Nghe tiếng thở, dán nhãn dữ liệu: Dự án khởi nghiệp nhân văn cho người mù
Dự án khởi nghiệp giúp người khiếm thị có công việc ổn định, bằng cách nghe tiếng thở của mọi người và đưa ra chẩn đoán về các bệnh đường thở.
Theo số liệu điều tra quốc gia về người khuyết tật của Tổng cục thống kê từ năm 2016 đến năm 2017 và công bố vào tháng 1/2019, cả nước có 6,2 triệu người khuyết tật, chiếm 7,06% dân số, trong đó có 1,03 triệu người khiếm thị.
Do đặc thù của khuyết tật, hiện nay chưa có nhiều ngành nghề và trang thiết bị hỗ trợ phù hợp cho người mù, vì thế nhóm người này có ít cơ hội việc làm và thường phải làm các công việc thu nhập thấp hoặc không ổn định.
Nhằm hỗ trợ người khiếm thị có công việc trong thời buổi số hóa, dự án InLab đã ra đời.
Viện Công nghiệp Phần mềm và Nội dung số Việt Nam (NISCI) phối hợp với Hội người mù Việt Nam và các doanh nghiệp công nghệ, chuyên gia nghiên cứu khởi động dự án “Xây dựng công cụ phần mềm hỗ trợ người khiếm thị kiếm sống bằng nghề dán nhãn thông tin” (Information Labeling - InLab).
Chẩn đoán bệnh qua tiếng thở
InLab là công cụ phần mềm hỗ trợ người mù tham gia vào công việc dán nhãn dữ liệu - một trong những công đoạn quan trọng của ngành công nghiệp AI đang thịnh hành hiện nay.
Nhằm giảm áp lực cho ngành y tế, dự án đưa ra kết quả về các bệnh liên quan đến đường thở qua mạng.
Dự án này được triển khai theo 2 giai đoạn. Đầu tiên là xây dựng công cụ phần mềm để đào tạo, hướng dẫn người khiếm thị dán nhãn dữ liệu. Giai đoạn sau là hướng dẫn họ dùng máy tính, điện thoại thông minh để số hóa dữ liệu. Hiện tại, dự án đã và đang hướng dẫn một số người khiếm thị thực hiện công việc.
Sau khi hiểu cách sử dụng phần mềm, người tham gia sẽ dán nhãn dữ liệu bằng các đoạn âm thanh hoặc các đoạn văn bản (hỗ trợ bởi phần mềm đọc) trong kho dữ liệu mẫu. Trước khi bắt đầu, họ được tham gia kiểm tra trình độ và cấp chứng nhận phân loại các nhóm lao động để giao các công việc dán nhãn dữ liệu phù hợp với khả năng.
Bà Đinh Việt Anh, Phó Chủ tịch Hội người mù Việt Nam (trái) và bà Đỗ Thị Chiến, giáo viên Trung tâm Phục hồi chức năng
cho người mù, đang thực hiện các thao tác dán nhãn dữ liệu của dự án.
Những ai đạt tiêu chuẩn tham gia công việc có thể đăng nhập vào hệ thống, chọn một hoặc nhiều công việc trên bảng danh sách công việc. Phần mềm căn cứ vào thời gian, tần suất làm việc, lượng dữ liệu được dán nhãn và lượng dữ liệu dán nhãn đúng để đánh giá khả năng người thực hiện, từ đó trả lương.
Trong bối cảnh đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, tạo ra áp lực lớn cho hệ thống y tế toàn cầu, các chuyên gia thực hiện dự án kỳ vọng sẽ xây dựng mô hình thử nghiệm giúp chẩn đoán bệnh đường thở thông qua tiếng thở của mọi người dựa trên hệ thống dán nhãn dữ liệu sẵn có.
Có nhiều dự án tương tự đã được thực hiện thử nghiệm trên thế giới, giúp người dùng có thể khám bệnh từ xa mà không cần đi bệnh viện. Chẳng hạn như ứng dụng ResApp Health của Australia hay dự án Breathe For Science của trường Đại học New York (Mỹ), nhận file ghi âm tiếng thở để nghiên cứu mối liên kết giữa tiếng thở và các bệnh đường hô hấp.
Công nghệ tạo việc làm cho người khiếm thị
Tại buổi gặp mặt và giới thiệu dự án, bà Hoàng Thị Bích Hạnh, công tác tại NISCI ngạc nhiên về những khả năng mà người khiếm thị làm được. Bà chia sẻ: “Tôi thực sự ngưỡng mộ và cảm thấy họ khác xa những gì tôi từng nghĩ trước đó. Ở thời đại công nghệ hiện nay, chúng tôi mong muốn tạo ra công cụ giúp người mù có cơ hội được tiếp cận với công việc số.”
Hình ảnh buổi gặp mặt với Hội người mù Việt Nam và giới thiệu dự án.
Còn theo bà Đinh Việt Anh, Phó chủ tịch Hội người mù Việt Nam: “Đây là một dự án mang ý nghĩa xã hội và nhân văn sâu sắc, giúp người khiếm thị phát huy khả năng, vươn lên tham gia bình đẳng vào đời sống kinh tế - xã hội, đồng thời giảm áp lực cho ngành y và đóng góp giá trị cho cộng đồng.”
Phần lớn người khiếm thị đang làm các công việc như xoa bóp, làm đồ thủ công, làm nông; số ít đã được đào tạo đại học và tham gia vào các tổ chức phi chính phủ, giáo viên, dạy âm nhạc; một số người cũng làm thêm ngành nghề mới như nhân viên chăm sóc khách hàng qua điện thoại và máy tính. Do đó, InLab hy vọng sẽ mang tới cơ hội việc làm cho rất nhiều người khiếm thị trong nước.
Nghe tiếng thở, dán nhãn dữ liệu: Dự án khởi nghiệp nhân văn cho người mù - 6
Ông Phạm Viết Thu, Chủ tịch Hội người mù Việt Nam chia sẻ trong buổi giới thiệu dự án.
Chương trình hiện tại đã nhận được nhiều file ghi âm tiếng thở, tuy nhiên vẫn cần sự chung tay của cộng đồng, của các tổ chức có dữ liệu về âm thanh, các doanh nghiệp làm về trí tuệ nhân tạo, các nhà tài trợ,... để giúp người khiếm thị có việc làm ổn định, an toàn và ít ảnh hưởng tới sức khỏe.
Theo Khám phá
Trong báo cáo cập nhật kinh tế mới nhất về Việt Nam, Standard Chartered dự báo kinh tế Việt Nam sẽ tăng trưởng ở mức vừa phải, lãi suất được duy trì ở mức thấp. GDP của Việt Nam được kỳ vọng sẽ tăng trưởng ở mức 6,8% năm 2024, nhờ xuất khẩu và công nghiệp giữ đà tích cực.