Nghị định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa, quảng cáo tạo chồng lấn
VCCI khẳng định, Dự thảo Nghị định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa và quảng cáo còn nhiều điểm cần phải sửa đổi.
Ảnh minh họa.
Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) vừa có văn bản trả lời Công văn số 1960/BVHTTDL-PC của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch về việc đề nghị góp ý Dự thảo Nghị định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa và quảng cáo.
Bình luận về các quy định của Dự thảo VCCI nhấn mạnh về cơ bản, các quy định tại Dự thảo khá cụ thể, chi tiết, thống nhất với các văn bản pháp luật liên quan về các hành vi vi phạm trong lĩnh vực văn hóa, quảng cáo. Tuy nhiên, để hoàn thiện, VCCI đề nghị Ban soạn thảo xem xét một số vấn đề.
Về một số hành vi vi phạm có tính chất tương tự nhưng lại có khung phạt tiền khác nhau, VCCI cho rằng về mặt nguyên tắc, các hành vi vi phạm có tính chất tương tự thì phải có chung khung phạt tiền. Một số quy định tại Dự thảo chưa đảm bảo được nguyên tắc này.
“Cùng là hành vi “không nộp lưu chiểu” nhưng hai hành vi “không nộp lưu chiểu bản ghi âm, ghi hình ca múa nhạc, sân khấu” (điểm b khoản 1 Điều 12) và “không nộp lưu chiểu phim” (khoản 3 Điều 9) lại thuộc hai khung phạt tiền khác nhau;
“Không thông báo bằng văn bản về nội dung chương trình biểu diễn nghệ thuật, trình diễn thời trang đến cơ quan nhà nước có thẩm quyền nơi biểu diễn, trình diễn theo quy định” (điểm a khoản 1 Điều 15) có tính chất tương tự đối với hành vi “không thông báo bằng văn bản về nội dung chương trình thi người đẹp, người mẫu đến cơ quan nhà nước có thẩm quyền nơi tổ chức thi theo quy định” (điểm a khoản 1 Điều 16) đều có tính chất là vi phạm thủ tục không thông báo cho cơ quan có thẩm quyền về nội dung hoạt động”, VCCI lấy ví dụ.
Tương tự, đối với hành vi quy định tại điểm a khoản 1 Điều 21 và hành vi quy định tại điểm a khoản 1 Điều 20.
Theo đó, hành vi “tổ chức triển lãm mỹ thuật, trại sáng tác điêu khắc không đúng nội dung ghi trong giấy phép” (điểm a khoản 3 Điều 20) và “tổ chức cho tổ chức, cá nhân nước ngoài, người Việt Nam định cư tại nước ngoài biểu diễn nghệ thuật, trình diễn thời trang không đúng nội dung ghi trong giấy phép” (điểm a khoản 5 Điều 15) có tính chất giống nhau, đều là tổ chức hoạt động không đúng nội dung ghi trong giấy phép;
Hành vi “kê khai không trung thực các giấy tờ, tài liệu trong hồ sơ đề nghị cấp, cấp lại giấy chứng nhận đủ điều kiện giám định cổ vật” (khoản 1 Điều 24), “kê khai không trung thực trong hồ sơ đề nghị cấp giấy phép đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ karaoke, dịch vụ vũ trường” (điểm a khoản 1 Điều 18); “kê khai không trung thực các giấy tờ, tài liệu trong hồ sơ đề nghị cấp, cấp lại giấy chứng nhận đủ điều kiện hành nghề tu bổ di tích” (khoản 1 Điều 26) đều có tính chất là kê khai không trung thức hồ sơ cấp giấy phép kinh doanh.
Từ một số dẫn chứng như vậy, VCCI đề nghị Ban soạn thảo rà soát lại toàn bộ Dự thảo để xác định chung khung phạt tiền đối với các hành vi có tính chất như phân tích ở trên.
Ngoài ra, về một số hành vi vi phạm có tính chất chồng lấn, theo VCCI trong Dự thảo có một số hành vi có tính chất chồng lấn nhưng ở hai khung xử phạt khác nhau, có thể dẫn tới việc một hành vi vi phạm hành chính có thể áp dụng hai khung phạt tiền. Điều này sẽ tạo ra sự tùy nghi trong thực hiện và gây khó khăn trên thực tế.
VCCI đề nghị Ban soạn thảo rà soát, xem xét các quy định như sau:
Thứ nhất, hành vi “trích ghép, thêm âm thanh, hình ảnh có nội dung vi phạm các quy định của pháp luật vào bản ghi âm, ghi hình ca múa nhạc, sân khấu đã được phép lưu hành” (khoản 2 Điều 12) cũng được xem là hành vi “thêm, bớt hình ảnh hoặc âm thanh làm thay đổi nội dung bản ghi âm, ghi hình ca múa nhạc, sân khấu đã được phép lưu hành” (điểm c khoản 1 Điều 12). Đề nghị Ban soạn thảo loại trừ hành vi quy định tại khoản 2 Điều 12 trong quy định hành vi vi phạm quy định tại điểm c khoản 1 Điều 12;
Thứ hai, hành vi “biểu diễn nghệ thuật, trình diễn thời trang sau 12 giờ đêm đến 8 giờ sáng mà không được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép” (điểm d khoản 3 Điều 15) đã nằm trong hành vi “biểu diễn nghệ thuật, trình diễn thời trang mà không có giấy phép” (điểm a khoản 4 Điều 15). Đề nghị Ban soạn thảo loại trừ hành vi quy định tại điểm d khoản 3 Điều 15 trong quy định tại điểm a khoản 4 Điều 15;
Điều 21 Dự thảo quy định về các vi phạm quy định về hoạt động nhiếp ảnh, trong đó có các hành vi vi phạm về tổ chức triển lãm nhiếp ảnh. Điều 22 Dự thảo quy định về vi phạm quy định về hoạt động triển lãm chung, trong đó được hiểu là cả bao gồm cả triển lãm nhiếp ảnh vì Điều 21 không loại trừ các quy định về triển lãm nhiếp ảnh quy định tại Điều 20. Như vậy, một số quy định tại Điều 21 đã chồng lấn lên quy định về hành vi vi phạm triển lãm tại Điều 20.
Để đảm bảo tính thống nhất và minh bạch, VCCI đề nghị Ban soạn thảo loại trừ các hành vi vi phạm quy định về triển lãm nhiếp ảnh tại Điều 20 trong các quy định tại Điều 21.
Đồng thời, VCCI đề nghị Ban soạn thảo rà soát lại toàn bộ Dự thảo để loại trừ các hành vi có tính chất chồng lấn như phân tích ở trên.
PVBáo cáo từ Bộ Tài chính cho biết, ước giải ngân vốn đầu tư công của cả nước đến hết tháng 11 là 410.953,1 tỷ đồng, đạt 60,43% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao.