Nghệ An: Tổ chức Hội nghị thông báo kết quả Hội nghị lần thứ 6 Ban chấp hành Trung ương Đảng

Địa phương
11:29 PM 20/10/2022

Ngày 20/10, Ban Thường vụ Tỉnh ủy tổ chức Hội nghị trực tuyến để thông báo nhanh kết quả Hội nghị lần thứ 6 Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII. Đồng chí Nguyễn Đức Trung – Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh trực tiếp báo cáo.

Nghệ An: Tổ chức Hội nghị thông báo kết quả Hội nghị lần thứ 6 Ban chấp hành Trung ương Đảng - Ảnh 1.

Đại biểu tham dự hội nghị

Tham dự hội nghị có các đồng chí: Nguyễn Văn Thông – Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy; các đồng chí trong Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh; lãnh đạo các Sở, ngành, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội; Ban Thường vụ các Đảng ủy trực thuộc; Tổng biên tập các cơ quan báo chí; báo cáo viên Tỉnh ủy.

Tại hội nghị, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Đức Trung đã thông tin đến các đại biểu các nội dung Hội nghị lần thứ 6 Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII.  Theo đó, Hội nghị lần thứ 6 Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII làm việc từ ngày 3-9/10/2022 đã họp bàn, cho ý kiến về nhiều nội dung quan trọng, như: Báo cáo tình hình kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước năm 2022, dự kiến Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023, kế hoạch tài chính ngân sách nhà nước 3 năm 2023 - 2025, phương án điều chỉnh tiền lương, lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội và trợ cấp ưu đãi người có công trong năm 2023; định hướng quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050; tiếp tục đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới; tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 khoá X về tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng đối với hệ thống chính trị; công tác cán bộ...

Nghệ An: Tổ chức Hội nghị thông báo kết quả Hội nghị lần thứ 6 Ban chấp hành Trung ương Đảng - Ảnh 2.

Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Đức Trung thông tin kết quả Hội nghị lần thứ 6, Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII

Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã thảo luận và thống nhất ban hành Kết luận về kinh tế - xã hội năm 2022 – 2023. Đánh giá năm 2022, tình hình thế giới có nhiều biến động nhanh, phức tạp, khó lường, nhiều vấn đề mới phát sinh chưa có tiền lệ, khó khăn hơn so với dự báo tại thời điểm xây dựng Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022. Cạnh tranh chiến lược nước lớn ngày càng gay gắt; xu hướng tăng lãi suất, thu hẹp chính sách tiền tệ, tài khoá dẫn đến suy giảm tăng trưởng kinh tế toàn cầu; rủi ro tài chính, tiền tệ gia tăng; nguy cơ mất ổn định an ninh năng lượng, an ninh lương thực ngày càng hiện hữu... Trong nước, áp lực lạm phát tăng cao; giá xăng, dầu, nguyên, vật liệu, các yếu tố đầu vào biến động mạnh, ảnh hưởng lớn đến nhiều ngành, lĩnh vực; trong khi đó, dịch bệnh, thiên tai, bão lũ diễn biến phức tạp, gây nhiều khó khăn, thiệt hại cho sản xuất và đời sống.

Từ những kết quả đạt được và hạn chế, khó khăn, Ban Chấp hành Trung ương Đảng xác định nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu những tháng cuối năm 2022. Mục tiêu tiếp tục ưu tiên giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế. Kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19 và các dịch bệnh mới phát sinh. Đẩy mạnh cơ cấu lại, nâng cao năng lực nội tại, tính tự chủ, khả năng chống chịu và thích ứng của nền kinh tế; củng cố, phát triển các động lực tăng trưởng mới. Quyết liệt và đẩy nhanh tiến độ thực hiện các đột phá chiến lược, Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, 3 Chương trình mục tiêu quốc gia. Tập trung xây dựng, hoàn thiện thể chế, pháp luật; nâng cao hiệu lực, hiệu quả chỉ đạo điều hành và thực thi pháp luật; đẩy mạnh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí… Tiếp tục ưu tiên giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế. Phấn đấu tăng trưởng kinh tế năm 2023 đạt khoảng 6,5%, tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân khoảng 4,5%.

Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã thảo luận, thống nhất cao về sự cần thiết phải ban hành và tổ chức thực hiện thật tốt Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Ban Chấp hành Trung ương Đảng khẳng định đây là nhiệm vụ chính trị rất quan trọng có ý nghĩa chiến lược, cơ bản, lâu dài, nhưng cũng là vấn đề rất rộng lớn, rất mới, rất khó, rất nhạy cảm và chưa có tiền lệ. Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã thống nhất ban hành Kết luận về định hướng Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050; giao Bộ Chính trị chỉ đạo Ban cán sự đảng Chính phủ căn cứ ý kiến thảo luận của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, báo cáo tiếp thu, giải trình của Bộ Chính trị hoàn chỉnh định hướng Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 để trình Quốc hội khoá XV xem xét, quyết định.

Nghệ An: Tổ chức Hội nghị thông báo kết quả Hội nghị lần thứ 6 Ban chấp hành Trung ương Đảng - Ảnh 3.

Hội nghị được kết nối trực tuyến tới 115 điểm cầu với sự tham gia của 2.800 đại biểu ở cấp huyện và xã

Tại Hội nghị, Ban Chấp hành Trung ương Đảng cũng đã thảo luận và thống nhất ban hành Nghị quyết về tiếp tục đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Phấn đấu hoàn thành các tiêu chí của nước công nghiệp, trở thành nước đang phát triển, có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao, đời sống mọi mặt của nhân dân được nâng cao. Xây dựng được nền công nghiệp quốc gia hiện đại, vững mạnh, từng bước làm chủ được công nghệ lõi, công nghệ nền của các ngành công nghiệp nền tảng, công nghiệp ưu tiên; nông nghiệp phát triển nhanh, bền vững theo hướng sinh thái, ứng dụng mạnh mẽ khoa học, công nghệ tiên tiến…. Đặt ra mục tiêu đến năm 2030: Tốc độ tăng trưởng GDP bình quân khoảng 7%/năm; GDP bình quân đầu người theo giá hiện hành đạt khoảng 7.500 USD. Tầm nhìn đến năm 2045: Việt Nam hoàn thành quá trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá; trở thành nước phát triển, có thu nhập cao, xã hội văn minh, phồn vinh, hạnh phúc.

Ban Chấp hành Trung ương Đảng cũng đã thảo luận và thống nhất ban hành Nghị quyết về tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới. Thảo luận và thống nhất ban hành Nghị quyết về tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo, cầm quyền của Đảng đối với hệ thống chính trị trong giai đoạn mới.

Thái Quảng
Ý kiến của bạn
Hơn 56% doanh nghiệp Nhật Bản muốn mở rộng kinh doanh tại Việt Nam trong 1- 2 năm tới Hơn 56% doanh nghiệp Nhật Bản muốn mở rộng kinh doanh tại Việt Nam trong 1- 2 năm tới

Theo khảo sát thực trạng doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư tại nước ngoài cho năm tài chính 2024, do Tổ chức Xúc tiến Thương mại Nhật Bản (JETRO) thực hiện, có đến 56,1% số doanh nghiệp được khảo sát trả lời sẽ “mở rộng” kinh doanh trong 1-2 năm tới.