Nghệ An: Triển khai quyết liệt, hiệu quả các biện pháp ứng phó và khắc phục hậu quả thiên tai
Mới đây, UBND tỉnh Nghệ An ban hành Công điện số 27/CĐ-UBND yêu cầu Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai - Tìm kiếm cứu nạn và Phòng thủ dân sự (PCTT-TKCN&PTDS) tỉnh chủ động phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai trong thời gian tới. Giám đốc các Sở, Chủ tịch UBND các huyện, thành, thị tiếp tục chủ động tập trung chỉ đạo, tổ chức theo dõi chặt chẽ diễn biến thiên tai, chủ động triển khai quyết liệt, kịp thời, hiệu quả các biện pháp ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai.
- Nghệ An: Chủ động triển khai công việc 6 tháng cuối năm đảm bảo chất lượng và tiến độ
- Nghệ An: Ban Chỉ đạo Cải cách hành chính tỉnh sơ kết 6 tháng đầu năm 2024
- Bí thư Tỉnh ủy Nghệ An dự cuộc làm việc của Tiểu ban Kinh tế - Xã hội chuẩn bị Đại hội XIV của Đảng
- Đại hội Đại biểu Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Nghệ An lần thứ XV, nhiệm kỳ 2024-2029.
Theo đó, UBND tỉnh Nghệ An yêu cầu chủ tịch UBND các huyện, thành phố, thị xã chủ động, tập trung hơn nữa trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức triển khai công tác phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai trên địa bàn theo phương châm "bốn tại chỗ" để bảo đảm an toàn tính mạng, giảm thiểu thiệt hại về tài sản của nhân dân và nhà nước. Khẩn trương rà soát, hoàn thiện phương án ứng phó đối với từng loại hình thiên tai có thể xảy ra trên địa bàn, nhất là phương án ứng phó bão, lũ lụt, sạt lở đất, lũ quét; xác định các khu vực trọng điểm xung yếu để chủ động xây dựng kịch bản bố trí lực lượng, phương tiện sẵn sàng ứng phó, cứu hộ cứu nạn khi có tình huống xảy ra.
Tất cả các địa phương chỉ đạo tổ chức giám sát, kiểm tra, đôn đốc công tác chuẩn bị phòng, chống thiên tai, cứu hộ cứu nạn trước mùa mưa lũ và trước khi xảy ra bão, lũ theo quy định. Tổ chức rà soát, xác định các khu vực có nguy cơ xảy ra sạt lở đất, lũ quét, khu vực bị ngập sâu ven sông, suối để chủ động tổ chức di dời người, tài sản ra khỏi khu vực nguy hiểm; đối với những nơi chưa có điều kiện để di dời ngay phải có phương án chủ động sơ tán khi có tình huống thiên tai để bảo đảm an toàn tính mạng, tài sản cho người dân.
Nhanh chóng triển khai các biện pháp đảm bảo an toàn đối với các công trình đang trong quá trình thi công, nhất là công trình đê điều, hồ đập, các công trình xung yếu. Chủ động bố trí ngân sách địa phương (bao gồm cả dự phòng ngân sách địa phương và các nguồn vốn hợp pháp khác) để triển khai công tác phòng, chống, khắc phục kịp thời hậu quả thiên tai theo quy định với phương châm tuyệt đối không để người dân thiếu chỗ ở, thiếu đói hoặc các vật dụng thiết yếu khác, không để xảy ra bệnh dịch, ô nhiễm môi trường nghiêm trọng sau bão, mưa lũ, ngập lụt, không để ảnh hưởng lớn đến việc học hành của các cháu học sinh.
Đề nghị Giám đốc Đài Khí tượng Thủy văn khu vực Bắc Trung Bộ tổ chức dự báo, cảnh báo mưa lũ, sạt lở đất, lũ quét, cung cấp đầy đủ, kịp thời thông tin dự báo, cảnh báo cho các cơ quan chức năng và địa phương theo đúng quy định để phục vụ công tác chỉ đạo, ứng phó hiệu quả với mưa lũ.
Ngoài ra, Giám đốc Sở NN&PTNT theo chức năng, nhiệm vụ được giao phối hợp các địa phương, đơn vị chỉ đạo, tham mưu vận hành an toàn các hồ thủy lợi, thủy điện, bảo đảm tuyệt đối an toàn cho công trình, góp phần cắt giảm lũ cho hạ du, khai thác hiệu quả nguồn tài nguyên nước. Chỉ đạo triển khai công tác bảo đảm an toàn cho hệ thống đê điều và công trình thủy lợi, nhất là các trọng điểm đê điều xung yếu, hồ đập thủy lợi bị hư hỏng, xuống cấp, công trình đê kè đang thi công dở dang; bảo đảm an toàn tàu thuyền hoạt động thủy sản, bảo vệ sản xuất nông nghiệp.
Cùng giám đốc Sở Công Thương phối hợp các địa phương, đơn vị chỉ đạo công tác đảm bảo an toàn cho sản xuất công nghiệp, hệ thống điện, hồ thủy điện; kịp thời khắc phục sự cố, bảo đảm cấp điện an toàn cho sản xuất và sinh hoạt của nhân dân.
Mặt khác, giám đốc Sở GTVT chỉ đạo các cơ quan, đơn vị chức năng tiếp tục phối hợp với các lực lượng có liên quan và các địa phương chủ động triển khai công tác bảo đảm an toàn giao thông (kể cả trên biển, trên sông, đường bộ, đường sắt, đường hàng không) khi có tình huống thiên tai, hỗ trợ địa phương kịp thời khắc phục các tuyến giao thông bị sạt lở, chia cắt, nhất là trên các tuyến quốc lộ, các trục giao thông chính.
Chỉ huy trưởng các Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh; Giám đốc Công an tỉnh chỉ đạo các đơn vị rà soát, chuẩn bị sẵn sàng lực lượng, phương tiện, trang thiết bị phù hợp để hỗ trợ các địa phương ứng phó với các tình huống thiên tai và tổ chức cứu hộ, cứu nạn kịp thời, hiệu quả khi có yêu cầu.
Đài Phát thanh Truyền hình tỉnh, Báo Nghệ An, các cơ quan thông tấn báo chí tiếp tục làm tốt công tác truyền thông, hướng dẫn người dân các kỹ năng ứng phó, hạn chế rủi ro khi xảy ra thiên tai; đưa tin kịp thời, chính xác về diễn biến và công tác chỉ đạo phòng, chống thiên tai.
Yêu cầu giám đốc các Sở, Thủ trưởng các ngành theo chức năng quản lý nhà nước được giao chủ động chỉ đạo, phối hợp với các địa phương, đơn vị liên quan triển khai kịp thời công tác ứng phó và khắc phục hậu quả mưa lũ.
Ban Chỉ huy PCTT-TKCN&PTDS tỉnh tổ chức trực ban theo dõi chặt chẽ tình hình thiên tai, chủ động chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc các địa phương triển khai công tác phòng, chống, khắc phục hậu quả, hạn chế thiệt hại do thiên tai; kịp thời tổng hợp thiệt hại, báo cáo, đề xuất UBND tỉnh chỉ đạo, xử lý những vấn đề vượt thẩm quyền.
Minh TúSáng 21/01, Tạp chí Doanh nghiệp và Tiếp thị đã tổ chức Hội nghị tổng kết hoạt động năm 2024, triển khai nhiệm vụ năm 2025.