Nghề gốm sứ Việt Nam trước cơ hội EVFTA: Liên kết ngành để tìm kiếm mở rộng thị trường
Theo báo cáo mới nhất của Vụ Hợp tác quốc tế (Bộ NN&PTNT), khi Việt Nam tham gia Hiệp định EVFTA, như nhiều ngành nghề khác, nghề gốm sứ cũng có nhiều cơ hội thâm nhập vào thị trường EU. Trong đó, vấn đề “nóng” nhất là liên kết ngành đang được Lãnh đạo Bộ NN&PTNT chỉ đạo triển khai nhằm tìm kiếm cơ hội hợp tác đầu tư và mở rộng thị trường, bảo tồn và phát triển bền vững nghề gốm sứ Việt Nam.
Khó khăn, thách thức
Khi tham gia Hiệp định EVFTA, các làng nghề, các DN, HTX và các hộ nghề nước ta có nhiều cơ hội mở rộng và đa dạng thị trường xuất khẩu sản phẩm, tăng khả năng cạnh tranh về giá của sản phẩm khi tiếp cận vào thị trường EU. Khi các quốc gia nhập khẩu gốm sứ lớn trên thế giới như Mỹ, EU áp đặt hàng rào thuế quan cao hơn đối với gốm sứ Trung Quốc, thị phần hàng gốm sứ Việt Nam càng có cơ hội để mở rộng. Cụ thể như ngày 12/12/2019, Ủy ban Châu Âu đã ra các hình phạt mới đối với gốm sứ từ Trung Quốc, áp dụng mức thuế 36% do các nhà xuất khẩu sản phẩm đồ ăn và đồ dùng nhà bếp Trung Quốc vi phạm Luật Chống bán phá giá của EU, trong khi mức thuế nhập khẩu đối với các DN Việt Nam chỉ từ 3,5 - 6% tùy thuộc các nhóm mặt hàng khác nhau.Tuy nhiên, những khó khăn, thách thức cũng đang xuất hiện không ít.
Theo ông Lê Bá Ngọc, Chủ tịch Hiệp hội Xuất khẩu hàng thủ công mỹ nghệ Việt Nam (Vietcraft) cho biết, hiện nguồn nguyên liệu gốm sứ chưa đồng bộ và đang suy giảm mạnh. Nguyên nhân là thiếu kỹ thuật chế biến nguyên liệu gốm sứ chất lượng cao, đồng thời nguồn nguyên liệu khan hiếm do việc quy hoạch xây dựng nhà ở và công trình ngay tại các khu có vùng nguyên liệu. Ví như ở Bình Dương, các mỏ cung cấp nguyên liệu hiện tại cho gốm sứ ở Chơn Thành, Đất Cuốc, Cổng Xanh... cũng đang giảm nhanh.
Khảo sát của Vietcraft cho thấy, thị phần hàng gốm sứ Việt Nam đạt chưa đến 1% nhu cầu thị trường gốm sứ toàn cầu đang rất lớn. Cùng đó, trên phương diện quốc tế, các sản phẩm gốm sứ Việt Nam đang phải cạnh tranh rất khốc liệt với các quốc gia sản xuất gốm sứ từ rất nhiều quốc gia châu Á như Trung Quốc, Ấn Độ, Indonesia, Thái Lan…
Vietcraft phản ánh, các hoạt động tiếp thị đối với ngành thủ công mỹ nghệ nói chung, nhóm ngành hàng gốm sứ nói riêng còn rất ít có sự đồng hành của Nhà nước mà chủ yếu là do sự nỗ lực "tự bơi" của các DN. Các DN khó tiếp cận các nguồn thông tin thương mại, đặc biệt là các thông tin kịp thời liên quan đến xu hướng thị trường, sản phẩm và kỹ thuật sản xuất mới… Trong khi đó, các hội chợ tổ chức trong nước, bên cạnh việc thiếu trầm trọng địa điểm tổ chức chuyên nghiệp từ trước đến nay thì nhìn chung hoạt động mang lại rất ít hiệu quả. Việc tham gia các hội chợ quốc tế đem lại cơ hội rất tốt để tìm kiếm khách hàng mới tuy nhiên do chi phí rất cao nên cũng còn ít DN gốm sứ có thể tham gia.
Kết nối thị trường nhìn từ tâm điểm trung tâm gốm sứ Bát Tràng
Tại một hội thảo ở Hà Nội gần đây về phát triển nghề gốm sứ, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Trần Thanh Nam đã nhắc tới vai trò của Công ty gốm sứ Quang Vinh ở làng nghề Bát Tràng (Gia Lâm, Hà Nội). Ông cho rằng đây có thể là "nam châm" tâm điểm kết nối để xây dựng Trung tâm bảo tồn và phát triển nghề gốm sứ Việt Nam, làm tiền đề thành lập Hiệp hội Gốm sứ thủ công mỹ nghệ Việt Nam.
