Nghẹn ngào điều ước nơi tâm dịch Bắc Ninh: "Con chỉ mong mẹ về thôi"

Xã hội
09:49 AM 24/05/2021

Gần một tháng qua kể từ khi dịch bệnh bùng phát, chị Nguyễn Thị Chiền - Điều dưỡng Trạm Y tế xã Hoài Thượng (Thuận Thành - Bắc Ninh) chưa thể trở về nhà. Nén lòng gửi hai con nhỏ nhờ bà nội đã 70 tuổi chăm sóc, chị đành thất hứa khi không thể về dịp sinh nhật con, chỉ biết khóc khi con ốm mà không thể chăm sóc.

Làm việc quên mình nơi điểm nóng tâm dịch

Xã Mão Điền là điểm nóng những ngày qua của huyện Thuận Thành (Bắc Ninh) với số ca nhiễm Covid-19 nhiều nhất trong huyện. Ngay từ ngày đầu khi dịch bùng phát, chị Chiền cùng các đồng nghiệp nhận được chỉ thị là lập tức lên đường.

Trước khi đi, dù hẹn với con "Mẹ đi mấy ngày sẽ trở về ngay", nhưng trong lòng chị dự liệu có thể đợt dịch này sẽ kéo dài hơn dự kiến. Chồng bị tai nạn sức khoẻ yếu nên dù biết bà nội tuổi đã cao nhưng chị vẫn tất tưởi đưa 2 con sang nhờ bà trông giúp để cùng đồng đội tham gia tuyến đầu chống dịch.

Có những ngày, chị và cả đội xuất phát từ sáng sớm đến chiều mới được ăn cơm, vừa ăn xong lại lập tức lên đường. Làm việc đến 2-3h sáng, xuyên đêm lấy mẫu xét nghiệm, có lúc mệt không muốn ăn uống gì chỉ uống sữa hoặc oresol bù nước sau đó lại quay vào làm việc.

"Mấy hôm thời tiết nắng nóng cao điểm là những ngày phải tập trung lấy mẫu xét nghiệm ở Mão Điền. Khoác trên mình bộ đồ bảo hộ kín mít giữa tiết trời gần 40 độ, khi tháo ra áo quần mồ hôi ướt đẫm, cảm giác như vừa đi tắm mưa về. Có đồng nghiệp của chị mệt lả, ngất vì làm việc quá sức" - chị kể.

Nghẹn ngào điều ước nơi tâm dịch Bắc Ninh: "Con chỉ mong mẹ về thôi" - Ảnh 1.

Chị Chiền trong bộ đồ bảo hộ kín mít cùng đồng đội làm việc xuyên đêm. Ảnh: chương trình Cảm ơn những Hy sinh.

Nhiều khi mới bắt đầu ngồi vào bàn ăn, có báo động lại đứng dậy đi làm ngay, có hôm chị chẳng nhớ mình đã ăn cơm chưa nữa. Mệt vậy nhưng ai cũng cố gắng tranh thủ từng phút từng giây hoàn thành nhiệm vụ. 

Chị Chiền tâm sự: "Làm việc với cường độ cao thế này, chuyện đau đầu, tụt huyết áp, ngất xỉu là bình thường nhưng các chị luôn cố gắng để không bị ốm. Lực lượng mỏng, công việc nhiều nên chỉ cần một đồng đội gục là sẽ không có ai có thể làm thay".

Nghẹn ngào điều ước nơi tâm dịch Bắc Ninh: "Con chỉ mong mẹ về thôi" - Ảnh 2.

Phút nghỉ ngơi hiếm hoi. Ảnh: chương trình Cảm ơn những Hy sinh.

Cường độ làm việc liên tục, gấp gáp nên giấc ngủ trở nên xa xỉ. "Đêm nào cũng phải đi lấy mẫu đến hơn 2h sáng, mỗi ngày cùng lắm chỉ được nghỉ 1-3 tiếng".

"Mẹ nói dối con, sao sinh nhật con mẹ không về"

"Ngày 14/5 là sinh nhật của con gái lớn, trước dịch chị đã hứa sẽ tổ chức sinh nhật và tặng cho cháu cô công chúa Elsa mà cháu mong ước. Nhưng vì nhiệm vụ, chị đành thất hứa với con. Cháu khóc nức nở, bảo mẹ nói dối, sinh nhật con sao mẹ không về, con không cần quà, chỉ cần mẹ thôi" - nhớ lại cảnh đó, sống mũi chị lại cay cay.

Vợ chồng chị vốn chưa có nhà riêng, phải ở nhờ nhà người cậu, bà nội cũng ở nhờ ngôi nhà cũ của bưu điện nơi từng công tác. Chồng bị tai nạn, lao động và đi lại khó khăn nên chị buộc phải gửi con nhờ bà chăm sóc. Dịch bùng phát, các khu vực bị phong tỏa, anh cũng không đi thăm các con được.

