Nghệ An: Triển khai Quy hoạch lâm nghiệp quốc gia thời kỳ 2021-2030 tầm nhìn đến năm 2050
Mới đây, Sở NN&PTNT tổ chức Hội nghị triển khai Quy hoạch lâm nghiệp quốc gia thời kỳ 2021-2030 tầm nhìn đến năm 2025 trên địa bàn tỉnh Nghệ An.
Tham gia có đồng chí Nguyễn Văn Đệ - Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh dự và chỉ đạo hội nghị. Cùng các đồng chí: Phùng Thành Vinh - Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở NN&PTNT; Nguyễn Danh Hùng - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT cùng chủ trì hội nghị.
Ngoài ra còn có đồng chí Trần Quang Bảo - Cục trưởng Cục Lâm nghiệp, Bộ NN&PTNT; lãnh đạo các Sở, ngành liên quan; lãnh đạo UBND, phòng Nông nghiệp, Ban Quản lý rừng phòng hộ, Hạt kiểm lâm các huyện; các chuyên gia phát triển lâm nghiệp; các doanh nghiệp chế biến và sản xuất lâm nghiệp; lãnh đạo Sở NN&PTNT qua các thời kỳ.
Theo đó, ngày 24/8/2024, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 895/QĐ-TTg phê duyệt Quy hoạch lâm nghiệp quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 theo quy định của Luật Lâm nghiệp và Luật Quy hoạch.
Quy hoạch được phê duyệt đã tạo hành lang pháp lý để các địa phương xây dựng các chương trình, đề án, kế hoạch, cơ chế, chính sách phát triển, từ đó tạo thành phong trào thi đua sôi nổi, góp phần thiết thực vào việc thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển ngành lâm nghiệp theo đúng định hướng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Đặc biệt, Quy hoạch lâm nghiệp quốc gia đã đảm bảo phù hợp với chỉ tiêu Quy hoạch sử dụng đất quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 326/QĐ-TTg ngày 09/3/2022.
Trong đó, tổng diện tích đất lâm nghiệp trên địa bàn tỉnh đến 2030 được quy hoạch 1.148.476 ha (gồm: 171.062 ha rừng đặc dụng; 370.405 ha rừng phòng hộ; 607.009 ha rừng sản xuất).
Mặt khác, mục tiêu triển khai thực hiện quy hoạch là xây dựng ngành lâm nghiệp của Nghệ An trở thành một ngành kinh tế, kỹ thuật trên cơ sở thiết lập, quản lý, bảo vệ, phát triển và sử dụng bền vững tài nguyên rừng và đất lâm nghiệp. Đảm bảo sự tham gia rộng rãi, bình đẳng của các tổ chức, cá nhân trong hoạt động lâm nghiệp, huy động các nguồn lực xã hội. Nhanh chóng phát huy tối đa các tiềm năng, vai trò và giá trị của rừng để phát triển bền vững. Từ đó, đóng góp ngày càng tăng vào quá trình phát triển kinh tế - xã hội, bảo vệ môi trường, bảo tồn tài nguyên thiên nhiên, đa dạng sinh học và ứng phó với biến đổi khí hậu.
Để đạt mục tiêu đề ra, nhiệm vụ, giải pháp được ngành NN&PTNT xác định đó là tiếp tục rà soát và hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật; cơ chế, chính sách phát triển sản xuất theo chuỗi. Thực hiện chính sách giao rừng cho hộ gia đình, cá nhân và cộng đồng dân cư để phát huy hiệu quả kinh tế, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống cho người dân miền núi.
Về đầu tư, tài chính: Nhà nước đảm bảo ngân sách cho hoạt động bảo vệ, phát triển rừng đặc dụng, phòng hộ, rừng tự nhiên và các hoạt động điều tra, kiểm kê, phát triển giống cây lâm nghiệp. Khuyến khích, huy động các nguồn vốn hợp pháp tham gia đầu tư bảo vệ, phát triển rừng.
