Nghệ An: Triển khai đồng bộ, hiệu quả Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế xã hội

Địa phương
09:19 AM 27/04/2022

Mới đây, UBND tỉnh tổ chức phiên họp thường kỳ tháng 4/2022 để nghe tình hình thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội tháng 4, triển khai nhiệm vụ tháng 5/2022

Lãnh đạo các sở, ngành tỉnh Nghệ An đã tập trung phân tích rõ những khó khăn trong thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của lĩnh vực ngành phụ trách. Trong đó, vấn đề thiếu hụt lao động tại các doanh nghiệp; khó thu hút các dự án tại một số khu công nghiệp do liên quan đến hạ tầng; dịch bệnh trên cây trồng vật nuôi... được các đại biểu cho nhiều ý kiến.

Nghệ An: Triển khai đồng bộ, hiệu quả Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế xã hội - Ảnh 1.

Quang cảnh phiên họp

Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Đức Trung nhấn mạnh, với việc bình thường hóa các hoạt động của đời sống, sản xuất kinh doanh trước tình hình dịch bệnh, các lĩnh vực phát triển kinh tế - xã hội cơ bản đều có sự phục hồi, tăng trưởng tích cực, nhất là về chỉ số phát triển công nghiệp, thu hút đầu tư, thu ngân sách; dịch vụ, du lịch. Các lĩnh vực văn hóa xã hội được quan tâm chỉ đạo.

Trong tháng 4, các đồng chí lãnh đạo tỉnh cũng đã làm việc với Ban Kinh tế Trung ương về việc tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết 26; tiếp cận với các nhà đầu tư chiến lược để triển khai các dự án đầu tư, gỡ nút thắt về hạ tầng cảng nước sâu và nâng cấp, mở rộng cảng hàng không quốc tế Vinh.

Ngoài ra, Chủ tịch UBND tỉnh cũng đánh giá cao lực lượng công an, quân sự đã nỗ lực để đảm bảo ổn định tình hình an ninh trật tự trên địa bàn, tạo môi trường thuận lợi thực hiện các hoạt động sản xuất, kinh doanh, đời sống dân sinh trên địa bàn.

Nhiệm vụ giải pháp trong tháng 5, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu các ngành, các cấp tập trung vào 7 nhóm nhiệm vụ. Cụ thể, tiếp tục quan tâm đến việc triển khai các biện pháp phòng chống dịch, nhất là triển khai công tác tiêm chủng vắc xin, hoàn thành tiêm mũi 3 cho các đối tượng trên 18 tuổi; triển khai tiêm mũi 1 cho trẻ em từ 5-12 tuổi đảm bảo an toàn. Ngành Y tế cần chuẩn bị phương án dự phòng để ứng phó với tình huống dịch có thể xảy ra như xuất hiện chủng mới, mức độ lây lan nhanh hơn, nguy hiểm hơn; tuyệt đối không được chủ quan.

Nghệ An: Triển khai đồng bộ, hiệu quả Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế xã hội - Ảnh 2.

Đồng chí Hoàng Nghĩa Hiễu - Phó chủ tịch tỉnh phát biểu tại phiên họp

Giao Sở KH&ĐT tiếp tục rà soát, hoàn thiện Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 để trình Ban Thường vụ Tỉnh ủy; lấy ý kiến của các Bộ, ngành, các chuyên gia. Phối hợp với Ủy ban MTTQ để lấy ý kiến rộng rãi của người dân. Cùng với đó, phối hợp với Văn phòng Tỉnh ủy để chủ động triển khai tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết 26 của Bộ Chính trị. Triển khai hướng dẫn các thủ tục thực hiện dự án đầu tư kinh doanh; tham mưu ban hành trình tự, thủ tục thực hiện các dự án trên địa bàn tỉnh (ban hành sổ tay), sửa đổi quy chế xử lý các dự án chậm tiến độ và tham mưu kế hoạch, danh mục các dự án kiểm tra về tiến độ thực hiện đầu tư trên địa bàn.

Sở NN&PTNT chỉ đạo sản xuất nông nghiệp đảm bảo đúng thời vụ; đảm bảo nguồn tưới tiêu cho sản xuất; triển khai các biện pháp phòng chống dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi; tham mưu ngay giải pháp tháo gỡ khó khăn cho lĩnh vực thủy sản.

