Nghề giáo - Nghề sáng tạo ra những con người sáng tạo
Sứ mệnh vĩ đại nhất của loài người là sáng tạo ra những con người có tri thức và nhân cách tốt, có nhiều sáng tạo cống hiến cho đời sống xã hội...
Ở nước ta, sự nghiệp "trồng người" luôn được coi là một trong những nhiệm vụ quan trọng và là yếu tố quyết định trong sự nghiệp phát triển đất nước. Tháng 3/1954, trong "Thư gửi Hội nghị Giáo dục toàn quốc" Bác Hồ đã chỉ ra: "Trách nhiệm nặng nề và vẻ vang của người thầy là: Chăm lo dạy dỗ con em của nhân dân thành người công dân tốt, người lao động tốt, người chiến sĩ tốt, người cán bộ tốt của nước nhà", và Người đã căn dặn: "Để làm tròn nhiệm vụ ấy, cán bộ giáo dục cần phải luôn luôn ra sức thi đua công tác và học tập, thật thà tự phê bình và phê bình để cùng nhau tiến bộ mãi".
Nói như thế để chúng ta có thể thấy rằng vai trò của "người thầy" hết sức quan trọng trong đời sống xã hội, trong cuộc sống của mỗi người, và cũng để cho chúng ta nhận thức rõ được tính thiết yếu và trách nhiệm cao quý mà những người làm "nghề giáo" phải gánh vác, đặc biệt là trong xã hội hiện nay.
Lúc sinh thời cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã từng nói: "Nghề dạy học là nghề cao quý bậc nhất trong các nghề cao quý. Nghề dạy học là một nghề sáng tạo vào bậc nhất trong các nghề sáng tạo, vì nó sáng tạo ra những con người sáng tạo".
"Nghề giáo" được coi là một nghề cao quý bởi trong bất cứ thời đại nào thì nghề giáo cũng đều luôn trong tâm thế là cống hiến cho sự nghiệp giáo dục, luôn mang trong mình khát vọng lớn lao là đào tạo ra các thế hệ học trò đáp ứng với sự kỳ vọng của gia đình, cộng đồng và xã hội. Vì cũng bởi đối tượng lao động của người thầy không hề đơn giản, đó là "một thứ vật chất đặt biệt", thứ mà người thầy nhào nặn ra chính là một con người đúng nghĩa - có học thức và có nhân cách tốt. Muốn làm được như thế thì người thầy phải vượt qua tất cả những khó khăn trong đời sống thường nhật mà chuyên tâm không ngừng trau dồi, rèn luyện, tu dưỡng phẩm chất, đạo đức, học tập, cập nhật tri thức... nhằm đem lại hiệu quả cao nhất trong quá trình dạy và học.
Giáo dục chính là công cụ vững chắc nhất trong sự nghiệp xây dựng đất nước, và sự "sáng tạo" là chất xúc tác, được phát triển thường xuyên, liên tục, được truyền lửa từ thế hệ này sang thế hệ khác. Để giáo dục phát triển, để sự "sáng tạo" ngày càng mạnh mẽ hơn nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng phát triển của thời đại, thì không ai khác, chính người thầy là người đặt nền móng trong công cuộc vĩ đại ấy. Để góp phần sáng tạo ra nhiều những giá trị tốt đẹp đối với sự nghiệp trồng người, người thầy trong vai trò "sáng tạo ra những con người sáng tạo", đòi hỏi phải có rất nhiều yếu tố, trong đó có những yếu tố chiếm phần quan trọng, như:
Trước hết, nghề dạy học phải là một nghề sáng tạo. Lao động của nghề dạy học là lao động đặc biệt, bởi mục tiêu của lao động này hướng đến là tạo ra những con người có học thức và có nhân cách tốt. Cho nên lao động này phải mang tính khoa học, nghệ thuật và phải "sáng tạo vào bậc nhất trong các nghề sáng tạo", vì lẽ đó mà đòi hỏi người thầy phải có tinh thần trách nhiệm cao, có thái độ lao động nghiêm túc và phải dành nhiều thời gian cho đầu tư suy nghĩ, tìm tòi những điều hay, mới lạ, có phương pháp hiệu quả nhất trong quá trình truyền thụ kiến thức... Qua đó, người thầy vừa hoàn thành trách nhiệm của mình, đồng thời cũng vừa là tấm gương sáng ngời về nghiên cứu, học tập, về tác phong khoa học, sáng tạo để cho các thế hệ học trò noi theo.
