Nghịch lý ngành bảo hiểm: Doanh thu tăng, lợi nhuận giảm

Kinh doanh
08:30 AM 16/11/2024

Doanh thu khai thác mới phí bảo hiểm đã bắt đầu tăng trưởng trở lại sau nhiều kỳ sụt giảm. Thế nhưng điều này cũng không giúp cho nhiều doanh nghiệp thoát lỗ.

Bộ Tài chính cho biết, thị trường bảo hiểm hiện có 85 doanh nghiệp kinh doanh bảo hiểm, trong đó có 31 doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ, 19 doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ, 2 doanh nghiệp tái bảo hiểm và 32 doanh nghiệp môi giới bảo hiểm và 1 chi nhánh doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài.

Nghịch lý ngành bảo hiểm: Doanh thu tăng, lợi nhuận giảm- Ảnh 1.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Theo số liệu của Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm (Bộ Tài chính), trong 10 tháng năm 2024, doanh thu phí bảo hiểm lĩnh vực bảo hiểm phi nhân thọ ước đạt 65.027 tỷ đồng, tăng 12,6% so với cùng kỳ năm trước; ; lĩnh vực bảo hiểm nhân thọ ước đạt 119.204 tỷ đồng, giảm 6,17% so với cùng kỳ năm trước.

Để đảm bảo quyền lợi cho khách hàng, 10 tháng qua, các doanh nghiệp bảo hiểm đã thực hiện chi trả quyền lợi bảo hiểm cho khách hàng ước đạt 71.118 tỷ đồng, tăng 23,36% so với cùng kỳ năm trước.

Tổng số tiền đầu tư trở lại nền kinh tế 10 tháng năm 2024 ước đạt 841.183 tỷ đồng, tăng 12,6% so với cùng kỳ năm trước; tổng dự phòng nghiệp vụ bảo hiểm ước đạt 657.051 tỷ đồng, tăng 13,3% so với cùng kỳ năm trước.

Đây được xem là tín hiệu tích cực cho thị trường tài chính - bảo hiểm trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu và Việt Nam vẫn còn nhiều khó khăn. Chỉ số tăng trưởng dương cho thấy niềm tin, sự lạc quan đã dần quay lại với thị trường bảo hiểm dù còn nhiều khó khăn phía trước để giữ vững đà tăng này.

Tuy nhiên, mặc dù doanh thu phí bảo hiểm tăng cũng không giúp cho nhiều doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ có được kết quả kinh doanh khởi sắc như kỳ vọng.

Mức giảm mạnh nhất ghi nhận tại Vinare khi sau quý II/2024 kinh doanh khởi sắc thì sang quý III lỗ ròng gần 51 tỷ đồng. Tương tự, VNI và BSH cùng ghi nhận lỗ ròng lần lượt là 44 tỷ đồng và 57 tỷ đồng trong quý III.

Ngay cả các "ông lớn" cũng có lợi nhuận trong quý III/2024 giảm mạnh so với cùng kỳ năm ngoái. Như BIC giảm tới 45%, chỉ còn 82 tỷ đồng; PVI giảm tới 44%, đạt 198 tỷ đồng; MIC cũng giảm mạnh tới 42%, ghi nhận 31 tỷ đồng; trong khi PJICO giảm nhẹ so với cùng kỳ, với lợi nhuận đạt 48 tỷ đồng.

Nguyên nhân chủ yếu khiến lợi nhuận trong quý III của các doanh nghiệp trên giảm là do các tổn thất liên quan đến cơn bão số 3 làm tăng chi phí chi trả bảo hiểm.

Theo Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm, tính đến ngày 31/10, các doanh nghiệp bảo hiểm đã tạm ứng bồi thường hơn 434,4 tỷ đồng cho các khách hàng bị thiệt hại bởi cơn bão số 3.

Trong đó, các doanh nghiệp bảo hiểm đã ghi nhận 103 trường hợp tử vong và thương tật của khách hàng. Tổng số tiền ước tính phải chi trả quyền lợi bảo hiểm là khoảng 21,25 tỷ đồng.

Đối với bảo hiểm phi nhân thọ, các doanh nghiệp bảo hiểm đã tiếp nhận khoảng 14.772 thông tin thiệt hại về bảo hiểm sức khỏe, bảo hiểm tài sản kỹ thuật, bảo hiểm xe cơ giới và các nghiệp vụ khác bao gồm bảo hiểm thân tàu, bảo hiểm nông nghiệp. Tổng số tiền các doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ đã tạm ứng bồi thường là 416,7 tỷ đồng.

Để đảm bảo thị trường bảo hiểm phát triển bền vững, minh bạch, thời gian tới, Cục Quản lý giám sát bảo hiểm (Bộ Tài chính) tiếp tục triển khai thanh tra, kiểm tra các DNBH, DN môi giới bảo hiểm theo kế hoạch được phê duyệt; phân tích, đánh giá tình hình tài chính, tình hình hoạt động của các DNBH; tăng cường giám sát việc thực hiện các quy trình nghiệp vụ, quản lý chất lượng đại lý.

Bên cạnh các nhiệm vụ trên, Cục Quản lý giám sát bảo hiểm cũng đã phối hợp với Văn phòng Chính phủ rà soát, chỉnh lý, trình Chính phủ ký ban hành Nghị định sửa đổi, bổ sung các nghị định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kinh doanh bảo hiểm...

Minh An (t/h)
Ý kiến của bạn