bán người nhận được sự quan tâm, chỉ đạo đặc biệt, do vậy đã có những chuyển biến tích cực.

Trong 5 năm qua, đã có hơn 3.000 nạn nhân của các vụ mua, bán người được giải cứu. Lực lượng biên phòng đã giải thoát cho hàng nghìn số phận trở về đoàn tụ với gia đình từ nạn mua, bán người. Theo Ban chỉ đạo 138 của Chính phủ, 6 tháng đầu năm 2020, toàn quốc phát hiện 74 vụ, liên quan đến 104 đối tượng, lừa bán 98 nạn nhân. So cùng kỳ năm 2019, giảm 16,85% số vụ, 26,76% số đối tượng và 42,01% số nạn nhân. Lực lượng Công an, Biên phòng khám phá 61 vụ, bắt 79 đối tượng. VKSND các cấp truy tố 34 vụ với 51 bị can. TAND các cấp thụ lý 57 vụ với 92 bị cáo phạm các tội về mua bán người, trong đó tuyên phạt tù có thời hạn đối với 52 bị cáo.

Từ tháng 6/2013 đến tháng 6/2019, các bộ, ngành và tỉnh, thành phố đã tổ chức khoảng 1 triệu cuộc truyền thông cộng đồng với trên 41,5 triệu lượt người tham dự; tổ chức hơn 1.500 lớp tập huấn cho gần 133 nghìn lượt người tham gia; xây dựng 23.000 pano, 68.500 áp phích; cấp phát trên 3 triệu tờ rơi, 730.000 sách mỏng có nội dung về phòng, chống mua bán người. Những số liệu trên cho thấy sự chuyển biến tích cực của Việt Nam trong công tác phòng, chống mua bán người ở Việt Nam trong những năm qua.

NGHỆ AN: TÍCH CỰC TRONG PHÒNG, CHỐNG MUA BÁN NGƯỜI  - Ảnh 3.

CLB Hỗ trợ cộng đồng phòng, chống mua bán người của Hội phụ nữ xã Tam Quang huyện Tương Dương ra đời, phát huy hiệu quả cao, đáng ghi nhận, có sức lan tỏa mạnh ra cộng đồng.

Đấu tranh phòng chống tội phạm mua bán người là một trong những nhiệm vụ quan trọng được Quốc hội, Chính phủ Việt Nam quan tâm và tập trung chỉ đạo quyết liệt. Từ việc hoàn thiện khung pháp lý cho đến tăng cường thực thi pháp luật đều là những tiền đề quan trọng để công tác phòng chống mua bán người phát triển đạt hiệu quả cao. 

Chương trình phòng, chống mua bán người giai đoạn 2016 – 2020 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt cuối năm 2015 là tiền đề quan trọng để công tác phòng chống mua bán người đã được triển khai đồng loạt, rộng khắp trên các tỉnh trong khắp cả nước. Hiện tại, chúng ta đang rà soát, nghiên cứu nhằm xây dựng Chương trình phòng, chống mua bán người giai đoạn tiếp theo 2021-2025 để phù hợp với thực tiễn hiện nay.

Cũng trong năm 2020, Chính phủ cũng đã ban hành Kế hoạch triển khai thỏa thuận toàn cầu về di cư hợp pháp, an toàn và trật tự của Liên Hợp quốc. Trong đó đề ra các giải pháp toàn diện và bao trùm nhằm nâng cao hiệu quả quản lý di cư, bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của người di cư. Điều này thể hiện rõ nét nhất việc Chính phủ Việt Nam chủ trương thúc đẩy di cư hợp pháp, an toàn và trật tự, kiên quyết đấu tranh phòng chống di cư trái phép, mua bán người; sẵn sàng trao đổi, phối hợp với các quốc gia trong khu vực và trên thế giới, để tăng cường hơn nữa hiệu quả hợp tác phòng, chống loại hình tội phạm này. 

Thái Quảng
Ý kiến của bạn
Thực thi ESG là nhiệm vụ cấp bách của ngành ngân hàng Thực thi ESG là nhiệm vụ cấp bách của ngành ngân hàng

Ngành ngân hàng Việt Nam là lĩnh vực có vai trò huyết mạch của nền kinh tế, do vậy việc tiên phong trong thực thi ESG sẽ tạo ra sự thúc đẩy lớn đối với các doanh nghiệp là khách hàng của ngân hàng trong việc thiết lập những chuẩn mực mới về phát triển bền vững.