Tăng cường nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao các tiến bộ khoa học, kỹ thuật trong các hoạt động của ngành lâm nghiệp, như: Công tác quản lý, bảo vệ rừng, bảo tồn thiên nhiên, đa dạng sinh học trong các hệ sinh thái rừng, phát triển rừng, chế biến và thương mại lâm sản.
Xây dựng và thực hiện các chương trình, kế hoạch, đề án đào tạo, phát triển nguồn nhân lực. Tập trung đào tạo, đào tạo lại, nâng cao năng lực cho cán bộ; Nâng cao năng lực và cơ sở vật chất kỹ thuật, trang thiết bị cho công tác đào tạo lâm nghiệp.
Đẩy mạnh nâng cao nhận thức của xã hội về trách nhiệm quản lý, bảo vệ rừng. Tăng cường tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về bảo vệ và phát triển rừng, nâng cao ý thức bảo vệ rừng của người dân.
Bên cạnh đó, cần tăng cường hội nhập kinh tế quốc tế về lâm nghiệp, tham gia tích cực thực hiện các sáng kiến quốc tế mới về lâm nghiệp, tài chính khí hậu và chủ động hợp tác chặt chẽ với các thể chế tài chính đa phương (WB, ADB, GEF, GCF), đối tác phát triển, tổ chức lâm nghiệp quốc tế mà Việt Nam đã tham gia.
Các chuyên gia, doanh nghiệp, nhà quản lý cũng đã đưa ra một số giải pháp để thực hiện tốt công tác bảo vệ và phát triển rừng, phát triển kinh tế lâm nghiệp Nghệ An trong giai đoạn tới. Trong đó đề cấp đến góc nhìn kinh tế lâm nghiệp ở góc độ nguồn lực địa phương và quy hoạch lâm nghiệp quốc gia; giải pháp phát triển ngành chế biến gỗ và lâm sản ngoài gỗ ở Nghệ An; phát triển nguồn nhân lực bảo vệ và phát triển rừng; giải pháp ứng dụng công nghệ số cho ngành lâm nghiệp.
Để triển khai thực hiện có hiệu quả Quy hoạch lâm nghiệp trên địa bàn tỉnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Đệ yêu cầu các cấp, các ngành, đơn vị có liên quan cần tập trung duy trì diện tích rừng tự nhiên hiện có, tăng cường các biện pháp tuần tra, giám sát để bảo vệ và quản lý rừng bền vững.
Phát triển rừng trồng chất lượng cao cần tập trung vào các giống cây lâm nghiệp có giá trị kinh tế cao và phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng địa phương, xây dựng chuỗi liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm lâm nghiệp, thúc đẩy phát triển lâm nghiệp gắn với chế biến sâu. Thực hiện việc phục hồi rừng và bảo tồn đa dạng sinh học; phát triển kinh tế dưới tán rừng.
Nâng cao năng lực và ý thức cộng đồng trong việc bảo vệ và phát triển rừng thông qua công tác tập huấn, tuyên truyền, nhất là quan tâm xây dựng các cơ chế hỗ trợ sinh kế cho người dân sống gần rừng, đặc biệt là các hộ nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số. Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh việc ứng dụng khoa học công nghệ và số hóa ngành lâm nghiệp.
Nhân dịp này, thay mặt lãnh đạo tỉnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Đệ gửi lời chúc mừng tốt đẹp nhất đến cán bộ, công chức, viên chức, người lao động đã và đang làm việc trong lĩnh vực lâm nghiệp nhân kỷ niệm 65 năm ngày Lâm nghiệp Việt Nam (28/11/1959 - 28/11/2024).
Minh TúĐà Nẵng, Phú Quốc dẫn đầu top điểm đến được ưa chuộng dịp Tết Ất Tỵ 2025 với nhiều trải nghiệm đặc sắc thuyết phục du khách chọn “ăn tết” xa nhà hoặc tận hưởng năm mới theo cách riêng.