Nghề kim hoàn - đậu bạc Định Công được công nhận “Nghề truyền thống Hà Nội”

Địa phương
08:45 AM 30/09/2024

Ngày 29/9, tại Cụm di tích Đình, Đền, Miếu khu Thượng (phường Định Công, quận Hoàng Mai, Hà Nội), Nghề kim hoàn - đậu bạc Định Công được công nhận "Nghề truyền thống Hà Nội" theo Quyết định số 4383/QĐ-UBND ngày 21/8/2024 của UBND TP Hà Nội.

Lễ đón nhận Bằng công nhận danh hiệu "Nghề truyền thống Hà Nội - nghề kim hoàn - đậu bạc Định Công" không chỉ là một dấu mốc quan trọng trong hành trình gìn giữ và phát triển nghề truyền thống của địa phương, mà còn là minh chứng cho sự nỗ lực, tâm huyết của các nghệ nhân, thợ kim hoàn và nhân dân phường Định Công. Sự ghi nhận này mở ra cơ hội tạo thêm việc làm, thu hút nguồn nhân lực, thúc đẩy phát triển nghề truyền thống của địa phương.

Nghề kim hoàn - đậu bạc Định Công được công nhận “Nghề truyền thống Hà Nội”- Ảnh 1.

Chủ tịch UBND quận Hoàng Mai Nguyễn Minh Tâm trao Bằng công nhận Nghề truyền thống Hà Nội cho Đảng bộ, Chính quyền và Nhân dân phường Định Công. Ảnh: Hanoimoi

Nghề kim hoàn - đậu bạc đã có lịch sử hàng nghìn năm, gắn liền với những câu chuyện đầy tự hào về những người thợ tài hoa nơi đây. Sản phẩm đậu bạc của Định Công nức danh khắp đất kinh kỳ xưa, nhiều nghệ nhân được vào làm việc cho triều đình. Nghề đậu bạc phát triển và trở thành 1 trong 4 nghề tinh hoa nhất kinh thành Thăng Long.

Hiện nay, nghề đậu bạc Định Công chỉ còn lại số ít người còn làm nghề, mặc dù vậy các sản phẩm đậu bạc của Định Công vẫn được khách hàng, cũng như các chuyên gia đánh giá rất cao cả về kỹ thuật và mỹ thuật. Sản phẩm có tính ứng dụng cao (nhẫn, vòng, hoa tai, bức tranh trang trí, các logo, đồ trưng bày, hộp đựng card, khay, đĩa…), mẫu mã đa dạng, kết hợp nhiều chất liệu (đá quý, gỗ, sơn mài…) với kỹ thuật độc đáo, tinh xảo nên được khách hàng ưa chuộng. Tại các cuộc thi sản phẩm thủ công mỹ nghệ toàn quốc, sản phẩm đậu bạc của Định Công đã giành rất nhiều giải cao...

Nghề đậu bạc Định Công có 4 nghệ nhân được phong tặng danh hiệu, gồm: 1 Nghệ nhân nhân dân (Quách Văn Hiểu), 1 Nghệ nhân ưu tú (Quách Văn Trường) (đã mất năm 2022) và 2 nghệ nhân, con của 2 nghệ nhân trên (Quách Văn Tú, Quách Phan Tuấn Anh) được UBND thành phố Hà Nội công nhận. Các nghệ nhân đã và đang là người giữ hồn cho nghề đậu bạc truyền thống duy trì và phát triển.

Nghề kim hoàn - đậu bạc Định Công được công nhận “Nghề truyền thống Hà Nội”- Ảnh 2.

Nghệ nhân Quách Văn Hiểu - người “giữ lửa” nghề đậu bạc ở Định Công. Ảnh: Người Hà Nội

Trong bối cảnh đô thị hóa mạnh mẽ, nghề kim hoàn đang đối mặt với nhiều thách thức: Nguồn nhân lực kế cận ngày càng thiếu hụt, thị trường tiêu thụ sản phẩm gặp nhiều khó khăn. Chính vì vậy, việc bảo tồn và phát triển nghề đậu bạc Định Công là nhiệm vụ cấp bách hơn bao giờ hết.

Quận ủy, HĐND, UBND Quận Hoàng Mai đã có những chính sách hỗ trợ thiết thực như mở lớp đào tạo nghề từ cơ bản đến nâng cao, tuyên truyền giáo dục về giá trị văn hóa của nghề tại các trường học trên địa bàn. Đồng thời, cần quảng bá sản phẩm qua các kênh thương mại điện tử để thu hút khách hàng trong nước và quốc tế.


Minh An
Ý kiến của bạn
Hơn 56% doanh nghiệp Nhật Bản muốn mở rộng kinh doanh tại Việt Nam trong 1- 2 năm tới Hơn 56% doanh nghiệp Nhật Bản muốn mở rộng kinh doanh tại Việt Nam trong 1- 2 năm tới

Theo khảo sát thực trạng doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư tại nước ngoài cho năm tài chính 2024, do Tổ chức Xúc tiến Thương mại Nhật Bản (JETRO) thực hiện, có đến 56,1% số doanh nghiệp được khảo sát trả lời sẽ “mở rộng” kinh doanh trong 1-2 năm tới.