Nghi vấn việc có hay không Landmark Holding đã gian dối số liệu trên BCTC?

Doanh nghiệp - Doanh nhân
09:20 PM 03/06/2020

Landmark Holding (mã: LMH) - một doanh nghiệp nhỏ đang gây hoang mang cho nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán. Trong bài viết trước với nhan đề “Landmark Holding - Nhiều "uẩn khúc" trước khi 25,6 triệu cổ phiếu LMH bị hủy niêm yết”, chúng tôi đã hé lộ phần nào những uẩn khúc trong báo cáo tài chính (BCTC) của họ. Trong bài viết này, chúng tôi tiếp tục phản ánh những uẩn khúc trong BCTC doanh nghiệp này trong thời gian hoạt động trước và sau khi niêm yết.

Nguồn: HK tổng hợp từ báo cáo tài chính

Năm 2017, doanh thu của Landmark tăng đột biến, gấp 4,7 lần, lên đến 1.254 tỷ đồng và lợi nhuận cũng vậy, tăng gấp 4,3 lần lên gần 13 tỷ đồng. Các số liệu về lợi nhuận của Landmark cũng đáp ứng đúng điều kiện "hai năm liền kề có lãi" để niêm yết HOSE, dù trước đó, năm 2015 doanh nghiệp chỉ lãi vẻn vẹn hơn 75 triệu đồng (!).

Tuy nhiên, đến quý IV/2018, cũng là thời điểm doanh nghiệp đã lên sàn “trót lọt” thì số lỗ bắt đầu lộ dần. Giải trình về việc thua lỗ trong quý IV/2018, Landmark cho rằng, việc thua lỗ do giá dầu giảm mạnh (?!).

Sang năm 2019, Landmark thông báo lỗ 27 tỷ đồng và tiếp tục lỗ thêm 8 tỷ đồng trong quý I/2020. 

Mặc dù là mảng cốt yếu, đem lại tăng trưởng cho doanh nghiệp trước khi niêm yết, nhưng từ cuối năm 2019, Landmark bất ngờ rút hẳn hoạt động kinh doanh mảng xăng dầu để chuyển sang kinh doanh năng lượng mặt trời.

Điều đáng nói, trước khi số liệu báo cáo tài chính năm 2019 được kiểm toán thì ở báo cáo tự lập, Landmark vẫn báo lãi hơn 64 triệu đồng và họ lý giải khoản chênh lệch lợi nhuận năm 2018 và 2019 là “do nền kinh tế biến động ảnh hưởng tới mảng kinh doanh xăng dầu, hóa chất”. Trong khi năm 2019 giá dầu phục hồi sau khi giảm mạnh ở quý IV/2018 và dao động quanh mốc 50 - 60 USD/thùng.

Dự án Manhattan được kỳ vọng là dự án “mồi” giúp doanh nghiệp phát triển nhưng lại bị dừng, mảng xăng dầu, hóa chất từng đem lại tăng trưởng thần tốc giúp doanh nghiệp lên sàn lại bị doanh nghiệp loại bỏ để lấn sang lĩnh vực năng lượng mặt trời, nay vẫn chưa thấy có kế hoạch đầu tư cụ thể. Năng lực tài chính yếu kém nhưng lại kinh doanh dàn trải như vậy khiến nhiều người không khỏi nghi vấn đặt dấu hỏi: Có phải doanh nghiệp này đang tạo ra "bánh vẽ" để che giấu hoạt động kinh doanh bết bát của mình?


Nguồn: HK tổng hợp từ báo cáo tài chính

Theo báo cáo tài chính của Landmark Holding, giai đoạn 2015 - 2018, doanh thu của doanh nghiệp này tăng trưởng mạnh, nhưng khoản phải thu dường như cũng ngày càng phình to theo cấp số nhân.

Theo đó, như chúng tôi đã nêu trong bài báo trước, đến thời điểm cuối năm 2018, khoản phải thu chiếm tới 76% tổng tài sản và tăng gấp 2,3 lần so với cuối năm 2017, trong đó khoản trả trước cho người bán gần 446 tỷ đồng. Tới cuối năm 2019 khoản phải thu giảm còn 429 tỷ đồng nhưng có đến 308 tỷ đồng phía kiểm toán không nhận được thư xác nhận.

Thư xác nhận công nợ phải thu là một thủ tục quan trọng để kiểm toán viên thu thập bằng chứng về sự hiện hữu của khoản mục này, được thu thập trực tiếp bằng văn bản từ các nguồn độc lập bên ngoài đơn vị.

Khoản mục nợ phải thu là một khoản mục quan trọng, là tài sản của doanh nghiệp đang bị đối tác bên ngoài chiếm dụng, cũng như sẽ hé lộ các sai phạm tồn tại (nếu có) trong việc ghi nhận cũng như quản lý nợ phải thu tại các doanh nghiệp.

