Nghệ An vươn mình phát triển trong kỷ nguyên mới
Từ cảng biển đến sân bay, Nghệ An đang từng bước chuyển mình đầy tích cực từ những hoạch định mang tầm chiến lược, hứa hẹn sẽ vươn mình, phát triển mạnh mẽ trong kỷ nguyên mới của đất nước…

Mới đây, Bộ Xây dựng đã ban hành Quyết định số 1051/QĐ-BXD phê duyệt Quy hoạch chi tiết phát triển vùng đất, vùng nước cảng biển Nghệ An thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Quy hoạch đặt mục tiêu đến năm 2030, hệ thống 9 bến cảng và hàng chục cầu cảng hiện đại, tạo động lực phát triển mạnh mẽ cho kinh tế biển khu vực Bắc Trung Bộ.
Trước đó, Cảng hàng không Quốc tế Vinh cũng đã tạm thời đóng cửa kể từ ngày 1/7 đến hết năm 2025, để sửa chữa, nâng cấp nhà ga, đường băng và sân đỗ máy bay. Việc triển khai dự án được giới chuyên gia nhận định sẽ mang đến "làn gió mát" cho địa phương này trong tương lai không xa khi chứa đựng nhiều dư địa phát triển trên mọi mặt kinh tế, chính trị, xã hội, văn hoá và du lịch.
Vươn rộng ra biển lớn
Theo đánh giá chung, trong giai đoạn 5 năm 2020 - 2025, Nghệ An thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội trong bối cảnh còn gặp nhiều khó khăn, thách thức. Tuy nhiên, với tinh thần quyết tâm cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt, chính quyền tỉnh này đã thực thi các chính sách, giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp, tạo đà cho bước phát triển mới.
Riêng năm 2025, Nghệ An tiếp tục tập trung thực hiện đồng bộ, quyết liệt việc giải ngân vốn đầu tư công và 3 Chương trình mục tiêu quốc gia trên địa bàn tỉnh ngay từ đầu năm. Huy động mọi nguồn lực để thực hiện các dự án trọng điểm của tỉnh và một trong số đó là tập trung đẩy mạnh việc phát triển hệ thống hạ tầng cảng biển nhằm nâng cao vị thế, gia tăng sức cạnh tranh với các tỉnh, thành phố trong nước.

Nghệ An cần sớm nâng cấp hạ tầng cảng biển để trở thành tỉnh mạnh về kinh tế biển trong thời gian tới.
Liên quan đến vấn đề này, mới đây, Bộ Xây dựng đã ban hành Quyết định số 1051/QĐ-BXD ngày 9/7/2025 về việc phê duyệt Quy hoạch chi tiết phát triển vùng đất, vùng nước cảng biển Nghệ An thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Quy hoạch đặt mục tiêu đến năm 2030, hệ thống 9 bến cảng và hàng chục cầu cảng hiện đại, tạo động lực phát triển mạnh mẽ cho kinh tế biển khu vực Bắc Trung Bộ.
Để hiện thực hóa tầm nhìn trên, Nghệ An đã đặt ra những mục tiêu cụ thể về quy mô và năng lực khai thác. Theo đó, mục tiêu đến năm 2030, tổng lượng hàng hóa thông qua hệ thống cảng biển Nghệ An dự kiến đạt từ 22,25 triệu tấn đến 26,75 triệu tấn; lượng hành khách dao động từ 17.600 đến 21.700 lượt. Hệ thống hạ tầng cảng sẽ bao gồm 9 bến cảng với từ 28 đến 31 cầu cảng, tổng chiều dài từ 5.151m đến 5.926m. Tầm nhìn đến năm 2050, sản lượng hàng hóa tiếp tục tăng trưởng bình quân từ 3,6% đến 4,5%/năm.
Về quy hoạch cụ thể từng khu bến, cảng biển Nghệ An được quy hoạch thành các khu bến: Nam Cửa Lò, Bắc Cửa Lò, Đông Hồi, Bến Thủy - Cửa Hội và các khu bến phao, neo chờ, tránh trú bão. Trong đó, khu bến Nam Cửa Lò có 56 cầu cảng, tiếp nhận tàu trọng tải đến 30.000 tấn, thông qua 5 - 5,5 triệu tấn hàng hóa.
Khu bến Bắc Cửa Lò gồm 14 - 15 cầu cảng, tiếp nhận tàu đến 100.000 tấn, thông qua 12 - 15,5 triệu tấn hàng hóa. Khu bến Đông Hồi có 5 - 6 cầu cảng, trong đó có bến chuyên dùng tiếp nhận tàu chở nhiên liệu khí hóa lỏng thiên nhiên (LNG) đến 150.000 tấn. Khu bến Bến Thủy - Cửa Hội quy hoạch chuyển đổi, di dời bến cảng cũ, xây dựng bến cảng mới tại Hưng Hòa.
Ngoài ra, quy hoạch cũng dành quỹ đất phát triển các bến cảng phục vụ đóng mới, sửa chữa tàu, bến du thuyền và các cơ sở phục vụ quản lý, nghiên cứu, huấn luyện, cung cấp dịch vụ hàng hải.
Cũng theo Bộ Xây dựng, tổng nhu cầu vốn đầu tư phát triển hệ thống cảng biển Nghệ An đến năm 2030 ước tính khoảng 17.973 tỷ đồng, trong đó vốn đầu tư công cho hạ tầng hàng hải công cộng khoảng 1.943 tỷ đồng và nhu cầu vốn đầu tư cho bến cảng khoảng 16.030 tỷ đồng.
Đặc biệt, khu bến Cửa Lò được xác định sẽ ưu tiên đầu tư kết cấu hạ tầng hàng hải công cộng, luồng vào cho tàu đến 30.000 tấn đầy tải, 50.000 tấn giảm tải. Đồng thời, khu bến Nam Cửa Lò, Bắc Cửa Lò và Đông Hồi cũng sẽ được ưu tiên đầu tư bến cảng biển theo quy hoạch đã phê duyệt.

