Nghệ An: Tổng kết 5 năm thi hành Luật Đấu giá tài sản năm 2016

Địa phương
09:52 AM 24/09/2022

Mới đây, UBND tỉnh tổ chức Hội nghị tổng kết 5 năm thi hành Luật Đấu giá tài sản năm 2016. Ông Lê Hồng Vinh - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh chủ trì hội nghị.

Với hơn 5 năm triển khai thực hiện tại tỉnh Nghệ An, Luật Đấu giá tài sản đã đi vào cuộc sống, góp phần vào việc thực hiện chủ trương cải cách tư pháp nói chung, cải cách lĩnh vực bổ trợ nói riêng, thúc đẩy xã hội hóa hoạt động đấu giá tài sản; phù hợp với định hướng của Đảng tại Nghị quyết số 49 ngày 02/6/2005 về "Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020".

Nghệ An: Tổng kết 5 năm thi hành Luật Đấu giá tài sản năm 2016 - Ảnh 1.

Quang cảnh buổi làm việc

Lập tức, UBND tỉnh ban hành các văn bản chỉ đạo điều hành, hướng dẫn nhằm đảm bảo cho hoạt động đấu giá tài sản trên địa bàn tỉnh ổn định, theo đúng các quy định của pháp luật. Việc chỉ đạo lựa chọn áp dụng hình thức đấu giá bằng bỏ phiếu gián tiếp để đấu giá quyền sử dụng đất đảm bảo tính công khai, minh bạch, đảm bảo an ninh, trật tự; tăng thu ngân sách nhà nước; giảm thiểu đơn thư khiếu nại tố cáo của người dân, doanh nghiệp liên quan đến hoạt động đấu giá.

Song song, công tác tuyên truyền Luật và các văn bản hướng dẫn thi hành được tổ chức dưới nhiều hình thức đa dạng, phù hợp với điều kiện thực tiễn; góp phần nâng cao nhận thức của cán bộ, công chức, cũng như người dân về pháp luật đấu giá tài sản.

Chất lượng hoạt động của các tổ chức đấu giá tài sản và đội ngũ đấu giá viên ngày càng nâng cao. Tính đến hết tháng 12/2021, trên địa bàn tỉnh có 43 đấu giá viên đang hành nghề tại 23 tổ chức đấu giá tài sản. So với thời điểm trước khi Luật Đấu giá tài sản có hiệu lực thi hành số lượng tổ chức đấu giá tài sản đã tăng lên 9 tổ chức. Tổng giá khởi điểm của tài sản đấu giá trong 5 năm là gần 13 nghìn tỷ đồng, số tiền chênh lệch giữa giá trúng đấu giá và giá khởi điểm tăng 33%.

Cùng các sở, ngành, địa phương với vai trò là người có tài sản đấu giá đã thực hiện lựa chọn tổ chức đấu giá tài sản, ký kết và thực hiện Hợp đồng dịch vụ đấu giá theo quy định; phối hợp chặt chẽ với các tổ chức đấu giá tài sản để giám sát cuộc đấu giá đảm bảo đúng trình tự, thủ tục và phê duyệt công nhận kết quả trúng đấu giá, thanh toán thù lao dịch vụ đấu giá, chi phí đấu giá đảm bảo theo đúng quy định; an ninh trật tự được đảm bảo.

Nghệ An: Tổng kết 5 năm thi hành Luật Đấu giá tài sản năm 2016 - Ảnh 2.

Ông Nguyễn Công Hoan - Phó Giám đốc Sở Tư pháp trình bày báo cáo tổng kết 05 năm thi hành Luật Đấu giá tài sản năm 2016

Ngoài ra, tổ chức đấu giá chủ yếu tập trung ở thành phố Vinh và tại số ít các huyện có điều kiện kinh tế - xã hội phát triển hơn. Quy mô của các doanh nghiệp đấu giá còn nhỏ, tính chuyên nghiệp trong việc xử lý những tình huống phát sinh phức tạp chưa cao. Vẫn còn tình trạng cạnh tranh không lành mạnh giữa các tổ chức đấu giá. 

Còn có hiện tượng các hội, nhóm tự phát ở các địa bàn trong và ngoài tỉnh liên kết tham gia đấu giá, trả giá cao để trúng nhiều lô đất, làm khuấy nhiễu thị trường để bán lại kiếm lời; tình trạng đấu giá đất cao tạo thị trường bất động sản sốt ảo, không phản ánh đúng thực chất cung cầu; người dân có nhu cầu sử dụng đất thực sự rất khó để trúng đấu giá quyền sử dụng đất để sử dụng; lãng phí tài nguyên đất do nhiều người trúng đấu giá nhưng không có nhu cầu sử dụng mà chỉ chờ giá tăng để chuyển nhượng kiếm lời…

Tại hội nghị, đại diện các sở, ngành, UBND các huyện, thị đã trình bày tham luận về kết quả công tác quản lý nhà nước về đấu giá quyền sử dụng đất trên địa bàn tỉnh; công tác đấu giá tài sản công; đấu giá quyền sử dụng đất để thực hiện dự án đầu tư; đấu giá tài sản thi hành án...