Về ngành Công thương tiếp tục theo dõi hoạt động sản xuất công nghiệp; có giải pháp tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp; đeo bám Quy hoạch điện VIII để bổ sung các dự án phát triển điện năng vào quy hoạch; đảm bảo nguồn điện sản xuất và sinh hoạt trong mùa hè..

Ban quản lý khu kinh tế Đông Nam tiếp tục quan tâm đến việc phê duyệt chủ trương 2 khu công nghiệp Thọ Lộc và Hoàng Mai 2; rà soát, hoàn chỉnh hồ sơ điều chỉnh dự án đầu tư cảng nước sâu, phối hợp với Sở GTVT để lập đề xuất chủ trương đầu tư. Rà soát các nội dung đã thỏa thuận với các nhà đầu tư kinh doanh hạ tầng trên địa bàn để đồng hành trong công tác thu hút đầu tư; phối hợp với Sở Lao động, Thương binh và Xã hội để nắm chắc tình hình quan hệ lao động trong khu công nghiệp để kịp thời xử lý, giải quyết những vấn đề phát sinh liên quan đến quan hệ lao động; phối hợp để khởi công dự án JuTeng vào trung tuần tháng 5.

Công tác giải ngân vốn đầu tư công, theo Chủ tịch UBND tỉnh trong thời điểm đầu năm, thời tiết rất thuận lợi để đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án, nhất là các công trình trọng điểm. Chủ tịch UBND tỉnh giao Sở Kế hoạch và Đầu tư tham mưu cho Tổ công tác hoặc UBND tỉnh tăng cường làm việc với các chủ đầu tư, kiểm tra đột xuất về tình hình triển khai dự án để làm sao phấn đấu giải ngân 100% kế hoạch vốn đầu tư công năm 2022 được giao.

Nghệ An: Triển khai đồng bộ, hiệu quả Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế xã hội - Ảnh 3.

Đồng chí Nguyễn Đức Trung - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì phiên họp

Lĩnh vực văn hóa, giáo dục, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu tiếp tục đảm bảo an toàn cho học sinh khi học tập tại trường; tổ chức tốt các kỳ thi tốt nghiệp năm học 2021-2022; tham mưu chương trình đổi mới sách giáo khoa lớp 3, lớp 7, lớp 10; tổ chức tốt Lễ hội làng Sen, chương trình Người mẹ Làng Sen; tổ chức các hoạt động kỷ niệm 132 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, 120 năm ngày sinh đồng chí Phan Đăng Lưu... Cùng với đó, triển khai các biện pháp phòng, chống đuối nước và tai nạn, thương tích ở trẻ em; kiểm tra, đôn đốc triển khai thực hiện chính sách hỗ trợ người lao động; tổ chức đối thoại giữa đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh với người lao động...

Ở lĩnh vực quản lý nhà nước, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu các ngành, các địa phương tiếp tục thực hiện tốt công tác cải cách hành chính. Trong đó, các ngành tập trung rà soát, cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính, nhất là 6 sở, ngành đã được UBND tỉnh giao thực hiện tại Kế hoạch số 247/KH-UBND ngày 19/4/2022; tích hợp dịch vụ công trực tuyến thuộc thẩm quyền giải quyết lên Cổng dịch vụ công quốc gia. Tiếp tục đôn đốc việc sắp xếp các đơn vị sự nghiệp công lập; triển khai các nhiệm vụ trọng tâm trong thực hiện chuyển đổi số trên địa bàn.

Về công tác đảm bảo quốc phòng, an ninh, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu tập trung chỉ đạo bảo đảm an ninh, trật tự xã hội, nhất là các dịp Lễ 30/4 - 01/5, 19/5... Đồng thời, làm tốt công tác chuẩn bị cho diễn tập khu vực phòng thủ, phòng thủ dân sự cấp tỉnh, huyện.

Ngọc Tú
Ý kiến của bạn
Tổng nhu cầu vốn ngành năng lượng khoảng hơn 4.000 nghìn tỷ đồng Tổng nhu cầu vốn ngành năng lượng khoảng hơn 4.000 nghìn tỷ đồng

Theo Kế hoạch thực hiện Quy hoạch tổng thể về năng lượng quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, tổng nhu cầu vốn đầu tư của ngành năng lượng toàn giai đoạn 2021 - 2030 cần khoảng 4.133 - 4.808 nghìn tỷ đồng.