Nghệ An: Triển khai các công trình, dự án quan trọng quốc gia
Chiều 16/11, Văn phòng Chính phủ tổ chức Phiên họp thứ 3 của Ban Chỉ đạo Nhà nước các công trình, dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành Giao thông vận tải
Tại điểm cầu Nghệ An. Đồng chí Lê Hồng Vinh - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh tham dự tại điểm cầu Chính phủ. Tại điểm cầu Nghệ An, đồng chí Hoàng Phú Hiền – Giám đốc Sở Giao thông vận tải chủ trì. Tham dự hội nghị có lãnh đạo Văn phòng UBND tỉnh, Sở TN&MT, Sở Công thương, Điện lực Nghệ An.
Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ - Trưởng Ban Chỉ đạo, các bộ, ngành, địa phương và các cơ quan liên quan đã tích cực tổ chức triển khai, tập trung tháo gỡ các khó khăn vướng mắc, phối hợp chặt chẽ để giải quyết các công việc theo thẩm quyền. Đồng thời, Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định số 1316/QĐ-TTg ngày 02/11/2022 kiện toàn chức danh Phó trưởng Ban Chỉ đạo, bổ sung 06 Ủy viên Ban Chỉ đạo và bổ sung 07 dự án vào danh sách các các công trình, dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành GTVT nâng tổng số các công trình, dự án thuộc Ban Chỉ đạo lên 70 dự án, dự án thành phần (63 dự án đường bộ, 05 dự án đường sắt, 02 dự án cảng hàng không), đi qua 40 tỉnh, thành phố.
Mặ khác, đối với dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017 - 2020 (dài 652km), so với phiên họp lần thứ 2, tổng giá trị khối lượng xây lắp hoàn thành đến ngày 12/11/2022 tăng 5,8%, lũy kế đạt 55,8% giá trị hợp đồng. Đối với 04 dự án hoàn thành năm 2022, sau khi phát động phong trào thi đua "120 ngày đêm", các đơn vị đã nỗ lực huy động tăng cường thiết bị, nhân lực, tăng ca, tăng kíp. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của các cơn bão số 4, số 5 cũng như điều kiện thời tiết trong khu vực dự án còn mưa nhiều nên công tác tổ chức thi công gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là công tác đắp đất và thảm bê tông nhựa, một số đoạn địa chất phức tạp, chưa tắt lún để dỡ tải, thi công các lớp kết cấu áo đường dẫn đến chưa bù được khối lượng bị chậm, sản lượng chưa đạt được như kỳ vọng.
Ngoài ra, Bộ GTVT đã thường xuyên kiểm tra hiện trường để đôn đốc; yêu cầu các đơn vị có phương án khắc phục các khó khăn, quyết tâm, nỗ lực để hoàn thành đưa đoạn Cam Lộ - La Sơn vào khai thác và thông xe kỹ thuật các đoạn Mai Sơn - QL45, Vĩnh Hảo - Phan Thiết, Phan Thiết - Dầu Giây theo đúng kế hoạch. Các dự án đang trong giai đoạn thi công mặt đường và hoàn thiện nên yêu cầu các nhà thầu phải tập trung nguồn lực tài chính bảo đảm đủ nguồn vật tư, nhiên liệu phục vụ thi công.
Đối với dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 - 2025 (dài 721,2 km), Bộ GTVT phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu với tổng số 25 gói thầu xây lắp; đã hoàn thành thẩm định, phê duyệt thiết kế kỹ thuật và dự toán 12 gói thầu khởi công, dự kiến sẽ chuyển hồ sơ để Kiểm toán nhà nước thực hiện kiểm toán trước ngày 20/11/2022; đồng thời thực hiện các thủ tục lựa chọn nhà thầu xong trước ngày 20/12/2022 để khởi công 12 gói thầu vào cuối năm 2022. Với các gói thầu còn lại, đang khẩn trương hoàn thiện các thủ tục phê duyệt thiết kế, dự toán để khởi công vào quý I năm 2023.
Do đó đến nay, các địa phương đã cơ bản hoàn thành công tác đo đạc tại thực địa, kiểm kê tài sản trên đất; đã phê duyệt phương án bồi thường được 1.702/6.006 ha đạt 28%; giải ngân đạt được 2.219/7.194 tỷ đồng vốn bố trí năm 2022 đạt 31%. Công tác giải phóng mặt bằng đã được các địa phương tích cực triển khai, tuy nhiên tại một số địa phương còn chậm, cần phải nỗ lực, tập trung, đẩy nhanh tiến độ; một số địa phương có tỷ lệ phê duyệt phương án bồi thường, giải ngân còn thấp.
Dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông, đoạn qua địa bàn tỉnh Nghệ An được triển khai từ tháng 6/2019. Với tầm quan trọng của dự án, thời gian qua, Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã chỉ đạo các sở, ban ngành và địa phương huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc quyết liệt, tập trung ưu tiên thực hiện công tác bồi thường, hỗ trợ và tái định cư. Đến nay, đã giải phóng mặt bằng được khoảng 87,76/87,84Km, đạt 99,91%, còn lại 85m chưa hoàn thành; hạ tầng kỹ thuật đang còn 01 đường ống nước D800 thị xã Hoàng Mai; 6 vị trí đường điện cao thế và 6 vị trí đường điện trung hạ thế chưa di dời xong.
Tại hội nghị, Bộ GTVT đã báo cáo tổng hợp tiến độ các dự án, dự án thành phần; các thành viên Ban Chỉ đạo là lãnh đạo các Bộ, ngành, địa phương thông tin về tình hình triển khai các công trình, dự án; đặc biệt phản ánh những khó khăn, vướng mắc, làm ảnh hưởng đến tiến độ, cần giải quyết. Trong đó, khối lượng công việc cần triển khai của các dự án là rất lớn, trong khi tiến độ triển khai gấp đồng thời nhiều dự án, liên quan đến nhiều bộ, ngành, địa phương nên tiến độ thực hiện các dự án còn chậm so với yêu cầu. Việc triển khai công tác giải phóng mặt bằng của các địa phương gặp nhiều khó khăn, vướng mắc như điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất; xác định giá đất, giá bồi thường cây trồng; lập phương án di dời công trình hạ tầng kỹ thuật; xây dựng khu tái định cư… làm ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện. Các địa phương còn lúng túng trong việc triển khai dự án giải phóng mặt bằng (được tách thành dự án riêng) do chưa có các quy định, hướng dẫn về nội dung, trình tự lập, thẩm định, phê duyệt dự án. Mặc dù Quốc hội, Chính phủ đã cho phép áp dụng các cơ chế đặc thù trong khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường, tuy nhiên các địa phương còn lúng túng trong việc thực hiện các thủ tục đối với các mỏ đất khai thác mới, bãi đổ thải phục vụ thi công.
Kết luận phiên họp, đồng chí Phạm Minh Chính – Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương thay đổi cách nghĩ, cách làm, cách tổ chức thực hiện; tăng cường trách nhiệm, kỷ luật, kỷ cương, đề nghị Văn phòng Chính phủ theo dõi tiến độ thực hiện của các Bộ, ngành, địa phương. Tăng cường đẩy mạnh đầu tư công, sản xuất kinh doanh, hỗ trợ an sinh xã hội – xác định đây là nhiệm vụ chính trị quan trọng. Rà soát lại các thủ tục đầu tư; tăng cường công tác kiểm tra trực tiếp tại công trường, kịp thời đôn đốc các đơn vị thi công đẩy nhanh tiến độ và tuân thủ đảm bảo chất lượng các công trình.
Đồng thời, hoàn thành dứt điểm các tồn tại về công tác giải phóng mặt bằng, di dời công trình hạ tầng kỹ thuật đối với các dự án đang triển khai thi công; đẩy nhanh tiến độ lập, phê duyệt phương án bồi thường, lập dự án và xây dựng hạ tầng các khu tái định cư, di dời các công trình hạ tầng kỹ thuật; đẩy nhanh thủ tục lập, thẩm định, đấu thầu lựa chọn nhà thầu để khởi công dự án theo kế hoạch; tăng cường công tác hướng dẫn, kiểm tra, giám sát và đôn đốc các cơ quan, địa phương trong quá trình thực hiện; khẩn trương lập, thẩm định, phê duyệt dự án đầu tư theo đúng các mốc tiến độ yêu cầu của Chính phủ đối với các dự án thành phần được giao làm cơ quan chủ quản; chủ động phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, địa phương để giải quyết khó khăn về vật liệu và công tác giải phóng mặt bằng.
Ngọc Tú
Bộ Giao thông vận tải ban hành Thông tư số 33/2024/TT-BGTVT quy định về quản lý giá dịch vụ sử dụng phà được đầu tư từ nguồn vốn ngân sách Nhà nước, do trung ương quản lý.