Đề nghị UBND tỉnh rà soát, kiên quyết thu hồi các khu đất được giao, cho thuê nhưng chậm tiến độ, sử dụng đất không hiệu quả; bố trí nguồn vốn để chủ động tạo quỹ đất sạch, trong đó có vốn để bồi thường, giải phóng mặt bằng; có cơ chế tài chính trong đấu giá quyền sử dụng đất; trong đó, sau khi đấu giá thành công trích lại tỷ lệ % cho đơn vị tổ chức thực hiện việc đấu giá quyền sử dụng đất để đơn vị chủ động trong công tác khai thác, đấu giá quyền sử dụng đất...

Ông Lê Hồng Vinh – Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh đánh giá cao những kết quả đã đạt được trong thực hiện Luật Đấu giá tài sản 2016 thời gian qua; đồng thời, chỉ ra những tồn tại, hạn chế cần khắc phục trong thời gian tới. Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh đề nghị Sở Tư pháp, các Sở, ban, ngành cấp tỉnh, UBND các huyện, thành phố, thị xã; các tổ chức đấu giá tài sản, đấu giá viên tiếp tục phát huy những kết quả đạt được, đánh giá và rút kinh nghiệm một cách nghiêm túc các tồn tại hạn chế đã nêu ra.

Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh đề nghị cần tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến sâu rộng Luật Đấu giá và các văn bản pháp luật có liên quan nhằm nâng cao nhận thức của người dân, tổ chức. Tổng hợp những vướng mắc, bất cập về các quy định pháp luật để đề nghị cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung trong thời gian tới.

Các đơn vị có tài sản cần tập trung tốt khâu lựa chọn tổ chức đấu giá tài sản, lựa chọn được đơn vị thực hiện cuộc đấu giá có uy tín, năng lực, đảm bảo cuộc đấu giá được công khai, khách quan, minh bạch, có hiệu quả cao; thực hiện tốt quyền và nghĩa vụ của người có tài sản, đặc biệt nâng cao vai trò trong việc giám sát hoạt động đấu giá tài sản.

Tất cả các tổ chức đấu giá, đấu giá viên không ngừng rèn luyện nâng cao chuyên môn nghiệp vụ, tuân thủ đạo đức nghề nghiệp; thực hiện việc đấu giá theo đúng trình tự, thủ tục pháp luật quy định; không vi phạm các điều cấm đã được quy định trong Luật đấu giá tài sản; đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị đảm bảo cho hoạt động đấu giá tài sản, giám sát việc tuân thủ pháp luật của đấu giá viên, nhân viên của tổ chức mình; kịp thời phản ánh, kiến nghị xử lý các hành vi vi phạm pháp luật về đấu giá tài sản.

Nghệ An: Tổng kết 5 năm thi hành Luật Đấu giá tài sản năm 2016 - Ảnh 3.

Ông Lê Hồng Vinh - Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh phát biểu

Mặt khác, phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh cũng đề nghị Sở Tư pháp kịp thời nắm bắt các khó khăn, vướng mắc trong tổ chức thực hiện từ các đơn vị để hướng dẫn hoặc tham mưu kịp thời; chủ động, tích cực tham mưu UBND tỉnh các giải pháp nhằm nâng cao hơn nữa hiệu quả đấu giá trên địa bàn tỉnh. Giải quyết kịp thời các thủ tục hành chính trong lĩnh vực đấu giá tài sản đảm bảo về thời gian, đúng quy định pháp luật. Tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát, xử lý nghiêm các vi phạm và đề xuất các giải pháp phòng ngừa, hạn chế hành vi vi phạm pháp luật trong các lĩnh vực đấu giá.

Ngọc Tú
Ý kiến của bạn
Tổng nhu cầu vốn ngành năng lượng khoảng hơn 4.000 nghìn tỷ đồng Tổng nhu cầu vốn ngành năng lượng khoảng hơn 4.000 nghìn tỷ đồng

Theo Kế hoạch thực hiện Quy hoạch tổng thể về năng lượng quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, tổng nhu cầu vốn đầu tư của ngành năng lượng toàn giai đoạn 2021 - 2030 cần khoảng 4.133 - 4.808 nghìn tỷ đồng.