Thứ hai, người làm nghề giáo phải mang trong mình một kho tàng kiến thức phong phú, đa dạng trong nhiều lĩnh vực. Đó là kết quả của quá trình nghiên cứu, lao động hăng say, khoa học. Đồng thời, để thỏa mản những thắc mắc của các thế hệ học trò cũng là một trong những điều kiện giúp người thầy tìm hiểu nhiều hơn, bổ sung nhiều hơn vào vốn kiến thức của mình để ngày càng trở nên phong phú và đa dạng hơn, từ đó sẳn sàng hỗ trợ các em trong hoạt động sống, các hoạt động sáng tạo...
Thứ ba, ngoài việc gánh trên vai trách nhiệm của người truyền đạt tri thức, người thầy cũng phải là một nhà ngoại giao, một nhà hùng biện... Bởi, "nghề giáo" phải có khả năng hấp dẫn người nghe, cùng với những bải giảng sống động và đầy thuyết phục của mình, người thầy "truyền lửa" cho các thế hệ học trò ra sức phấn đấu, tích cực học tập, trao dồi và rèn luyện nhân cách... để có thể trở thành một người có ích cho xã hội.
Thứ tư, người thầy phải là người nhìn ra được tiềm năng của học trò. Đây là một "năng lực" mà tất cả người thầy có tâm huyết với sự nghiệp "trồng người" đều có, nó được rút ra trong quá trình tìm tòi, nghiên cứu và cùng với tích lũy trong quá trình truyền dạy từ nhiều thế hệ học trò...
Từ đó, trong hoạt động của mình, người thầy giúp những người học trò phát triển một cách toàn diện và tích cực nhất trong quá trình học và định hướng công việc trong tương lai, làm chất xúc tác để hình thành và nuôi dưỡng những ước mơ của các em... Khi đó, người thầy cũng đồng thời là "nhà tư vấn", "người đồng hành" đáng tin cậy nhất của các thế hệ học trò, bởi trong thực tế không phải người học trò nào cũng có thể tự tìm cho mình con đường phù hợp với bản thân, nên khi các em đang trong nhiều sự lựa chọn thì người thầy chính là "ngọn đuốc" dẫn các em đến sự lựa chọn phù hợp.
Ngoài ra, người thầy cũng luôn hiện hữu trong tâm thức của học trò khi các em gặp phải những khó khăn; người thầy đã kịp thời chia sẻ, động viên, khuyến khích để tiếp tục thắp lên ngọn lửa đam mê của các em, giúp các em tự tin, vững bước trong các hoạt động sáng tạo của nình để góp phần giúp cho mọi mặt của đời sống xã hội ngày càng trở nên tốt đẹp hơn thêm...
Con người là yếu tố quyết định mọi quá trình phát triển của lịch sử xã hội loài người, con người vừa là mục tiêu, vừa là động lực của sự phát triển xã hội. Trong khi "nghề giáo", những người thầy lại có khả năng đào tạo ra cho xã hội loài người những lớp người có tri thức với đạo đức và phẩm cách tốt. Cho nên, mỗi "nhà giáo" đều gánh vác trên mình trách nhiệm thiêng liêng nhưng cũng rất đỗi nặng nề, đó chính là giáo dục và đào tạo con người, "sáng tạo ra những con người sáng tạo". Đồng thời, qua đó cũng góp phần làm chấn hưng nền giáo dục, xây dựng con người mới và xây dựng đất nước để xứng đáng với sứ mệnh cao quý của người thầy trong sự nghiệp giáo dục của nước nhà.
Suy cho cùng, sứ mệnh vĩ đại nhất của loài người là đào tạo ra con người có tri thức, nhân cách tốt, có nhiều sáng tạo cống hiến cho xã hội, giúp cho cuộc sống con người ngày càng tốt đẹp hơn. Sứ mệnh ấy chỉ có thể là do những người làm nghề giáo mới có thể làm được. Và có lẽ đây là nguồn động viên và cũng vừa chính là thành công của những thành công mà chỉ những người làm nghề giáo - nghề "trồng người" đầy thử thách này gặt hái được.
Văn Dương - Quốc GiangLãi suất cho vay nhà ở xã hội của năm 2025 giảm xuống còn 4,7%/ năm. Đây là nội dung trong Quyết định số 2690/QĐ-NHNN về mức lãi suất áp dụng trong năm 2025, đối với các khoản cho vay hỗ trợ nhà ở của các ngân hàng thương mại, do Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam vừa ban hành.