Nghẹn ngào điều ước nơi tâm dịch Bắc Ninh: "Con chỉ mong mẹ về thôi" - Ảnh 3.

Minh Ngọc (trái) mới 5 tuổi đã biết thay mẹ chăm em. Ảnh: chương trình Cảm ơn những Hy sinh.

Minh Ngọc - con gái lớn của chị mới 5 tuổi nhưng đã rất tự lập, bình thường đã biết giúp mẹ trông em, cho em ăn. Ban đầu khi gửi về bà, các con chưa quen, cứ khóc đòi bố mẹ suốt.

"Chị lo lắm, bà có tuổi rồi nên cũng không chăm lo được nhiều, sợ chẳng may bà cũng ốm thì ai lo cho con, ai để ý đến bữa ăn giấc ngủ. Thương lắm, nhớ lắm mà cũng không biết làm sao, chỉ cố gắng và cầu mong nhanh hết dịch để về thăm các con thôi".

Cứ nghĩ đến các con là chị lại không cầm được nước mắt nhưng không dám gọi điện nhiều vì sợ con khóc, mẹ khóc. Lắm lúc đi lấy mẫu cả ngày lẫn đêm, nhớ con quá lôi máy ra gọi thì con đã ngủ. Mới đây, bé Cường (4 tuổi) con trai út của chị bị ốm, khóc đòi mẹ nhưng chị không về được.

Nghẹn ngào điều ước nơi tâm dịch Bắc Ninh: "Con chỉ mong mẹ về thôi" - Ảnh 4.

Chị không biết phải trả lời sao khi con hỏi "bao giờ mẹ về?". Ảnh: chương trình Cảm ơn những Hy sinh

Khó khăn nhất là trả lời câu hỏi "sao mẹ đi lâu thế, bao giờ mẹ về?". Một câu hỏi mà chính chị cũng không thể trả lời vì không biết khi nào mình có thể về, để ôm con vào lòng cho thỏa nỗi nhớ.

Lỡ hẹn ngày 1/6

Gần 1 tháng qua, suốt ngày "chạm mặt" với kim tiêm, đồ bảo hộ, ngày quần quật với công việc, lúc nằm xuống chợp mắt, nỗi nhớ con lại càng da diết. Người mẹ trẻ chỉ biết ngắm ảnh các con trên điện thoại rồi lại vội vàng gạt nỗi niềm riêng, lao vào công tác chống dịch.

Dịp Quốc tế Thiếu nhi mọi năm, có bố mẹ ở nhà, các con chị được đưa đi mua quà. "Quà đơn giản thôi mà các con vui lắm, có khi chỉ là đôi dép mà gặp ai cũng khoe. Năm nay lỡ hẹn với các con rồi".

Chống dịch như chống giặc, chị Chiền và các đồng nghiệp luôn ý thức được trách nhiệm mà mình đang gánh vác để góp phần kiểm soát dịch bệnh, mang cuộc sống yên bình cho người dân.

Nghẹn ngào điều ước nơi tâm dịch Bắc Ninh: "Con chỉ mong mẹ về thôi" - Ảnh 5.

Đôi tay bị phồng rộp và sưng đỏ của chị Chiền khi phải đeo găng tay bảo hộ liên tục. Ảnh: chương trình Cảm ơn những Hy sinh.

10 năm làm việc, chị từng có lúc nản lòng vì chọn nghề Y, nhưng đó chỉ là suy nghĩ thoáng qua, chị lại tự động viên bản thân cố gắng vì bệnh nhân đang rất cần mình.

Nghẹn ngào điều ước nơi tâm dịch Bắc Ninh: "Con chỉ mong mẹ về thôi" - Ảnh 6.

Mệt nhọc, vất vả nhưng họ luôn quyết tâm. Ảnh: chương trình Cảm ơn những Hy sinh.

Cuộc chiến chống Covid-19 chưa có hồi kết, nhưng chị tin chúng ta sẽ giành chiến thắng. Và tôi tin, chiến thắng ấy có sự góp sức của những đứa trẻ ở hậu phương, là động lực, là niềm an ủi để những người chiến sĩ áo trắng an tâm hoàn thành nhiệm vụ.

Thu Trang
Ý kiến của bạn
Khách sạn chật vật với bài toán lấp đầy mùa cao điểm Khách sạn chật vật với bài toán lấp đầy mùa cao điểm

Dù ngành du lịch đang ấm trở lại nhưng sự cạnh tranh khốc liệt cùng tâm lý cắt giảm chi tiêu của du khách, vẫn khiến lĩnh vực khách sạn chật vật với bài toán lấp đầy, đặc biệt vào mùa cao điểm.