Nghệ An và Quảng Nam chia sẻ kinh nghiệm thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia
Sáng 15/10, UBND tỉnh Nghệ An tổ chức buổi làm việc với tỉnh Quảng Nam để trao đổi, học tập kinh nghiệm về công tác chỉ đạo, tổ chức triển khai thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021-2025.
Tham dự có các đồng chí: Nguyễn Văn Đệ - Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; Trần Anh Tuấn - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam cùng chủ trì buổi làm việc.
Đồng chí Nguyễn Văn Đệ - Phó Chủ tịch UBND tỉnh bày tỏ vui mừng được đón Đoàn công tác tỉnh Quảng Nam ra thăm, làm việc trao đổi về những kinh nghiệm trong công tác chỉ đạo, tổ chức triển khai thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) ở hai tỉnh. Phó Chủ tịch UBND tỉnh đã thông tin tới Đoàn công tác tỉnh Quảng Nam một số nét khái quát về tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh Nghệ An trong thời gian qua.
"Buổi làm việc hôm nay là một cơ hội rất quý để hai tỉnh có thể trao đổi, học hỏi, đồng thời đúc rút kinh nghiệm trong quá trình thực hiện các Chương trình MTQG. Đồng thời trong khoảng thời gian tới, hai tỉnh có thể kết nối, chia sẻ kinh nghiệm để có thể chủ động hơn trong quá trình triển khai thực hiện các Chương trình MTQG giai đoạn 2026-2030", ông Nguyễn Văn Đệ chia sẻ.
Ông Trần Anh Tuấn - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam cho biết, mục đích của chuyến công tác lần này của tỉnh Quảng Nam là trao đổi, học tập kinh nghiệm trong triển khai thực hiện các Chương trình MTQG từ tỉnh Nghệ An. Giới thiệu một số nét khái quát về tình hình kinh tế xã - hội của tỉnh Quảng Nam, theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Anh Tuấn, tỉnh Quảng Nam và Nghệ An có nhiều điểm tương đồng về điều kiện tự nhiên, điều kiện xã hội, đặc điểm dân cư...
Riêng trong thực hiện các Chương trình MTQG của Quảng Nam hiện đang gặp nhiều khó khăn, nhất là vấn đề giải ngân, tỷ lệ giải ngân rất thấp mặc dù quyết tâm chính trị của tỉnh là rất lớn. Lãnh đạo tỉnh đã xuống làm việc trực tiếp với địa phương cơ sở, tuy vậy, kết quả chưa có nhiều chuyển biến. Mong muốn của Đoàn công tác tỉnh Quảng Nam là được lắng nghe nhiều chia sẻ của các sở, ngành, địa phương của tỉnh Nghệ An để từ đó tiếp thu, học hỏi để triển khai thực hiện các Chương trình MTQG trên địa bàn tỉnh Quảng Nam có hiệu quả.
Theo báo cáo, thực hiện các Chương trình MTQG, các cấp, các ngành tỉnh Nghệ An đã rất khẩn trương, nỗ lực triển khai thực hiện. Do đó, đến nay về cơ bản các Chương trình MTQG trên địa bàn tỉnh Nghệ An được triển khai kịp thời, từ việc thành lập Ban Chỉ đạo; phân công nhiệm vụ cho các thành viên; ban hành các văn bản quy phạm pháp luật, văn bản triển khai thực hiện; đôn đốc, hướng dẫn các địa phương.
Lãnh đạo UBND tỉnh trực tiếp làm việc tại các địa phương, nhất là các huyện miền núi khó khăn, huyện có đông đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi (DTTS&MN); 10 ngày/lần, yêu cầu các Sở, ngành báo cáo tiến độ thực hiện các chương trình MTQG về UBND tỉnh để nắm bắt và có biện pháp chỉ đạo kịp thời, sớm giải quyết khó khăn cho các địa phương; chỉ đạo xây dựng Nghị quyết riêng của Ban cán sự Đảng UBND tỉnh về đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công và thực hiện 3 Chương trình MTQG năm 2023.
