Nghệ An: UBND tỉnh triển khai nhiệm vụ phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn năm 2021

Địa phương
09:40 AM 01/04/2021

Ngày 31/3, UBND tỉnh tổ chức Hội nghị tổng kết công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn năm 2020, triển khai nhiệm vụ năm 2021.

Đồng chí Hoàng Nghĩa Hiếu - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; Đại tá Nguyễn Ngọc Hà - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh đồng chủ trì hội nghị.

Dự hội nghị có Thiếu tướng Trần Khắc Bang – Phó Tham mưu trưởng Quân khu 4; các thành viên Ban Chỉ đạo Phòng chống thiên tai (PCTT) và tìm kiếm cứu nạn (TKCN) tỉnh; Lãnh đạo các sở, ban, ngành, huyện, thành, thị.

Nghệ An: UBND tỉnh triển khai nhiệm vụ thiên tai năm 2021 - Ảnh 1.

Quang cảnh hội nghị (ảnh TTĐT Nghệ An).

Ngay từ đầu năm 2020 đã xuất hiện các hiện tượng thời tiết cực đoan như rét hại, rét đậm, giông, lốc, sét, mưa đá. Cũng trong năm, đã xảy ra 31 đợt không khí lạnh, 02 đợt rét đậm, rét hại, 11 đợt nắng nóng, hạn hán, 15 đợt giông, lốc, sét, mưa đá. Có thời điểm trên 70 ngày không mưa, tiết tiểu mãn mưa không đáng kể, nên đã làm cho mực nước trên các hệ thống sông suối, hồ đập xuống thấp đến mức báo động, ảnh hưởng đến đời sống sinh hoạt và sản xuất nông nghiệp. Mùa mưa bão năm nay đã xảy ra 3 đợt thiên tai lớn.

Nghệ An: UBND tỉnh triển khai nhiệm vụ thiên tai năm 2021 - Ảnh 2.

Đồng chí Trần Xuân Học - Phó Giám đốc sở Nông nghiệp và PTNN báo cáo tại hội nghị (ảnh TTĐT Nghệ An).

Ngoài ra, năm 2020 đã tác động lớn đến dân sinh, kinh tế xã hội, ảnh hưởng lớn đến người dân, sản xuất nông lâm nghiệp, cơ sở hạ tầng bị hư hỏng nặng nề. 17 người chết do thiên tai, bị thương 13 người, 54 nhà bị sập, 3.314 nhà bị hư hỏng, tốc mái, 1.506 nhà bị ảnh hưởng do sạt lở đất, nhà bị ngập 19.865 nhà. Số hộ dân phải di dời do ngập lụt và ảnh hưởng của sạt lở đất 8.326 hộ/62.444 người dân, gây ra nhiều thiệt hại lớn về sản xuất nông lâm nghiệp và công trình hạ tầng. Ước tính thiệt hại về kinh tế khoảng 1.327 tỷ đồng. Năm 2020 đã xảy ra 59 vụ tai nạn, sự cố tàu thuyền trên biển, làm 22 người bị chết, 08 người bị thương, 03 người mất tích.

Năm 2020, UBND tỉnh đã trích 1,058 tỷ đồng từ nguồn dự phòng ngân sách tỉnh hỗ trợ các địa phương, đơn vị mua sắm trang thiết bị phục vụ công tác PCTT-TKCN. Trích Quỹ PCTT tỉnh 11,2 tỷ đồng hỗ trợ cho các địa phương thực hiện công tác khắc phục hậu quả sau thiên tai. Cũng trong năm 2020, công tác phòng, chống thiên tai tiếp tục được Tỉnh ủy, UBND tỉnh quan tâm chỉ đạo nghiêm túc, Ban chỉ huy PCTT-TKCN tỉnh cùng các ngành, địa phương, đơn vị triển khai quyết liệt, đồng bộ, chuẩn bị tốt cả 3 khâu phòng ngừa, ứng phó và khắc phục hậu quả nên đã hạn chế được nhiều thiệt hại về người, tài sản, từng bước xây dựng xã hội an toàn trước thiên tai.

UBND tỉnh, Ban chỉ huy PCTT-TKCN tỉnh triển khai công tác chuẩn bị sớm, tích cực. Văn phòng thường trực Ban chỉ huy PCTT-TKCN tỉnh thực hiện trực ban nghiêm túc, theo dõi chặt chẽ diễn biến của các loại hình thiên tai. Đôn đốc các địa phương, đơn vị chuẩn bị tốt phương án PCTT-TKCN theo phương châm "4 tại chỗ"; thực hiện kiểm tra, rà soát trên địa bàn các khu vực dân cư có nguy cơ ngập lụt, nước biển dâng do bão, vùng lũ ống, lũ quét, sạt lở đất...

Ban chỉ huy PCTT-TKCN tỉnh đã kêu gọi 3.847 phương tiện và 18.704 lao động đánh bắt thủy hải sản trên biển của các huyện, thị xã ven biển về nơi neo đậu, trú ẩn an toàn trước các cơn bão. Ban chỉ huy PCTT-TKCN các sở, ban, ngành, các lực lượng Bộ chỉ huy Quân sự tỉnh, Công an tỉnh, Bộ chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh, các địa phương, đơn vị đã tích cực triển khai kịp thời phương án đối phó của ngành và địa phương mình.

