Nghệ nhân ưu tú Phan Thị Thuận - Người nặng lòng với nghề trồng dâu nuôi tằm

Doanh nghiệp - Doanh nhân
09:09 AM 25/01/2021

Sinh ra trong một gia đình có truyền thống trồng dâu nuôi tằm và ươm tơ, dệt lụa, cho đến nay dù đã gần 70 tuổi nhưng Nghệ nhân ưu tú Phan Thị Thuận lúc nào cũng đau đáu phát huy nghề truyền thống và tạo công ăn việc làm cho người lao động nông thôn.

Quyết tâm giữ nghề

Những ngày đầu năm mới 2021, PV Tạp chí Doanh nghiệp & Tiếp thị tìm về làng Phùng Xá, huyện Mỹ Đức - nơi cách trung tâm TP. Hà Nội gần 50km để được gặp Nghệ nhân ưu tú Phan Thị Thuận. Bên ấm trà dịu ngọt, bà kể cho chúng tôi nghe về nghề trồng dâu, nuôi tằm truyền thống, nơi quê hương ven con sông Đáy.

photo-1610269165974

Nghệ nhân ưu tú Phan Thị Thuận

Bà cho biết, những năm 1970 - 1980, Phùng Xá được mệnh danh là "Thủ đô dâu tằm" của miền Bắc, với các mặt hàng tơ lụa được xuất sang các nước Đông Âu. Bản thân gia đình bà đã có bốn đời nuôi tằm, dệt lụa. Lên 6 tuổi, bà được bố mẹ dạy nghề. Gắn với lá dâu, con tằm từ thủa nhỏ, hiểu rõ cái hay, cái đẹp của nghề dệt lụa, cho nên khi thấy các hộ gia đình lần lượt bỏ nghề, những nương dâu bị phá bỏ, lòng bà như thắt lại.

"Người dân Phùng Xá chuyển đổi sang dệt hàng tiêu dùng, nhiều nhất là các loại khăn mặt, tất, màn… so với làng Vạn Phúc (Hà Đông), Phùng Xá không có lợi thế giao thương cho nên mất đi thị trường quan trọng, nghề dệt cũng từ đó mà mai một", bà Thuận chia sẻ.

Không cam chịu bỏ nghề, lúc đó khi còn làm kế toán thống kê cho HTX Phùng Xá, để có dâu nuôi tằm, bà Thuận đã phải đi xin, nhặt nhạnh từng lá dâu từ bờ rào, có khi phải đạp xe hơn 20 km xuống tận nông trường Thanh Hà (Kim Bôi, Hòa Bình) để lấy lá về cho tằm ăn.

Sau những cố gắng không ngừng của bà Thuận, nghề dệt truyền thống tại làng Phùng Xá và các vùng quanh huyện Mỹ Đức đã bước đầu phục hồi. Tuy nhiên, không lâu sau đó, giá tằm bị rớt thê thẳm, bán không ai mua, nghề dệt lụa lại lần nữa rơi vào bế tắc.

Không thể ngồi yên nhìn con tằm "chết yểu", bà quyết đi tìm đầu ra cho con tằm. Bà tìm đến các làng nghề và tìm cách cùng họ hợp tác nhưng cũng không phải là cách lâu dài. Trong lúc bế tắc, năm 2010 Nghệ nhân Phan Thị Thuận đã thử nghiệm nuôi tằm tự dệt. Bà để những con tằm lên một mặt phẳng để chúng không có nơi bấu víu, không thể cuộn tròn lại để cuốn kén. Theo bản năng đến kỳ con tằm sẽ phải nhả tơ vào không gian. Cứ thế, những con tằm cùng nằm trên một mặt phẳng rút ruột nhả tơ một cách chăm chỉ. Những sợi tơ cuốn vào nhau dệt thành những tấm chăn tơ tằm bền, đẹp.

Có thể nói đây là kỹ thuật dệt mà con người không thể sánh kịp vừa cho ra những tấm chăn tơ tằm bền, đẹp vừa tiết kiệm được chi phí nhờ giảm bớt nhiều công đoạn phức tạp như kéo kén, ươm tơ, cào bông – một kỹ thuật sáng tạo, đóng góp không nhỏ cho sự phát triển của nghề dệt thủ công truyền thống.

Con đường đến với chăn tơ tằm tự dệt và nghề lụa tơ sen

Đối với Nghệ nhân Phan Thị Thuận, mảnh đất, dòng nước quê hương là động lực hun đúc tình yêu, sức sáng tạo để bà có thể gìn giữ, phát triển nghề dệt tơ tằm cho đến nay và truyền lại nó cho con cháu đời sau.

Có những lúc thăng trầm khiến bà chỉ còn hai bàn tay trắng, phải bán đi mảnh đất của cha ông, cầm cố ngân hàng để vực dậy công ty, giữ vững được nghề và tạo công ăn việc làm cho nhiều người lao động, nhưng không có gì có thể quật ngã người phụ nữ nhỏ nhắn, đầy kiên cường ấy.

Bà kể rằng, lúc đưa ra ý tưởng cho con tằm tự dệt, ai ai cũng phản đối kịch liệt vì con tằm không có tổ nên không thể kéo kén tròn theo lẽ thường, đi ngược với cách làm xưa nay. Nhưng, nghĩ là làm, ngày đêm bà mày mò, huấn luyện cho tằm rút tơ dệt lụa. Với đam mê cháy bỏng, bà Thuận ngày đêm trông coi, quên ăn, quên ngủ, quan sát lứa tằm rút ruột nhả tơ.

photo-1610269167239

Nghệ nhân Phan Thị Thuận giới thiệu sản phẩm tơ tằm do người điều khiển con tằm tự dệt với Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng và các đại biểu

Và cho đến năm 2012, sau 1 năm với 8 lứa tằm thử nghiệm, Nghệ nhân Phan Thị Thuận đã thành công với sản phẩm chăn tơ tằm tự dệt bằng phương pháp đầu tiên xuất hiện trong lịch sử nghề nuôi tằm. Sản phẩm đã được Hội Nông dân Việt Nam tặng Bằng khen và đạt Giải nhất với giải pháp sáng tạo mềm bông tơ tằm do con tằm tự dệt vào năm 2015.

Về cơ duyên đến với lụa tơ sen, ngay từ đầu cũng không ai dám tin bà có thể thành công, nhất là khi không ai truyền dậy kỹ thuật. Đúng là việc bắt những cuống sen "nhả tơ" thật không hề đơn giản. Bà Thuận đã từng đóng cửa nghiên cứu hàng tháng trời về nguyên liệu và đặc tính của sen.

"Thủa ban đầu làm sợi từ sen rất khó khăn. Sợi sen mong manh, se được sợi nhưng khi cho vào khung sợi lại đứt liên tục vì những đặc tính tự nhiên của nó", bà Thuận cho biết.

Bằng đam mê, những ý tưởng mới luôn nung nấu trong bà và sau bao cải tiến bà đã cho ra đời khung dệt dành riêng cho tơ sen độ giật mềm mại, êm hơn. Nhờ đó mà những chiếc khăn 1,7m làm từ 4.800 cuống sen vừa ấm, vừa thoáng, nhẹ và những sợi tơ mềm mại còn phảng phất chút hương sen đã ra đời, tạo nên thương hiệu đặc sắc riêng cho Nghệ nhân ưu tú Phan Thị Thuận.

Bằng những sản phẩm độc đáo từ tình yêu và những nỗ lực sáng tạo không mệt mỏi, Nghệ nhân ưu tú Phan Thị Thuận đã góp phần đưa thương hiệu dệt Phùng Xá, tơ lụa Việt Nam được nhiều người biết đến và ưa chuộng. Đến nay dù đã gần 70 tuổi nhưng người phụ nữ ấy vẫn miệt mài, tiếp tục truyền lửa nghề dệt lụa tơ tằm, tơ sen đến thế hệ trẻ để bảo tồn, phát triển truyền thống quê hương. Đối với bà, đó là tình yêu và niềm tự hào mang thương hiệu Việt Nam!

Trương Hưng
Ý kiến của bạn
Standard Chartered: Kinh tế Việt Nam sẽ tăng trưởng 6,8% năm 2024 Standard Chartered: Kinh tế Việt Nam sẽ tăng trưởng 6,8% năm 2024

Trong báo cáo cập nhật kinh tế mới nhất về Việt Nam, Standard Chartered dự báo kinh tế Việt Nam sẽ tăng trưởng ở mức vừa phải, lãi suất được duy trì ở mức thấp. GDP của Việt Nam được kỳ vọng sẽ tăng trưởng ở mức 6,8% năm 2024, nhờ xuất khẩu và công nghiệp giữ đà tích cực.