Nghiên cứu đầu tư, mở rộng cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ theo phương thức PPP
Để đáp ứng nhu cầu vận tải, thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội, Bộ Xây dựng thống nhất với đề xuất của nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án về sự cần thiết phải nghiên cứu đầu tư mở rộng tuyến cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ theo phương thức PPP.
Bộ Xây dựng vừa có văn bản gửi Cục Đường bộ Việt Nam cùng Công ty CP Đầu tư và Xây dựng giao thông Phương Thành (nhà đầu tư) về việc đầu tư mở rộng tuyến cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ theo phương thức đối tác công tư (PPP).
Theo đó, Bộ Xây dựng thống nhất với đề xuất của nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án về sự cần thiết phải nghiên cứu đầu tư mở rộng tuyến cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ theo phương thức PPP.
Việc mở rộng nhằm đáp ứng nhu cầu vận tải, giảm ùn tắc giao thông, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội khu vực, từng bước hoàn thiện quy hoạch mạng lưới đường bộ thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Lưu lượng xe lưu thông trên tuyến Pháp Vân - Cầu Giẽ rất lớn đã vượt quá công suất thiết kế. Ảnh: Báo GT
Cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ dài khoảng 29km có điểm đầu tại Km 182+300 (nút giao Pháp Vân) và điểm cuối tại Km 211+256 (nút giao Đại Xuyên) với quy mô mặt cắt ngang 33,5m gồm 6 làn xe cơ giới. Giai đoạn 1 bắt đầu thu phí từ tháng 10/2013 còn giai đoạn 2 khai thác từ ngày 5/7/2019.
Hôm 7/3 vừa qua, Công ty CP Đầu tư và Xây dựng giao thông Phương Thành gửi văn bản đến Bộ Xây dựng đề xuất mở rộng tuyến đường cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ lên quy mô 10 - 12 làn xe theo phương thức PPP.
Doanh nghiệp này chỉ ra hiện tại lưu lượng xe lưu thông trên tuyến Pháp Vân - Cầu Giẽ rất lớn, riêng năm ngoái lưu lượng xe con quy đổi trung bình cho cả hai chiều là khoảng 85.000 xe con quy đổi/ngày đêm - gần gấp đôi lưu lượng theo hồ sơ thiết kế là khoảng 55.400 xe quy đổi/ngày đêm.
Do đó việc mở rộng tuyến đường cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ lên quy mô 10 - 12 làn xe là hết sức cần thiết, phù hợp với quy hoạch mạng lưới đường bộ thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Công ty Cổ phần đầu tư và xây dựng giao thông Phương Thành cũng đề xuất 3 phương án mở rộng tuyến cao tốc.
Cụ thể, phương án 1: mở rộng từ nút giao Pháp Vân đến nút giao Phú Thứ. Để hạn chế khối lượng giải phóng mặt bằng và hạn chế ảnh hưởng đến đời sống nhân dân hai bên tuyến đường, phạm vi tuyến đường mở rộng sẽ được bố trí trên cầu cạn chạy dọc tuyến, phần cầu cạn được bố trí tại dải đất giữa đường cao tốc và đường gom.
Phương án 2: mở rộng từ nút giao Pháp Vân đến nút giao Đại Xuyên, phạm vi tuyến đường mở rộng sẽ được bố trí trên cầu cạn chạy dọc tuyến, phần cầu cạn được bố trí tại dải đất giữa đường cao tốc và đường gom.
Phương án 3: mở rộng từ nút giao Pháp Vân đến nút giao Đại Xuyên. Trong đó, đoạn từ nút giao Pháp Vân đến nút giao Khê Hồi đi qua nhiều khu vực dân cư được đề xuất bố trí làm cầu cạn chạy dọc tuyến để hạn chế khối lượng giải phóng mặt bằng và hạn chế ảnh hưởng đến đời sống nhân dân hai bên tuyến đường.
Huyền My (t/h)
Ngành công nghiệp hóa dược Việt Nam đang đứng trước nhiều thách thức lớn, chỉ khi có những bước đi quyết liệt và đồng bộ, ngành hóa dược Việt Nam mới có thể vươn mình ra thị trường quốc tế, phục vụ ngành công nghiệp dược phẩm đáp ứng tốt nhất nhu cầu chăm sóc sức khỏe của người dân.