Thứ trưởng Trần Thanh Nam cho rằng, trước hàng loạt những khó khăn hiện nay, nghề gốm sứ Việt Nam cần tăng cường liên kết ngành, xây dựng mối liên kết chặt chẽ giữa ngành gốm sứ với hệ thống các trường đào tạo thiết kế mỹ thuật trên cả nước. Trước hết, những công việc cần làm là sớm hình thành Hiệp hội Gốm sứ thủ công Việt Nam với đội ngũ nhân lực chuyên nghiệp, gắn chặt chẽ với Hiệp hội Xuất khẩu hàng thủ công mỹ nghệ Việt Nam.
Trao đổi với phóng viên Tạp chí Doanh nghiệp & Tiếp thị, bà Hà Thị Vinh, Chủ tịch Công ty Gốm sứ Quang Vinh, cho biết, nghề gốm sứ thủ công có từ rất lâu đời và mang đậm bản sắc văn hóa Việt. Trong đó, làng nghề Bát Tràng có nhiều nét đặc trưng của nghề gốm sứ cả nước, nhất là phía Bắc Việt Nam. Trong suốt chiều dài lịch sử, Bát Tràng không bao giờ "tắt lửa" mà việc bảo tồn phát triển nghề gốm sứ ở Bát Tràng đậm nét nhất.
Thực tế hàng ngày ở Bát Tràng rất sôi động trong việc đổi mới mẫu mã thiết kế sản phẩm, nét mới, đây là đặc trưng của Bát Tràng. Thế nhưng, vào thời hội nhập thế giới 4.0, làng nghề Bát Tràng cũng như nghề gốm sứ Việt cần phải liên kết ngành và cần có hiệp hội ngành nghề đủ mạnh để cùng nhau ra biển lớn, đó là Hiệp hội Gốm sứ thủ công Việt Nam.
Theo bà Hà Thị Vinh, tại hội thảo chuyên đề vừa rồi ở Bộ NN&PTNT, Thứ trưởng Trần Thanh Nam chỉ đạo quyết tâm "ra" được Hiệp hội nghề gốm sứ này. Điều đó cho thấy Thứ trưởng nhìn ra con đường muốn phát triển mạnh nghề gốm sứ phải có "ngôi nhà chung" như thế. Hiện tại ở trụ sở Công ty gốm sứ Quang Vinh (giữa làng nghề Bát Tràng) đã và đang hình thành Công trình Trung tâm tinh hoa làng nghề Việt mà cốt lõi là nghề gốm sứ. Trung tâm này do Công ty Quang Vinh làm chủ đầu tư xây dựng hơn 3 năm nay với kinh phí dưới 150 tỷ đồng, hiện tại hoàn thành trên 90% hạng mục công việc…
Trung tâm bao gồm 5 phân khu chức năng nghề rất chuyên biệt. Đó là một trại giao lưu sáng tác ý tưởng sản phẩm cho các nghệ nhân, nghệ sỹ quốc gia và quốc tế. Một khu ươm tạo hỗ trợ nghiên cứu và thực hành nghề cho các sinh viên Bách Khoa, Mỹ thuật Công nghiệp (nhất là các khoa gốm sứ, đồ họa, mỹ thuật…). Một khu nữa dành cho các hoạt động trải nghiệm cho các du khách ở mọi lứa tuổi. Ngoài ra ở đây còn một khu trưng bày các sản phẩm OCOP về gốm sứ và một khu đang hình thành bảo tàng gốm xưa và nay.
Bà Hà Thị Vinh nói: "Với sự quan tâm hỗ trợ kịp thời của Bộ NN&PTNT và TP. Hà Nội, Trung tâm tinh hoa làng nghề Việt được kỳ vọng nâng tầm gốm sứ Việt Nam đi lên, tạo nguồn nhân lực đủ sức phát triển nghề bền vững. Cũng một nắm 1kg đất nguyên liệu, nếu cho ra 1 viên gạch chỉ bán được mấy trăm đồng con. Nhưng cũng nắm đất đó, chúng ta thổi tâm hồn sáng tạo vào tạo ra sản phẩm gốm sứ, thì có thể nâng tầm giá bán đến hàng chục, hàng trăm USD... Đây là cả một vấn đề rất quan trọng".
Lưu ĐoànGiá xăng trong nước ngày mai (23/1) được dự báo quay đầu giảm sau khi đã có 3 lần tăng liên tiếp. Nếu không tác động đến Quỹ bình ổn, giá xăng có thể giảm khoảng 50-150 đồng/lít, trong khi giá dầu diesel có khả năng tiếp tục tăng.