Nghị quyết 02/NQ-CP: 'Khoác tấm áo mới' cho môi trường kinh doanh
Triển khai Nghị quyết 02/NQ-CP ngày 10/01/2022 của Chính phủ về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2022, vị trí xếp hạng năng lực cạnh tranh của nền kinh tế nước ta trên các bảng xếp hạng uy tín toàn cầu đã được nâng lên đáng kể.
Gần 60% doanh nghiệp đánh giá môi trường kinh doanh trong nước đã cải thiện tốt hơn
Theo ông Nguyễn Văn Thân, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam (VINASME), cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia là công việc thường xuyên, hằng ngày, hằng giờ và hằng năm của Chính phủ. Nhiệm vụ này có vai trò quan trọng bởi lẽ nền kinh tế Việt Nam đang hội nhập sâu rộng với quốc tế, việc cải cách để hỗ trợ các doanh nghiệp phát triển tốt nhất trong môi trường kinh doanh có mức độ cạnh tranh cao, đồng thời tạo sân chơi "tối ưu" cho các nhà đầu tư nước ngoài là một nhu cầu tất yếu.
Khẳng định nhờ triển khai Nghị quyết 02/NQ-CP, vị trí xếp hạng năng lực cạnh tranh của Việt Nam trên các bảng xếp hạng uy tín toàn cầu đã được nâng lên đáng kể so với năm 2018, ông Thân nêu một vài ví dụ về chỉ số đáng ghi nhận như: Năng lực cạnh tranh 4.0 đứng thứ 67/141 tăng 10 bậc; Chính phủ điện tử xếp thứ 86/165, tăng 2 bậc; phát triển bền vững ở vị trí 51/165, tăng 37 bậc; an toàn an ninh mạng đạt thứ 25/194, tăng 25 bậc.
"Đối với chất lượng môi trường kinh doanh, có đến gần 60% doanh nghiệp đánh giá môi trường kinh doanh trong nước đã cải thiện tốt hơn, rõ rệt hơn ở cả 10 lĩnh vực được nêu trong Nghị quyết 19/NQ-CP và Nghị quyết 02/NQ-CP, trong đó việc thành lập doanh nghiệp và tiếp cận điện năng được đánh giá có cải thiện tốt nhất", Chủ tịch VINASME chia sẻ.
Mặt khác, dù nước ta đã thăng hạng trong nhiều năm liên tiếp, nhưng khoảng 2 năm trở lại đây hoạt động cải cách môi trường đầu tư kinh doanh ở lại có dấu hiệu trùng xuống do đại dịch COVID-19. Một vài chỉ số đã cho thấy sự thiếu bền vững và thậm chí còn giảm đi, như chỉ số đổi mới sáng tạo và phát triển bền vững cùng giảm 2 bậc, quyền tài sản giảm 6 bậc.
Nhận định các con số trên chỉ mang tính tương đối và đã chịu tác động bởi những yếu tố khách quan, ông Thân cho rằng về cơ bản chúng ta vẫn phải tiếp tục thực hiện đúng lộ trình để đạt được các mục tiêu đề ra trong Nghị quyết.
Ba đề xuất để tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh
Cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh dựa trên hai yếu tố quan trọng là cải cách cơ chế, chính sách, thủ tục hành chính và phát triển ứng dụng khoa học công nghệ.
"Có thế thấy hoạt động cải cách hành chính của Chính phủ diễn ra rất hiệu quả trong thời gian qua. Tuy nhiên, nếu nhìn qua góc độ phát triển ứng dụng khoa học công nghệ vào hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp thì chúng ta có lẽ còn nhiều hạn chế", đại diện Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam cho hay.
Dẫn chứng trên thế giới hiện nay có tới 1.336 thành phố thuộc 61 quốc gia cung cấp dịch vụ 5G, trong đó có 5 nước ASEAN đã thí điểm tại 5 địa điểm sân bay, khách sạn, trung tâm mua sắm, còn Việt Nam vẫn đang thử nghiệm trong phòng nghiên cứu của một số tập đoàn, tổng công ty viễn thông trong nước, ông Thân cho rằng điều này cũng nói lên tốc độ ứng dụng khoa học công nghệ của Việt Nam còn chậm và chưa tận dụng được lợi thế lượng người dùng internet ở trong nước.
