Nghệ An: Tìm giải pháp thu hút lao động cho các doanh nghiệp, dự án FDI
Mới đây, UBND tỉnh tổ chức hội nghị về tình hình cung - cầu lao động, giải quyết việc làm, giải pháp tháo gỡ khó khăn, thu hút lao động cho các doanh nghiệp, dự án FDI trên địa bàn tỉnh Nghệ An.
Tham dự hội nghị có các đồng chí Tỉnh ủy viên: Bùi Đình Long - Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Đoàn Hồng Vũ - Giám đốc Sở LĐTB&XH cùng chủ trì hội nghị. Và lãnh đạo các sở, ngành liên quan; lãnh đạo UBND và phòng LĐTB&XH các huyện, thành, thị; đại diện các cơ sở giáo dục, đào tạo nghề; các doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng lao động; doanh nghiệp cung ứng lao động.
Trên địa bàn tỉnh hiện nay có 15.536 doanh nghiệp đang hoạt động với gần 350.000 lao động đang làm việc. Trong đó có 260 doanh nghiệp có vốn nhà nước với hơn 25.000 lao động; 164 doanh nghiệp FDI với hơn 49.000 lao động; 15.112 doanh nghiệp ngoài quốc doanh với hơn 276.000 lao động.
Theo thị trường lao động 6 tháng đầu năm 2024 có nhiều tín hiệu khả quan, đến nay cơ bản đã được phục hồi, nhu cầu tuyển dụng của các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh đều tăng cao.
Theo khảo sát sơ bộ của Trung tâm dịch vụ việc làm, trong 6 tháng năm 2024, nhu cầu tuyển dụng lao động ở các doanh nghiệp trong và ngoại tỉnh lớn với 339 doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng 45.049 lao động (trong đó, 258 doanh nghiệp trong tỉnh có nhu cầu tuyển dụng 28.877 lao động; 23 doanh nghiệp ngoài tỉnh có nhu cầu tuyển 7.066 lao động).
Báo cáo từ Ban quản lý Khu kinh tế Đông Nam: Năm 2024 và những năm tiếp theo, trong khu kinh tế (KKT), các khu công nghiệp (KCN) có thêm nhiều doanh nghiệp FDI có quy mô sản xuất lớn và sử dụng nhiều lao động sẽ đi vào hoạt động (như: Luxshare-ICT Nghệ An 1 - xưởng số 2, Luxshare Nghệ An 2, Goertek Vina, Everwin, JuTeng, Sunny, Shandong, Runergy, Foxconn, Radiant, Hoa Lợi, Tân Việt, Thiên Năng ...).
Vì vậy nhu cầu tuyển dụng lao động tăng cao. Theo kết quả khảo sát của Ban quản lý KKT Đông Nam đối với các doanh nghiệp trong KKT, các KCN Nghệ An, nhu cầu tuyển dụng lao động 6 tháng cuối năm 2024 và năm 2025 tiếp tục tăng cao, trong đó 6 tháng cuối năm 2024 có nhu cầu tuyển dụng lao động trên 29.945 người, năm 2025 có nhu cầu tuyển dụng trên 40.000 lao động.
Ngoài ra, dự báo nhu cầu sử dụng lao động của những năm tiếp theo, giai đoạn từ năm 2025 - 2029, chỉ tính riêng các dự án trọng điểm (FDI) trong KKT, các KCN có nhu cầu đăng ký sử dụng khoảng 98.701 lao động, chủ Tại hội nghị, đại diện các doanh nghiệp cho biết về nhu cầu và những khó khăn trong tuyển dụng lao động.
Theo lãnh đạo Công ty TNHH Luxshare – ICT Nghệ An, đầu năm 2024, doanh nghiệp gặp khó khăn về tuyển dụng lao động do mở rộng quy mô và có những đơn hàng yêu cầu gấp về tiến độ. Công ty cũng đã thông qua nhiều phương thức tuyển dụng nhưng mỗi ngày chỉ nhận được 60-90 người lao động đến nộp hồ sơ. Doanh nghiệp đề nghị tỉnh có giải pháp để khuyến khích, vận động những lao động từng làm việc ở nước ngoài có thể trở về nước làm việc cho các doanh nghiệp FDI trên địa bàn.
Về phía doanh nghiệp có kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng và giữ chân người lao động bằng tiền lương, môi trường làm việc và điều kiện ăn ở. Đồng thời bày tỏ mong muốn các cấp chính quyền, các ngành, nhà đầu tư hạ tầng công nghiệp VSIP Nghệ An quan tâm đầu tư hạ tầng như nhà trẻ, siêu thị, trường học xung quanh khu công nghiệp, hạ tầng giao thông.
Lãnh đạo Công ty TNHH công nghệ Everwin cho biết, bắt đầu từ tháng 6 năm nay, công ty chính thức đi vào hoạt động, song rất khó tuyển dụng những kỹ sư lành nghề có kỹ thuật cao tại Nghệ An. Do đó trong giai đoạn đầu công ty đang tập trung tuyển dụng lao động nước ngoài để đáp ứng yêu cầu của công ty.
