Nghệ An: Triển khai công tác ứng phó với cơn bão số 6

Địa phương
10:06 PM 25/10/2024

Chiều 25/10, Bộ NN&PTNT tổ chức Hội nghị trực tuyến với các địa phương từ Quảng Ninh đến Bình Thuận triển khai công tác ứng phó với cơn bão số 6.

Cùng chủ trì hội nghị có: Ông Lê Minh Hoan - Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT; ông Nguyễn Hoàng Hiệp – Thứ trưởng Bộ NN&PTNT.

Tại điểm cầu Nghệ An, ông Phùng Thành Vinh – Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở NN&PTNT chủ trì hội nghị. Tham dự hội nghị có các thành viên Ban Chỉ huy PCTT-TKCN và Phòng thủ dân sự tỉnh; lãnh đạo các đơn vị có liên quan.

Nghệ An: Triển khai công tác ứng phó với cơn bão số 6- Ảnh 1.

Quang cảnh hội nghị tại điểm cầu Nghệ An

Nghệ An: Triển khai công tác ứng phó với cơn bão số 6- Ảnh 2.

Giám đốc Sở NN&PTNT Phùng Thành Vinh chủ trì tại điểm cầu Nghệ An

Vào hồi 13 giờ ngày 25/10, vị trí tâm bão ở vào khoảng 17,6 độ Vĩ Bắc; 117,3 độ Kinh Đông, trên vùng biển phía Đông của khu vực Bắc Biển Đông, cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 560km về phía Đông Đông Bắc. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 10 (89-102km/h), giật cấp 12. Di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, tốc độ 15-20km/h. Cảnh báo: Từ 72 đến 120 giờ tiếp theo, bão di chuyển chủ yếu theo hướng Đông mỗi giờ đi được 5-10km, cường độ tiếp tục suy yếu thêm.

Nghệ An: Triển khai công tác ứng phó với cơn bão số 6- Ảnh 3.

Bộ NN&PTNT tổ chức hội nghị trực tuyến với các địa phương ven biển từ Quảng Ninh đến Bình Thuận

Đại diện Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn quốc gia cho biết: Đánh giá sơ bộ ban đầu mưa tập trung từ ngày 26 đến 29/10, nhiều nơi có mưa rất to với lượng mưa lên đến 200-300mm. Từ chiều tối và đêm 26/10 đến 28/10, ở khu vực Quảng Trị đến Quảng Ngãi có mưa to đến rất to với tổng lượng mưa phổ biến từ 300-500mm, cục bộ có nơi trên 700mm. Cảnh báo nguy cơ có mưa cục bộ cường suất lớn (>100mm/3h). Khu vực Hà Tĩnh - Quảng Bình, Bình Định và Bắc Tây Nguyên có mưa to, cục bộ có nơi mưa rất to với tổng lượng mưa phổ biến từ 100-200mm, có nơi trên 300mm. Khu vực ngập đô thị có nguy cơ xảy ra tại Đà Nẵng và Thừa Thiên Huế.

Tại hội nghị, lãnh đạo các địa phương: Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Quảng Nam... cùng lãnh đạo các Bộ, ngành liên quan đã báo cáo công tác ứng phó với cơn bão số 6.

Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Hoàng Hiệp cho biết, mặc dù là cơn bão số 6 nhưng đây là cơn bão đầu tiên dự báo vào miền Trung trong năm 2024 và được dự báo gây ra mưa lớn có khả năng xảy ra tình trạng ngập lụt giống với năm 2020. Theo nhận định gió trên biển rất mạnh, khi đi vào đất liền có thể yếu đi nhưng có thời gian quần thảo khá lâu. Do đó, các tỉnh ven biển cần phải quan tâm đến vấn đề sạt lở bờ biển. Các địa phương cần thông tin tuyên truyền đến người dân nhanh nhất, chính xác và nhiều nhất có thể về tình hình và hướng đi của cơn bão.

Bộ Quốc phòng cần có phương án kêu gọi tàu thuyền tránh trú bão an toàn. Các địa phương có thể ra lệnh cấm biển dài hơn để đảm bảo an toàn tuyệt đối cho ngư dân và tàu thuyền. Những khu vực nuôi trồng thủy sản tính toán để tiến hành thu hoạch, giảm bớt thiệt hại; đồng thời tiến hành thu hoạch lúa với phương châm “xanh nhà hơn già đồng”. Cùng với đó, thực hiện chằng chéo nhà cửa, kê cao tài sản... Đây cũng là khu vực xảy ra sạt lở nhiều nên cần phải chủ động rà soát các điểm có nguy cơ sạt lở và có phương án di dân phù hợp, đảm bảo an toàn.

Bộ Công thương chỉ đạo việc vận hành liên hồ chứa thủy điện đảm bảo an toàn. Bộ Giao thông vận tải tính toán để không xảy ra vấn đề chia cắt về giao thông ở khu vực này.

Phát biểu kết luận hội nghị, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan nhấn mạnh: Nhìn lại cơn bão số 3, chúng ta không thể chủ quan, lơ là trong một khâu nào mà phải chủ động và có các phương án phòng chống, ứng phó cao nhất trước cơn bão. Không chỉ các địa phương ven biển, các địa phương khác cũng cần phải hết sức tập trung chủ động để có kịch bản ứng phó với cơn bão hiệu quả trong mọi tình huống không để bất ngờ, bị động, bởi ảnh hưởng của cơn bão có thể gây nên thiệt hại rất lớn, khó lường được hết.

Tại Nghệ An, trước diễn biến của bão số 6, UBND tỉnh, Văn phòng thường trực Ban Chỉ huy PCTT-TKCN và PTDS tỉnh đã ban hành các Công điện gửi các địa phương, đơn vị liên quan để chủ động ứng phó.

Theo báo cáo của Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh, Nghệ An hiện có 2.833 phương tiện, 13.638 lao động trực tiếp đánh bắt hải sản. Hiện không có phương tiện nằm trong vùng nguy hiểm. Tất cả các phương tiện đang hoạt động trên biển đã nhận được thông báo về vị trí, hướng di chuyển của bão số 6.

Hiện tỉnh đang chỉ đạo tăng cường kiểm tra việc neo đậu tàu thuyền tại khu neo đậu, bảo đảm an toàn cho phương tiện, tàu thuyền khi bão đổ bộ. Tổ chức vận hành an toàn các hồ chứa thủy điện, có phương án bảo vệ cây trồng, vật nuôi trước khi bão kèm theo mưa lớn đổ bộ.

Hiện tại, tổng diện tích nuôi trồng thủy sản của tỉnh là 20.208 ha. UBND tỉnh đã chỉ đạo tuyệt đối không để người dân ở trên lồng bè khi có bão, mưa lũ. Trong thời gian vừa qua, Nghệ An đã xảy ra mưa lớn cục bộ tại một số địa phương nên khi mưa lớn tiếp tục xảy ra thì nguy cơ sạt lở là rất lớn; hiện nay các địa phương đã xây dựng các kịch bản để ứng phó.

Thái Quảng
Ý kiến của bạn