Landmark có 214 tỷ đồng trả trước cho người bán, trong đó có 211 tỷ đồng trả trước cho Công ty CP Xây dựng Ba Đình để cọc mua lại 327 căn hộ và khu thương mại ở dự án Manhattan Tower nhưng kiểm toán lại không thu được thư xác nhận.
 

Nguồn: Báo cáo tài chính hợp nhất năm 2019 đã kiểm toán

Bên cạnh đó, kiểm toán cũng không thu thập được thư xác nhận gần 135 tỷ đồng khoản người mua trả tiền trước. Lục lại phần thuyết minh BCTC thì thấy: Hết năm 2019, Landmark có 150 tỷ đồng người mua trả tiền trước trong đó có tới 138 tỷ đồng là tiền khách hàng cá nhân ứng trước cho công ty để mua căn hộ tại dự án Manhattan.

 

Nguồn: Báo cáo tài chính hợp nhất năm 2019 đã kiểm toán

Kiểm toán không thu thập được thư xác nhận khoản cọc mua 327 căn chung cư Manhattan và tiền khách hàng ứng trước ở dự án này. Tức là, Landmark đang giả dối về số liệu nhằm lừa dối nhà đầu tư, khách hàng và cổ đông?

Đáng chú ý hơn khi khoản tiền cọc mua 327 căn chung cư ở Manhattan này đã xuất hiện trên báo cáo tài chính kiểm toán quý II/2018 của Landmark với con số gần 201 tỷ đồng tại ngày 30/6. 

Nguồn: Báo cáo tài chính hợp nhất quý II/2018 đã kiểm toán

Trước đó, ngày 5/1/2018 Công ty CP Xây dựng Ba Đình và Landmark ký thỏa thuận mua bán 327 căn chung cư và khu thương mại ở dự án Manhattan mà theo đó số liệu này đã tồn tại trên báo cáo kiểm toán quý II/2018 nhưng lại không được kiểm toán phát hiện. Vì sao vậy?

Giai đoạn từ năm 2015 - 2018, Công ty TNHH Kiểm toán và Tư vấn A&C thực hiện kiểm toán cho Landmark. Thế nhưng tới năm 2019, doanh nghiệp đổi sang Công ty TNHH Kiểm toán và Tư vấn Chuẩn Việt (VietValues).

Vậy, tại thời điểm hết quý II/2018, Landmark lấy đâu ra thư xác nhận cung cấp cho kiểm toán để chứng thực sự tồn tại của khoản cọc hơn 200 tỷ cho Công ty CP Xây dựng Ba Đình? Tại sao vấn đề này chỉ vỡ lở khi doanh nghiệp đổi đơn vị kiểm toán?

Việc dự án Manhattan bị đình trệ khiến hàng loạt khách hàng khóc ròng vì đổ tiền vào dự án nhưng nhận lại vẫn chỉ là hình ảnh tòa nhà xây dựng dở dang đang “đắp chiếu”. Trong khi cổ đông, nhà đầu tư bị thiệt hại nặng khi cổ phiếu rơi một mạch từ trên 15.000 về chưa tới 800 đồng/cp hết phiên 26/5 và bắt buộc phải hủy niêm yết.

Thực trạng nói trên khiến nhiều nhà đầu tư phải dặt dấu hỏi: Tại sao một doanh nghiệp như Landmark lại có thể dễ dàng được chấp thuận giao dịch trên HOSE? 

Đặc biệt, những quy định niêm yết tối thiểu như “hai năm liền kề có lãi, ROE năm gần nhất ≥ 5%”, tưởng chừng như rất chặt chẽ, minh bạch, nhưng tại sao lại bị  doanh nghiệp "qua mặt" bằng các “kỹ xảo” làm đẹp báo cáo tài chính như vậy? Để rồi, như cái kim trọng bọc, doanh nghiệp mới chỉ khi lên sàn một thời gian ngắn như vậy đã bắt đầu bộc lộ ra những uẩn khúc...        

Sự việc đã rõ mười mươi, vậy có cơ chế nào xử phạt những doanh nghiệp như Landmark Holding để tránh xảy ra những thảm kịch tương tự có thể xảy ra trong tương lai?

 

Diễn biến giá cổ phiếu LMH từ khi niêm yết đến nay (Nguồn: TradingView)

Tháng 10/2018, Landmark chính thức niêm yết HOSE với mức giá 11.200 đồng/cp, tới đầu tháng 8/2019 cổ phiếu đạt đỉnh khi vượt 15.000 đồng/cp và từ đó lao dốc không phanh khi kết phiên 26/5 chỉ còn 760 đồng/cp.

Cuối năm 2019 và đầu năm 2020, cổ phiếu LMH ghi nhận kỷ lục sàn 25 phiên liên tiếp, lãnh đạo bị bán giải chấp cổ phiếu trước thông tin doanh nghiệp báo lỗ hơn 4 tỷ đồng trong quý IV/2018.

Hoàng Kiều
Ý kiến của bạn