Sau khi đi vào hoạt động khoảng 2 năm, công ty sẽ tuyển dụng và đào tạo lao động địa phương vào làm việc. Theo kế hoạch, đến cuối năm 2024, công ty phải tuyển dụng được 4.000 lao động và đến năm 2026 tuyển dụng được 8.000 lao động. Do đó, việc tuyển dụng lao động đối với công ty rất là áp lực.
Hiện đang đầu tư 3 nhà máy sản xuất tại KCN Hoàng Mai I, huyện Quỳnh Lưu và KCN WHA Nghệ An, đại diện Tập đoàn Hoa Lợi cho hay đến năm 2025, nhu cầu tuyển dụng lao động của tập đoàn cho 3 nhà máy là 25.000 lao động. Chia sẻ kinh nghiệm trong việc tuyển dụng lao động trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa - địa phương có nhiều nhà máy sản xuất của Tập đoàn, theo đại diện Tập đoàn Hoa Lợi cần phải khảo sát tình hình để xem có phải hơn 1 triệu người trong độ tuổi lao động trên địa bàn tỉnh chưa có việc làm và thuộc vùng miền nào để từ đó có kế hoạch tuyển dụng; đồng thời có giải pháp để vận động những lao động đang làm việc ở ngoại tỉnh về làm việc cho các doanh nghiệp trên địa bàn.
Phía doanh nghiệp gặp khó khăn trong công tác tuyển dụng, thu hút lao động, đặc biệt là lao động có tay nghề, lao động chất lượng cao thì ở góc độ của người lao động địa phương, thu nhập cũng như các điều kiện về an sinh xã hội cho người lao động tại các KCN nếu chưa đảm bảo... là nguyên nhân dẫn đến việc các doanh nghiệp trên địa bàn không đủ sức thu hút người lao động vào làm việc tại đây.
Phân tích từ nhu cầu cụ thể về thực trạng, những thuận lợi, khó khăn, các đại biểu cũng đã đưa ra những giải pháp để giải quyết bài toán về tuyển dụng lao động trước mắt và lâu dài.
Đồng chí Bùi Đình Long - Phó Chủ tịch UBND tỉnh cho biết lãnh đạo tỉnh rất trăn trở và quan tâm đến những khó khăn mà doanh nghiệp gặp phải, trong đó có việc tuyển dụng lao động. Lãnh đạo tỉnh cam kết sẽ đồng hành, hỗ trợ doanh nghiệp để có đủ lao động đáp ứng vận hành của các nhà máy sản xuất đi vào hoạt động, phát triển.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh giao Sở LĐTB&XH chủ trì trong công tác dự báo, thu thập, phân tích và kết nối thông tin cung - cầu lao động đáp ứng kịp thời xu thế của thị trường lao động. Cùng với đó phối hợp với các Sở, ngành, đơn vị thực hiện tốt công tác thông tin tuyên truyền; thực hiện tốt công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động dịch vụ việc làm trên địa bàn tỉnh; làm tốt công tác quản lý lao động.
Mặt khác, ban Quản lý KKT Đông Nam theo dõi nhu cầu tuyển dụng lao động của doanh nghiệp để dự báo được tình hình, từ đó chủ động kết nối cung cầu lao động. Đồng thời, tham mưu, đề xuất các cấp có thẩm quyền xây dựng khu nhà ở cho công nhân, các cơ sở giáo dục, các thiết chế văn hóa cho người lao động trong KKT, các KCN.
Liên đoàn Lao động tỉnh nắm bắt nhu cầu sử dụng lao động của các doanh nghiệp; đồng thời nắm bắt được tâm lý, nguyện vọng của lao động địa phương để từ đó có giải pháp thúc đẩy cung – cầu lao động tốt hơn. Chính quyền địa phương cấp huyện chỉ đạo điều tra, thống kê, nắm chắc tình hình nguồn lực lao động trên địa bàn, từ đó có kế hoạch phát triển nhà ở theo quy định; vận động, thuyết phục để người lao động có định hướng đúng trong lựa chọn vào làm việc tại doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị triển khai hoạt động sản xuất đúng quy định pháp luật, ổn định; có giải pháp tăng thu nhập cho người lao động cao hơn hoặc bằng các khu vực ngoại tỉnh; quan tâm đến chính sách an sinh xã hội cho người lao động. Đồng thời phối hợp với các cơ sở đào tạo, giáo dục nghề nghiệp để đáp ứng yêu cầu về lao động có trình độ tay nghề cao.
Các cơ sở đào tạo, giáo dục nghề nghiệp chủ động, tăng cường liên kết hợp tác với các doanh nghiệp đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng nhu cầu thị trường lao động. Các doanh nghiệp hoạt động dịch vụ việc làm chủ động khai thác nguồn lao động trong và ngoài tỉnh; kết nối giới thiệu việc làm, cung ứng lao động cho doanh nghiệp có nhu cầu trên địa bàn tỉnh; thực hiện đúng các quy định về hoạt động dịch vụ việc làm.
Minh TúSáng 21/01, Tạp chí Doanh nghiệp và Tiếp thị đã tổ chức Hội nghị tổng kết hoạt động năm 2024, triển khai nhiệm vụ năm 2025.