Do vậy, Chủ tịch VINASME đề xuất Chính phủ cần phân bổ nguồn vốn phù hợp để dành cho phát triển ứng dụng khoa học công nghệ nói chung, và nhất là cơ sở hạ tầng kỹ thuật nói riêng trong lộ trình từ nay đến năm 2025.
Tiếp theo, liên quan đến cải cách hành chính, trong những năm gần đây, vai trò trung gian của các tổ chức đại diện doanh nghiệp là hết sức nổi bật. Các liên hiệp, hiệp hội như VCCI, Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam và một số hiệp hội khác đã phát huy rất tốt vai trò tổng hợp thông tin, phản ánh và phản biện những vấn đề khó khăn, vướng mắc, thậm chí là cả thuận lợi cần được phát huy từ doanh nghiệp tới Nhà nước.
Tuy nhiên, ông Thân nêu vấn đề mà chính các hiệp hội cũng đang gặp phải là sự vào cuộc của họ chỉ mang tính cục bộ, có thời điểm, dẫn đến không ít nội dung chưa thể tìm hiểu một cách thấu đáo. Vì lẽ đó, để các hiệp hội thực hiện tốt nhiệm vụ được nêu trong Nghị quyết 02/NQ-CP, Chính phủ cần yêu cầu các bộ, cơ quan ngang bộ trực thuộc Chính phủ, UBND cấp tỉnh thường xuyên tham vấn VCCI, Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam và các hiệp hội khác trong quá trình thực hiện cải cách hành chính. Phương án tối ưu nhất là các hiệp hội có thể tham gia từ đầu.
"Đồng thời, tôi cũng đề xuất Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành và địa phương công khai kết quả cải cách hành chính theo chuyên đề để các Hiệp hội và người dân có thể cùng theo dõi, góp ý", ông Thân kiến nghị.
Cũng theo ông Nguyễn Văn Thân, để thực sự cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp Việt Nam thì điều thiết yếu, cơ bản là các doanh nghiệp ở mọi lĩnh vực, ngành nghề, quy mô đều được thụ hưởng những chính sách và cơ hội phát triển như nhau.
Chẳng hạn như các doanh nghiệp nhỏ và vừa khi được tham gia vào các dự án đầu tư công thì sẽ được cải thiện năng lực cạnh tranh ở nhiều khâu, từ chuẩn bị tài chính, con người đến lập hồ sơ dự thầu và thi công, quyết toán. Khi Nhà nước trao cơ hội nhiều hơn cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa thì trải qua một thời gian họ sẽ trở thành các doanh nghiệp lớn. Trong trường hợp này, Chủ tịch VINASME đề xuất cơ quan chức năng xem xét, dành khoảng 30% công trình, dự án đầu tư công cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Bên cạnh đó, Nghị quyết 02/NQ-CP là hoạt động thường xuyên của Chính phủ, nhưng trong từng bối cảnh thì cách thức triển khai lại khác nhau. Đặc thù của năm 2022-2023 là phục hồi kinh tế và trong đó có những mục tiêu mang tính ngắn hạn và trung hạn. Vì vậy, theo ông Thân, có thể tạm thời hạ thấp một vài yếu tố để ưu tiên tăng trưởng, dù điều này có thể dẫn đến một vài chỉ số đi lên và một vài chỉ số đi xuống.
"Điều quan trọng là việc triển khai Nghị quyết 02/NQ-CP phải bám sát vào các chủ trương, định hướng lớn của Đảng và Nhà nước, đồng thời phải phù hợp với bối cảnh thay đổi của tình hình thế giới, bao gồm cả kinh tế - chính trị - văn hóa - xã hội', đại diện Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam nhấn mạnh./.
Minh NgọcTheo khảo sát thực trạng doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư tại nước ngoài cho năm tài chính 2024, do Tổ chức Xúc tiến Thương mại Nhật Bản (JETRO) thực hiện, có đến 56,1% số doanh nghiệp được khảo sát trả lời sẽ “mở rộng” kinh doanh trong 1-2 năm tới.