Cảng Cửa Lò đang trở thành tâm điểm chú ý với tiềm năng phát triển mạnh mẽ trong lĩnh vực logistics, xuất nhập khẩu của vùng Bắc Trung Bộ nói riêng và khu vực miền Trung nói chung.
Ở góc độ doanh nghiệp, nhiều ý kiến cho rằng, việc Bộ Xây dựng phê duyệt Quy hoạch chi tiết phát triển vùng đất, vùng nước cảng biển Nghệ An thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 được xem là tín hiệu tích cực, củng cố thêm niềm tin và tạo động lực thúc đẩy các doanh nghiệp hoạt động trên lĩnh vực logistics, xuất nhập khẩu phát triển mạnh mẽ trong tương lai không xa.
Tuy nhiên, để hiệu quả về cảng biển thì địa phương phải có nhiều hàng vì tàu container chỉ kết nối với những cảng lớn có nhiều hàng, qua tìm hiểu thực tế tại Công ty CP Vilaconic, một doanh nghiệp nằm trong top đầu của tỉnh Nghệ An về hoạt động xuất khẩu gạo và logistics. Hiện tại, doanh nghiệp này đang trên hành trình mở rộng và phát triển hệ sinh thái nông sản - logistics toàn diện, đồng thời không ngừng tìm kiếm những giá trị chân thật, mang những sản phẩm chứa đựng "hồn quê" với những sản phẩm ngay tại xứ nghệ như bánh đa Đô Lương, kẹo Cu Đơ, nước mắm Cửa Lò....

Ẩm thực truyền thống xứ Nghệ là bánh đa vừng Đô Lương, kẹo lạc Cu Đơ, mước mắm Cửa Lò đã được Cty Vilaconic đóng container trong đầu tháng 7/2025 đưa sang giới thiệu sản phẩm tại đất nước Australia
Ông Hoàng Văn Ngoạn - Tổng Giám đốc Công ty CP Vilaconic cho hay: Trong khuôn khổ chuỗi hoạt động ký kết hợp tác chiến lược năm 2025, ngay trong tháng 7 này chúng tôi vừa ký kết với Công ty Sản xuất & Kinh doanh Thực phẩm Lương Sơn, đây là một trong những Cty có thương hiệu tiêu biểu gìn giữ hồn cốt ẩm thực truyền thống xứ Nghệ là bánh đa vừng Đô Lương, kẹo lạc Cu Đơ đã được chúng tôi đóng một container đưa sang giới thiệu sản phẩm tại đất nước Australia. Tuy nhiên chúng tôi phải chuyển hàng ra cảng Hải Phòng mới có có tàu chở đến cảng Melbourne Port Australia vì Nghệ an chưa có line đi quốc tế - vị Tổng Giám đốc chia sẻ thêm.
Chuyển mình trong kỷ nguyên mới
Trong những năm trở lại đây, Cảng hàng không quốc tế Vinh luôn đối mặt với sự xuống cấp của cơ sở hạ tầng và thường xuyên phải vật lộn với việc duy tu, sửa chữa để theo kịp nhu cầu đi lại, vận chuyển hàng hoá tăng nhanh người dân và doanh nghiệp. Điều này đặt ra thách thức không nhỏ về việc đầu tư nâng cấp, mở rộng và tính hiệu quả của việc vận hành sân bay.
Đầu tháng 7/2025, Cảng hàng không Quốc tế Vinh đã tạm thời đóng cửa để thực hiện việc sửa chữa và nâng cấp nhà ga, đường băng và sân đỗ máy bay. Qua đó, đánh dấu bước đột phá quan trọng trong chiến lược phát triển hạ tầng hàng không, đảm bảo năng lực phục vụ hành khách cũng như thúc đẩy giao thương và hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hộ tỉnh Nghệ An trong tương lai gần.
Theo ghi nhận của PV, sau khi tiếp nhận công địa, các đơn vị thi công nâng cấp Cảng hàng không quốc tế Vinh đã huy động máy móc, nhân lực thi công "3 ca, 4 kíp" với quyết tâm vượt tiến độ. "Hợp đồng đến ngày 31/12/2025, nhà thầu sẽ hoàn thành dự án, nhưng chúng tôi quyết tâm sẽ hoàn thành trước 31/11, vượt tiến độ một tháng" - vị chỉ huy Tập đoàn Cienco4 thông tin.
Được biết, dự án nâng cấp sân bay quốc tế Vinh có tổng mức đầu tư gần 1.000 tỷ đồng do Tổng Công ty Cảng hàng không Việt Nam - ACV làm chủ đầu tư. Dự án bao gồm 3 hạng mục chính: Sửa chữa đường băng và 2 đường lăn, mở rộng sân đỗ máy bay và cải tạo, mở rộng nhà ga hành khách quốc nội.

Việc cải tạo, mở rộng Cảng hàng không quốc tế Vinh được kỳ vọng tạo ra bước đột phá mới cho kinh tế Nghệ An, phát triển toàn diện về các lĩnh vực du lịch, đầu tư và thương mại.
Trong đó, hạng mục nâng cấp đường băng có vốn đầu tư hơn 623 tỷ đồng, sẽ kéo dài đường cất/hạ cánh từ 2.400m lên 3.000m, đạt tiêu chuẩn tiếp nhận tàu bay thân rộng như Airbus A330, Boeing 787. Dự án sân đỗ được đầu tư hơn 236 tỷ đồng, khi hoàn thành sẽ đáp ứng 9 vị trí đỗ cho máy bay loại A320, A321. Nhà ga hành khách T1 cũng sẽ được mở rộng diện tích lên 13.200m2, nâng công suất phục vụ từ 2,75 triệu lên khoảng 3 - 3,5 triệu hành khách mỗi năm…
Trước đó, vào tháng 2/2025, Bộ Giao thông vận tải (nay là Bộ Xây dựng) đã phê duyệt Quy hoạch Cảng hàng không quốc tế Vinh, tỉnh Nghệ An thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Trong giai đoạn 2021 - 2030, sân bay được mở rộng đạt cấp 4E, công suất khoảng 8 triệu hành khách và 25.000 tấn hàng hóa/năm. Sân bay có thể khai thác các loại máy bay lớn code E như B787/A350 và tương đương. Tầm nhìn đến năm 2050, sân bay mở rộng nhà ga hành khách T2 đạt công suất khoảng 9 triệu hành khách, nâng tổng công suất toàn cảng đạt 14 triệu khách/năm.
Giới chuyên gia đánh giá, Nghệ An đang trên đà phát triển mạnh mẽ, luôn là một trong 10 tỉnh, thành dẫn đầu cả nước (trước khi sáp nhập) về thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI). Trong bối cảnh đó, việc mở rộng và nâng cấp Cảng hàng không quốc tế Vinh đóng vai trò then chốt, tạo động lực giúp tỉnh này thu hút thêm nguồn vốn FDI chất lượng cao.
Một sân bay hiện đại, với khả năng kết nối thuận tiện đến các trung tâm kinh tế lớn trong nước và quốc tế, sẽ giúp Nghệ An trở thành điểm đến hấp dẫn hơn đối với các nhà đầu tư. Các đối tác nước ngoài sẽ dễ dàng di chuyển đến Nghệ An để khảo sát thị trường, đàm phán hợp đồng và triển khai dự án. Điều này giúp giảm thiểu chi phí và thời gian đi lại, đồng thời tăng cường sự tin tưởng của các nhà đầu tư vào tiềm năng phát triển của tỉnh.
Bên cạnh đó, việc nâng cấp sân bay cũng sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho việc phát triển các ngành dịch vụ hỗ trợ đầu tư, như logistics, du lịch và khách sạn. Việc mở rộng sân bay Vinh cũng giúp thu hút du khách quốc tế đến với các điểm đến nổi tiếng ở Nghệ An như: Biển Cửa Lò, quê hương Bác Hồ và các di tích lịch sử văn hóa khác. Điều này sẽ kéo theo sự tăng trưởng của các dịch vụ lưu trú, từ khách sạn cao cấp đến homestay và du lịch cộng đồng…
Với những tín hiệu đáng mừng nêu trên, kỳ vọng trong giai đoạn sắp tới, Nghệ An có thể tận dụng tiềm năng và lợi thế vốn có để vươn mình, phát triển mạnh mẽ, sớm trở thành trung tâm của khu vực Bắc Trung Bộ về thương mại, logistics, y tế, giáo dục và đào tạo, khoa học và công nghệ, công nghiệp và nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao... như tinh thần Nghị quyết số 39-NQ/TW mà Bộ Chính trị đã ban hành.
Thái Quảng – Hồng Quang
Ngày 21/7, Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) Thanh Hóa đã có Công văn số 2434/SGDĐT- VP về việc tạm dừng tổ chức các hoạt động giáo dục để chủ động ứng phó với bão số 3.