Khi có thiên tai, UBND tỉnh đã ban hành các công điện khẩn gửi các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành, thị tiếp tục đôn đốc triển khai công tác chỉ đạo, đối phó với các cơn bão và mưa lớn, ngập lụt. Lực lượng vũ trang đã huy động 23.593 lượt người tham gia PCTT - TKCN. Thông qua Ủy ban Mặt trận tổ quốc tỉnh Nghệ An, tổng số tiền, hàng tiếp nhận ủng hộ trên toàn tỉnh 135,37 tỷ đồng. Cũng thông qua Hội chữ thập đỏ tỉnh các cơ quan, tổ chức, nhà hảo tâm đã hỗ trợ 6,387 tỷ đồng hỗ trợ cho 27.544 người…

Bên cạnh những kết quả đã đạt được, công tác PCTT hiện nay đang còn những tồn tại, hạn chế, như: Công tác tuyên truyền, phổ biến kiến thức, hướng dẫn phòng ngừa, ứng phó thiên tai ở một số địa phương, đơn vị phát huy hiệu quả chưa cao. Một bộ phận cán bộ, người dân và chính quyền địa phương còn chủ quan, thiếu chủ động ứng phó. Số người tử vong do bão, mưa lớn, ngập lụt vẫn còn xảy ra. Nguồn lực cho công tác khắc phục hậu quả thiên tai hiện nay so với nhu cầu thực tiễn đặt ra còn rất hạn chế, chỉ đáp ứng phần nào nhu cầu cấp bách trong và ngay sau thiên tai, chủ yếu dựa vào ngân sách nhà nước (các cấp) và sự hảo tâm của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước, việc huy động tổng hợp các nguồn lực của xã hội chưa cao, đặc biệt là sự tham gia của khu vực tư nhân...

Tại hội nghị, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Nghĩa Hiếu – Phó Trưởng Ban thường trực Ban Chỉ huy PCTT-TKCN tỉnh phát biểu: "Năm 2021, dự báo tình hình biến đổi khí hậu toàn cầu, thiên tai ngày càng phức tạp khó lường và có thể xảy ra bất cứ lúc nào trên địa bàn tỉnh. Vì vậy, công tác PCTT là một nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên của cả hệ thống chính trị".

Nghệ An: UBND tỉnh triển khai nhiệm vụ thiên tai năm 2021 - Ảnh 3.

Phó chủ tịch tỉnh Hoàng Nghĩa Hiếu kết luận (ảnh TTĐT Nghệ An).

Phó Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu các ngành, địa phương cần tiến hành khẩn trương công tác chuẩn bị cho PCTT năm 2021 sớm như: Tổng kết, rút kinh nghiệm công tác PCTT năm 2020, triển khai nhiệm vụ năm 2021. Kiện toàn Ban chỉ huy PCTT-TKCN các cấp, giao nhiệm vụ PCTT cho các địa phương, đơn vị. Đầu tư mua sắm trang thiết bị, cơ sở dữ liệu cho bộ phận thường trực để tham mưu chỉ đạo, hỗ trợ ra quyết định kịp thời, chính xác, hiệu quả, qua đó giảm thiểu thiệt hại do thiên tai, hoàn thành trong tháng 4/2021.

"Trong tháng 4 phải hoàn thành việc xây dựng, cập nhật, bổ sung, phê duyệt kế hoạch PCTT, phương án ứng phó với các cấp độ rủi ro thiên tai của từng ngành, lực lượng vũ trang, UBND các huyện, thành phố, thị xã, đơn vị và công trình. Chú ý đến các công trình trọng điểm, đê điều, hồ đập, vùng miền núi có nguy cơ dễ xảy ra lũ ống, lũ quét và sạt lở đất" – Phó chủ tịch Hoàng Nghĩa Hiếu nhấn mạnh.

Quán triệt, thống nhất về nhận thức, có kế hoạch, phương án cụ thể để triển khai thực hiện hiệu quả công tác phòng, chống thiên tai. Lồng ghép nội dung phòng chống thiên tai vào quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế xã hội, trong các chương trình, hoạt động của các cấp tại địa phương. Thực hiện nghiêm quy định về quản lý an toàn đập, giám sát vận hành hồ chứa và đảm bảo thông tin cho người dân vùng hạ du khi xả lũ. Đầu tư, sửa chữa công trình phòng chống thiên tai bị hư hỏng, không đảm bảo an toàn, nhất là hồ đập, đê điều, khắc phục sạt lở, ổn định dân cư, khu neo đậu tàu thuyền tránh trú bão.

Triển khai nhân rộng các đội xung kích phòng chống thiên tai từng xã, thôn, bản với lực lượng dân quân tự vệ làm nòng cốt để chủ động ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai ngay từ giờ đầu. Đẩy mạnh công tác thông tin, truyền thông, đào tạo nhằm đưa thông tin tới tận người dân, nâng cao năng lực cộng đồng. Phát triển phần mềm chia sẻ, trao đổi kiến thức về PCTT trên điện thoại, trên hệ thống truyền thanh, truyền hình.

Song song, phải tăng cường công tác tập huấn, diễn tập PCTT-TKCN, thực hiện nghiêm túc công tác kiểm tra chuẩn bị ở mọi cấp theo phương châm "4 tại chỗ". Đẩy mạnh chất lượng công tác dự báo, cảnh báo, đẩy mạnh việc phát triển hệ thống quan trắc chuyên dùng phục vụ công tác PCTT theo hướng xã hội hóa.

Lê Dung - văn Phương
Ý kiến của bạn
Tổng nhu cầu vốn ngành năng lượng khoảng hơn 4.000 nghìn tỷ đồng Tổng nhu cầu vốn ngành năng lượng khoảng hơn 4.000 nghìn tỷ đồng

Theo Kế hoạch thực hiện Quy hoạch tổng thể về năng lượng quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, tổng nhu cầu vốn đầu tư của ngành năng lượng toàn giai đoạn 2021 - 2030 cần khoảng 4.133 - 4.808 nghìn tỷ đồng.