Nghệ An: Triển khai các nhiệm vụ phân quyền, phân cấp trong lĩnh vực xuất nhập khẩu
Thực hiện chỉ đạo của Bộ Công Thương về phân quyền, phân cấp trong lĩnh vực xuất nhập khẩu, UBND tỉnh Nghệ An đã giao Sở Công Thương chủ trì triển khai 23 nhiệm vụ quan trọng, nhằm tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước và đẩy mạnh cải cách hành chính tại địa phương.

Văn bản số 6507/UBND-KT về việc thực hiện các nhiệm vụ phân quyền, phân cấp trong lĩnh vực xuất nhập khẩu.
Theo Công văn của Bộ Công Thương, việc phân cấp, phân quyền lần này căn cứ theo quy định tại Nghị định số 146/2025/NĐ-CP và Thông tư số 38/2025/TT-BCT, tập trung vào hai nhóm nhiệm vụ chính: 05 nhiệm vụ được phân quyền từ thẩm quyền của Bộ Công Thương sang UBND cấp tỉnh và 18 nhiệm vụ được phân cấp từ Bộ, cơ quan ngang Bộ cho UBND các tỉnh, thành phố.
Đối với nhóm 05 nhiệm vụ phân quyền, UBND tỉnh sẽ có thẩm quyền thực hiện các nội dung quan trọng như: Cấp Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa (C/O); chấp thuận cho thương nhân tự chứng nhận xuất xứ hàng hóa xuất khẩu; cấp phép quá cảnh hàng hóa thuộc danh mục cấm xuất, nhập khẩu hoặc tạm ngừng xuất, nhập khẩu; gia hạn thời gian quá cảnh; cấp phép nhập khẩu, tạm nhập tái xuất, tạm xuất tái nhập đối với các phương tiện bay không người lái và thiết bị liên quan.
Đáng chú ý, nhóm 18 nhiệm vụ phân cấp còn mở rộng phạm vi trách nhiệm của UBND tỉnh trong các hoạt động như: cấp phép nhập khẩu hàng hóa liên quan đến quốc phòng, an ninh; cấp, thu hồi Giấy chứng nhận lưu hành tự do (CFS); điều tiết kinh doanh tạm nhập, tái xuất; cấp phép kinh doanh chuyển khẩu, tạm xuất tái nhập; xác nhận điều kiện kho bãi thực phẩm đông lạnh; cấp phép cho thương nhân ký hợp đồng đại lý xuất khẩu theo giấy phép; xác nhận hạn ngạch thuế quan đối với một số mặt hàng theo hiệp định thương mại; cấp chứng thư xuất khẩu cho hàng dệt may sang Mê-hi-cô…
Trước yêu cầu triển khai các nhiệm vụ phân cấp, UBND tỉnh Nghệ An yêu cầu Sở Công Thương đánh giá năng lực hiện có, bố trí cán bộ phù hợp, đảm bảo có đủ trình độ chuyên môn về kinh tế, thương mại, đồng thời chủ động phối hợp với các sở, ngành trong việc đào tạo, tập huấn cán bộ theo chương trình của Bộ Công Thương.
Cùng với đó, Nghệ An cũng sẽ tập trung đầu tư hạ tầng công nghệ thông tin, nâng cấp hệ thống thiết bị, đường truyền, nhằm bảo đảm việc cấp giấy phép, xử lý hồ sơ trực tuyến nhanh chóng, minh bạch, tiện lợi cho doanh nghiệp. Việc này đặc biệt quan trọng trong bối cảnh Nghệ An đang đẩy mạnh cải cách hành chính, hướng tới chính quyền số, kinh tế số và xã hội số.
Sở Công Thương được giao trách nhiệm xây dựng quy trình xử lý hồ sơ và cấp phép, đảm bảo công khai, rõ ràng, rút ngắn thời gian, đồng thời thành lập bộ phận chuyên trách để tiếp nhận, giải quyết các thủ tục xuất nhập khẩu theo các nhiệm vụ mới được giao. Ngoài ra, việc chia sẻ dữ liệu, kết nối hệ thống giữa UBND tỉnh và Bộ Công Thương cũng được đẩy mạnh, giúp nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước, kịp thời nắm bắt và giải quyết các khó khăn, vướng mắc phát sinh trong quá trình thực hiện.
Bên cạnh đó, UBND tỉnh cũng chỉ đạo các sở, ngành, địa phương tích cực tuyên truyền tới cộng đồng doanh nghiệp về những nội dung phân cấp, phân quyền mới, nhằm hỗ trợ họ tiếp cận nhanh chóng các thủ tục hành chính tại địa phương, giảm bớt chi phí và thời gian khi không phải thực hiện qua Trung ương như trước.
Việc triển khai đồng bộ các nhiệm vụ phân quyền, phân cấp trong lĩnh vực xuất nhập khẩu là bước đi cụ thể hóa chủ trương của Chính phủ trong việc "phân quyền đi đôi với phân trách nhiệm", tăng cường tính chủ động cho địa phương, góp phần cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh. Đây cũng là điều kiện thuận lợi để Nghệ An tiếp tục phát triển xuất khẩu bền vững, mở rộng thị trường, đặc biệt là trong giai đoạn hội nhập sâu rộng và yêu cầu chuyển đổi số mạnh mẽ trong lĩnh vực thương mại quốc tế hiện nay.
Thái Quảng
Ngành Du lịch Việt Nam đã và đang triển khai nhiều giải pháp, tăng tốc phát triển du lịch từ đầu năm, hướng đến mục tiêu đạt doanh thu triệu tỷ đồng.