Cùng quyết tâm, nỗ lực, cố gắng tỉnh Nghệ An là 1/6 tỉnh sớm nhất hoàn thành việc phân bổ vốn Chương trình MTQG cho các địa phương, đơn vị theo yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ tại Quyết định số 653/QĐ-TTg ngày 28/5/2022. Đồng thời đối với kế hoạch năm 2021-2023 đã hoàn thành phân bổ, tiến hành triển khai thực hiện các dự án, tiểu dự án thành phần của các Chương trình MTQG.
Tỉnh Nghệ An đang từng bước đảm bảo lộ trình để đạt được các mục tiêu, chỉ tiêu được Thủ tướng Chính phủ giao tại Quyết định số 652/QĐ-TTg ngày 28/5/2022. Toàn tỉnh có 320/411 xã đạt chuẩn Nông thôn mới (NTM); 101 xã đạt chuẩn NTM nâng cao; 16 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu; có 9 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn/hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM. Năm 2023 tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh giảm 1,22%, tỷ lệ hộ nghèo vùng đồng bào DTTS&MN giảm 3,74%.
Ngoài ra, quá trình triển khai các Chương trình MTQG trên địa bàn tỉnh Nghệ An vẫn còn nhiều lúng túng, đến từ các nguyên nhân từ chủ quan cho đến khách quan như: Trong khoảng thời gian ngắn, số lượng rất lớn văn bản Trung ương yêu cầu triển khai thực hiện; hệ thống văn bản Hướng dẫn của Trung ương còn chưa đồng bộ, chưa phù hợp với thực tế tại các địa phương. Công tác triển khai thực hiện cần sự phối hợp của nhiều ngành, nhiều cấp do đó trong thời gian đầu tại các địa phương chưa đảm bảo tính đồng bộ, nhanh chóng và xuyên suốt.
Trung ương yêu cầu các địa phương ban hành các văn bản chưa có tiền lệ triển khai trước đây như các quy định liên quan đến dự án cơ chế đặc thù... Bên cạnh đó, việc phân bổ một lượng vốn lớn cả vốn đầu tư phát triển và vốn sự nghiệp cho địa bàn các huyện miền núi, huyện nghèo, trong khi năng lực thực hiện tại các địa phương trên còn rất hạn chế, chưa có kinh nghiệm, từ đó dẫn đến việc tỷ lệ giải ngân đến nay còn thấp. Đối với một số nội dung thực hiện cụ thể của các địa phương và các đơn vị vẫn còn tình trạng dè chừng, sợ sai.
Cũng tại buổi làm việc, lãnh đạo các Sở, ngành của hai địa phương đã trao đổi nội dung chi tiết về thực hiện các dự án, tiểu dự án của từng Chương trình. Nhất là về giải ngân vốn đầu tư; cơ chế hỗ trợ xây dựng xã NTM, NTM nâng cao; công tác đào tạo nghề lao động nông thôn, xuất khẩu lao động; công tác tuyên truyền thực hiện các Chương trình. Cùng với đó, các đại biểu đã trao đổi về công tác tổ chức bộ máy thực hiện các Chương trình.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An Nguyễn Văn Đệ và Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Trần Anh Tuấn mong muốn với những nội dung chia sẻ về phương thức, cách làm cụ thể, thời gian tới 2 tỉnh Quảng Nam và Nghệ An nói chung, các sở, ngành của hai bên có thể kết nối và hỗ trợ nhau trong quá trình triển khai thực hiện các Chương trình MTQG một cách hiệu quả hơn.
Minh TúMới đây, một trong những nhật báo lớn nhất Ấn Độ - Times of India, đã vinh danh những bãi biển tại đảo Phú Quốc trong top 9 đẹp nhất Châu Á.