Nghịch lý của doanh nghiệp ngành gạo

Kinh doanh
01:25 PM 01/03/2025

Dù xuất khẩu gạo lập kỷ lục, hiệu quả kinh doanh của các doanh nghiệp trong ngành lại không như kỳ vọng.

Năm 2024, xuất khẩu gạo bứt phá với giá cao kỷ lục. Theo số liệu từ Tổng cục Hải quan, Việt Nam xuất khẩu 9,03 triệu tấn gạo trong năm 2024, đạt giá trị 5,67 tỷ USD, tăng lần lượt 11,1% và 21,2% so với năm 2023. Đây là những con số kỷ lục của ngành gạo Việt Nam, đồng thời 2024 cũng là năm thứ 5 liên tiếp kim ngạch xuất khẩu gạo ghi nhận tăng trưởng dương.

Nghịch lý của doanh nghiệp ngành gạo- Ảnh 1.

Ảnh minh họa. Nguồn: VnEconomy

Dù xuất khẩu gạo lập kỷ lục, hiệu quả kinh doanh của các doanh nghiệp trong ngành lại không như kỳ vọng. Lợi nhuận nhiều doanh nghiệp suy giảm, thậm chí lỗ nặng, có doanh nghiệp đứng trước nguy cơ bị hủy niêm yết.

Cụ thể, theo báo cáo của các doanh nghiệp ngành gạo, tổng doanh thu thuần của 9 doanh nghiệp trên các sàn HOSE, HNX và UPCoM đạt 40,400 tỷ đồng, giảm 5% so với năm trước. Lãi ròng giảm mạnh hơn một nửa, chỉ còn 80 tỷ đồng. Biên lãi gộp trung bình giảm nhẹ 0,1 điểm %, còn 8,6%.

Thực tế, gạo là thị trường có biên lợi nhuận thấp và nhiều rủi ro. Do đó, các doanh nghiệp thường chịu áp lực từ chi phí lãi vay cao, áp lực thu mua từ nông dân, giá thành lúa đầu vào.

Nhìn chung, bức tranh kinh doanh của các doanh nghiệp gạo Việt Nam hiện lên với nhiều gam màu "tối", phản ánh những khó khăn và thách thức mà ngành phải đối mặt.

Cụ thể, Vinaseed (NSC) dù biên lãi gộp vẫn ở mức cao (29,7%), nhưng cũng đã giảm 1,5 điểm phần trăm so với cùng kỳ, kéo theo lãi ròng giảm nhẹ 3%, xuống gần 218 tỷ đồng - mức thấp nhất trong 4 năm qua. Trong khi đó, doanh thu năm 2024 đạt mức đỉnh mới 2,449 tỷ đồng, tăng 20% so với năm 2023.

Tương tự, Giống cây trồng Miền Nam (SSC) cũng chứng kiến biên lãi gộp thu hẹp 4.1 điểm %, xuống 28.7%, khiến lãi ròng giảm mạnh 22% so với năm 2023, chỉ còn 42.5 tỷ đồng. Đây cũng là mức thấp nhất trong 4 năm, dù doanh thu tăng 29%, lên 388 tỷ đồng.

Vinafood II (VSF) dù thoát lỗ nhưng lại giảm lợi nhuận mạnh nhất ngành. Lãi ròng năm 2024 chỉ đạt 4.2 tỷ đồng, lao dốc 82% so với năm trước. Riêng quý 4, lãi ròng của VSF giảm tới 92%, chỉ còn 1,5 tỷ đồng, chủ yếu do những tháng cuối năm tình hình thị trường xuất khẩu gạo và tỷ giá đồng USD có nhiều biến động. Đến cuối năm 2024, VSF vẫn gánh lỗ lũy kế 2,789 tỷ đồng.

Trong khi đó, Công ty Cổ phần Xuất Nhập khẩu An Giang (Angimex; HoSE: AGM) tiếp tục chìm sâu trong thua lỗ khi báo cáo tài chính hợp nhất quý IV/2024 ghi nhận doanh thu thuần hơn 31 tỷ đồng, giảm mạnh 87% so với cùng kỳ năm trước. Trong khi đó, sau khi khấu trừ các khoản thuế phí, doanh nghiệp báo lỗ ròng hơn 140 tỷ đồng. Tính chung cả năm 2024, Angimex đạt doanh thu thuần 241 tỷ đồng, giảm 69% so với năm trước, trong khi khoản lỗ sau thuế tiếp tục gia tăng, lên hơn 251 tỷ đồng - tương đương mức tăng 18% so với năm 2023.

Trên thực tế, tình hình tài chính của Angimex đã suy yếu nghiêm trọng từ năm 2022 khi công ty bắt đầu lỗ ròng 233 tỷ đồng, sau đó tiếp tục mất 220 tỷ đồng trong năm 2023. Đến năm 2024, con số này không những chưa cải thiện mà còn tiếp tục nới rộng.

Hệ lụy của chuỗi thua lỗ kéo dài là vốn chủ sở hữu của Angimex ngày càng xói mòn. Tính đến cuối năm 2024, lợi nhuận sau thuế chưa phân phối âm 417 tỷ đồng - gấp hơn 2,3 lần vốn điều lệ thực góp 182 tỷ đồng - khiến vốn chủ sở hữu lao dốc xuống mức âm 235 tỷ đồng.

Trước tình trạng này, HoSE đã gửi công văn cảnh báo khả năng cổ phiếu AGM bị hủy niêm yết bắt buộc nếu báo cáo tài chính hợp nhất kiểm toán năm 2024 tiếp tục cho thấy lỗ lũy kế vượt vốn điều lệ thực góp. Nếu tình hình không sớm cải thiện, nguy cơ AGM bị hủy niêm yết rất cao.

Minh An (t/h)
Ý kiến của bạn
Thủ tướng: Tháo gỡ dứt điểm vướng mắc cho 1.533 dự án kéo dài, tồn đọng Thủ tướng: Tháo gỡ dứt điểm vướng mắc cho 1.533 dự án kéo dài, tồn đọng

Sáng 30/3, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì cuộc họp với Ban Chỉ đạo về rà soát, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc liên quan đến các dự án để nghe báo cáo về tình hình rà soát, đánh giá, tìm giải pháp tiếp tục tháo gỡ khó khăn vướng mắc cho các dự án đang tồn đọng.