Nghệ An: Tuyên truyền, vận động nông dân thực hiện chuyển đổi số trong sản xuất, kinh doanh
Với nhiệm vụ tuyên truyền, vận động nông dân thực hiện chuyển đổi số trong sản xuất, kinh doanh, mới đây UBND tỉnh Nghệ An tổ chức Hội nghị sơ kết Chương trình phối hợp giữa UBND tỉnh và Hội Nông dân tỉnh năm 2021; triển khai nội dung phối hợp năm 2022.
Tham dự có các đồng chí Hoàng Nghĩa Hiếu - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An; Nguyễn Quang Tùng - Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh cùng chủ trì hội nghị. Tham dự hội nghị còn có lãnh đạo các ban, sở, ngành, đơn vị liên quan.
Năm 2021, thực hiện Chương trình phối hợp giữa UBND tỉnh và Hội Nông dân tỉnh, hai bên đã thực hiện các chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội, thực hiện mục tiêu xóa đói giảm nghèo, làm giàu chính đáng.
Hội Nông dân tỉnh đã trực tiếp chỉ đạo, hướng dẫn xây dựng được 269 mô hình kinh tế các loại theo hướng ứng dụng khoa học kỹ thuật, liên kết, hợp tác sản xuất, an toàn thực phẩm. Các cấp hội đã trực tiếp tư vấn, hướng dẫn và hỗ trợ thành lập 118 tổ hợp tác, 02 hợp tác xã (hợp tác xã cam Bù Sen, Anh Sơn; hợp tác xã Nông nghiệp và Du lịch cộng đồng Mường Lống, Kỳ Sơn).
Các cấp hội vận động hội viên giúp đỡ được 515 hộ hội viên nông dân thoát nghèo; trong đó, có một số mô hình nổi bật như: "Mô hình sinh kế giúp hộ nghèo thoát nghèo bền vững" ở Đô Lương, Tương Dương, Anh Sơn, Tân Kỳ; mô hình "Ngân hàng bò" ở Quỳnh Lưu, Nghi Lộc, Kỳ Sơn; mô hình "Viên gạch nông dân" ở Quỳ Châu.
Bên cạnh việc tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, vận động nông dân đóng góp công sức, tiền của để tham gia xây dựng nông thôn mới, Hội Nông dân các cấp đã chủ động triển khai các hoạt động thiết thực tham gia xây dựng nông thôn.
Cùng với việc triển khai thực hiện các chương trình, dự án, đề án phát triển kinh tế - xã hội, Hội Nông dân tỉnh Nghệ An và UBND tỉnh đã phối hợp tham gia giám sát, phản biện các cơ chế chính sách của tỉnh có liên quan đến nông nghiệp, nông dân, nông thôn, như: Phản biện dự thảo Nghị quyết của HĐND tỉnh "về chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa, đất rừng phòng hộ theo Quy định tại khoản 1 Điều 58 Luật Đất đai để thực hiện công trình, dự án đầu tư trên địa bàn tỉnh Nghệ An"; phản biện dự thảo Đề án "Phát triển, mở rộng diện tích cây ăn quả gắn với công nghiệp chế biến, tiêu thụ sản phẩm tỉnh Nghệ An giai đoạn 2021 - 2030" của UBND tỉnh.
Trong năm qua, UBND tỉnh cũng đã tạo điều kiện để đảm bảo các yêu cầu về kinh phí, điều kiện hoạt động, phương tiện làm việc của Hội Nông dân tỉnh và các cấp Hội Nông dân trong tỉnh theo đúng chế độ hiện hành.
Tại hội nghị, các đại biểu đã tập trung đánh giá kết quả phối hợp giữa Hội Nông dân tỉnh với các sở, ngành thuộc UBND tỉnh. Bên cạnh những kết quả đạt được, các đại biểu cũng thẳng thắn chỉ rõ: Thực tế công tác phối hợp giữa Hội Nông dân với các cấp chính quyền chưa được thường xuyên, nhiều nơi hiệu quả còn thấp, nhất là trong việc hướng dẫn, hỗ trợ nông dân ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất; giám sát chất lượng vật tư nông nghiệp, sản phẩm nông nghiệp trên địa bàn. Cùng với đó, hai bên cũng đã thảo luận và đi đến thống nhất các nội dung cần phải phối hợp trong thời gian tới.
Phát biểu kết luận hội nghị, đồng chí Hoàng Nghĩa Hiếu - Phó Chủ tịch UBND tỉnh đánh giá cao vai trò của Hội Nông dân trong thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Trong thời gian qua, Hội Nông dân tỉnh đã triển khai thực hiện được nhiều chương trình đề án, mô hình hay có hiệu quả như xây dựng "Vườn chuẩn nông thôn mới", "Hàng cây ơn Bác", kết nối tiêu thụ nông sản đã đóng góp quan trọng vào kết quả phát triển kinh tế - xã hội tỉnh đạt được trong năm qua.
Về triển khai các nội dung trong Chương trình phối hợp giữa UBND tỉnh và Hội Nông dân tỉnh trong năm 2022, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Nghĩa Hiếu đề nghị hai bên tiếp tục phối hợp đẩy mạnh công tác tuyên truyền phổ biến các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về phát triển kinh tế - xã hội, phát triển nông nghiệp, nông thôn, xây dựng nông thôn mới; nâng cao chất lượng và tính thiết thực của phong trào nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững.
Các sở, ngành, UBND các cấp tạo điều kiện để Hội Nông dân đẩy mạnh các hoạt động tư vấn, dịch vụ hỗ trợ nông dân; tập huấn, bồi dưỡng nâng cao kiến thức khoa học kỹ thuật, ý thức hợp tác, liên kết trong sản xuất, kinh doanh cho hội viên, nông dân; quảng bá, kết nối tiêu thụ sản phẩm của nông dân; tuyên truyền vận động nông dân thực hiện chuyển đổi số trong sản xuất, kinh doanh. Các cấp chính quyền tạo điều kiện để tổ chức Hội Nông dân cùng cấp được đảm nhận các phần việc như xây dựng, tu bổ kết cấu hạ tầng nông thôn nhằm phát huy vai trò của nông dân trong xây dựng nông thôn, góp phần thúc đẩy phong trào nông dân, xây dựng tổ chức hội vững mạnh...
Tại hội nghị này, Hội Nông dân tỉnh đã ký Chương trình phối hợp công tác với Ban Dân tộc tỉnh và Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn giai đoạn 2022-2025.
Vũ BìnhĐiều này phản ánh sự thành công trong việc phát triển hạ tầng số, mở rộng kết nối Internet và áp dụng các mô hình Chính phủ điện tử hiệu quả.